Thứ Bảy, 19/04/2025
34.5 C
Ho Chi Minh City

Gió vùng bưng

GIÓ VÙNG BƯNG

Vượt qua ngã tư Thủ Đức , chiếc xe của tôi hướng về phía Tăng Nhơn Phú. Rẽ phải theo đường Nguyễn Văn Tăng đến ngã ba Gò Công chúng tôi tiếp tục rẽ phải sau đó băng qua cầu. Đi men theo con đường đất nhỏ khoảng non cây số nữa. Người lái xe dẫn đường,vốn là một cán bộ khuyến nông, chỉ khoảng xanh mênh mông và con đường trước mặt: đây là vườn cò của bác tư Đê.

Tôi lặng im bước xuống xe. Có một cảm giác thật khác lạ khi đặt chân trở lại vùng đất này.Vùng bưng 6 xã bây giờ không còn những dấu tích của cuộc chiến tranh,cũng không còn cảnh hoang sơ như những ngày đầu giải phóng, khi tôi ghé thăm Bót dây thép và cầu Bến Nọc, những di tích đầy máu và nước mắt thời thuộc Pháp. Ngự trị khắp nơi là một màu xanh, nhưng không phải màu xanh hoang vu mà là một màu xanh đầy sinh lực, hiển hiện trước mắt là cái biển Vườn cò Tư Đê, giới thiệu khu du lịch và cả các món ăn đặc sản. Sau cảnh sầm uất, nhộn nhịp của phố thị, khu du lịch sinh thái vườn cò tư Đê đã trở thành biểu tượng đổi đời, thành sức sống mới của 6 xã vùng bưng

Tiếng lành đồ xa.Người ta nói đất lành chim đậu.Không biết có phải vì lý do đó mà đàn cò chọn nơi này để trú ngụ hay không? Nhưng theo người dẫn đường,nhiều người coi đây là cái lộc trời ban cho người nông dân có lòng như ông tư Đê. Người bạn đồng hành với tôi còn cho biết,vào mùa cao điểm từ tháng 9 đến tháng 4 đàn cò quy tụ có đến hàng chục ngàn con. Vườn cò Long Thạnh Mỹ ,vì vậy nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc như một khu vườn thiên thai giữa lòng thành phố. Tôi có dịp kiểm chứng điều đó khi ngồi trên chiếc xuồng ba lá thả trôi trên dòng sông ông Tắc trong chuyến du ngoạn quanh khu vườn. Tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp kỳ vĩ mà thiên nhiên đã tạo ra. Trong ánh bình minh màu lục, từng đàn cò trắng như những đám mây huyền ảo muôn hồng ngàn tía sà xuống khu vườn, tiếng kêu nghe rộn rã cả một khúc sông.Người ta kể lại rằng lúc còn sống ông Tư Đê rất tự hào về vườn cò ngàn con này. Theo ông Tư cò cũng biết yêu thương hờn giậnhệt như con người. Chính vì thế,Tư Đê thường tự hào giới thiệu với khách tham quan rằng đàn cò thương ông nên mới về ở với ông. Ông nghèo,chẳng có gì cho chúng nên chỉ biết bảo bọc chúng hết mình. Rằng ông sẽ giữ cò đến khi sức tàn lực kiệt. Khi ông chết đám con cháu sẽ thay ông giữ cò. Có lẽ đó cũng là lý do ông bảo vệ đàn cò như bảo vệ chính đàn con của mình. Ngay cả lúc túng thiếu nhất ông đã can đảm từ chối gợi ý hấp dẫn của một đại gia: trả hàng ngàn lạng vàng để đổi lấy vườn cò.

Nhưng vùng bưng 6 xã không chỉ có vườn cò Long Thạnh Mỹ. Mô hình du lịch sinh thái tiêu biểu cho việc kinh doanh du lịch sáng tạo của nông dân phải kể đến dự án 100ha vườn làm du lịch sinh thái tại phường Long Phước lấy khu phố Lân Ngoài làm thí điểm. Người dẫn đường cho tôi vốn là một cán bộ khuyến nông say sưa giới thiệu với tôi dự án đầy tiềm năng này.Theo anh, dự án sẽ kết nối hiệu quả với các điểm du lịch hiện có như chùa Hội Sơn, Phước Long Tự( phừơng Long Bình) khu du lịch Vườn Cò( Long Thạnh Mỹ) khu nhà vườn( (phường Trường Thạnh) hình thành nên một tuyến du lịch có một không hai: tuyến du lịch đường sông Ông Tắc,sông Đồng Nai. Gắn nông nghiệp với du lịch đã trở thành phương thức làm ăn hiệu quả và đang làm nên bộ mặt mới của một vùng đất

Tôi ngồi lặng im nghe câu chuyện của người cán bộ khuyến nông. Vậy là ngọn gió của đường lối đổi mới thổi khắp các hang cùng ngõ hẻm của đất nước đã thổi đến vùng bưng. Nó làm thay đổi tận gốc quan niệm của những người chân lấm tay bùn, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời với cái chân lý cũ kỹ: dĩ nông vi bản. Đặc trưng sông rạch chằng chịt, dày đặc, tạo nên địa thế hiểm yếu của một chiến khu xưa giữa lòng kẻ thù giờ đã trở thành tiềm năng độc đáo của vùng đất phía Nam: tiềm năng du lịch sông nước và du lịch miệt vườn. Những người dân ấp dân lân, sẵn sàng xô cửa xông vào,liều mình như chẳng có, mang trong máu khả năng sáng tạo, nhạy bén- đặc trưng của những người dân Bến Nghé Đồng Nai, được sự tiếp sức của tư tưởng đổi mới và mở cửa đã làm cuộc cách mạng trong tư duy, hăng hái bước vào ngành công nghiệp không khói. Xuất hiện hiện tượng trăm hoa đua nở, người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch. Trên vùng bưng ven sông Đồng Nai, sông ông Tắc và dọc các nhánh sông đã hình thành những khu đô thị sinh thái, nhà vườn với những khu vườn đầy cây xanh, trái ngọt. Không kể hết những công trình du lịch dân lập độc đáo đã mọc lên ở đây. Trong đó, đặc biệt là những khu đô thị sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng, không chỉ thu hút khách từ thành phố Hồ Chí Minh mà cả khách các tỉnh lân cận vào những dịp lễ tết hay những ngày nghỉ cuối tuần.

Đường lối đổi mới giải phóng sức sáng tạo vô tận của đời sống xã hội nhưng những người nông dân mới là những nhân vật chính làm thay đổi bộ mặt vùng bưng hôm nay. Họ xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đó không chỉ là anh Ba Đài phường Long Phước đã quyết định biến khu vườn của mình thành khu du lịch. Anh đã mở mang đường sá. Lên líp mở rộng vườn cây. Tân trang ghe xuồng để chở khách tham quan kết hợp với bán trái cây trong vườn,tôm cá trong ao phục vụ khách du lịch. Đó không chỉ là Anh Nguyễn Hồng Ký,Khu phố Gò Công,phường Long Thạnh Mỹ, người đã táo bạo chuyển đổi 2 ha đất trồng lúa sang trồng dừa dọc ven sông Tắc,sông Đồng Nai. Vườn dừa đã trở thành địa điểm lý tưởng thu hút chim cò từ rừng Sác. Tận dụng lợi thế này, anh mở rộng hạ tầng, cải tạo ruộng đất, đào ao nuôi nhử cá tôm, chuyển tiếp 6 ha bên kia sông Tắc sang trồng cây ăn trái. Anh Ký còn tổ chức nuôi heo rừng và các loại chim thú khác với mục tiêu xây dựng khu du lịch vườn cò với quyết tâm cung cấp cho du khách một sản phẩm du lịch mới: du lịch thưởng ngoạn các mô hình sản xuất nông nghiệp và thưởng thức những món ăn nhà vườn khoái khẩu đậm chất đồng quê. Đó không chỉ là anh Võ Văn Lượng, ấp Lân Ngoài, phường Long Phước, dám cả gan mua 5 ha đất trũnghoang hóa, vay vốn ngân hàng để dựng nhà vườn kết hợp điểm câu cá giải trí. Khách du lịch đến đây có thể chiêm ngưỡng các loại kiến trúc nhà Trung Nam Bắc từ nhà nông dân vùng Phong Nha Kẻ Bàng, nhà Rường Huế, nhà chữ đinh Nam Bộ…

Đó không chỉ là NguyễnVăn Trận( ba Trận), người đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng của phường Long Trường, hiện làm chủ một vườn phong lan 10.000 m2. Đó không chỉ là lương y nguyễn Đức Nghĩa, người Bình Định, nhận thành phố Hồ Chí Minh là quê hương đã gây dựng lên tại phường Long Bình một vườn dược liệu có quy mô lớn vừa là nơi cung cấp những dược liệu quý hiếm mà còn thu hút đông đảo khách du lịch thưởng ngoạn. Còn vô số những nông dân khác của vùng đất này như Nguyễn Công Danh, Nguyễn Thị Thanh, …những người có tên và không tên, đang làm lên cơn gió mới từ vùng bưng, khảng định sức sống bất diệt của người nông dân Bến Nghé Đồng Nai, sẵn sàng đưa đất nước hội nhập vào biển lớn nhân loại

Tôi trở lại nhà hàng trong khu du lịch vào buổi trưa. Thả mình đong đưa trên chiếc võng dưới bóng cây râm mát, thưởng thức vị nước dừa xiêm nguyên trái ngọt ngào mát rượi vẫn đầy ắp ấn tượng về mảnh đất vùng bưng hôm nay. Những dấu tích truyền thống cách mạng còn đó. Quần thể di tích lịch sử văn hóa vùng bưng 6 xã được xây dựng khang trang soi mình trên dòng kênh xanh mới khánh thành chưa lâu. Rạch Mương Chùa( Long Trường) bên rặng dừa nước xanh – nơi bộ đội ta tiêu diệt 300 quân Pháp vào 20/5/1948. Căn nhà lá nhỏ ghi lại dấu tích nơi đóng quân của huyện ủy Thủ Đức và Mặt trận Liên Việt tại ấp long Thuận. Vườn nhà ông Hai Quảng( Phước Long) – nơi bộ đội đặt pháo bắn vào dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất và kho xăng Nhà Bè trong tổng tấn công Mậu Thân…nơi ghi dấu những chiến công hiển hách một thời.

Nhưng đó là chuyện của ngày hôm qua. Vùng bưng hôm nay đang tự hào kể với chúng ta câu chuyện cổ tích của thời hiện đại về nhưng tour du lịch sông nước,du lịch miệt vườn giữa lòng một thành phố đô hội vào bậc nhất cả nước. Và không chỉ có vậy. Vùng bưng 6 xã với những dự án đầu tư lớn của thành phố đang trở thành một đại công trường với những con đường giao thông huyết mạch và khu công nghiệp hiện đại. Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh- Long Thành vừa mới được đưa vào sử dụng và điểm nhấn là cầu vượt sông Đồng Nai tại khu vực phường long Phước đang tạo ra những cơ hội phát triển lớn cho vùng bưng. Đường vành đai 2 chạy thẳng vào khu công nghệ cao giao cắt với đường Cao tốc Sài Gòn- Long Thành cũng có ý nghĩa tương tự. Nhưng những ai đến 6 xã hôm nay cũng không khởi bỡ ngỡ khi chứng kiến khu công nghệ cao quận 9 – Khu công nghệ hiện đại có quy mô lớn nhất cả nước, điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư lớn,công nghệ cao. Sau Intel của Hoa Kỳ với dự án 1 tỷ USD với kế hoạch sản xuất chíp máy điện toán, Nidec của Nhật Bản cũng đổ cả tỷ USD với dự án sản xuất thiết bị đầu đọc quay, nghe nhìn. Khu công nghệ cao đang hứa hẹn nhiều dự án hiện đại tỷ đô từ các nước phát triển khác.

Tôi chợt tỉnh khi người đồng hành lay võng báo đã đến giờ ăn. Trong làn gió mát rượi thổi về từ sông Đồng Nai, tôi nhìn những món ăn đồng quê: chuột đồng nướng vàng ươm, cá tai tượng chiên xù, cá lóc nướng trui đất sét, gà nước rô ti, ếch xào lăn với nước cốt dừa và thầm cảm ơn về một chuyến du lịch đồng quê ý nghĩa.

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất