Thứ Bảy, 19/04/2025
30.6 C
Ho Chi Minh City

Nhiêu Lộc Lại Xanh

Tôi đứng ngẩn người trước tấm bia công trình kinh Nhiêu Lộc Thị Nghè. Trời cuối năm mát như không tưởng. Con đường Hoàng Sa – con đường uốn lượn như hình tấm bản đồ đất nước hình chữ S chạy ngoàn ngoèo bên bờ kinh, ẩn hiện giửa hàng cây mới trồng xanh mơn mởn. Phía bên kia bờ kênh là đường Trường Sa, hai con đường gợi nhớ 2 vùng đất địa đầu thân yêu của tổ quốc giữa đại dương nơi đầu sóng ngọn gió. Tôi đón ngọn gió mới từ hướng đông nam và chợt nao lòng. Mới đó mà đã 20 năm

Chảy xuyên trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, bắt đầu từ quận Tân Bình, đi qua địa phận Phú Nhuận , quân 10, quận 3, Quận 1, Gò Vấp,Bình Thạnh kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đổ ra sông Sài Gòn tại khu vực cảng Ba Son… Tồn tại dai dẳng suốt những năm 80 của thế kỷ trước, kinh Nhiêu Lộc Thị Nghè là nỗi đau khôn nguôi của người Sài Gòn, của đảng bộ và chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Khó ai có thể hình dung dòng kênh nước đen này lại là nơi sinh sống của hàng chục ngàn hộ gia đình vói 1,2 triệu dân nghèo ở một đô thị hiện đại bậc nhất đất nước. Những căn nhà ổ chuột lụp xụp,dột nát trên dòng kênh lều bều rác thải, hôi thối như một mũi dao cắm vào tim thành phố . Cứu sống dòng kênh, cải thiện môi trường đô thị hiện đại hơn để thành phố Hồ Chí Minh thực sự xứng đáng với cái tên Hòn ngọc viễn đông là mục tiêu lãnh đạo thành phố hướng tới. Nhưng không chỉ có vậy. Cao hơn cả cái mục mục tiêu cụ thể đó chính là triết lý nhân sinh của chính quyền nhân dân: xây dựng một môi trường sống hoàn mỹ hơn, nhân văn hơn, một môi trường sống cho con người và vì con người. Mục tiêu cao cả đó đã trở thành quyết tâm chính trị của chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và hiện thân thành chính sách cụ thể. Vào năm 1993, mặc dù ngân sách còn eo hẹp, thành phố đã quyết định đầu tư 1.600 tỷ đồng để giải tỏa hàng ngàn căn nhà ổ chuột ven sông. Với chương trình này,7000 hộ dân với khoảng 1,5 triệu người được đền bù đã di dời khỏi dòng kênh ô nhiễm. Dòng kênh bước đầu thay đổi diện mạo sau khi 260.000 m3 bùn đất hôi thối được nạo vét. 2 con đường ven kênh hình thành với vỉa hè được lát đá, trồng cây xanh. Ý tưởng về một công trình dân sinh bước đầu đã hiện thân bằng xương bằng thịt.

Nhưng con đường cứu sống một dòng kênh chết là con đường đầy gian nan không thể thực hiện một sớm, một chiều. Gần 10 năm sau, năm 2003, kế hoạch hồi sinh dòng kênh mới được tiếp sức bằng dự án vệ sinh môi trường nước Nhiêu Lộc- Thị Nghè với nguồn vốn tài trợ của ngân hàng thế giới WB. Tổng số vốn cho công trình là 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn vay WB là 5.252 tỷ đồng. Dự án nhằm mục tiêu đổi màu cho kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè trong xanh trở lại, giải quyết ngập,cải tạo môi trường sống trong lưu vực rộng 32km2 cho 1,5 triệu người sinh sống, chiếm 1/5 dân số thành phố Hồ Chí Minh. Giai đoạn 1 của dự án kéo dài suốt 10 năm với 2 hạng mục chính: thoát nước thải và thoát nước mưa.

Không có những khó khăn thử thách khốc liệt, những đòi hỏi kỹ thuật hiện đại như hầm chui vượt sông Sài Gòn. Nhưng những người lao động thành phố, bằng công sức, nước mắt và mô hôi, đã để lại những thành quả không thể không ghi nhận . Công trình đã xây dựng 9 km tuyến cống bao( đường kính 1,5m-3m) thu gom toàn bộ nước thải sinh hoạt dẫn về trạm bơm công suất 64.000 m3/giờ xử lý trước khi xả ra sông Sài Gòn. Khoảng 1,3 triệu m3 bùn đã được nạo vét. 16 km bờ kè bằng cừ bê tông hình thành. Toàn lưu vực đã Xây dựng 60 km cống hộp ,cống tròn nối liền nhau trong toàn hệ thống. 200.000 m2 mặt đường nhựa được tái lập, hình thành 2 tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dài 15,4 km, có chiều rộng 9 mét. Riêng dự án cải tạo đường Hoàng Sa và Trường Sa, thành phố đầu đầu tư tới 400 tỷ đồng…một con số không lớn nhưng cũng không hề nhỏ.

Tôi đứng lặng ở đầu đường Út Tịch và phóng tầm mắt ra xung quanh. Đã sang mùa khô mà trời vẫn còn mưa. Không phải những mưa ào, ạt bất chợt của một vùng đất vốn có 2 mùa mưa khô rõ rệt – đặc trưng của tiết trời phương Nam. Tôi ngửa mặt đón những giọt mưa lay phay như mưa xuân phương Bắc và say sưa ngắm những gương mặt lướt qua trước mặt mình. Không có tiếng chiêng trống vang lừng và rừng cờ hoa như ngày khánh thành công trình. Nhưng những gương mặt người dường như rạng rỡ hơn khi tận hưởng màu xanh tinh khôi của cỏ cây 2 bên đường, màu xanh đang trở lại của Kênh Nhiêu Lộc . Không tầm cỡ hoành tráng, có tác động lớn đến kinh tế và phát triển như Đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn, cầu dây văng Phú Mỹ, công trình Nhiêu Lộc Thị Nghè lại có ý nghĩa đặc biệt về chính trị và dân sinh, nói như chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lê Hoàng Quân: là dự án mang ý nghĩa xã hội- chính trị quan trọng để phát triển Tp HCM toàn diện, bền vững. Dự án thể hiện trách nhiệm của lãnh đạo thành phố nhằm tạo một môi trường sống đô thị hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, nâng cao chất lượng sống của người dân, ổn định an sinh xã hội.

Sống lại từ dòng kênh chết, nhưng Nhiêu Lộc Thị Nghè chưa trở thành dòng kênh lý tưởng của môi trường sống. Tất cả vẫn là bước khởi đầu. Khao khát thay đổi bản chất của dòng kênh của chính quyền thành phố càng có ý nghĩa hơn với quyết định đầu tư cho giai đoạn 2 của chương trình. Giai đoạn này dự kiến tổng số vốn đầu tư khoảng 470 triệu USD, trong đó WB cho vay 450 triệu USD, 20 triệu USD là vốn đối ứng của thành phố. Dự án được khởi công vào năm 2015 và hoàn thành vào năm 2019. Giai đoạn này sẽ hoàn tất việc thu gom và xử lý nước thải cho lưu vực Nhiêu Lộc –Thị Nghè và quận 2. Trong đó xây dựng tuyến cống bao đường kính 3,2 mét dài 8 km từ bờ Đông( quận 2) để chuyện nước thải từ Nhiêu Lộc –Thị Nghè về nhà Máy xử lý nước thải 450.000m3/ ngày/đêm tại Thạnh Mỵ Lợi,quận 2. Khi dự án đầu tư này hoàn thành, kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè mới trong xanh thực sự.

Nhưng trước khi tiếp tục huyền thoại về một dòng kênh, ngay giờ phút này đây, Nhiêu Lộc Thị Nghè đã ghi dấu ấn về một quyết định nhân văn của chính quyền mới. Chỉ có quan tâm sâu sắc đến con người chúng ta mới có thể hoàn thành một công trình có ý nghĩa cao cả về mặt nhân sinh. Đó là nỗ lực nhiều năm của đảng bộ và chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh- trên cơ sở tư tưởng lấy dân làm gốc. Tôi nhắm mắt lại và cảm nhận rất rõ cái không khí se lạnh của những ngày cuối năm Sải Gòn và có cảm giác mùa xuân đang đến rất gần. Nhưng trong đầu tôi không còn dư âm nào về ngày lễ khánh thành long trọng. Chỉ có duy nhất một hình ảnh đang hiện lên, hình ảnh Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lúc bấy giờ là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, xắn quần lội trên dòng kênh đen Nhiêu Lộc, khởi động cho một chương trình mơ ước của hàng triệu người dân thành phố.

 

 

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất