Chủ Nhật, 20/04/2025
28.9 C
Ho Chi Minh City

Ca mổ không bình thường

Bình xách chiếc túi bạt cũ ra bìa rừng cao su. Không hiểu đây là lần thứ mấy từ khi giải phóng anh lăn lội lên vùng đất đỏ Bù Nho này. Một vùng đồi núi heo hút và quạnh hiu. Trong ánh nắng sớm, anh chăm chú nhìn những ngôi nhà tranh nằm lọt thỏm xuống thung sâu, ẩn hiện bên những hàng cao su non, dưới bóng mát dè sẻn của vài cây cổ thụ đã chết kho, đang giơ những cánh tay gầy guộc lên nền trời. hình như đó là những dấu vết cuối cùng của chiến tranh còn sót lại. Ít ra cũng là về hình thức. Bình nghĩ.

Từ bìa rừng cao su, Bình đi qua trụ sở Ủy ban nhân xã, sau đó rừng lại trước một quán nước ven đường. Mảnh đất hoang vắng chỉ có lồ ồ và cỏ tranh những năm anh còn hoạt động nay đã trở thành một cái chợ, có thể nói là sầm uất. Điều duy nhất là để phân biệt nó và một cái chợ miền xuôi, có chăng chỉ là những quầy thịt heo rừng, mễn, nai và cả những con cheo còn sống nhốt trong l đang giương to những cặp mắt ngơ ngác và hoảng sợ nhìn ra khung cảnh xung quanh.

Người chủ quán có cái giọng Huế êm dịu, mời anh:

  • Mời anh vô xơi nước.

Bình bàng hoàng cả người. Cái giọng Huế ngọt như mía lùi sao mà giống giọng Trâm đến thế. Anh quay lại và suýt để rơi chiếc túi, người phụ nữ mặc chiếc quần lụa đen mỏng và cái áo bà ba màu xanh lá cây dang thong thả bước, lưng xoay về phía anh. Những nếp áo dưới ánh nắng buổi sớm mai óng lên như được may bằng một thứ nhung tơ, lấp lánh những ánh vàng tươi thắm. Tim anh đập thình thịch còn miệng thì khô đi. Trâm? Không có lẽ. Anh đứng chết trân nhìn vào cái đốm sáng mảnh rẻ kia, nửa mong chị quay lại, nửa mong chị cứ đứng nguyên như thế.

Chợt người phụ nữ quay lại. Bình thở hắt ra. Khuân mặt Trâm vụt biến mất đi. Bình nặng nhọc ngồi xuống ghế nhấc ly nước chanh mà người phụ nữ vừa bưng ra. Không, Trâm chết thật rồi còn đâu. Chính anh ấy đã vuốt mắt cho cô ấy. Vậy mà sao mà anh vẫn không thể tin được. Hôm ấy cô cũng mặc bộ quần áo giống in như người đàn bà này…

Chiếc xe đò giật nẩy lên rồi dừng sừng trước cửa quán cắt đứt dòng suy nghĩ của anh. Từ sau ô cửa sổ nhỏ của chiếc xe, bên cạnh người phụ nữ có gương mặt như một nữ sinh thò ra một bàn tay bé tý xíu. Bình trả tiền rồi đứng lên. Anh vừa lên được xe trong dòng người đen đặc ở phía dưới, thì tiếng người phụ xe cất lên:

  • Tới luôn bác tài.

Chiếc xe rồ ga rồi nặng nề chuyển mình. Bình rút khăn tay bịt mũi. Dòng bụi đỏ mù mịt lùa thuốc vào xe. Có tiếng đứa trẻ ho sặc sụa và giọng cười người phụ nữ thoảng thốt kêu lên:

  • Có sao không con, trời ơi, con tôi.

*

* *

Cô bác sĩ trẻ lặng lẽ nhắc ống nghe ra khỏi tai.

Người đàn ông mặc bộ đồ bệnh nhân trắng toát nãy giờ lo lắng quan sát cô bác sĩ, ngước mắt lên nhìn hỏi:

  • Thưa bác sĩ, tình trạng tôi có nghiêm trọng không?

Cô bác sĩ lắc đầu:

  • Không sao,sẽ qua khỏi thôi.
  • Nhưng có đúng là bệnh tim không? Thưa bác sĩ.

Cô bác sĩ thoáng cau mày:

  • Anh không tin chúng tôi sao?

Người đàn ông dè dặn:

  • Thưa tin, nhưng…

Cô bác sĩ lặng im một giây.

  • Hãy can đảm nhìn thẳng vào sự thật. Kết quả khám điện tâm đồ đã cho biết chính xác là anh đau tim, vả lại, còn những cơn sốc như cơn sốc vừa mới đây của anh. Người có tri thức ít ỏi nhất về y học cũng có thể nhận ra đó là bệnh đau tim. À, mà anh có hay bị những cú sốc như vậy không?

Mặt người đàn ông có dúm lại:

  • Thưa, thường xuyên. Có lần ở bệnh viện huyện người ta đã tính đưa tôi xuống nhà xác.
  • Từ bao giờ?

Người đàn ông ngơ ngác:

  • Cái gì từ bao giờ, thưa bác sĩ.

Cô bác sĩ cười nhẹ:

  • Xin lỗi, tôi hỏi những cú sốc ấy, nó bắt đầu từ bao giờ?

Người đàn ông ngồi thừ ra. Ánh mắt như dại đi. Hình như nó bắt đầu từ ngày ở trại cải tạo. Không đúng, nó bắt đầu từ trước kia, rất xa. Trước đó y có một trái tim hoàn toàn mạnh khỏe. Bạn bè ghen với y từ những mối tình liên tục bất tận với các cô gái quanh khu vực y đóng quân. Cũng như y đã nã súng vào bao nhiêu người mà không biết run tay. Cho đến một buổi chiều, phải, cái buổi chiều chết tiệt ấy! Y căm thù cái khoảnh khắc ma quỷ đã làm thay đổi con người y. Một cái cây trải qua mười năm giông bão của chiến tranh vậy cuối cùng lại gãy. Mà vì một chuyện tầm phào. Quả tim đã phản bội y. Một người thầy cỡ bự từng dậy y: Việt cộng không phải là con người. Y đã chân thành tin như vậy. Y nhìn những người chết dưới tay y giống như những con chó bị xe cán dọc đường, không hơn. Và y lập tức quên đi để lao vào một cuộc chém giết khác. Duy chỉ có người đàn bà mà y bắn chết cái chiều ảm đạm ấy… y thở dài.

Cô bác sĩ trẻ chăm chú quan sát người đàn ông:

  • Anh sao vậy, người anh tái nhợt kìa.

Người đàn ông ngẩng lên:

  • Thưa không.

Nhưng người y chợt lạnh đi, vẻ hoảng loạn hiện ra trên gương mặt. Trước mặt y không còn cô bác sĩ, chỉ có người phụ nữ mà y chưa quên. Sao lại đầm đìa máu thế kia? Và cái nhìn, lậy chúa, cái nhìn mới đáng sợ làm sao, đỏ rực như khối lửa từ từ lăn lại, dường như muốn thiêu cháy y. Y rú lên một tiếng kinh hoàng và nằm vật xuống giường như một thân cây bị trốc gốc.

*

* *

Người đàn ông tỉnh dậy vào lúc nửa đêm. Cô bác sĩ trẻ mặt lấm tấm mồ hôi, nói như reo:

  • Tỉnh rồi.

Y ngước cặp mắt lờ đờ nhìn lên và hiểu rằng mình đang ở phòng cấp cứu. Giọng y phều phào:

– Tôi còn sống được chớ.

– Thì anh đang sống đó thôi. Nhưng có lẽ phải mổ gấp! Anh đã sẵn sàng chưa?

– Thưa tôi đã sẵn sàng. Nhưng bác sĩ đã gọi điện giúp cho vợ con tôi chưa? Lỡ bề gì… Mà sức khỏe tôi, có thể mổ sớm được không?

– Hoàn toàn có thể được. Nhưng chúng tôi muốn chờ bác sĩ mổ tim giỏi nhất của chúng tôi. Anh ấy đang đi phép!

Người đàn ông nói như nhấm nháp từng chữ một, giọng nhuốm xót xa:

  • Nhưng tôi có thể chết…

Cô bác sĩ an ủi:

  • Anh chưa chết được đâu. Với lại, nếu chờ được, dưới bàn tay mổ của bác sĩ ấy, khả năng sống của anh sẽ cao hơn.

Vẻ quỵ lụy hiện lên trên nét mặt người đàn ông:

  • Cám ơn bác sĩ, vậy thì tôi sẽ chờ. Có thể vợ tôi…

Y nhắm mắt lại và không nói tiếp nữa. Cô bác sĩ là người đầu tiên bước ra khỏi phòng. Người đàn ông này có cái gì thật khó nắm bắt và mơ hồ tạo cho cô một cám giác khó chịu.

Cơn gió cuối ngả nghiêng hàng cây dầu trước cửa bệnh viện. Khoảng sân nhỏ phủ đầy xác lá, những trái dầu với vòng xoay duyên dáng đang từ từ rớt xuống đất như những cánh dù tí hon. Bầu trời bỗng hực lên khi mặt trời ló ra từ một cụm mây dầy đặc góc trời.

Chiếc xe đò lắc lư, rù rì lăn bánh qua cầu Rạc.

Bình xách túi lách mình vào phía giữa xe.

Khó nhọc lắm anh mới tìm ra một khe hở giữa đống lỉnh kỉnh bao bì để đặt cái túi bạt và thở phào buông mình ngồi xuống. Người đàn bà có đứa con khóc ban nãy ngồi ở chiếc ghế sát cạnh anh ý tứ nhích mình vào trong đổi đứa bé sang bên anh. Đứa bé gái năm tuổi quay về phía mẹ đang đưa tay rụi mắt liên tục, miệng méo xệch đi, mái tóc đỏ quạch vì bụi.

Người đàn bà ôm con xuýt xoa:

  • Đưa mắt cho má coi nào, tội nghiệp con tôi.

Rồi chị ghé miệng vào mắt con thổi phù một cái.

  • Đỡ chưa con.

Đứa bé gật đầu.

Bình lặng im nhìn đứa bé, anh gần gừ một giây rồi lấy cái kính mắt đang đeo ở mắt ra. Anh quay sang người đàn bà:

  • Chị cầm lấy đeo cho cháu.

Người đàn bà ngước mắt nhìn anh, vẻ cảm động, nhưng không giám đưa tay ra:

  • Cám ơn, nhưng …

Bình cười:

  • Chị cầm cho cháu đi, không sao đâu, dẫu xao tôi cũng là người lớn.

Người đàn bà miễn cưỡng cầm cái kính trên tay anh.

  • Chị cũng về Sài Gòn?
  • Dạ, em cho cháu đi thăm ba nó.
  • Anh ấy công tác dưới đó à?
  • Thưa không, nhà em đang trị bệnh.

Bình xoa đầu cháu bé, hỏi:

  • Cháu là con đầu của anh chị phải không?

Người đàn bà tỏ ra mạnh dạn hơn:

  • Dạ, con đầu lòng đó anh. Kể cũng hơn muộn mằn. Nhưng bọn em vừa cưới nhau xong thì giải phóng. Anh ấy đi cải tạo mới về được vài năm.

Người phụ nữ chừng như muốn nói thêm nhưng Bình chợt thấy mình hẫng đi. Sự hồ hởi cởi mở vụt biến mất. Ở vùng đất mà nhiều năm đã chia ra hai trận tuyến đối địch này không phải phút chốc mà quan hệ của con người có thể trở thành binh thường. Người ta nói nhiều đến sự bao dung, nó dễ với người ngoài cuộc nhưng thật khó với người trong cuộc. Chỉ có người thật sự bị rứt thịt mới thấy hết nỗi đau của người bị rứt thị. Biết đâu, chồng người đàn bà ấy không phải đã nã súng vào vợ con anh?

*

* *

Miền đất ven đương 14 này không chỗ nào gợi nhớ trong anh một kỷ niệm. Những đêm vượt ác, phá kềm, những trận đánh đồn, phá bót. Những tháng năm triền miên củ nần, củ chụp, lá bép, canh măng. Bao nhiêu người đã ngã xuống hết lớp này đến lớp khác. Bom, pháo, thuốc khai hoang làm trốc gốc cả những vùng rừng. Loa chiêu hồi ra rả suốt ngày đêm. Bình quên Trâm trong những ngày tưởng như cách mạng tiêu diệt đến tận gốc dễ ấy.

Khi đó Bình là một đội trưởng một đội công tác.

Trong những sai lầm phải trả giá, Bình không thể quên cái sai lầm phải trả giá bằng khá nhiều xương máu của anh.

Đáng lẽ thì anh phải biết, nhưng anh chủ quan. Hắn đã từng là một người dũng cảm. Cái ấn tượng ấy đã khiến anh bỏ qua những dấu hiệu báo trước sự phản bội, bắt đầu từ một tình yêu với một cô gái xóm đạo và những lần trốn tránh công tác khó khăn một cách tinh vi…

Khi Bình biết được điều đó thì đã quá muộn. Trong một chuyến đột ấp, hắn bỏ đồng đội dông thẳng về Phước Long. Hắn về hôm trước, ngày hôm sau tất cả các cơ sở đều bị đánh trốc gốc. Và, đội viên đội công tác hoạt động công khai dưới vỏ một thợ may bị bắt ở Phước Bình.

Mười anh em ở đội công tác bị lâm vào cảnh không gạo không tiền. Loa chiêu hồi từ đỉnh núi kêu xuống, từ Phước Yên kêu qua. Một trung đoàn địch bao vây kín chân núi Bà Rá. Âm mưu xúc cá ra khỏi nước của giặc tỏ ra có tác dụng.

Nửa tháng trời chỉ có ăn củ chuối với trái sung, anh em bị đái ra máu hết.

Chi bộ họp nát nước để tìm cách nhen nhóm lại phong trào. Nghị quyết được đưa ra. Bình dẫn một tổ mở đường về Sơn Giang, nhưng họ không vượt khỏi vòng vây dày đặc của kẻ thù, hai đồng chí hi sinh.

Đêm thứ hai, Bình quyết định đi một mình. Điểm anh chọn là nhà người chị ruột. Người chị ruột thấy em về thì hoảng sợ, mặt cắt không còn hạt máu, chị vái em như tế sao. Bình lặng im nhìn chị và nhìn lũ trẻ sắp lớp trong mùng, rồi buồn rầu quay ra. Lúc qua lộ, anh bị phục kích. Vết thương không nặng nhưng máu ra khá nhiều. Anh nhảy đại vào tiệm may. Đó là nhà của Trâm.

Ngọn lửa lại được nhen lên.

*

* *

Chiếc kính của Bình quá rộng, khiến đứa bé phải dữ bằng cả hai tay. Nhưng hình như nó có vẻ thích thú với cặp kính ấy: gương mặt nhỏ xíu bị cặp kính nuốt gần hết nom mới ngộ nghĩnh làm sao. Đột nhiên, đứa bé cười ré lên như bị ai thọc lét và nghênh mặt về phía bình.

Chao ơi tiếng cười.

Những lúc dỡn chơi với ba, con anh cũng có tiếng cười hệt như vậy. Mùi thơm da thịt và hơi thở quen thuộc của con bé còn phẳng phất đâu đây.

Vợ chồng anh không có một ngày cưới, đúng ra đám cưới được tổ chức âm thầm, dưới bàn thờ cha Trâm. Họ nhà gái chỉ có mẹ cô, còn họ nhà trai chỉ có đồng chí chính trị viên đại đội công tác.

Tuần trăng mật của họ trôi qua những đêm phấp phỏng lo âu. Vài bữa anh mới trở về một lần, vào lúc chín giờ đêm và ra đi vào khoảng ba giờ sáng. Công tác không cho anh cái khẳ năng chọn vẹn để làm chồng. Những đêm như vậy, vợ chồng cũng không dành được chọn vẹn cho nhau. Anh đi rồi Trâm trằn trọc cho đến sáng và tim cứ nhói lên mỗi lần nghe một tiếng súng nổ.

Dưới bàn tay của cô, các cơ sở được gây dựng trở lại. nhưng cô có nguy cơ bị lộ.

Trâm là một cô gái xinh đẹp. khuôn mặt thanh tú với cái cằm chẻ rất duyên. Cặp mắt lóng lánh dưới làn mi cong, đôi môi chín mộng lúc nào cũng hé mở. Tụi lính tráng lượn quanh cô, mê mệt, trong đó có tên ấp phó an ninh, con một chủ tiệm giàu có ở Phước Long, lịch sự, hào hoa nhưng cũng độc ác và gian ngoan có tiếng.

Trong khi đó, cái thai trong bụng Trâm cứ lớn dần lên.

Cấp trên chuẩn y việc đưa cô cứ.

Cái tin cô bỏ nhà theo trai do mẹ cô tung ra may mắn thay đã bịt mắt kẻ thù…

*

* *

Bình nhổm người nhoài ra phía sau. Chiếc xe đò vừa lao vụt qua một lô cao su và anh nhớ như in là con đường dẫn vào hậu cứ của huyện ủy. Phía bên phải, trước đây là một rừng bạt ngàn lồ ô đã được phát quang. Những hàng cây cao su mới trồng xanh mướt đã bò ra tận ngoài đường. chính ở trong hậu cứ này, Trâm sinh con gái.

Anh run lên khi nghe tiếng khóc đầu tiên. Hình như ngay từ tiếng khóc ấy đã nẩy sinh trong lòng anh một mối tương giao khó giải thích. Đêm nằm ngủ nghe tiếng con bật khóc, anh thấy tim mình nhói lên.

Đứa bé lớn lên, lanh lợi, nhưng nước ra xanh bợt và đôi môi tái mét vì ở rừng. Chiến tranh ác liệt, những lần gặp gỡ với con của anh lại càng hiếm hoi. Phải chăng chính vì thế mà cách nó bày tỏ tình cảm với anh cũng thật ồn ào và nồng nhiệt. Nó thường ôm cứng lấy anh, lùa bàn tay bé xíu lên mái tóc rễ tre rậm cứng và áp miệng vào mặt anh.

  • Sao ba đi nhiều quá vậy, lần này ba ở nhà với con luân nha.

Anh gật đầu mặc dù biết rằng mình đã phạm lỗi nói dối. Những lúc ấy, Trâm lén quay mặt đi. Còn anh thì ôm chặt con vào lòng, sờ nắn chân tay, ngửi mùi thơm ra thịt và hơi thở của đứa bé. Anh xoa trên tấm lưng gầy, lần từng đốt xương sống, vuốt ve mãi cặp mông nhỏ xíu bằng bàn tay sặc mùi khói súng và sần sượng vết chai.

*

* *

Khi ngã đàn ông mở mắt ra thì phòng bệnh vắng ngắt từ lúc nào.

Y lớn lên giữa lúc Sài Gòn đang đảo điên. Theo chân Mỹ, những đăng- xinh, sách- ba mọc lên như nấm. Những kiểu thời trang lố lăng, những bản nhạc vàng vọt lan tràn vào các học đường. Thần tượng của y là những minh tinh màn bạc ăn chơi trác táng và phá phách cuồng loạn.

Không phải không có người vào lính vì bị ép buộc, nhưng với y đấy là con đường tất nhiên. Tính cách của y đã đóng vai trò chủ đạo trong việc chọn đường của y. Thi rớt tú tài 2, y vào trường võ bị và trở thành sĩ quan. Đấy là một con người luôn thèm khát một cái gì đó: ăn ngon, mặc đẹp, được trọng vọng và được yêu. Nhưng y thì không yêu bất cứ một cái gì ngoài bản thân mình. Con người hào hoa ấy nếu ở một hoàn cảnh khác cũng có thể trở thành một con người khác. Nhưng, sự đời…

Cô bác sĩ trẻ bước vào, nhẹ như một cái bóng:

  • Anh thấy trong người thế nào? Có khá hơn không?

Y gật đầu:

– Thưa, khá hơn.

Cô bác sĩ ngồi xuống giường, cầm tay hắn, bắt mạch:

  • Anh yên trí tĩnh dưỡng, trước hết là đừng nghĩ ngợi linh tinh.
  • Người sẽ mổ cho tôi tên gì, thưa bác sĩ.
  • Bác sĩ Bình.

Người đàn ông tỏ ra bứt rứt, khó chịu. Lát sau, y đánh bạo hỏi.

  • Thưa tôi hỏi không phải. Bác sĩ Bình là bác sĩ cách mạng phải không?

Cô bác sĩ nhíu mặt nhìn người đàn ông.

  • Cách mạng, nhưng sao?

Người đàn ông thu mình lại vẻ bối rối và sợ sệt:

  • Thưa, tôi có thể xin đổi bác sĩ khác được không?

Cô bác sĩ nhếch môi:

  • Anh cần một bác sĩ không cách mạng à. Muộn rồi. Mười năm đủ để chúng tôi xoá đi cái khoảng cách đó! Còn anh? Vậy những ngày ở trong trại cải tạo anh không sống với người cách mạng sao?

Người đàn ông điếng người. Máu từ hai thái dương dường như ngừng chảy. Cô bác sĩ nhún vai nhìn vẻ mặt đầy khó khăn của người đàn ông. Nhưng chỉ trong giây lát, con người của y đã tuột khỏi tầm mắt của cô để trở về cái dáng quỵ luỵ và xui xoe cố hữu.

Đứa bé lại ho sặc sụa.

Người đàn bà rút chiếc khăn mùi xoa. Theo cái hắt xì hai cục đất đỏ như máu từ hai lỗ mũi đứa bé bắn ra.

Người đàn bà liếc nhìn Bình như nói phân bua.

  • Em cũng không định đưa cháu đi. Nhưng ba cháu nhớ con quá. Lâu lắm rồi em mới trở về Sài Gòn.

Rồi chị ôm con vào lòng, kể:

  • Bọn em cưới nhau trước giải phóng ít lâu. Nghe đồn trước đây anh ấy cũng mèo mỡ ghê lắm. Nhưng em cho qua. Đàn ông mà – không có gì mới là điều bất thường. Vả lại, anh ấy chuyển quân liên miên. Không có vợ bên cạnh làm sao chịu nổi. Nhưng anh ấy thương em lắm. Và ham con hết biết anh ơi. Anh ấy doạ không sanh cho anh ấy một đứa con thì anh ấy kiếm bà nhỏ. Nếu không có giải phóng thì anh ấy kiếm bà nhỏ thật. Một đại uý biệt động trẻ đẹp như anh ấy kiếm đâu không ra vợ. Lúc đi học tập về, điều anh ấy sợ nhất là sợ em không có con. Mà luật pháp bây giờ nghiêm cấm đàn ông hai vợ. Trời ơi, anh biết không lúc em sanh con, anh ấy như người điên nói lảm nhảm xuất mấy ngày. Mừng quá. Mà anh ấy cưng con hết sức vậy đó. Một lần anh ấy suýt bóp cổ em vì sơ ý để con nhỏ té trẹo chân. Nhìn điệu bộ anh ấy, em biết, nếu con nhỏ có bề gì thì anh ấy có thể giết em mất.

*

* *

Bình đến bệnh viện sau khi đã ghé qua bưu điện thành phố đã đánh một bức điện tín về Phước Long.

Từ trung tâm Sài Gòn chiếc Vespa của anh phóng ngược về đường Trần Hưng Đạo.

Cô bác sĩ đón anh ở phòng trực.

  • Trời ơi, anh Bình. Anh về bao giờ, sao không báo cho tụi em hay.
  • Cám ơn, tôi về hôm qua. Tình hình có gì không?
  • Tụi em đang trông anh đây. Có một bệnh nhân cần mổ gấp. Định chờ anh về. Nhưng sợ không kịp. Tụi em tính mổ hôm nay, chuẩn bị tất cả rồi, may quá. Có điều, anh có cần nghỉ ngơi không?

Bình lắc đầu:

  • Không cần, tôi có thể mổ được.

Bình quày quả đi theo cô bác sĩ. Khi qua phòng đợi dành cho thân nhân bệnh nhân, anh để ý người đàn bà ẵm đứa bé đang ngồi chăm chú nhìn về phía anh. Bình ngạc nhiên nhận ra đó là người phụ nữ cùng đi chuyến xe với anh. Anh đến bên chiếc ghế.

  • Chào chị.

Người phụ nữ ngẩng mặt nhìn anh.

  • Dạ, chào anh…à… Bác sĩ.
  • Anh ấy nằm ở đây à.?

Người đàn bà không trả lời câu hỏi của anh.

  • Thưa, anh là bác sĩ Bình?
  • Dạ.
  • Thưa, bác sĩ đi mổ bây giờ?

Bình gật đầu.

Giọng người đàn bà chợt yếu đi:

  • Thưa bác sĩ, chồng em, anh ấy…

Đôi mắt chị ngước lên khẩn cầu. Bình thấy nghẹn ở trong lòng ngực. Sao đôi mắt người đàn bà có cái nhìn giống Trâm giờ phút cuối cùng ấy thế. Anh an ủi:

  • Nghĩa là chồng chị đang chờ mổ phải không? chị an tâm.

Và anh quay ngoắt đi.

*

* *

Thay chiếc áo blu, đội mũ, mang khẩu trang và rửa tay xong, Bình bước vào phòng mổ. Bệnh nhân đã được khử trùng và đặt lên bàn.

Trên tấm “ra” trắng hiện ra một cái đầu bù xù, một gương mặt có bộ dâu quay nón và đôi mắt xếch.

Không khí xung quanh chợt đông cứng lại một cách bất ngờ. Bình muốn kêu lên mà tiếng kêu tắc nơi cổ họng không sao thoát ra được.

  • Đức.
  • Anh buông thõng hai bàn tay.

Đại uý Đức.

Cái ngày khủng khiếp nhất trong đời anh vụt hiện ra.

*

* *

… Cánh rừng chồi nằm cạnh con sông kế bên cánh đồng ngập nước cây dại mọc lên thưa. Xa hơn nữa là cánh rừng cao su.

Trâm ôm con, bẻ từng mẩu lương khô đút vào mồm đứa bé. Trong ánh nắng chiều, da đứa nhỏ trắng bợt như vừa lôi từ dưới nước lên.

Bình ngả lưng vào gốc cây, đầu tựa lên chiếc bồng. Mỹ lép xẹp. Quấn một điếu thuốc sâu kèn, nhìn đứa con qua làn khói mỏng.

Đứa bé đảo cái miệng nhỏ xíu như dài thêm ra. Miếng lương khô như tắc ở cổ họng. Trâm hốt hoảng vuốt ngực con, kêu lên:

  • Anh ơi, nước.

Bình bật dậy, dốc ngược cái bình toong. Đứa bé vớ nắp ca, tu đánh ực. Đồnh chí huyện uỷ viên có mái tóc hoa râm lặng thinh nhìn đứa bé, thở dài:

  • Thôi dáng đi con, vài bữa nữa xong sẽ không phải ăn lương khô nữa đâu. Tội nghiệp cháu tôi.

Rồi ông xoay người, vặn lưng, cầm súng đứng lên.

  • Đi thôi, qua cánh đồng là rừng cao su. Có thể coi như an toàn.

Đoàn người mang bồng lên vai. Bình ôm con đi bên cạnh vợ, nước lúp súp dưới chân.

Họ ra được giữa cánh đồng thì có tiếng trực thăng. Anh du kích đi đầu ngó nhìn trời lo lắng:

  • Lẹ lên các cha.

Tiếng trực thăng lớn dần, rõ là nó đang bay về hướng cánh đồng. Bình la lên:

  • Tản ra các lùm cây.

Nước bắn tung toé dưới những bước chân. Khi Trâm, Bình, đồng chí Hyện uỷ viên tới được bụi gai khá lớn thì từ bìa rừng cao su tốp trực thăng ào tới.

  • Chém vè ngay, nó đổ bộ đó.

Đồng chí du kích xách súng nhón chân chạy về phía bìa rừng để đánh lạc hướng bọn trực thăng, quay lại nói như ra lệnh:

  • Các đồng chí cứ phân tán ra. Không chết chùm cả nút bây giờ.
  • Trâm toan đưa tay đón con . Nhưng nghĩ sao lại thôi. Cô cắn môi:
  • Anh và anh Hựu chạy gấp sang lùm cây bên kia, lỡ ra…

Giọng cô nghẹn lại.

Bình thoáng do dự:

  • Nhưng còn em?

Trâm nghiêm nét mặt:

  • Anh nghe em. Cần phải có người sống. Lẹ lên, không còn thời gian đâu.

Khi Bình và Hựu nhào sang được lùm cây gần đó thì tốp trực thang đã sà xuống đầu anh du kích đang chạy ra hướng bìa rừng. Vừa chạy anh du kích giương súng. Chỉ thấy AK trong tay rung lên. Tiếng súng bị nuốt đi trong tiếng gầm rú của tốp trực thăng. Chỉ còn mười bước nữa là anh lọt trở lại cánh rừng nhưng khi vừa đặt chân được đến một mô đất thì anh lảo đảo té xuống. Khẩu AK văng qua một bên.

Tốp trực thăng vòng lại, rà sát mặt ruộng. Từ trên máy bay, tụi lính nguỵ lố nhố nhảy ra. Đi đầu là tên đại uý có bộ dâu quay nón và đôi mắt xếch. Đại uý Đức!

Bọn lính chạy ào ào trên mặt ruộng và bắn xối xả vào các lùm cây. Chúng tiến dần về phía Bình và Hựu. Bình nhấn người xuống nước và ôm chặt con vô lòng. Đứa bé mếu máo muốn khóc, đôi mắt thất thần vì sợ hãi.

Tiếng súng M.16 ré lên từng hồi. Nước bắn tung tóa. Một loạt đạn xẹt qua đám lá trước mặt Bình khét lẹt. Đưa bé cong người lên. Bình hoảng sợ đưa bàn tay bịt miệng con. Con nhỏ giãy giụa trên tay anh nhưng không khóc.

Trâm nhìn tốp lính đang đi về phía lùm cây Bình và Hựu đang núp. Tim cô muốn ngừng đập. Bàn tay cô run rẩy rờ vào trái da láng. Vỏ thép lạnh của trái thủ pháo làm cô tỉnh táo. Một ý nghĩ loé lên. Cô trườn ra khỏi lùm cây, hét lớn:

  • Tao ở đây.

Tốp lính giật mình dội ngược lại một loạt, và như một bản năng nằm bẹp xuống mặt ruộng vừa lúc trái da láng rớt xuống.

Nhưng trái thủ pháo không nổ.

Một phút, rồi năm phút. Bọn lính chồm dậy, viên đại uý gầm lên:

  • Đ. mẹ không được để nó thoát.

Chúng thận trọng tiến về phía cô.

Nhưng chúng thận trọng bằng thừa. Trâm không còn thứ vũ khí nào trong tay.

Bọn lính vây Trâm vào giữa vòng tròn. Nhưng cô không nhìn thấy gì hết. Đôi mắt cô hướng về phía lùm cây trong đó có Bình và con, đúng vào lúc anh định trồm lên. Ánh mắt vừa nghiêm khắc vừa yêu thương của Trâm khiến anh như chạm phải một bức tường.

Viên đại uý mắt xếch tiến mấy bước đến trước mặt Trâm. Hắn trở đầu khẩu côn đui Trâm chỉ kịp nhìn thấy mắt phải mình nhói đau và hoa lên là cô đã té nhào xuống mặt ruộng. Viên đại uý sốc tới. Hắn túm ngực áo Trâm dựng lên. Máu từ đuôi mắt cô nhoà với bùn đất chảy ròng ròng trên má. Và từ miệng cô, như quán tính, một bãi nước bọt bay ra dính bét vào mặt viên đại uý.

Hắn giơ ống tay áo chùi, khuân mặt bỗng đỏ lựng lên. Thuận tay, hắn túm cái cổ áo bà ba sũng nước của Trâm. Chỉ nghe một tiếng soạt, hàng nút bật tung. Cô hoảng hốt đưa bàn tay lên kéo áo, trong tiếng cười hô hố của bọn lính.

Bình tái mặt. Lần thứ hai anh định chồm lên. Nhưng đứa con đang nằm trong tay anh khiến anh chùn lại. Bình như thấy quanh mình có trăm ngàn mũi kim châm. Anh cắn răng. Toàn bộ ngân cốt của con người chuyển xuống chân tay. Trước mặt anh, bọn lính đã lột nốt nút áo cuối cùng trên người cô.

Viên đại uý xoay khẩu côn đui trên tay. Đột nhiên hắn đẩy mũi súng thẳng vào người cô. Một tiếng nổ khô khốc vang lên. Trâm giật nẩy người đưa tay bịt vết thương. Đôi mắt ngửa lên nhìn trời một giây rồi phóng về phía lùm cây bên kia. Bình ngồi chết trân. Các cơ thịt cứng lại như tạc bằng đá.

Viên đại uý chưa kịp tra súng vào bao. Hắn nhìn bàn tay Trâm từ từ rũ xuống. Trong ánh hoàng hôn, hắn thấy cả người cô như rực lên như một khối lửa. Và, từ vết thương mà bàn tay trắng xanh vừa buông, một dòng máu phụt ra phun đầy mặt hắn. Một mùi tanh lợm xộc lên khiến hắn muốn ói. Hắn giơ tay lên chùi mặt và vô tình xoè bàn tay ra. Thốt nhiên hắn rùng mình. Máu! Trời ơi, máu. Hai bàn tay hắn đẫm máu. Xung quanh hắn chỗ nào cũng máu, hắn kinh hoàng nhìn bọn lính nhe răng cười hệt như lũ quỷ sa tăng. Một mỗi sợ hãi vô cớ ập đến như làn gió độc. Hắn bỏ súng quay người vùng chạy mà vẫn cảm thấy cái thân thể rực lửa của cô gái rượt theo. Nhưng chỉ được chừng 100 thước, chân hắn tụt xuống một cái hố sâu. Hắn lảo đảo té sấp xuống mặt ruộng.

Bọn lính ngẩn người nhìn viên đại uý. Chúng chạy tới xốc nách viên chỉ huy và như lây nỗi kinh hoàng của hắn cũng phóng như bay về hướng rừng chồi.

Khi cánh đồng đã trở lại im ắng. Hựu bò sang phía Bình. Hựu ngạc nhiên nhìn dáng ngồi bất động của hai cha con. Từ hằm răng cắn chặt trên đôi môi Bình những giọt máu tươi còn nóng chảy loang trên khuôn mặt tái xanh của đứa bé. Hựu gỡ nó ra khỏi đôi tay khô cứng cảu anh và kinh hoàng nhận ra là đứa bé đã tắt thở…

*

* *

Mồ hôi Bình tuôn ra ướt đẫm cả lưng áo blu. Cả phòng mổ xúm quanh Bình. Cô bác sĩ trẻ lo lắng:

  • Anh Bình, anh sao thế?

Nụ cười nhợt nhạt hiện ra trên gương mặt tái xanh:

  • Tôi hơi mệt.

Cô bác sĩ sốt sắng:

  • Hay anh về nghỉ đi vậy, mặc bọn em.

Bình lắc đầu vẻ kiên quyết.

  • Không sao. Tôi chỉ cần nghỉ một chút thôi.

Mọi người lo lắng nhìn nhau nhưng Bình đã bước lại vào bàn mổ, dáng đi kiên quyết và rứt khoát.

… Hoá ra là trái đất tròn. Cuối cùng anh và hắn lại gặp nhau. Lẽ tự nhiên ở đời là có nợ là có trả. Anh cần phải mổ xẻ để xem trái tim ấy làm bằng chất liệu gì, cấu tạo máu của nó ra sao. Mà đúng là hắn cũng có quả tim ư. Và quả tim ấy cũng đau. Nhưng cái đau của hắn là cái đau bệnh lý. Làm sao có thể so sánh với nỗi đau của anh. Bây giờ kẻ gây ra nỗi đau ấy đang nằm trong tay anh. Chỉ cần một mũi dao thôi, ai biết được. Mà nếu có biết thì cũng không ai trách anh vì món nợ thiêng liêng mà anh gánh chịu bao nhiêu năm nay. Kẻ nào gieo gió thì phải gặt bão. Đó là quy luật biện chứng của cuộc đời. Làm sao khác được. Anh cũng cần giải phóng cho trái tim, ít nhất là trong những năm còn lại của cuộc đời.

Nhưng…

Cái chữ nhưng oái ăm ấy bất ngờ hiện ra khi Bình vừa cầm con dao mổ, và số phận kẻ nằm dưới con dao của anh dường như đã được quyết định. Một làn sương mỏng bay qua đầu bác sĩ Bình. Không, anh là bác sĩ và kẻ nằm dưới là bệnh nhân. Hắn là một tên lính hoàn toàn không có vũ khí. Hắn còn có vợ con, và hắn rất thương con. Và trời ơi, sao cái ánh mắt của vợ hắn, cái ánh mắt của người đàn bà sao lại giống ánh mắt Trâm vào cái ngày cuối cùng ấy thế…

Bình cảm thấy tay dao của mình thoáng run lên.

Dưới tấm khăn trắng, thân thể người bệnh đã nằm bất động trong màn thuốc mê.

Làm sao hắn có thể hiểu nỗi đau giằng xé của người bác sĩ khi đi đến cái quyết định hoàn toàn trái ngược với lòng mình.

*

* *

Người đàn ông tươm tất trong bộ quần áo tuy hơi cũ nhưng vẫn còn khá thận trọng bước đến cửa phòng trực. Phía sau là người đàn bà dắt một đứa con gái.

  • Thưa bác sĩ.

Cô bác sĩ trẻ ngẩng đầu lên:

  • À, chào anh Đức. Anh ra viện phải không?
  • Dạ, thưa tôi đến để cảm ơn và chia tay với bác sĩ.
  • Cầu chúc anh về nhà bình an. Chúc anh chị hạnh phúc.

Người đàn ông ngập ngừng:

  • Thưa bác sĩ.
  • Anh cần gì.
  • Thưa, tôi muốn gặp bác sĩ Bình.

Mặt cô bác sĩ thoáng buồn.

  • Tiếc là anh không thể gặp anh ấy được. Anh ấy đã đi điều trị ở bệnh viện Thống nhất TN hơn hai tuồn nay.

Người đàn ông im lặng một giây:

  • Bác sĩ Bình bệnh gì, thưa bác sĩ.
  • Có triệu chứng đau tim.
  • Đau tim, vì sao?

Cô bác sĩ nhếch môi:

  • Đúng, đau tim, còn vì sao ư? Điều đó có lẽ anh phải biết rõ hơn tôi. Đơn giản là anh ấy phải gánh một gánh nặng quá sức chịu đựng của quả tim anh ấy.

Người đàn ông ngơ ngác:

  • Nghĩa là thế nào ạ?

Cô bác sĩ chau mày:

  • Anh đã hỏi thì tôi không thể không trả lời: Vợ anh ấy đã bị một sĩ quan nguỵ bắn chết trong trận càn ở miệt Bình Dương. Đứa con gái hai tuổi của anh ấy cũng qua đời ngay trong ngày hôm đó.

Những thớ thịt trên má người đàn ông giật lên như người bị động kinh. Y đứng sững như trời trồng. Cô bác sĩ quay lại. Suýt nữa thì cô buột miệng nói ra câu: chính anh đã bắn vào trái tim anh ấy. Nhưng may là cô đã kìm lại được. Cô liếc nhìn người đàn bà đang rút khăn lau mặt cho đứa bé và thở phào vì chị đã không chú ý đến câu chuyện giữa cô và người đàn ông.

Trong nắng sớm, những trái dầu xoay vòng nhè nhẹ rơi xuống mặt sân.

Tháng 3 – 1985

Trích trong tập truyện ngắn “ Ngày cuối cùng của chiến tranh “

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất