Chủ Nhật, 20/04/2025
28.9 C
Ho Chi Minh City

Chiếc va ly của người khách lạ

Chiếc xe đang phóng nhanh trên đường để lại đằng sau một dòng bụi đỏ mù mịt, bất chợt giảm tốc độ.

Phía trước hiện ra một người thanh niên mặc bộ quân phục bạc màu, giơ nón cối tỏ ý vẫn xe. Dưới chân anh, bên lề đường là cái va ly vải bạt cũ kỹ đỏ quạch bụi đất.

Người lơ xe thò đầu ra ngoài trong một thoáng rồi quay lại phía tài xế:

  • Tấp vô đi.

Người tài xế chặc 50 đang phì phèo điếu thuốc ba số, đặt lên vòng lái, lơ đãng quan sát người thanh niên mặc quân phục, giọng có vẻ không mấy mặn mà:

  • Thôi cho qua. Lính thì ăn cái giải mẹ gì. Chắc lại xin quá giang.

Người lơ xe ngập ngừng:

  • Nhưng chẳng có va ly, may ra…

Người tài xế sốt sắng:

  • Va ly hả? Ờ, chắc là tiêu hay cà phê. Mày phải hù cha ấy dữ vào. Mẹ! Bữa nay xui xẻo quá trời… Từ sáng sớm tới giờ chưa kiếm được xu trà nước nào hết trơn.

Chiếc xe ép vào bên lề đường và thắng kít lại. Người lơ xe chạy ngược lại chỗ đứng của người thanh niên. Lát sau anh ta khệ nệ quay lại với chiếc va ly bằng vải bạt.

Đặt chiếc va ly xuống chân, anh quay sang người thanh niên bật quân phục, mặt lạnh tanh:

  • Ba trăm.
  • Hả?

Người thanh niên dừng sững như người vừa chạm phải bức tường, anh ngơ ngác:

  • Ba trăm, từ đây tới Thủ Dầu Một?
  • Với anh thì không xa nhưng với chiếc va ly của anh thì xa. Nhưng tôi sẽ đảm bảo cho anh qua các trạm gác trót lọt. Từ đây đến Thủ Dầu Một còn hai trạm kiểm soát. Toàn trạm “ác ôn” cả.
  • Nhưng tôi là thương binh…

Người lơ xe nhếch mép:

  • Cha nào lên đây mà chả là thương binh. Giấy giả, người giả thiếu gì. Chỉ có cà phê là thiệt.
  • Nhưng chiếc va ly của tôi…
  • Thôi đi cha, đừng có qua mặt tôi. Tôi đã chạy xe đường này cả mấy năm trời rồi chớ có phải bữa một bữa hai đâu. Cha ăn thịt cũng phải để cho người khác gặm xương với chớ.

Người thanh niên nói như quát lên:

  • Tôi không mang hàng lậu.

Người lơ xe có vẻ xìu xuống, phẩy tay:

  • Điều ấy thì anh dùng để giải thích với trạm kiểm soát. Nhưng cứ cho là anh không mang hàng lậu đi thì ba trăm cũng đâu phải là mắc. Từ đây về Thủ Dầu Một anh tính đã bao nhiêu cây? Chiếc va ly của anh thuộc loại cồng kềnh ít nhất nó cũng chiếm mất hai chỗ ngồi của xe. Với một chỗ ngồi của anh nữa là ba. Vả lại ba trăm bây giờ cũng chỉ hơn một ký lô thịt. Nhưng tuỳ anh thôi. Đi hay không thì rứt khoát để xe tôi chạy.

Người lái xe rít nốt hơi thuốc cuối cùng. Bực dọc ném mẩu thuốc khỏi xe, nói vọng xuống, giòng hằn học:

  • Không đi thì thôi dẹp mẹ nó đi cho rồi. Cù cưa cù nhày hoài, chịu hết nổi. Mẹ kiếp ba trăm mà cứ làm như cục vàng không bằng. Tới luôn, mày.

Một người phụ nữ ngồi cạnh cửa sổ, ngó đầu ra ngoài:

  • Thôi, cho người ta đi. Bộ đội lấy đâu ra tiền. Đánh đĩ trăm phương thì cũng để một phương mà đi lấy chồng chớ.

Người tài xế nhìn người phụ nữ giọng hậm hực:

  • Chuyện làm ăn của người ta ai mượn mấy bà xía vô, lảng xẹt.

Anh bộ đội liếc nhìn con đường vắng hai bên hun hút rừng cao su, vẻ băn khoăn. Anh lục trong các túi quần và áo gom được hơn ba trăm, sau khi nhét số tiền lẻ còn lại vào ngực anh thận trọng xách chiếc va ly lên xe. Người lơ xe liếc nhìn anh đang loay hoay tìm chỗ ngồi, hắng giọng:

  • Tôi không chịu trách nhiệm về chiếc va ly của anh đâu nhé!

Anh bọ đội xốc cổ áo, ánh mắt lộ vẻ vừa lành lùng vừa mỉa mai:

  • Khỏi lo!

Chiếc xe đò nhảy chồm chồm trên mặt đường lồi lõm ổ gà, chòng chành như con thuyền đang vuợt sóng lớn.

Anh bộ đội ngồi im lặng lơ đãng nhìn ra những dải đường cao su màu xanh.

Người phụ nữ ngồi bên cửa sổ, nãy giờ vẫn chú ý quan sát người khách có chiếc va ly, với thái độ thiện cảm, chợt lên tiếng:

  • Anh bộ đội này.

Anh bộ đội giật mình như bừng tỉnh.

  • Chị gọi tôi?

Người phụ nữ gật đầu:

  • Dạ.
  • Chị cần gì?

Người phụ nữ thoáng đỏ mặt:

  • Không tôi chỉ muốn hỏi chuyện thôi… có phiền anh không?

Anh bộ đội lắc đầu mỉm cười.

  • Quê anh ở Phước Long đấy à?
  • Quê tôi ở Tân Uyên.

Người phụ nữ tò mò:

  • Anh là bộ đội thật chứ?

Anh bộ đội im lặng một giây tỏ vẻ không bằng lòng:

  • Bộ chị thấy tôi giống bộ đội giả hay sao?

Người phụ nữ không ngờ anh bộ đội lại đặt ra câu hỏi ấy. Chị bối rối:

  • Không phải vậy, nhưng tôi không thấy anh mang lon.

Anh bộ đội thở phào như chút được gánh nặng:

  • Chị có lý đấy. Tôi giải ngũ đã mấy năm nay. Tôi là thương binh. Ra quân, tôi trở về quê hương làm ruộng. Bao năm qua chiến đấu, lại quen chỉ huy, trở về làm một con người bình thường, sống cuộc sống bình thường kể cũng khó thật.
  • Trước đây anh chiến đấu ở đâu?
  • Ở chính Phước Long. Tôi là một đại đội trưởng một đại đội của lực lượng bộ đội tỉnh.
  • Chắc anh cũng quen bội người ở thị xã phải không?

Anh bộ đội gật đầu, trầm ngâm:

  • Cũng nhiều. Kể cả người sống lẫn cả những người đã mất.
  • Nghĩa là anh rất hay lên đây?

Anh bộ đôi im lặng. Anh đưa mắt nhìn ra ngoài. Khuôn mặt khắc khổ như bỗng già đi thêm vài tuổi. Lát sau anh nói khẽ:

  • Không. Đây là lần đầu tiên tôi trở lại miền đất này từ sau ngày giải phóng. Có rất nhiều người mau chóng quên đi hay cố tình quên đi những năm tháng gian lao cũ. Tôi không thuộc loại ấy. Nhưng công việc cuốn lấy tôi. Những dự định về thăm bà con, đắp điếm nấm mộ cho bạn bè ban đầu rấy sôi sục, sau cứ nguôi dần, mặc dù tôi đã hứa hẹn rất nhiều kể cả với vong linh người đã khuất. Cũng có thể tôi không bao giờ quay trở lại, nếu như…

Anh bộ đội chợt im lặng. Anh đăm đăm nhìn người phụ nữ. Vẻ dò xét. Liệu anh có cởi mở quá chăng? Nhưng những băn khoăn ấy chợt vụt biến đi lúc anh bắt gặp ánh mắt đồng cảm của người phụ nữ. Ánh mắt như thể nhìn thấu tâm can anh khiến anh không thể rừng lại. Vả lại, dường như bên trong anh cũng có nhu cầu được bộc bạch.

Câu chuyện tiếp tục:

  • Vâng đúng, có thể là tôi không trở lại nếu như không có một chuyện xảy ra. Cách đây mấy hôm, có một người khách đến tìm tôi. Chị có đoán ra người khách nào tìm tôi không? Một phụ nữ lạ, có dẫn theo một đứa con trai 14 tuổi. Một người hoàn toàn tôi chưa gặp. Ban đầu tôi ngạc nhiên. Nhưng sau đó thì tôi sửng sốt cả người.

Chị ấy là một người vợ bạn thân của tôi đã nằm xuống một cánh rừng cao su miền đông. Làm sao không sửng sốt được khi người phụ nữ ấy từ Hà Nội dắt con đi hàng ngàn cây số lặn lội vào đây để tìm tôi. Chị bảo sao? Làm sao chị ấy biết tôi à? Cũng không khó gì. Chả là trước lúc hy sinh, anh ấy trao lại cho tôi toàn bộ kỷ vật, địa chỉ của gia đình và yêu cầu tôi nếu anh có mệnh hệ gì, lúc giải phóng hãy giúp anh mang toàn bộ những di vật ấy về cho vợ con anh. Đúng là tôi đã hứa, một lời hứa danh dự. Nhưng tôi chỉ thực hiện được một phần nhỏ của lời hứa ấy. Tôi gửi thư cho chị và toàn bộ di vật của anh qua đường bưu điện. Đường xá xa xôi. Tôi yên tâm rằng mình làm như vậy là đúng. Và tôi quên bức thư. Tôi không nghĩ rằng bức thư thì đến nhưng toàn bộ di vật của anh, do sơ xuất nào đó của bưu điện đã không đến nơi. Chị không nhận được những kỷ vật cuối cùng của anh.

Anh bộ đội thò tay vào túi áo quân phục lấy bịch thuốc rê. Anh run run cuấn một điếu thuốc sâu kèn. Anh quẹt diêm châm lửa hít một hơi dài và thò đầu nhả khói ra cửa sổ. Vài sợi khói mỏng, khen khét bay về phía người phụ nữ khiến chị hơi nhăn mặt. Nhưng chỉ trong một thoáng thôi. Anh bộ đội liếc nhìn người phụ nữ trong một giây. Anh rít thêm một hơi dài nữa, sau đó quả quết ném ném mẩu thuốc còn lại qua cửa sổ.

  • Và chị ấy đã tìm vào đến chỗ tôi. Mấy ngày phép đã dành đi tàu xe và loay hoay ở Sài Gòn gần hết. Nghe chuyện, tôi bỗng thấy căm giận mình, căm giận một cách thực sự. Chị ấy an ủi tôi nhưng tôi biết rằng không thể nào lương tâm hết bị rằn vặt về hành động vô trách nhiệm kia. Để chuộc lại một phần lỗi lầm chuẩn bị đưa hai mẹ con đi thăm mộ anh. Nhưng đùng một cái ở Hà Nội một bức điện bay vào chỗ tôi, nhắn chị ra gấp vì bà mẹ chị ở nhà bị bệnh đột ngột đang hấp hối. Tôi đành phải đưa hai mẹ con chị về Sài Gòn để đi ra. Trước khi đi chị ứa nước mắt nắm tay tôi và khẩn thiết yêu cầu tôi giúp cho chị một việc cuối cùng. Tôi đã hứa danh dự. Lần thứ hai tôi hứa danh dự như mọi khi tôi đã hứa trước vong linh người bạn đã quá cố…

Chiếc xe đột ngột dừng lại.

Lề đuờng lố nhố người và ngất ngưởng những bao bì.

Người lơ xe nhảy xuống đường. Sau một hồi cãi cọ, mặc cả, đám bao bì được thẩy lên mui.

Người lơ xe đưa mấy người khách trông có vẻ là thương lái lên sắp chỗ ngồi. Chiếc xe đã chật cứng chỉ còn duy nhất một chỗ trống là chiếc va ly của anh bộ đội.

Người lơ xe chỉ chiếc va ly nói với hành khách:

  • Đó, ngồi lên đó.

Người hành khách mới, một người đàn bà xồn xồn, tay lủng lẳng cái túi tiền to tướng ghé đít xuống.

Anh bộ đội như bị điện giật. Anh tái mặt nhưng giọng vẫn nhỏ nhẹ:

  • Bà ơi, không ngồi lên đấy được đâu.

Bà hành khách đưa mắt nhìn lơ xe. Anh lơ xe hất hàm:

  • Bà cứ ngồi xuống đó đi, tội và đâu tôi chịu.

Rồi anh ta quay sang phía anh bộ đội:

  • Cao nhất va ly anh đựng cà phê chớ gì mà anh làm giữ vậy. Cà phê về thì anh cũng thảy đi chớ anh đâu có uống mà lo.

Người khách lại toan ném đít xuống.

Anh bộ đội quắc mắt:

  • Tôi đã nói với anh là tôi không đi buôn. Trong ấy không có cà phê. Nhưng nó còn quý hơn ngàn lần cái cà phê của anh.

Người lơ xe liền đổi sắc mặt:

  • Quý hơn cà phê. Hừ, vậy thì vàng hột xoàn hay là bạch phiến. Nhưng dù cho là những thứ đó đi chăng nữa thì ngồi lên cũng có hư hao mất mát gì đâu. Thôi được, nhưng lúc trước anh chỉ trả tiền cho có một chỗ ngồi.

Anh bộ đội nhếch mép:

  • Anh nói lạ. Hồi đầu anh nói chiếc va ly của tôi choán mất hai chỗ ngồi. Kể cả cho tôi nữa là ba. Như vậy là tôi đã trả tiền cho ba chỗ ngồi.
  • Tôi nói vậy nhưng không phải vậy. Tiền cái va ly của anh là tiền ba ga. Tôi ăn tiền ba ga. Tôi nể anh nên mới cho anh để va ly trong xe. Vả lại bấy giờ xe rộng. Bây giờ nh quyết định đi: Một là anh để cho khách ngồi lên va ly, hai là tôi sẽ đưa nó lên mui, ba là mời anh…

Anh bộ đôi kiên quyết:

  • Không được.

Có tiếng xì xào nổi lên trong xe. Người lơ nhìn khắp lượt vẻ phân bua, vẻ như muốn tìm sự đồng tình:

  • Đấy bà con xem. Đường đông mà khách nào cũng như ổng thì làm sao xe chạy.

Anh bộ đội thấy không khí có vẻ căng thẳng. Anh cau mày suy nghĩ một phút rồi quyết định:

  • Anh đưa va ly cho tôi.

Đón chiếc va ly từ tay người lơ xe, anh bộ đội thận trọng kê nó lên đùi… người phụ nữ ngồi cạnh nhìn anh, mắt thoáng ve băn khoăn.

chiếc xe rồ ga, vụt đi.

Anh bộ đội ngồi im như vậy rất lâu. Mãi sau anh mới quay sang người phụ nữ:

  • Chị thấy tôi hơi kỳ cục phải không?

Người phụ nữ lắc đầu:

  • Không, nhưng tôi không hiểu lắm. Chắc là anh có lý do…

Anh bộ đội tay ôm chiếc va ly, mắt đăm đăm nhì ra ngoài xa. Những hàng cao su xanh mướt mới trồng nối đuôi nhau chạy mãi về phía sau. Xa hơn nữa là những mái nhà tranh còn mới chạy lúp xúp ven sườn đồi. Người phụ nữ chăm chú nhìn anh bộ đội, tò mò gợi chuyện:

  • Khi hồi anh nói anh hứa với chị vợ bạn anh nột việc. Chắc anh đã thực hiện lời hứa đó.

Anh bộ đội gật đầu như cái máy:

  • Dà, đó là lý do chính khiến tôi trở lại Phước Long. Anh ấy và tôi chiến đấu rất nhiều năm ở những vùng rừng này. Lúc đó ở đây còn hoang vu lắm. Trừ những đồn điền cao su của bọn Pháp để lại, ven đường 14 hình như không có dân. Cứ của chúng tôi trong rừng lồ ô tuốt đằng sau những lô cao su mới trồng kia kìa. Gọi là cứ nhưng chúng tôi cũng không ở cứ nhiều đâu. Thường thì nay đi đánh chỗ nọ mai đi đánh chỗ kia. Có lần đơn vị tiếp nhận một số tân binh C tức là một số anh bộ đội mới ở ngoài Bắc vào. Tên quen với một anh tên là Lai ở đường Lò Đúc Hà Nội. Anh còn trẻ, đẹp trai, hát rất hay. Anh có giọng nói như chim hót. Chúng tôi thích nghe anh nói vì anh nói nhanh, hơn nữa còn dùng những từ rất lạ khiến bọn tôi đôi lúc không hiểu được hoặc hiểu lầm. Có lần sự hiểu lầm suýt dẫn đến hậu quả không hay. Lần ấy, chúng tôi đi hành quân. Đường phải đi qua con đường Đắc Quýt. Trước khi vượt sông, tôi hỏi anh:
  • Anh có biết lội không?

Anh đáp – Biết.

  • Vậy thì cởi áo quần chuẩn bị qua sông. Tất cả đồ đạc đem bọc vào bịch ni lông. Sang đến nơi, chúng ta có thể mặc quần áo mà không bị ướt.

Anh làm theo. Chúng tôi qua sông.

Tôi đi đầu, Lai đi thứ hai, phía sau nữa là anh em khác.

Hết đoạn đường nước cạn, đến chỗ nước sâu, tôi bắt đầu lội. Chưa được hai mét, tôi đã nghe a một tiếng . Vừa quay lại, tôi chỉ thấy cái thấp thoáng cái đầu anh trong nước lũ. Bịch ni lông đồ đạc xoay tròn đang trôi veo veo. Tôi hốt hoảng ném đồ đạc nhào theo. Vài anh em khác cũng lao theo tôi. Khi lôi được Lai lên bờ thì anh đã gần kiệt sức.

Chúng tôi hô hấp nhân tạo, đốt lửa lên cho anh sưởi. Khi anh đã tỉnh, tôi mới ôn tồn trách anh:

  • Sao không biết lội anh không nói để tụi tôi còn tính.

Anh nặng nhọc thở ra:

  • Ai bảo nước sâu thế mà các ông không nói với tôi.
  • Thì nước sâu người ta mới phải lội, nước cạn cần gì phải lội.

Anh phì cười:

  • Vậy là chết tôi rồi. Đáng lẽ các anh phải hỏi tôi có biết bơi không. Lội là chân phải chấm đất kia.

Tất cả chúng tôi cùng cười. May mà không ai việc gì chỉ mất cái đồng hồ và một ít đồ đạc.

Sau vụ ấy tôi và anh thân nhau.

Anh ấy thích ứng chiến trường rất mau. Chỉ vài tháng anh đã trở thành người lính thực thụ.

Anh thường hay nói chuyện về vợ con, tiếc là mấy bức ảnh để trong gói đồ đạc đã bị trôi mất nên tôi không biết mặt chị.

Chúng tôi chiến đấu bên nhau mấy năm. Có nhiều kỷ niệm chung. Nhưng tôi nhớ nhất trận đánh ở Phước Bình. Đấy cũng là trận đánh cuối cùng của anh…

Người phụ nữ thoáng rùng mình, đột ngột cắt đứt câu chuyện:

  • Anh nói trận đánh Phước Bình à?

Anh bộ đội ngạc nhiên nghe giọng nói thảng thốt của người phụ nữ:

  • Dạ. Nhưng… Chị làm sao vậy?

Người phụ nữ quay ra cửa sổ rút túi lấy vội chiếc khăn, nói thác đi:

  • Không sao cả anh. Chà đường hôm nay bụi dữ. Xin anh cứ kể, tôi nghe đây.

Anh bộ đội tiếp tục:
– Đại đội chúng tôi được giao nhiệm vụ làm đại đội chủ công đánh chiếm chợ Phước Bình và phải giữ nó trong một ngày một đêm, nhử quân địch ở Phước Long và chi khu Phước Bình để quân ta phục kích ở vòng ngoài tiêu diệt.

Đích thân tư lệnh trưởng quân khu đã xuống giao nhiệm vụ cho chúng tôi.

Chúng tôi bàn bạc rất kỹ trong ban chỉ huy, động viên bộ đội và lên phương án tác chiến. Lúc đó tôi là đại đội trưởng còn Lai là chính trị viên.

Bên ấy chúng tôi mắc võng nằm bên nhau. Không đứa nào nói về trận đánh quyết liệt sắp tới. Anh Lai kể về vơ con. Đột nhiên trong câu chuyện anh bảo tôi:

  • Trận đáng ngày mai sẽ không dễ dàng đâu. Có thể cả hai thằng sẽ không trở về. Cũng có thể chỉ còn một thằng. Trong trường hợp thứ nhất thì không nói làm gì. Còn trường hợp sau xảy ra thì mình đề nghị một giao ước thế này.

Tôi lo lắng nhìn anh, linh cảm điều gì không lành:

  • Giao ước thế nào?
  • Mình đề nghị thằng nào còn sống đến ngày giải phóng sẽ đếm gia đình thằng kia để kể lại toàn bộ sự tình. Cậu nhớ kỹ địa chỉ mình chứ.
  • Nhớ, nhưng không phải để làm công việc ấy đâu. Sau giải phóng, mình và cậu sẽ cùng về thăm vợ con cậu.

Anh mỉm cười:

  • Tất nhiên là mình cũng mong thế. Nhưng chiến tranh là chiến tranh. Quy luật nghiệt ngã của nó đâu có buông tha ai. Cậu gật đầu đi để mình yên tâm.

Tôi gật đầu nhưng lòng không vui. Xưa nay chưa bao giờ anh nói đến chuyện chết.

Đêm hôm sau chúng tôi tấn công vào chợ Phước Bình. Một trung đội bảo an ở đó tan rã. Chúng tôi vào chợ không tốn một giọt máu nào. Nhưng đấy chỉ là bước đầu chủa một trận đánh dữ dội.

Thấy chúng tôi đào hầm có vẻ muốn trụ lại, Dân đổ xô về Phước Long. Một ông chủ tieenmj phở đến gặp tôi nói:

  • Tôi biết anh em ở lại. Chúng tôi là dân, chúng tôi không chống đỡ với bom đạn được. Nhưng thức ăn có sẵn đấy, anh em thích ăn gì cứ ăn. Tôi không tiếc đâu.
  • Suốt đêm đó gần như chúng tôi không ngủ. Sau khi trí trận địa chiến đấu là những giây phút chờ đợi căng thẳng. Chúng tôi đã từng đánh những trận lớn nhưng chưa bao giờ phơi áo giữa ban ngày ở một địa

Bảy giờ sáng, một chiếc đầm già bay lượn vè vè trên đầu.hình trống trãi sẵn sàng làm mồi cho bom đạn của kẻ thù như lần này.

Tám giờ một đại đội địch từ Phước Long xuống đi hai hướng phản kích vào chợ.

Khi tôi vừa nghiến răng hô bắn thì các họng súng nhất loạt rung lên. Tôi ngỡ như mình đang nằm giữa chảo bắp rang với cát. Không khí nóng bỏng lên. Tôi nhìn sang Lai. Anh đang kê khẩu súng AK trên vai. Khói đạn nám đen khuôn mặt đẹp trai, trắng trẻo. Tôi vẫn phục cách bắn súng của anh. Anh bắn như một người làm vườn đang tưới hoa. Một màn đạn rải đều trước mặt làm đội hình của địch ùn lại nhốn nháo rồi nằm bẹp xuống. Nhiều tên lao đầu chạy thối lui. Khẩu súng của anh rộ lên theo chúng như có mắt. Bọn giặc ngã xuống như những thân cây đổ.

Một đại đội địch bị đánh tan tác, ôm đầu máu chạy về phía Phước Long.

Rồi đại đội thứ hai. Sau lần phản kích lần thứ ba, chúng tôi tranh thủ củng cố công sự vì biết thế nào địch cũng dùng phi pháo để huỷ diệt.

Đúng như dự đoán. Pháo địch từ các nơi đã gầm lên, chúng bắn toạ độ từ vòng ngoài đến vòng trong và cuối cùng quay vào giữa chợ.

Bụi đa, gạch ngói, đất cát tung lên.

Một số hy sinh.

Một số bị lấp hầm.

Sau trận mưa pháo, địch cho một đại đội nữa phản kích.

Tiếng AK, B40, M16, M17… lại rộ lên.

Nhưng chúng lại bị đánh bật ra.

Lúc này thương vong đã hơi nhiều.

Chúng tôi gom số thương binh vào một căn hầm chắc chắn nhất chờ trận đánh kết thúc vì lúc này không thể nào đưa ra được.

Chưa xong việc chúng tôi đã nghe tiếng trực thăng phành phạch bay lên. Tôi vừa nhảy lại được xuống hầm thì đã nghe “cào đùng”. Chúng bắn hoả tiễn. Vừa nghĩ vậy thì nắp hầm của tôi đã trống bốc. Tôi bị vùi một nửa người. Tay trái bị thương máu chảy ròng ròng. Tôi dùng một tay bới đất leo lên. Trực thăng vẫn tiếp tục bắn. Lúc tôi chuyển được sang hầm khác thì cũng chính là lúc địch phản kích lần thứ năm.
Lần này chúng tôi vẫn giữ được chợ.

Chúng tôi động viên nhau bằng giá nào thì cũng phải được cho đến đêm. Bấy giờ đã là xế chiều.

Phút im lặng căng thẳng. Tôi nhìn anh em bộ đội. Mặt mày ai nấy cũng hốc hác, sạm đen, quần áo tả tơi. Lai nhìn tôi nở một nụ cười mệt mỏi, hàm răng lấp loá như hằm răng của một người da đen, giọng anh khan đặc:

  • Ráng lên, chỉ còn mấy tiếng nữa là chúng ta hoàn thành nhiệm vụ.

Sau phút im lặng, chiếc đầm già như một con chim ác vè vè lượn trên đầu chúng tôi. Lại bắt đầu đây. Tôi nghĩ thế. Khi tôi vừa hô “ coi chừng phản lực” thì một tốp F5 đã lao về phía chúng tôi như những con diều hâu. Với một sự lanh lợi đầy hăm doạ, chúng bổ nhào thẳng xuống chợ. Tôi nhìn rõ những quả bom dưới bụng từng chiếc máy bay.

Nhưng đụn khói ngùn ngụt bốc lên.

Những ngôi nhà còn sót lại bay tứ tung lên không trung.

Xung quanh tôi đen màu khói bom. Tai tôi điếc đặc. Chính lúc ấy tôi nghe một tiếng “ục”. Vài tích tắc sau, mặt đất rung lên, đến nỗi tôi nằm lịm đi một lúc, cảm thấy đầu óc rỗng tuếch như không có gì bên trong.

Khi tỉnh lại, tôi thấy người rã rời. Bên cạnh tôi là một hố bom rộng hoác. Tôi hất những tảng đất trên mình và không hiểu tại sao mình vẫn còn sống. Phản ứng đầu tiên của tôi là đưa mắt tìm kiếm Lai. Ngôi nhà cạnh anh đã biến thành đống gạch vụn đổ nát. Lai bị đất vùi kín nửa người. Anh nằm nghiêng trong hầm . Bên cạnh anh là người chiến sĩ liên lạc. Mắt người lính còn mở trừng trừng. Tôi vội bò sang hầm hai người. Đồng chí liên lạc đã chết, một mảnh bom ghim vào giữa trán anh. Từ đó ứa ra một vệt máu còn tươi. Lai vẫn còn thở.

Tôi lấy tay bới đất, moi xung quanh anh sau đó vòng tay qua lưng anh ra sức kéo. Trên ngực áo anh lớp đất thấm máu chưa khô. Tôi thận trọng đặt xác người liên lạc sang bên, nắm lấy vai anh và ra sức kéo. Mặt anh tái đi. Răng anh nghiến chặt. Vừa kéo được anh lên thì một loạt bom nữa trúng vào trung tâm chợ. Cả không gian rung lên.

Lai mở mắt. Anh thều thào nói với tôi:

  • Cậu chạy lo cho anh em đi, để mặc mình. Chúng sắp phản kích nữa đấy. Cả ban chỉ huy giờ chỉ còn mình cậu thôi. Khi chúng vào, mình có sẵn hai khẩu súng AK và một khẩu súng ngắn đây. Nhưng… – anh đưa mắt nhìn tôi khẩn khoản – nếu mình có mệnh hệ gì, cậu nhớ lời hứa chứ.

Tôi ứa nước mắt gật đầu nhưng vẫn nói với anh:

  • Không, cậu sẽ sống, phải sống chớ.

Rồi tôi bò vội đi. Tôi muốn ở lại bên anh, cùng anh bắn đến viên đạn cuối cùng nhưng tôi không thể. Phía sau còn cả một đại đội.

Máy bay địch đã ngừng ném bom. Nhưng tất cả các cộng sự đã trốc hết. Chúng tôi tận dụng mọi chướng ngại để chuẩn bị đón tiếp địch. Có thế đấy là một đợt phản kích cuối cùng.

Đúng là đợt phản kích cuối cùng thật.

Bốn đại đội địch được tung ra. Nhưng lực lượng bên ngoài đã chi viện cho chúng tôi. Số địch còn lại cũng không vượt qua được cửa tử.

Lai đã bắn hết bốn băng đạn AK, hai băng đạn súng ngắn. Nhưng đúng vào lúc bọn địch thúi lui thì tôi thấy tiếng súng của anh ngừng bặt.

Khi chúng tôi kéo lại phía anh thì trời đã nhá nhem tối. Không gian đã im ắng. Lai đã ngừng thở. Một viên đạn xé toang ngực anh. Anh nằm im, vẻ mặt thanh thản như vừa bắt đầu một giấc ngủ dài…

Anh bộ đội dừng lại.

Người phụ nữ cắn môi, kín đáo quay đi, dường như là để dấu một giọt nước mắt.

Chiếc xe đò đậu xịch lại ở trạm gác cuối cùng.

Người lơ xe chạy về phía trạm kiểm soát, lát sau anh quay lại cùng với một thanh niên dáng chừng là nhân viên thuế vụ.

Người thanh niên lên xe đưa mắt nhìn khắp lượt. Mắt anh dừng lại ở chiếc va ly trên tay anh bộ đội. Ngập ngừng một lát anh nói với anh bộ đội:

  • Xin lỗi, tôi là cán bộ thuế vụ.
  • Dạ, anh cần gì?
  • Xin phép được xem chiếc va ly của anh.
  • Anh có giấy khám va ly không?

Anh cán bộ thuế vụ vẫn kiên nhẫn:

  • Xin lỗi, tôi không khám va ly. Tôi chỉ kiểm tra xem có ai mang hàng lậu không?

Anh bộ đội lắc đầu:

  • Vậy anh gõ nhầm cửa rồi. Tôi không buôn lậu.
  • Có gì làm chứng là anh không buôn lậu?

Anh bộ đội thò tay vào túi áo, rút ra chiếc thẻ thương binh.

Anh cán bộ thuế đọc cái thẻ như muốn nhấm nháp từng chữ một. Lát sau, anh nói, giọng lấp lửng:

  • Rất tiếc đây không phải là một bằng chứng. Nhiều khi…nó chỉ có giá trị như một chiêu bài.

Anh bộ đội nghiêm sắc mặt:

  • Anh có thấy là anh đã đi quá xa rồi không. Nhưng anh cần bằng chứng gì?
  • Xin lỗi, tôi chỉ muốn được kiểm tra va ly.

Anh bộ đội kiên quyết:

  • Không được, tôi đã nói là tôi không có hàng lậu trong va ly.

Anh cán bộ thuế nhún vai:

  • Nếu vậy thì tôi không có cách giải quyết nào khác. Chắc anh không muốn ở lại hoặc để chiếc va ly ở lại.

Anh bộ đội nhăn mặt:

  • Tại sao tôi phải ở lại/
  • Vì tôi không biết va ly của anh chứa gì. Biết đâu anh mang theo cà phê. Anh cũng biết cà phê là thứ hàng quốc cấm chớ?

Anh bộ đội lặng im một giây, vẻ bực bội hiện rõ nét mặt:

  • Tôi xin hứa danh dự với anh là trong va ly không có cà phê.
  • Công việc của chúng tôi hoàn toàn không thể căn cứ vào lời hứa danh dự… Nhưng – Anh cán bộ thuế tò mò: – Anh có thể nói trong va ly có cái gì được không?

Anh bộ đội lắc đầu căng thẳng:

  • Không thể được.

Anh cán bộ thuế lắc đầu:

  • Vậy thì vô phương. Anh là thương binh chắc anh hiểu đường lối quá rồi. Anh không giúp chúng tôi làm nhiện vụ thì ai sẽ giúp chúng tôi.

Anh bộ đội ngồi bần thần một lúc lâu. Anh quay sang người phụ nữ và bắt gặp vẻ mặt bối rối của chị. Linh cảm với không khí tò mò và cả khó chịu của những người xung quang, anh đành đi đến quyết định cuối cùng:

  • Thôi được, tôi sẽ mở va ly. Nhưng nếu như va ly không có hàng lậu thì anh chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm xúc phạm này.

Anh cán bộ thuế gật đầu.

Chỉ có người phụ nữ thấy trong ánh mắt của anh bộ đội có màu hơi nước.

Mọi người tò mò xúm quanh. Người lái xe đứng hẳn lên bên tay lái.

Chiếc va ly bật nắp.

Không có cà phê.

Chỉ có một bọc ni lông trắng lớn chiến gần trọn va ly. Đằng sau tấm ni lông hiện ra một bộ hài cốt.

Mọi người trong xe chết lặng đi.

Anh cán bộ thuế cúi đầu như một phạm nhân đứng trước vành móng ngựa. Anh kéo chiếc mũ ra khỏi đầu. Mãi sau mới lắp bắp được một câu:

  • Xin lỗi, tôi không biết. Tôi không ngờ, không thể ngờ…

Người phự nữ ôm mặt.

Anh bộ đội lập tức đóng nắp chiếc va ly lại. Chỉ nghe tiếng gió lùa trên nóc rừng cao su non.

Lát sau anh bộ đội mới đánh tan sự im lặng, giọng anh khàn hẳn đi:

  • Hài cốt của một người bạn chiến đấu của tôi đã hy sinh trong trận đánh chiếm chợ Phước Bình cách đây mười mấy năm. Tôi làm theo yêu cầu của người vợ goá. Chị đã vừa vào đây, chưa kịp lên thăm anh ấy thì đã phải ra Hà Nội ngay vì bà mẹ chị bị bệnh đột ngột sắp qua đời.

Người lái xe ngồi phịch xuống ghế, chết lặng vì bất ngờ. Mãi sau ông ta mới lầu bầu được một câu:

  • Trời ơi, quỷ ám tôi rồi hay sao đây. Chở hài cốt người chết trên xe. Chắc tôi mạt quá.

Người phụ nữ đang ngồi ôm mặt bỗng bật dậy. Mặt chỉ đỏ bừng như đang lên cơn sốt:

  • Ông im đi. Ai cho phép ông nói bậy. Đó không phải là người chết. Đấy là một con người. Một- con- người hơn tất cả mọi người tâm thường, ông hiểu chứ.

Người lái xé quay lại. Anh bắt gặp đôi mắt quắc lên của chị phụ nữ. Ông hốt hoảng rồ máy và lần đầu tiên trong đời thấy tay lái của mình lạng đi.

Anh bộ đội nhìn tấm lưng to như tấm phản và cái gáy đỏ như gà chọi của người lái xe. Anh liếc sang chị phụ nữ vẻ mặt chưa hết xúc động. Trong óc anh bỗng nảy ra một liên tưởng kỳ lạ về sự dung tục và thiêng liêng. Tất cả như thức, tỉnh táo đến chua xót. Có lúc anh đã quên, quên một cách vội vàng. Vì rối ren bấn bíu với công việc? Hay vì một cái gì đó âm thầm nhỏ nhen không có hình thù? Cũng có thể là cả hai.

Chiếc xe vẫn lăn bánh trên con đường đất đỏ. Người phụ nữ đã bớt xúc động. Chị nhìn con đường trôi vụt về phía sau và cảm giác như đang ngồi giữa một hạt hồng cầu trong mạch máu, những hạt hồng cầu không ngừng phải chống đỡ với bệnh tật để giữ cho tươi nguyên màu đỏ của cuộc đời.

Không ai biết người phụ nữ nghĩ gì. Cũng không ai kể cả anh bộ đội biết rằng chíng chị cũng có người chồng đã hy sinh ở trận Phước Bình năm ấy.

Tháng 9 – 1984

Trích trong tập truyện ngắn “ Ngày cuối cùng của chiến tranh”

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất