Chủ Nhật, 20/04/2025
28.9 C
Ho Chi Minh City

Không phải là ảo ảnh (Truyện ngắn)

Nghĩa nhìn một lần nữa quanh sân ga đã vắng ngắt chỉ còn lèo tèo mấy người. Anh thất vọng. Vậy là Hạnh không ra đón. Chắc điện tín đánh vào chưa đến nơi. Khi bước chân lên tàu anh đã cẩn thận nhờ cậu em đánh cho một bức điện tín về Sài Gòn. Anh ngước nhìn lần cuối sân ga rồi xách va ly. Phải chờ xe buýt cuối cùng. Bây giờ mà vớ phải mấy “chú” hon đa ôm thì bảo đảm là bị chém đứt cổ.

Bỗng anh nhìn thấy hai người phụ nữ một già một trẻ đi phía trước anh. Bà già xúng xính trong chiếc áo bà ba màu mỡ gà. Người trẻ hơn, chừng là con gái, lặc lè vì cái bụng gần đến tháng sinh. Trên tay bà già lỉnh khỉnh nào giỏ, nào xách. Người phụ nữ xách một chiếc va ly nhỏ, chắc cũng khá nặng vì người cứ lệch về một bên và chốc chốc lại phải dừng để nghỉ. Bà mẹ thỉnh thoảng lại ngước nhìn một cái quanh sân ga. Vẻ nóng ruột.

Thấy cảnh tình của bà mẹ và cô gái, Nghĩa đắn đo một lúc rồi quả quyết bước dấn lên, vài phút sau anh đã đến trước mặt hai người. Anh hắng giọng:

– Xin lỗi, bà và chị cũng về Sài Gòn?

Bà mẹ giật mình. Bà dừng hẳn lại ném về phía Nghĩa một cái nhìn thăm dò, hơi soi mói. Cái giọng bắc ngọt như mía lùi:

– Dạ, cậu cần chi.

Nghĩa mỉm cười:

– Nếu cháu không lầm thì bà và chị đang chờ người ra đón.

Bà mẹ im lặng. Ánh mắt nghi ngờ vụt tăng lên. Bà liếc một cái thật nhanh quanh sân ga và chỉ yên tâm quay lại khi bắt gặp một bộ sắc phục của một người cảnh sát. Cô gái mau mắn.

– Dạ, tụi tôi chờ người, nhưng chắc điện không tới nơi. Mẹ tôi sợ lộn xộn nên cứ đòi vắng người rồi mới ra cửa.

Bà mẹ nhìn cô gái tỏ vẻ không bằng lòng. Con gái ruột để ngoài da thế đấy. Quen biết gì mà chưa khảo đã xưng.

– Sao bà và chị không đi xích lô?

Bà mẹ đang còn phân vân chưa biết trả lời như thế nào thì cô gái đã buột miệng:

– Tôi bị móc túi sạch trơn rồi. Đành phải ra xe buýt thôi. Kể cũng hơi phiền, hai người đàn bà, nhưng biết sao?

Nghĩa hỏi khẽ:

– Bà và chị về đâu?

Cô gái:

– Mẹ con tôi về Trần Hưng Đạo. Đoạn gần trường kỹ thuật Cao Thắng.

Nghĩa cười, anh thân mật đề nghị:

– Xin lỗi, thế thì để tôi giúp một tay. Tôi cũng về gần đấy – anh quay ra phía gần bà mẹ- bà cho phép chứ?

Bà mẹ đắn đo. Nhưng nghĩ đến đoạn đường ra bến xe buýt, bà miễn cưỡng gật đầu.

Nghĩa xách hai tay hai va ly lại thêm túi xách của bà mẹ rảo bước lên phía trước. Không quay lại nhưng anh vẫn cảm thấy ánh mắt đầy nghi ngờ của bà ở phía sau lưng. Anh khe khẽ lắc đầu, thầm nghĩ: Quả thật bà ta không thể tin ở một điều tốt đẹp nữa chăng? Cái niềm tin ở con người?

Lâu ngày không đi bộ, lại xách nặng nên ra đến bến xe buýt, lưng áo Nghĩa đầm mồ hôi. Anh rút khăn lau nhẹ lên vầng trán. Người phụ nữ nhìn anh ái ngại:

– Phiền anh quá. Nếu không có anh thật mẹ con tôi loay hoay không biết thế nào?

Nghĩa tự nhiên:

– Không sao. Tại lâu quá không đi bộ đấy thôi. Chắc là chị ít đi ra ngoài phải không? Anh quay sang người khách đang chống cằm ngồi trên va ly – Xe buýt sắp đến chưa bác?

Người khách ngẩng mặt lên:

– Một chuyến vừa đi tức thời. Nhưng nghe nói còn chuyến chót.

Sau khi sắp chiếc va ly của mình vào cạnh đống đồ đạc của hai mẹ con, Nghĩa bước ra đường nhóng mắt về phía Sài Gòn. Lát sau anh quay lại. Rút dép ngồi xuống cạnh bà mẹ, anh gợi chuyện:

– Bà và chị đi Hà Nội về?

Bà mẹ nhìn anh, đôi mắt đã có chiều dịu xuống:

– Dạ, à không… chúng tôi đi xa hơn.

– Chắc là về thăm quê phải không ạ?

Bà mẹ khẽ lắc đầu. Người phụ nữ nhìn Nghĩa, như cân nhắc. Bắt gặp ánh mắt tin cẩn của anh, chị thở dài:

– Chồng tôi đang học tập cải tạo ở Vĩnh Phú.

Im lặng một phút. Người phụ nữ quay nhìn ra đường. Bà mẹ không nén được, nói khẽ:

– Chồng nó là con trai của tôi. Đã bảo đừng đi, bụng mang dạ chửa. Vậy mà cứ khăng khăng không chịu. Năm ngoái nó đã ra một lần. Lấy nhau chưa có con thì giải phóng. Biền biệt sáu bảy năm.

Nghĩa ái ngại:

– Anh ấy là sĩ quan cao cấp à?

Bà mẹ buồn bực:

– Sĩ quan cao cấp gì nó, vừa mới tốt nghiệp trường đại học Đà Lạt ra một năm. Trong khi đó bao nhiêu đứa hơn cấp hơn chức lần lượt ra về.

Bà thấy anh ấy sống thế nào?

Đôi mắt bà sáng lên:

– Nhờ trời, khoẻ. Chỉ có điều hơi buồn. Nó căn dặn hỏi han tôi đủ điều. Nó là đứa con hiếu thảo. Và lành như con gái ấy. Tôi đảm bảo với cậu là nó không dám giết một con gián chứ đừng nói con người.

Nghĩa chăm chú nhìn bà mẹ, thăm dò:

– Anh có nói anh ấy sống thế nào không?

Bà mẹ thở dài;

– Tuyệt nhiên không. Nó vốn kín tiếng lắm. Nó chỉ căn dặn thằng ấy thằng nọ đến nhà thì đừng có tiếp.

– Họ là ai?

– Bạn đồng ngũ cũ của nó.

– Anh ấy có giải thích lý do không?

– Nó bảo bọn ấy đã phản bội bạn bè. Nó trọng chữ tín lắm. Cũng có thể là bọn nó đã bán đứng con tôi.

Nghĩa im lặng, anh khẽ nhíu mày. Anh đã hiểu ra lý do.

Nhưng làm sao giải thích cho bà mẹ hiểu rằng chỉ có con bà mới tự cứu nổi mình? Anh nhìn người phụ nữ và bà mẹ, ái ngại:

– Bà và chị nên thử khuyên anh ấy xem. Chứ tín là cần. Nhưng vấn đề bây giờ là đặt nó ở đâu. Nếu không sẽ thành cuồng tín.

Người phụ nữ tỏ vẻ đăm chiêu còn bà mẹ thì không nói gì. Đột nhiên bà úp mặt vào hai bàn tay, nấc lên:

– Trời ơi, tôi biết tin vào ai bây giờ hả trời. Tin vào công lý nhưng công lý không soi tới. Tin vào con người nhưng con người sẵn sàng ăn thịt lẫn nhau. Các ông ấy ác lắm. Các ông bảo không bắt người tắm trong máu nhưng thế này thì còn hơn nã một viên đạn vào tim.

Người phụ nữ bối rối nhìn mẹ, giọng van lơn:

– Thôi mẹ, con xin mẹ, có ích gì đâu…

Nghĩa buồn bực đứng dậy bước bách bộ quanh bến xe. Làm sao lấy lại được ở bà mẹ thương con một cách mù quáng này tình yêu đối với cuộc sống?

Khi Nghĩa quay lại thì bà mẹ đã nín khóc. Bà nhìn anh

ngượng ngùng. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà hỏi:

– Tôi thật vô tâm. Xin lỗi cậu có vợ rồi chứ?

– Dạ, có rồi.

– Thế đã có “ tí nhau” nào chưa?

Đôi mắt Nghĩa thoáng tối lại. Anh khẽ lắc đầu:

– Dạ, chưa.

Bà mẹ không để ý:

– Các cô các cậu bây giờ sống hiện đại quá, nhưng cũng phải có con đi chứ. Phụ nữ sinh đẻ có thì.

Nghĩa trầm ngâm:

– Bọn cháu cũng mong có con lắm. Nhưng… nhà cháu không sinh được.

– Sao vậy ?

Nghĩa cắn răng. Câu hỏi vô tình như một mũi dao sắc nhọn chích vào tim anh. Anh im lặng một phút rồi nói khẽ giọng run run:

– Hồi ở tù Côn Đảo bị tra tấn sao đó mà vợ cháu tuyệt đường sinh con

Mặt bà mẹ biến sắc. Bà cúi xuống như nói cho mình nghe “ Xin lỗi. Tôi không biết”. Người phụ nữ khẽ rùng mình, quay đi lén lấy ống tay áo lau vội giọt nước mắt.

Chuyến xe buýt cuối cùng trờ tới, ép sát vào lề đường.

Bà mẹ đứng dậy hình như thấy nỗi đau của mình vơi đi.

Xuống xe buýt nhất định bà mẹ không chịu để Nghĩa giúp nữa. Hai mẹ con ghé vào lề đường chờ xích lô. Nghĩa xách va ly quay đi nhưng vẫn ngoái lại nấn ná chờ hai mẹ con lên xe. Đường đã hơi vắng.

Bỗng hai chiếc hon đa 67 thắng kít lại trước hai mẹ con người phụ nữ. Linh cảm thấy điều gì chẳng lành, Nghĩa ném chiếc va ly của mình ở đường, lao tới. Anh vừa kịp nắm chiếc va ly của người phụ nữ kéo lại bằng một sức mạnh phi thường, thì chợt thấy đau nhói ở bả vai. Hai chiếc hon đa phóng vút đi và tiếng còi cảnh sát ré lên.

Tất cả diễn ra chỉ trong nháy mắt.

Một anh chàng tóc chớm vai, mặc chiếc quần zin mốt mới nhất xách chiếc va ly của Nghĩa lách đám đông, tiến vào. Nghĩa đã đứng dậy. Một dòng máu đỏ ứa ra thấm trên vai áo sơ mi. Người phụ nữ rút trong túi xách lấy ra cho anh chiếc khăn trắng tinh. Bà mẹ bước lại gần Nghĩa, xúc động:

– Cám ơn cậu, cậu tốt quá. Nếu không có cậu chẳng biết mẹ con tôi sẽ ra sao.

Nghĩa mỉm cười, gương mặt trắng nhợt trong ánh điện. Sao lại không có anh được nhỉ? Mà nếu không có anh thì cũng sẽ có một người nào khác chứ sao. Bà mẹ ơi, lòng tốt đâu phải là một thứ hàng xa xỉ. Nhưng trách bà mẹ làm sao được. Trong muôn vàn những hình thù dị hình dị dạng của chế độ cũ để lại cái vòng tròn khó có thể tránh khỏi ảo giác bị méo mó.

Ngày hôm sau, lúc đi làm về, cô gái thấy trên một tờ báo có một tin ngắn nhắc đến hành động của Nguyễn Hữu Nghĩa, công nhân nhà máy Sincô. Cô đã ghé mua. Đón tờ báo từ tay con dâu, bà mẹ run lên. Có một cái gì đó bật dậy trong lòng như một chồi cây tơ, hệt tiếng đạp trong bào thai lần đầu tiên của đứa con. Bà phải hai lần tháo cặp kiếng lão ra lau mà mắt kiếng vẫn mờ. Bà đã khóc bao nhiêu lần trong cuộc đời? không nhớ, nhưng nhiều lắm.

Vậy mà hôm nay nhấm vị mặn của nước mắt, bà cảm thấy như mới gặp nó lần đầu. Những giọt nước mắt như những tảng băng vỡ tung ra trước nắng xuân.

Cảm thấy vừa hất tung được hòn đá đè nặng trên ngực, bà quả quyết đứng lên. Bà quyết định viết thư cho con trai.

Người thanh niên nọ nói gì nhỉ? Họ đang vẽ những hình tròn. Phải rồi! Nhưng mình lại nhìn tất cả bằng con mắt méo mó. Ôi! Những trái tim đui mù…

Bà khe khẽ lắc đầu và mỉm cười. Người phụ nữ quay đi. Chưa bao giờ chị bắt gặp ở bà một nụ cười như thế.

Trích trong tập truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất