Chủ Nhật, 13/07/2025
29.6 C
Ho Chi Minh City

Ngày mới

Giám đốc nhà máy ngồi lặng im như pho tượng trước bàn làm việc của mình, điếu thuốc còn nguyên tàn cháy đến hai đầu ngón tay. Nửa giờ trước đây ông nhận được bức thư của trưởng phòng tổ chức cán bộ. Bức thư viết vội, nét chữ nguệch ngoạc, trên thứ giấy trắng đã hơi ố xé từ sổ tay ra. Ông giương cặp kính săm soi một vật thể lạ. ông đọc gần như thuộc lòng bức thư nhưng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Bức thư chỉ vỏn vẹn có mấy dòng:

“ Kính gửi đồng chí giám đốc.

Tối qua, ngày 17/3, kỹ sư Nguyễn Tường Minh đi dự một buổi biểu diễn nhạc trẻ và không hiểu sao đã hành hung. Người ta đưa kỹ sư đi bệnh viện ngay vì nghi vết thương sọ não của anh tái phát. Bác sĩ khám kỹ cho kỹ sư và xác nhận không có triệu chứng nào của căn bệnh trên. Tuy nhiên, người ta đã phát hiện ra là anh uống rượu. Bác sĩ cho biết có thể anh đã uống gần hết ½ lít đế. Sáng nay tôi đến nhà kỹ sư để tìm hiểu nội tình. Có thể tôi sẽ điện về văn phòng, nếu cần.

Ký tên

Trưởng phòng tổ chức cán bộ”

 

Giám đốc loay hoay gỡ cặp kính ra. Có cái gì cay cay dâng lên sống mũi. Uống rượu, hành hung… Sao lại như thế được nhỉ? Một người chưa hề bị sai sót về tư cách, một cán bộ gương mẫu, hơn nữa một đảng viên… Ông tin người kỹ sư này như tin vào chính bản thân ông vậy. Minh là con trai duy nhất của người bạn chiến đấu đã ngã xuống đã giao lại cho ông. Không bao giờ ông quên được đôi mắt của người chính trị viên tiểu đoàn ngó mông lên vòm trời vả chỉ chịu nhắm mắt khi ông hứa sẽ tìm được đứa con trai của bạn và sẽ coi nó như con ruột của mình. Nhưng ông không thực hiện được lời hứa đó mặc dù ông đã tốn khá nhiều công phu tìm kiếm . Mấy trục năm sau, một sự may mắn tình cờ khiến ông tìm được Minh. Và cũng may mắn thay cho ông, con trai người đồng chí đã nên người.

Minh giải ngũ với vế thương ở đầu. Và vì có bằng kỹ sư, anh xin về công tác tại một nhà máy cơ khí. Chính ở đây, anh đã gặp được người bạn của cha mình – giám đốc kiêm bí thư Đảng uỷ nhà máy. Minh là một kỹ sư trẻ có tài năng. Anh luôn luôn hoành thành nhiệm vụ được giao với tinh thần tận tuỵ hiếm có. Giám đốc không chỉ hài lòng mà còn tự hào về anh. Ông thường lấy đó làm tấm gương giáo dục lớp trẻ nhà máy. Nhưng ông đã hiểu gì về Minh? Giám đốc xoa tay lên cằm bứt từng cọng dâu và bực bội đứng dậy. Vết thương đang còn mảnh đạn trong người bất ngờ lại nhói lên. Ông buông từng bước nặng nề trong căn phòng. “ Xem nào, ta đã hiểu gì về Minh nhỉ?.. Chẳng hiểu gì cả, ngoài công việc”. Ông ít quan tâm đến đời tư của Minh. Người chính trị viên tiểu đoàn của ông khi ngã xuống, không kịp nhắc đến tên đứa con trai, nhưng vẫn còn kịp trối lại cho ông: “ Hãy chú ý đến con người – đó là tấy cả bí quyết của thanfh công”.

Vậy là ông quên. Hay nói đúng hơn, ông không quên nhưng bắt đầu xa rời đồng đội. Trong chiến đấu dù sao cũng đơn giản hơn. Sau những trận chống càn, những cuộc hành quân xuyên đêm… đơn vị thật sự là cái tổ ấm duy nhất. Một lá thư từ hậu phương, một câu chuyện tâm tình cũng trở thành tài sản chung. Người lính luôn sẵn sàng bộc lộ với chỉ huy tất cả tâm tư của mình… Còn bây giờ, làm sao ông hiểu nổi hàng ngàn con người trong khi công việc sự vụ ngập đầu ngập cổ. Ông chỉ chú ý đến công việc. Bây giờ thì ông giật mình. Ông nhớ đến ý kiến của một đồng chí cấp trên: “ Kẻ thù đang giành dật với chúng ta từng con người cụ thể”. Ông chợt thấy tim mình nhói lên. Cũng có thể. Minh đã vượt khỏi vòng tay ông. Có thể lắm chứ…

Có tiếng chuông điện thoại reo. Giám đốc vồ lấy ống nghe. Khuôn mặt ông nhăn nhó trông đến khổ sở. Ông đưa ống nghe lên tai. Ổ đầu bên kia vang lên tiếng nói của trưởng phòng tổ chức cán bộ. Cái giọng bình tĩnh vốn có của anh khiến ông bực bội. Ông áp chặt ống nghe vào tai dường như sọ bỏ sót bất cứ một chi tiết nào:

A lô, đồng chí giám đốc ạ. Vâng, tôi đây, trưởng phòng tổ chức cán bộ đây. Đồng chí bảo sao? À, vâng tôi đang ở nhà anh Nguyễn Tường Mnh. Anh ấy khoẻ rồi. Tỉnh táo lắm. Chẳng có triệu chứng nào của căn bệnh tâm thần đâu. Anh ấy đang nằm ở phòng bên. Tôi chưa đề cập đến câu chuyện qua. Cứ để anh ấy nghỉ ngơi đã, vội gì. Đồng chí hỏi anh ấy ăn ở sao à? Vậy ra đồng chí chưa đến đây bao giờ? Nói với đồng chí thế nào đây nhỉ? Vâng, đơn giản. Đơn giản đến mức luộm thuộm. Thực tình tôi nói chẳng ra vẻ một cái nhà. Trừ cái giường, một bàn viết và một đống sách vở thì không có cái gì đáng giá. Không, chẳng có giấu hiệu gì của một cuộc sống phóng túng. Tôi đã xem xét tủ quần áo của Minh, chỉ lèo tèo vài bộ, trong đó có máy bộ đồ lính. Sáng nay tôi may mắn gặp người bạn thân của Minh là phóng viên một tờ báo. Anh bạn ấy kéo tôi đi uống cà phê và kể chi tiết về câu chuyện hồi hôm. Anh đã xem đêm biểu diễn nhạc trẻ hôm qua là đêm thứ hai. Đêm trước anh đến rủ Minh đi nhưng Minh từ chối. Sau chót vì nể tình người bạn nên Minh cũng đi. Vào khoảng giữa buổi biểu diễn, đâu như tiết mục của Thuỳ Lan thì Minh đột ngột phát bệnh đau đầu và sau đó bỏ về. Đêm thứ hai, tức là đêm qua, Không hiểu sau Minh lại đến rủ anh đi. Nhìn nét mặt khẩn cầu của Minh anh biết không thể làm khác, mặc dù anh có nhận thấy ở Minh một vẻ gì đó hơi lạ và có lẽ Minh đã uống khá nhiều rượu. Điều đáng chú ý là cũng đúng vào tiết mục của Thuỳ Lan thì câu chuyện không hay đã xảy ra. Tự nhiên anh thấy rõ Minh ôm đầu rồi nhảy dựng lên như một con bệnh thần kinh. Minh đấm đá túi bụi cho đến lúc người ta giữ được Minh lại…

Khi giám đốc đẩy cửa căn phòng thì Minh đang ngồi trước bàn làm việc của mình. Anh chưa kịp đứng dậy thì giám đốc đã nhanh nhẹn bước vào. Ông quan sát một thoáng căn phòng rồi ngồi xuống chiếc ghế đối diện với Minh. Ông nheo mắt:

Anh sống thế này phải không?

Thưa đồng chí bí thư…

Giám đốc vội xua tay:

Không thưa gởi gì hết. Tôi đến đây không phải với một tư cách bí thư đảng uỷ hay giám đốn. Tôi đến với tư cách với người bạn của cha anh. Rõ rồi chứ. Anh hãy kể tỉ mỉ cho tôi nghe câu chuyện đầu đuôi ra sao. Xin lỗi là tôi muốn được nghe những lời nói thật.

Tôi không cố ý giấu giếm điều gì. Mà giấu làm sao được. Nhưng trước khi bắt đầu câu chuyện tôi muốn nhờ đồng chí bí thư điều này – Minh đột ngột đứng dậy, mở khoá ngăn tủ lấy ra một tấm thẻ màu đỏ và quay lại bàn làm việc – Đây là tấm thẻ Đảng viên của tôi, đồng chí vui lòng giữ giúp. Nếu đồng chí thấy tôi không còn đủ tư cách đảng viên, tôi xin gửi lại Đảng. Còn bây giờ tôi sẽ thực hiện yêu cầu mà đồng chí đề ra. Tuy nhiên trước khi kể lại câu chuyện đêm rồi, tôi xin kể lại câu chuyện cách đây tám năm, ấy là vào năm 1973, sau khi hiệp định Paris về Việt Nam vừa được ký kết…

*

… Đến bốn giờ chiều thì trận địa của tiểu đoàn gần như im hẳn tiếng súng. Giặc đã làm chủ được trận địa. Buổi tối hôm trước, tôi và tiểu đoàn trưởng đi kiểm tra lại khu vực gò Me xem có thể ém quân được vài bữa nữa không. Nhưng chúng tôi đã thất vọng. Cả một vùng đất rậm rạp cây trái sau những loạt pháo bầy, những trận bom B52 đã trở thành bình địa. Chỉ còn sót lại vài ba thân cây cụt ngọn đứng chơ vơ. Tất cả các dãy hầm đều bị đánh sập. Đất bùn nhão như nước. Quang cảnh hoang tàn một cách đáng sợ.

Vậy là tiểu đoàn chỉ còn cách nằm chờ địch trong cái trận địa hình nhỏ bằng bàn tay, với hơn mười tay súng. Trận đánh nhất định sẽ ác liệt. Địa hình không thể cho phép cách nào khác hơn là tổ chức tuyến phòng ngự hàng ngang, các bộ phận không thể chi viện cho nhau, địch vào mũi nào mũi đó đánh. Trước khi vào trận, tiểu đoàn hạ quyết tâm, chiến đấu đến người lính cuối cùng.

Từ sáng sớm mọi người đã phải gói ghém gọn gàng tất cả. Anh nuôi phân phát cho mỗi người một nắm cơm. Đó là khẩu phần của cả ngày.

Khoảng từ 6 giờ địch từ hai hướng tràn về phía trận địa. Ban đầu là pháo. Pháo bắn dồn dập. Mảnh đạn cắm xuống mặt đất phầm phập. Các cửa hầm rung lên. Sau đó là tiếng đại liên M79, M16, xen lẫn tiếng AK đĩnh đạc từng hơi dài, quyết liệt.

Chừng một giờ sau, tiếng súng coi im bặt. Chiến trường im lặng một cách đáng sợ. Sau đó tiếng đầm già vè vè lượn trên đầu. Sau đầm già, bọn phản lực ầm lao tới và những quả bom đen trũi rơi xuống. Mặt đất không ngớt rung chuyển.

Sau đợt bom, tiếng súng lại nổ ran. Rồi lại bom. Cứ thế kéo dài hàng chục lần. Khoảng gần bốn giờ, tôi nghe ở mũi chính diện tiếng súng bắt đầu rời rạc. Có thê trận đánh kết thúc một cách bất lợi. Ở mũi bắc gần như chỉ còn một cây súng AK mà tôi biết chắc là cây súng của tiểu đoàn trưởng Tuấn nhờ cách bắn độc đáo của anh. Nhưng rồi tiếng súng im bặt. Tôi nghe có tiếng súng ngắn và tiếng bọn giặc la lối ầm ĩ.

Đ. Má, nó đấy, thằng chỉ huy, bắt lấy nó.

Đứng lại, giơ tay lên.

Đ. má , bắt sống nó nghe các con. Thằng nào bắt chết phải đền mạng đó.

Tôi nghiến răng: thôi thế là ông Tuấn tróc hầm rồi. Tôi đếm được mười tiếng súng ngắn rồi im.

Nhưng tiếng la hét lại rộ lên:

Bắt được rồi, tụi bây.

Đ. má , thàng này là việt cộng hạng gộc. Cứng đầu thiệt.

Bỗng một tiếng nổ gầm lên bắn tung bụi đất trước mặt. Tiếng la hét lặng đi. Đó là tiếng nổ của một trái da láng. Tôi siết chặt vòng cò khẩu AK nhưng hai mắt bỗng nhoà đi.

…Lúc ấy ở mũi của tôi, chỉ còn lại mình tôi. Khi bọn địch sắp tràn vào cái hầm cuối cùng tôi bất ngờ tung một trái thủ pháo và lăn mình sang một cộng sự khác. Lúc này tôi đã nằm giữa vòng vây. Xung quanh lố nhố bóng những tên lính dù.

Lợi dụng lúc trái pháo của Tuấn đang gây hoang mang cho quân địch tôi kéo luôn cả một băng đạn, ném trái thủ pháo định dành “cưa đôi” vào phút cuối cùng. Tôi nhảy khỏi cộng sự nhoài người lăn xuống rạch. Tôi định long theo bờ rạch nhưng cả hai hướng đều có tiếng súng nổ. Vì vậy tôi đành chém vè tại chỗ dưới đám lục bình. Tiếng súng tạm im.

Bốn phía nồng nặc mùi khói đạn. Từng tốp lính thay nhau đi ven hai bờ rạch và chĩa mũi súng vào bất cứ cái gì còn sót lại. Mấy lần chúng nổ súng trước mặt tôi. Và một lần viên M16 xẹt qua đầu, bỏng rát. chỉ một chút xíu nữa là có thể “ rửa chân lên bàn thờ ăn cơm nóng”.

Bọn địch kéo đến khoảng đất phía trên lôi xác mấy chiến sĩ . Tiếng la ó rộ lên. Một thằng lính đã chân vào một cái xác và cất giọng lè nhè như ống bơ gỉ:

– Bọn nó nhồi vào đầu hắn cái gì mà hắn gan cùng mình vậy cà. Một mình nó xơi mất hơn một tiểu đội.

Tôi hé mắt nhìn lên và nhận ra xác tiểu đoàn trưởng Tuấn nhờ vóc dáng to lớn của anh. Quần áo anh rách bươm vì thủ pháo.

Cơn dông ầm ĩ kéo tới. Bầu trời đen kịt, mọng nước. Gió u u thổi trên đồng trống. Trời chuyển mưa.

Lúc trời tối hẳn thì cơn mưa vừa dứt. Bọn lính dù cứ lầm bầm chửi rủa lẫn nhau, chửi rủa cơn mưa chó má vừa rũ những tấm pông xô sũng nước. Một thằng lính đi lại bờ rạch vạch quần đái tổng tổng trên đầu tôi vừa i ỉ ca một câu vọng cổ. Tiếng một thằng khác sừng sộ:

Đ. má có im cái mồm không đi vậy. Việt cộng nó lấy họng cả lũ bây giờ.

Đừng có nhát khỉ con ơi. Việt cộng có còn cái con khẹc qua đây nè. Thằng nào có la dô mở nghe “ Gái hậu phương gửi trai tuyền tuyến” coi. Hết ngày dài lại đêm thâu, cuộc đời chó đẻ bảy con tụi bây ơi.

Tiếng la dô mở đánh tạch rồi một giọng ca nhừa nhựa rên rỉ như tiếng khóc bay ra. Tiếng bọn lính dù ồ lên:

Chà mùi dữ!

Thuỳ Lan mà cưng, giọng ca thời thượng đó nghe.

Nếu hốt gọn tụi nó thì ngày mai chúng mình có thể ung dung ngồi ở Sài Gòn nghe em ca rồi. Mà con nhỏ chịu chơi lắm nghe, hết can.

Mấy thằng lính châm thuốc hút. Mùi Ru bi thơm đến bờ rạch. Giọng cô ca sĩ vẫn eo éo bay ra. Đột nhiên, một ánh chớp loé lên khiến tôi nhìn rõ một cái xác sũng nước của tiểu đoàn trưởng. Tôi rùng mình, cắn răng leo lên bờ rạch, nhằm thẳng cái la dô kéo gần hết một băng đạn. Có tiếng la oai oái. Tôi cắm đầu chạy. Đạn chiu chíu sau lưng tôi nhưng không một thằng nào dám đuổi theo.

… Vượt qua lộ đỏ và trảng “ cá rô”, vào khoảng nửa đêm tôi về đến gần ấp cũ. Cách ấp khoảng vài trăm mét, tôi chựng lại. Không còn đèn tín hiệu quen thuộc. Đây là điểm có động. Tôi tìm một bụi cây nhỏ chui vào đó và ngủ thiếp đi.

Khi tôi tỉnh dậy thì trời đã sáng bạch. Tôi thận trọng đi về phía ngôi nhà. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi là ngôi nhà đã cháy trụi, trước cửa nhà ngổn ngang một đống đồ hộp bị lưỡi lê xăm nát. Những nắm cơm bị mưa xối rửa gần hết. Má Năm nằm sấp, một viên đạn xuyên qua đầu. Xế chỗ má Năm nằm là út Liên quần áo bị xé nát. Một chiếc đầm già từ phía Bến Cát vè vè bay lên. Tiếng loa chiêu hồi lúc gần lúc xa: “ Anh em cán binh Việt Cộng chú ý…” Rồi một giọng ca nhừa nhựa, ướt át èo uột bay ra. Tôi đứng lặng như trời trồng. Rồi đột nhiên tôi giương súng lên trời nhắm thẳng chiếc đầm già kéo hết một băng đạn…

Minh đột ngột dừng câu chuyện. Anh run run rít một ly nước đưa lên môi tu ừng ực. Nước lạnh làm anh tỉnh hẳn. Anh rút khăn tay lau miệng và tiếp tục câu chuyện bằng giọng bình tĩnh lạ lùng:

Bây giờ tôi xin trở lại câu chuyện hồi hôm. Đúng là tôi có uống rượu. Ngay từ đêm trước tôi đã định không đi nhưng vì nể tình người bạn. Đêm ấy chỉ nghe được nửa chương trình là đầu óc tôi muốn điên lên. Khi đến tiết mục của Thuỳ Lan thì tôi không chịu nổi nữa. Đêm thứ hai, tôi cố đi để kiểm chứng lại những suy nghĩ của mình. Để đủ can đảm tôi phải nhờ sự can thiệp của rượu. Đồng chí bảo sao? Không, đúng là cô ta đó. Tôi còn nhớ như in tấm hình chụp lúc cô ta đi hát ở sư đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ với tấm băng “ ném bom Hà Nội thì sẽ có hoà bình” in đầy trên các báo Sài Gòn lúc đó. Cũng có thể cô ta bị bắt buộc. Nay cô ta có đủ thời giờ để lột xác chăng. Đáng tiếc là điều kỳ diệu đó không xảy ra với cô ta. Nghe cô hát tôi bỗng rùng mình. Đây là một bài hát mới của một nhạc sĩ quen thuộc? Không, vẫn là cái giọng ca nhừa nhựa, ươn nướt mà tôi đã bọn lính Sài Gòn mở trong cái đêm mà tiểu đoàn tôi bị lấn chiếm ấy. Cả phần giai điệu cũng có cái gì quen quen. Mồ hôi tôi tươm ra ướt đẫm lưng áo sơ mi. Tiếng hát của Thuỳ Lan cứ xoắn lấy đầu óc tôi hệt như giọng ca eo éo phát ra từ chiếc loa chiêu hồi trên chiếc L19. Bóng dáng nhún nhảy của cô ca sĩ mờ đi. Đột nhiên, tiếng hát ấy nổ tung ra thành những tiếng bom xối xả rội lên đầu tôi. Trước mắt tôi bỗng hiện lên cái xác tươm máu của người tiểu đoàn trưởng. Xung quanh như lố nhố bóng những tên lính dù. Và sau đó là cái kết cục đáng xấu hổ như đồng chí đã biết đấy.

Khi giám đốc rời nhà Minh thì đã gần trưa. Bầu trời xanh không một gợn mây. Sau những cơn mưa đầu mùa hàng me đã bắt đầu thay lá. Một cơn gió nhẹ thổi qua. Vài chiếc lá vàng đứt khỏi cuống bay ra như còn vương vấn luyến tiếc một cái gì nhưng cuối cùng cũng rơi xuống đất. Giám đốc mỉm cười, xoa cái cằm lởm chởm râu, lẩm bẩm nói một minh: “ Ôi! Những người lính… Những người lính…”

Mặt trời vẫn xoè muôn tia nắng như muôn tia máu. Một ngày mới bắt đầu.

 

 Trích trong tập truyện ngắn ” Ngày cuối cùng của chiến tranh “

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất