Chủ Nhật, 13/07/2025
31 C
Ho Chi Minh City

Hồn làng trong phố

Đứng trên cây cầu mới Thủ Thiêm, nhìn về hướng đông, nơi mặt trời vừa nhô lên từ phía biển,tôi bất ngờ choáng ngợp trước một mảng màu xanh đến nao lòng giữa lô xô những khối nhà cao tầng. Một khoảng xanh giữa lòng thành phố giống như một ốc đảo giữa sa mạc. Người bạn đi cùng chỉ tay nói như reo: khu du lịch về nguồn làng tôi mà em giới thiệu đó anh.

Đã từng đi qua “ một thoáng Việt Nam, Phủ Thành Chương hay cố Viên Lầu, những khu du lịch văn hóa gắn với cội nguồn dân tộc độc đáo và đặc sắc, tôi tò mò muốn biết, david Phan Thành,cái ông việt kiều Canada máu mê này làm gì với Làng tôi khi ý tưởng thể hiện có vẻ như đã cạn kiệt. Vậy mà, vượt qua con đường đông đúc, lô xô những mái nhà nửa quê nửa tỉnh,dưới chân càu Thủ Thiêm, tôi đã thật sự bất ngờ. Khi cánh cửa gỗ của làng rộng mở đón chúng tôi, có cảm giác như tôi vừa bước qua một vùng đất khác trong ánh sánh lung linh của câu chuyện cổ. Ùa vào trong tôi một cảm giác hoàn toàn thư thái, tươi mới, cảm giác yên bình của một vùng quê. Cách trung tâm quận 1 không xa, nhưng dư âm về một cuộc sống xô bồ, ồn ã, náo nhiệt giữa một đô thị hiện đại đông dân vào bậc nhất nước phía bên kia sông dường như đã biến đâu mất cả. Vốn xuất thân từ một vùng quê Bắc bộ, cả một thời niên thiếu gắn với cái cày, con trâu, tôi lặng đi khi được nhìn ngắm khung cảnh mà ở quê tôi bây giờ cũng đã trở thành ký ức buồn. Tôi ngẩn ngơ quan sát những mái nhà tranh thân quen, ngắm hàng cau bên những mái hiên, rặng trâm bầu, khóm tre xanh và đàn trâu đang ung dung gặm cỏ. Cái cảm giác của người nông phu hiển hiện rõ ràng hơn khi tôi nhìn những đàn cò trắng chấp chới trên đồng lúa đang làm đòng và những cô gái bận đồ bà ba nghiêng nón lá bước qua chiếc cầu tre …một cảnh làng quê mà bây giờ cũng hiếm thấy ở miệt vườn vùng đồng bằng châu thổ.

Ít ai biết, khát vọng dựng lại hồn quê của người Việt Kiều Canada được nung nấu suốt từ những ngày sống tha hương ở nước người. Làm lụng cực khổ ở Canada trong những ngày tuyết trắng, trong giá rét, nhiệt độ âm 13, 14 độ, lòng anh da diết nhớ ruộng muối quê hương, nhớ cha,nhớ mẹ, sầu viễn xứ. Đó là lý do đưa anh về Việt Nam và quyết định xây dựng cái làng này. Vì Sao? Vì sống ở nơi đất khách, không lúc nào anh không nhớ đến quê hương, nhớ cái làng nhỏ của mình. David Thành tâm sự như vậy. Đó là vào những năm 80 của thế kỷ trước.Sang Canada định cư từ trước 1975, Phan Thành có một cuộc sống có thể coi là thành đạt với một người việt ở nước ngoài. Có công việc làm ăn đàng hoàng, được nhập quốc tịch,có gia đình yên ấm và cuộc sống sung túc. Nhưng ở nơi đất khách quê người nỗi nhớ quê hương vẫn thường trực dằn vặt anh. Không phải là mục tiêu kinh doanh mà chính là tình yêu quê hương đã thúc đẩy anh trở về nơi cắt rốn chôn nhau, với bến đậu mới là thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1984 anh khởi động một cuộc phiêu lưu mới. Anh bắt đầu cuộc sống ở quê hương Việt Nam với những chuyến làm ăn buôn bán nhỏ đặt nền móng cho những hoạt động kinh doanh lớn sau này.

Cơ duyên gắn bó với một mảnh hồn làng đến với anh thật bất ngờ.Năm 1988 trong một chuyến đi công tác Vũng Tàu trở về, dừng xe trên cầu Sài Gòn, thả hồn đi tìm một phút bình yên, anh bất chợt nhận ra một vùng đồng bưng ngút ngàn. Hỏi thăm mới biết đó là cánh đồng bưng thuộc xã An Khánh huyện Thủ Đức. Lúc ấy, trong óc anh lóe lên một ý định kỳ quặc. Sau phút giây định mệnh đó, anh quyết định đi thực địa vùng đất toàn đầm lầy này. Mấy ngày lặn lội ngang dọc trên mảnh đất chỉ có cỏ hoang và dừa nước, trong trái tim người Việt kiều quê gốc ở Nam Bộ,cái máu khẩn hoang từ trong huyết quản bỗng trào lên. Đó là lúc anh quyết định gắn đời mình với mảnh đất hoang hóa này. Năm 1989 anh bỏ tiền mua 6 hec ta đất bưng phèn mặn trong sự kinh ngạc của nhiều người. Gọi là đất cho oai chứ thực ra lúc đó khu đầm lầy này là khu đất hoang sơ toàn nước mặn, không có điện, không có nước ngọt. Ý định của Phan Thành, vì vậy,được người vợ coi là một ý định điên khùng”. Nhưng anh đã quyết dấn thân. Và,Phan Thành bắt đầu công cuộc “ dời non lấp biển” từ vùng đất hoang hóa đó với tham vọng cháy bỏng “ dời” cái làng nhỏ từ quê anh- Trà Vinh lên thành phố Hồ Chí Minh. Cái tên Làng tôi ra đời có lẽ cũng với ý nghĩa đó. Làm việc quần quật như một lão nông tri điền thực thụ, anh Việt kiều khác người và khác đời đã làm cái việc ngông cuồng mà không phải ai cũng hiểu: về Trà Vinh bứng từng cây sú, cây vẹt,cây tràm, cây hoa mua…những loài cây gần như rất ít giá trị về kinh tế dời đô lên Sài Gòn. Phan Thành cùng cộng sự đã trở thành những người nông phu bắt tay vào sự nghiệp khẩn hoang lập ấp. Họ cần mẫn đắp từng con đập,khơi từng dòng chảy, ủ từng mầm cây kiên trì cải tạo mảnh đất của mình cho đến hôm nay.

Nhưng nghề chơi cũng lắm công phu. Biến cả một vùng đầm lầy mênh mông thành một khu làng quả là chuyện không hề đơn giản. Hàng trăm,hàng ngàn xe đất đổ về vùng bưng để lấp đìa,làm đường, san nền ,dựng nhà đã làm bãi biển hóa nương dâu. Không hẳn là chuyện Ngu công dời núi nhưng công sức mà họ bỏ ra cũng không thể cân đong đo đếm được. Và sắt đã thành kim. Nhưng xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất đã khó, để tạo cho được một môi trường có sự sống ở vùng bưng chua mặn này coi bộ còn khó hơn nhiều. Thời gian đầu, cắm cây gì xuống đất là cây đó chết, thả con gì xuống nước là con đó chết vì phèn quá nặng.Lại một cuộc đấu chí quyết liệt với thiên nhiên. Phan Thành thức trắng nhiều đêm nhưng không khuất phục trước thử thách. Anh cầu viện các nhà khoa học. Anh học tập các kinh nghiệm về thau chua rửa mặn trong dân gian. Đổ vôi bột vào hố để khử phèn. Mua đất thịt về trộn với phân đổ xuống để trồng cây. Đào hệ thống kênh mương dẫn nước ngọt, nạo vét để tiếp tục rửa phèn. Và trời không phụ người. Thành quả đã nhìn thấy được. 6 hec ta đất hoang hóa được anh hô biến,từ một vùng đất chết đã sống dậy thành một ngôi làng bằng xương bằng thịt, dưới sông cá lội trên trời chim bay. Tiền của không đổ xuống sông xuống biển. Bắt đầu từ vốn đầu tư ban đầu; 320 lượng vàng và 200.000 USD. Đến năm thứ 20 này Làng tôi ít nhất cũng ngốn cùa Phan Thành khoảng 7, 8 triệu USD. Một cuộc làm ăn không có lời về mặt kinh tế

Vâng, có vẻ như đó là một cuộc chơi, một cái thú đam mê bất chấp lời lỗ. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi về điều đó khi đi dạo quanh những con đường gập ghềnh của Làng tôi. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết số tiền Phan Thành phải bỏ ra để duy trì khu du lịch về nguồn khoảng từ 15 đến 20.000USD mỗi tháng. Càng ngạc nhiên hơn khi nhiều năm nay, làng tôi chưa thu lời được một đồng nào. Phan Thành phải lấy nguồn thu từ nơi khác để bù đắp chi phí cho Làng tôi. Không biết có bao nhiêu người làm kinh tế kiểu như anh, nhưng tôi hiểu cái triết lý của anh khi anh trả lời các nhà báo: Có hề gì, tôi làm ra nó, xây dựng hình hài nó từ những ngày đầu tiên, tự tay trồng cây dừa,cây cau đã là hạnh phúc. Hạnh phúc vì đã xây dựng tái hiện ngôi làng tôi như ở Trà Vinh là đã lời, đã lời to lắm rồi.

Hóa ra,Tính toán lời lỗ của anh nằm trong cái khái niệm hạnh phúc mà anh quan niệm. Nó khiến anh, giờ đây gần như đã quên hẳn cái đất nước Canada mà anh từng ngụ cư, yên tâm sống hạnh phúc trong ngôi làng mà anh xây dựng lên tại thành phố Hồ Chí Minh, một cuộc sống hạnh phúc bình dị của một lão nông tri điền. Tôi càng khảng định thêm điều này khi nghe anh kể rằng nhiều đêm không ngủ được, trở dậy lang thang đi dọc bờ kênh, nghe tiếng vạc kêu, trái bần rụng, tiếng cá đớp trăng, anh thấy mình hạnh phúc vô bờ…Nhưng ngẫm nghĩ lại, đó không chỉ là hạnh phúc của một nông phu, đó là hạnh phúc của bậc “tiên phong đạo cốt” nhưng cũng là hạnh phúc của một con người hiện đại, khi tìm lại được cuộc sống hòa hợp, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, nét chính yếu trong đời sống thị dân thời @

Trong tương lai không xa, khi phố Đông – khu đô thị Thủ Thiêm thành hình, Khu du lịch làng tôi sẽ trở thành ốc đảo trù mật giữa lòng đô thị. Bên cạnh những cao ốc văn phòng, khu liên hợp thương mại, khu khách sạn cao cấp hiện đại, người ta sẽ tìm đến đây để chiêm ngưỡng nét văn hóa làng đã đang dần biến mất của cơn lốc đô thị hóa. Phan Thành đã có lý khi đưa ra tríết lý kinh doanh kỳ lạ của anh. Những tính toán trong cuộc làm ăn của anh không phải là những con số thống kê kinh tế. Không đơn giản là vài triệu đô la. Cái anh để lại cho các thế hệ sau lớn hơn nhiều và không phải ai cũng làm được. Đó không chỉ là tình yêu đối với một làng quê đơn thuần mà là khát vọng cháy bỏng đối với bảo tồn nguồn cội, với truyền thống dân tộc. Nó vượt lên trên những tính toán lời lỗ thông thường. Anh có thể mất vài triệu đô la, thậm chí vài chục triệu đô la nhưng cái anh để lại sẽ là cái sản phẩm văn hóa vô giá- cái văn hóa làng,hồn cốt của một dân tộc đã trường tồn qua hàng ngàn năm lịch sử.

Mai sau, khi cơn lốc đô thị hóa đầy tham vọng với cái dạ dày rất khỏe của nó sẽ cuốn dần những bờ xôi ruộng mật và thay thế bằng những khối bê tông sắt thép vô hồn, người ta sẽ nhớ đến anh khi tỉnh giấc mộng chinh phục và tàn phá thiên nhiên. Trong vô số những hiểm họa: những lổ thủng tầng ô dôn, sự tan băng ở bắc cực, nhiệt độ trái đất tăng và mực nước biển dâng , người ta hiểu hơn hành động của Phan Thành. Cuộc sống không đơn giản chỉ có bảo tồn. Công việc giữ mạnh hồn làng cùa Phan Thành buộc chúng ta phải suy nghĩ nghiêm túc về việc đi tìm một mô hình đô thị kiểu mới, có sự cân bằng giữa cuộc sống hiện đại với truyền thống, sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Đó là con đường duy nhất đúng để chúng ta tự bảo vệ mình, bảo vệ môi trường sống của hành tinh

Tôi ngắm những cô thôn nữ diệu vợi trên chiếc cầu khỉ bắc qua con rạch giữa làng, những hình ảnh bây giờ đã hiếm thấy ở đồng bằng sông Cửu Long, trong lòng bừng lên những cảm xúc thật kỳ lạ. Chưa nói đến tầm nhìn đi trước thời đại trong khi doanh. Nhưng đến lúc này, có thể nói Làng tôi đã thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa về nguồn. Những bà con Việt kiều ở xa đất nước coi đây là điệm họp mặt quen thuộc để thỏa mãn nối nhớ quê hương. Làng tôi trở thành nơi gặp gỡ lý tưởng cho những người con xa quê lúc nào cũng đau đáu về ngôi làng nhỏ của mình.Không chỉ là mảnh hồn làng trong cuộc sống hiện đại với những chiếc lò rèn đỏ lửa quanh năm, chiếc chõng tre, cái điếu bát, ấm hãm nụ vối, câu vọng cổ, đờn ca tài tử. Người ta đến đây để tìm gặp những người nông dân kéo chài,hái dừa,gặt lúa bằng xương bằng thịt. Để có dịp đắm mình trong phiên chợ làng quê cuối năm của một thời xa lắc với những quán cóc liêu xiêu và những món ăn quê dân dã.Cả những cô thôn nữ bán hàng trong chiếc áo tứ thân đon đả mời chào., cái hồn cốt của làng quê Việt Nam

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất