Thứ Bảy, 19/04/2025
34.5 C
Ho Chi Minh City

Người đến trước ở thác mơ

 

Tình cờ tôi đi cùng anh trên một chuyến xe.

Khó đoán được là anh bao nhiêu tuổi. Vẻ mặt khắc khổ lưng hơi còng. Anh có giọng nói nửa như Trung, nửa như ra Nam, lại lơ lớ như người chưa rành tiếng Việt. Nhưng vì anh rất trầm lặng nên cũng khó biết chính thức anh là người địa phương nào. Mặc dù tôi là người rất rành về món đó. Chỉ cần ai nói đôi tiếng là tôi có thể đoán chắc là anh ta là người ở đâu.

Đến huyện tôi tình cờ lại được bố trí ở chung với anh một phòng khách.

Chúng tôi chuyện trò đôi lời về vùng đất mà bọn tôi đang đến. Hoá ra anh cởi mở hơn tôi tưởng. Nhưng tôi không thể đoán được quê của anh. Càng cố nghe thì tôi càng như lạc vào một bát quái trận đồ. Từ ngữ anh dùng loạn cả.

Tôi định bụng nếu có dịp thì sẽ hỏi anh.

Buổi tối cơm nước xong chúng tôi ngồi uống trà trên bàn đá kê ở mái hiên chính giữa nhà khách. Đồng chí chủ tịch đích thân pha cho chúng tôi mấy ly cà phê. Cà phê thứ thiệt bốc lên một mùi thơm quyến rũ đến nỗi tôi đã định từ chối khéo mà không đành. Tôi không quen uống cà phê tối. Thần kinh tôi không được tốt lắm. Anh bạn tôi nâng ly cà phê sóng sánh lên, xoay xoay trên tay như chiêm ngưỡng một công trình nghệ thuật, cười:

  • Đã lâu lắm rồi tôi mới uống lại cà phê Phước Long. Ngày xưa thì khác. Cơm thì củ chụp, củ nần mà sáng nào cũng phải một cữ cà phê.

Thì ra anh là người đã từng ở Phước Long.

Sau khi uống hết mấy ly cà phê, anh xin phép chúng tôi dọn dẹp cái bàn. Anh lau khô nó một cách kỹ lưỡng và thận trọng. Sau đó anh vào phòng lấy một cái xắc cốt cũ. Anh lục trong đó một hồi rồi rút ra một tờ giấy đã ố vàng và trải rộng trên mặt bàn.

Một tấm bản đồ cũ,

Tôi ghé mắt nhìn qua vai anh.

Một tấm bản đồ Phước Long rất quen thuộc đối với tôi.

Nhưng trên tấm bản đồ, lạ thay, có rất nhiều dấu bút bic khoanh tròn, những ngôi sao đỏ, rải rác gần như chỗ nào cũng có.

Tôi thấy anh đưa tay rà lên khu vực Thác Mơ một lúc lâu. Sau đó anh lấy ra một tấm bản đồ khác nhỏ hơn.

Tấm bản đồ khu vực Thác Mơ.

Nhìn anh loay hoay trên tấm bản đồ, tôi chợt nhớ đến công trình thuỷ điện sẽ xây dựng nay mai, tôi hỏi:

  • Anh là cán bộ khảo sát à?

Anh ngẩng lên nhìn tôi, anh như người thất thần một lúc lâu. Anh lắc đầu:

  • Không.

Tôi tò mò:

  • Vậy còn những chấm đỏ, những ngôi sao? Tấm bản đồ Thác Mơ?
  • Đấy là những nơi tôi đã đi qua trong cuộc chiến tranh. Còn tấm bản đồ khu vực Thác Mơ – Anh lặng im hồi lâu rồi chậm rãi nói – Tôi giữ nó vì vợ chưa cưới của tôi đã ngã xuống ở đó.

Anh gấp tấm bản đồ lại.

Hai chúng tôi cùng im lặng.

một ngọn gió mồ côi bất chợt thổi đến. Tôi thoáng rùng mình.

Không rõ là anh đi đâu.

Khoảng 9 giờ, lúc điện đã tắt mới thấy anh trở về. Tôi đã buông mùng. Nhìn bóng anh lọ mọ trong đêm, tôi hỏi:

  • Anh đi đâu về vậy?

Anh đáp:

  • Tôi ra chỗ chị Bảy Tuyết. Anh biết chị Bảy Tuyết chớ?
  • Có phải chị Bảy Tuyết hội trưởng hội phụ nữ nguyên là đội trưởng đội công tác Bà Rá lừng danh không?

Anh thở dài:

  • Đúng rồi đó. Tôi là lính cũ của chỉ mà. Trời ơi nói mà thấy thương hết sức anh ơi. Hồi xưa chị ấy bự con vậy đó. Mà khoẻ tàn canh anh ơi. Một bao gạo chỉ xanh hai đứa tụi tôi khiêng lặc lè mà chị chỉ hất một cái lên vai, mặt không biến sắc. Bọn tôi gọi đùa là chị Bảy bì lu. Vậy mà bây giờ người chỉ còn một nhúm con. Mấy chục mảnh đạn còn trong người. Nhìn muốn ứa nước mắt. Nhưng chị vẫn vui. Nghe nói đáng lẽ đội công tác bọn tôi được tuyên dương anh hùng cả chị nữa. Nhưng kẹt vì có một tên phản bội, thằng Vũ Đình Ta chắc anh biết rồi. Con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng tôi nghĩ con sâu là con sâu, còn nồi canh vẫn cứ là nồi canh chớ. Không lẽ vì thằng phản bội đó mà dân tộc Việt Nam mình không phải là dân tộc anh hùng nữa ư? Vô lý.

Tôi hiểu là anh nói đúng. Nhưng tôi nằm im vì chưa rõ gốc ngọn câu chuyện ra sao. Ngỡ là tôi ngủ, anh chui vô mùng, nằm.

Tôi cố dỗ giấc ngủ, nhưng càng giỗ thì càng tỉnh. Ly cà phê quái ác đã tác động đến thần kinh tôi. Nhìn sang giường anh, tôi thấy anh cứ rột sẹt hoài. Một lát tôi thấy anh trở dậy, quẹt diêm châm thuốc, hút. Đốm lửa rực lên soi rõ khuôn mặt rắn rỏi trầm tư của anh. Không nghiền thuốc nhưng ngửi thấy mùi thơm của nó giữa đêm hôm khuya khoắt của vùng cao se lạnh, tôi chợt thèm. Tôi lồm cồm ngồi dậy, vén mùng chui ra:

  • Anh cho tôi xin điếu thuốc.

Đưa điếu thuốc chờ tôi mồi lửa xong, anh hỏi:

  • Anh không ngủ được à?

Tôi cười:

  • Ừ, ly cà phê nó hại tôi. Còn anh?
  • Tôi thì không phải tại cà phê. Tôi uống cả ly cối cũng không nhằm nhè gì đâu. Nhưng lâu quá mới trở lại. Bao nhiêu kỷ niệm cứ ập đến…

Tôi chợt nhớ đến tấm bản đồ khu vực Thác Mơ của anh. Một ý nghĩ loé lên. Cũng có thể là một câu chuyện hay. Đêm mất ngủ thường dài. Tính tò mò của tôi nổi lên:

  • Khi hồi anh bảo vợ chưa cưới của anh hi sinh ở Thác Mơ à?

Anh gật đầu.

  • Anh kể nghe, được không?

Anh ngồi im hồi lâu, rít một hơi thuốc thật dài và phả khói mù mịt lên trần nhà:

  • Được. Nhưng chuyện dài lắm. Sợ hại sức khoẻ của anh…

Tôi mau mắn:

  • … Đằng nào thì chúng ta cũng mất ngủ đêm nay. Vả lại câu chuyện của anh chắc cũng có nhiều điều bổ ích. Tôi cũng hoạt động ở vùng này nhiều năm. Năm 75 tôi làm nhiệm vụ đón dân Phước Long ra dựng làng ở vùng Bàu Lách.

Qua đốm lửa điếu thuốc tôi thấy mắt anh sáng rực lên. Sau tiếng “vậy à” vẻ mừng rỡ, anh nắm chặt tay tôi và bắt đầu câu chuyện…

Người ta gọi tôi là Cường, Sáu Cường.

Quê tôi ở một vùng cát trắng. Thuận Hải mà anh.

Dường như tôi chưa thấy nơi nào nóng dữ dội như ở đây. Bước ra khỏi cửa đã gặp ngay một vùng nắng loá. Mùa khô hanh hao, những ngọn gió cô đơn lồng như ngựa hoang trên không gian khao khao cát bụi. Bầu trời xanh lơ chót vót, không một gợn mây. Gai xương rồng chảy nhựa vì nắng nóng. Chân trời bị phân cắt bởi những cồn cát trắng, những dải núi xanh và những truông dài lô xô cỏ dại.

Tuổi thơ của tôi đã đi qua những năm tháng cháy người đó. Người tôi đen như củ tam thất và tóc đỏ như râu bắp. Tôi có nước da như anh thấy đấy, muỗi mòng đều phải chê.

Nhưng cái nóng của thiên nhiên vẫn chưa thấm vào đâu so với cái ngột ngạt đằng sau vòng rào kẽm gai. Gia đình tôi được liệt vào hạng gia đình chống đối quốc gia. Cha tôi là Việt cộng thứ thiệt còn mẹ tôi vốn là cơ sở nuôi giấu cách mạng nhiều năm.

Một hôm, trụ sở hội đồng xã bốc cháy.

Xã trưởng Khoái gom một số gia đình Việt Cộng ròng trong đó có gia đình tôi về trước ngôi nhà cháy, giữa buổi trưa.

Một trung đội dân vệ bồng súng cách chúng tôi vài chục thước.

Chúng dồn chúng tôi đứng giữa sân cát. Mẹ tôi một tay ôm em bé ba tuổi của tôi, một tay nắm tay tối lúc ấy vừa tròn mười tuổi.

Xã trưởng Khoái là một tên ác ôn khét tiếng gian ác, đã bao lần bị ta áp sát hụt. Nhưng cứ mỗi lần sống sót, độ gian ác của nó lại tăng thêm. Dưới họng súng của hắn bao nhiêu máu đã chảy. Mỗi lần giết được Viện Cộng, hắn xẻo ngay một cái tai xâu vào chuỗi dây phơi khô.

Bây giờ hắn đang chống nạnh trước mặt chúng tôi, mắt đỏ nọc những tia máu.

  • Sao, lũ ăn cơm quốc gia mà lại thờ ma cộng sản. Hôm qua đứa nào đốt nhà hội đồng. Đứa nào trong số những tên Việt Cộng dính dáng đến tụi bây về làng. Chúng bây nói ngay thì sẽ có thưởng. Bằng không ít nhất phải có một đứa thế mạng. Bộ sưu tập tai của tao đang thiếu cái thứ 100.

Im lặng.

Xã trưởng Khoái nghiến răng trèo trẹo. Hắn gằn giọng:

  • Sao? Nói không? Đứa nào? Đ…ứ…a n…à…o ?

Hắn giận dữ nhìn hàng người đang cúi gằm xuống đất. Hắn rút khẩu côn đui, lên đạn cái rốp. Họng súng lạnh tanh của hắn kê sát cằm từng người, hất ngược lên:

  • Đứa nào? Nói đi? Mày phải không? Hay chồng mày? Con mày? Đêm qua tụi nó có về làng chớ?

Đến người thứ mười là mẹ tôi thì hắn chịu hết nổi. Không khí im lặng đến ngạt thở làm hắn rùng mình. Khi họng súng của hắn hất ngược cằm của mẹ tôi lên, bà đã không giấu nổi một tia mắt. Hắn lập tức chộp ngực mẹ tôi, lôi ra ngoài hàng:

  • Tao đã đoán ngay là mày. Có sai đâu. Chỉ cần nhìn ánh mắt mày là tao thấy hết. Sao? Con Việt Cộng nòi, đúng chồng mày chớ? Đêm qua nó về phải không?

Đứa em gái tôi kinh hoàng đến mức không dám khóc mặc dù miệng nó méo xệch đi. Tôi cũng vậy. Nhưng mẹ tôi rất bình tĩnh. Bà thản nhiên nhìn tên xã trưởng:

  • Ông xã nói chi lạ. Đảm bảo an ninh là việc của chánh quyền quốc gia. Bầy tui là dân làm sao biết được mà ông xã hỏi. Còn chồng tui, ổng đi đâu biệt tăm mấy năm nay. Bóng chim tăm cá tui đâu có biết. Ông xã tìm được ổng thì phước cho mẹ con tui…

Xã trưởng gầm lên:

  • Thôi đừng có lý sự cùn. Có khai không thì nói ngay một tiếng. Dài dòng chi, vô ích.
  • Tui là dân làm ăn biết chi mà khai, ông xã có bắn tui cũng vậy thôi.

Xã trưởng Khoái đột nhiên cười sàng sặc:

  • Bắn ư. Đâu có đơn giản thế. Ai để cho tụi mày chết ngon lành vậy bao giờ. Tao hỏi lần cuối cùng: khai không?

Mẹ tôi lắc đầu.

Xã trưởng Khoái hừm một tiếng:

  • Ngon dữ ta. Gan dữ ta. Thử xem mày gan góc được đến bao giờ. Đừng có trách là tao ác. Tao không ác với chúng mày thì chúng mày ác với tao. Hắn chống mắt lên mà coi.

Hắn quay về phía trung đội dân vệ:

  • Chuẩn bị.

Mấy chục khẩu súng M16 lên đạn một lượt. Tiếng kim khí va vào nhau lạnh tanh. Tôi rợn người.

Hắn kêu một tên lính đứng đầu hàng quân lại, thì thầm. Mọi người nín thở. Tên lính từ từ bước vềp phía mẹ tôi, nhanh như chớp bứt đứa em gái tôi khỏi tay bà như bứt một trái non khỏi cành lá. Em tôi thét lên một tiếng xé ruột. Mẹ tôi chồm theo. Nhưng bà đã bị hai cánh tay lực lưỡng siết lại như hai gọng kìm.

Tên lính mang em tôi ra khỏi giữa sân cát. Ở đó đã có một tên lính khác đã đào một hố nhỏ. Chúng hè nhau đẩy em tôi xuống hố vùi cát đến ngang cần cổ. Tiếng em tôi đã khan đặc. Chỉ thấy cái miệng há ra, hớp hớp. Tôi gào lên và lao đi. Nhưng một cánh tay hộ pháp đã chụp ngay gáy tôi nhấc bổng lên như nhấc một con ngoé.

Chẳng hiểu bằng sức mạnh nào, mẹ tôi đã hất tung được hai gọng kìm của tên lính. Nhưng bà chỉ chạy được hai bước. Tôi nghe rõ tiếng cò súng của xã trưởng Khoái mổ vào đầu kim hoả, khô khốc. Mẹ tôi lảo đảo. Vệt máu đỏ loang đẫm lưng áo. Mẹ tôi ngã sập mặt xuống cát, miệng còn kêu một tiếng kêu tuyệt vọng “ con ơi”…

Nước mắt tôi nhoà đi.

Em tôi đã chết trên cát bỏng.

Bộ sưu tập tai của tên ác ôn Khoái có thêm cái tai thứ 101…

Tôi nghe rõ tiếng Cường nuốt nước bọt đến ực. Tôi khẽ rùng mình. Lần thứ hai tôi rùng mình. Trong đêm vắng, tiếng ầm ào của con Thác Mơ lớn dần lên. Tôi lặng im nhìn Cường loay hoay một hồi. Rồi anh quẹt diêm. Sau màn ánh sáng yếu ớt của que diêm tôi thấy đôi mắt anh rực lên như hai cục lửa.

Cường tiếp tục kể:

… Sau cái chết của mẹ và em , tôi thề tìm cách giết xã trưởng Khoái. Nhưng tôi còn nhỏ quá. Một người bà con đưa tôi vào Sài Gòn. Năm 15 tuổi, tôi trốn khỏi nhà người bà con đi theo quân giải phóng. Đầu tiên tôi ở lực lượng bộ đội Phước Long. Vài năm sau tôi được điều động xuống một đôi công tác vùng sâu xây dựng cơ sở cách mạng.

Đội công tác võ trang tuyên truyền của chúng tôi đầu tiên có ba đồng chí được phân công về xã Bù Lố. Xã có hai ấp. Lực lượng đóng ở đây là một đại đội nghĩa quân. Trước ta có cơ sở ở đây nhưng từ sau 60 ơ sở bị vỡ hết. Xã bị liệt vào lơại xã trắng. nhiệm vụ của chúng tôi là bằng bất cứ giá nàov cũng phải xây dựng được cơ sở cách mạng ở xã này. Cứ của chúng tôi có cách Bù Lố khoảng ba tiếng đồng hồ đi bộ. Bữa đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với khoảng hai trăm đồng bào dân tộc. Cũng không làm gì được cụ thể, chỉ tuyên truyền chung chung về đường lối cách mạng, chính sách của mặt trận.

Nói để anh nghe, lần ấy chúng tôi suýt chui luôn vào trụ sở hội đồng cho chúng còng đầu rồi. Chúng tôi đột nhập ban đêm, trụ lại một cụm rừng nhỏ. Mờ sáng trở dậy, bọn tôi hết hồn thấy mình nằm trong một khoảng rừng nhỏ chừng 50 mét vuông. Qua con suối, cách 100 mét là nhà trụ sở hội đồng. Nghe rõ tiếng trò chuyện của bọn lính. Chúng tôi nhịn đói nhịn khát suốt ngày. Không dám lấy nước, không dám nhóm lửa và trò chuyện. Chúng tôi nằm đó đến tối rút qua được một cụm rừng khác cách trụ sở hội đồng 500 mét. Chúng tôi dựa vào những đống lửa đốt rẫy của đồng bào để nấu cơm ăn. Sáng hôm sau tổ chức tuyên truyền cho số đồng bào như tôi đã nói.

Tôi cũng không nhớ là chúng tôi đi về như vậy mấy lần. Chỉ nhớ mỗi lần như vậy khoảng một tuồn lễ. Ba tháng sau mới bắt rễ được một người. Nhưng lần ấy bị bọn điệp ngầm chỉ điểm. Bọn tôi ham quá mà sinh ra thiếu cảnh giác. Và phải trả giá. Quận trưởng Đức Phong huy động 3 đại đội nghĩa quân phục kích trên đường chúng tôi về. Chúng kích ngay đoạn có chiếc cầu cây qua con suối dài 4 mét. Ngay sau loạt đạn đầu tiên hai đồng chí té nhào xuống. Tôi cũng thấy nhói lên ở chân. Tôi vừa tập tễnh chạy vừa quay lại néo cò khẩu cạc bin, tuông qua rừng cây, gai góc. Chạy đến lúc không còn nghe tiếng súng nữa. Tôi ngất đi. Phần thì kiệt sức vì chạy, phần thì máu ra nhiều.

Lúc tỉnh dậy thấy mình đang nằm trên lưng một cô gái. Mồ hôi ưỡt đẫm lưng áo cô gái thấm sang cả áo tôi. Nghe rõ tiếng cô thở hổn hển từng hồi dài. Tôi như người trôi bồng bềnh trên mây không biết đã bao lâu. Rồi thây mình nằm trong một cái chòi rẫy đã cũ nát. Cạnh tôi là một cô gái Stiêng. Thấy tôi mở mắt cô mừng rỡ , hỏi bằng một thứ tiếng kinh rất sành sỏi:

  • Anh tỉnh rồi à?

Tôi gật đầu.

Tôi nhìn cô gái và lờ mờ nhớ ra hoàn cảnh của mình. Tôi hỏi:

  • Tôi đang ở đâu đây?

Cô gái đặt tay lên trán tôi:

  • Anh yên tâm anh đang ở nơi an toàn. Anh ráng nghỉ cho khoẻ.
  • Còn hai đồng chí của tôi?

Mặt cô gái thoáng tối lại. Cô nói rất khẽ:

  • Các anh ấy hi sinh rồi. Bọn giặc đã cướp xác các anh ấy mang về quận để lĩnh thưởng.

Tôi căn răng. Vậy là lại phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi nhìn cô gái. Bây giờ tôi mới chú ý đến cô. Phải nói là cô rất xinh. Sống mũi thẳng, thanh như sống mũi của một cô gái Ấn Độ. Nước da nâu thẫm. Cặp lông mày như hai nét vẻ. Cái miệng nhỏ mím chặt, vẻ kiên nghị. Tôi đặc biệt cảm tình với đôi mắt của cô, hơi buồn nhưng sáng và linh lợi lạ lùng.

Cô gái ấy đã trở thành người định đoạt số phận của tôi. Tên cô là Hiêng.

Cô gái chăm sóc tôi khéo léo như một bà mẹ chăm con. Cô thường xuyên rửa các vết thương cho tôi. Và với tất cả các trí thức đã ngấm vào trong máu, cô chữa cho tôi bằng các môn thuốc lá cây mà cô có được từ trong lòng bà mẹ rừng vĩ đại. Không một viên thuốc tây, anh ạ. Vậy mà cuối cùng vết thương cũng lành. Rồi lên ra non. Tôi hồi phục dần.

Thịt rừng lúc ấy không thiếu. Chiến tranh bom đạn cũng chưa vào hồi khốc liệt. Nói chơi chớ bấy giờ tôi còn ăn thịt nhiều hơn bây giờ, có bữa đang đói thì cô mang về cái đùi nai tơ, còn nóng. Mừng hết lớn anh ơi. Tôi hỏi:

  • Cô kiếm ở đâu ra vậy?

Cô cười:

  • Cọp nó kiếm giùm đấy.
  • Nó không ăn hết à?
  • Không, nó hoàn toàn chưa ăn một miếng nào.
  • Sao lạ vậy?
  • Đơn giản thôi. Chắc là nó muốn uống chút máu nóng thay vì đi tìm một nguồn suối mát. Đó cũng là một vui thú lớn lao của con cọp.

Tôi ngạc nhiên nhìn cô. Trước cô gái này tôi giống như một đứa trẻ nhỏ đang học chữ A, B, C về rừng. Còn những gì mà tôi chưa khám phá hết về cô ấy? Một thế giới phong phú luôn mới lạ và đầy bất ngờ. Tôi ngồi bần thần nhìn cô đặt chiếc đùi nai xuống và chuẩn bị nhóm lửa.

Tôi quên chưa kể với anh về cách lấy lửa của người Stiêng mà cô gái đã thực hành trước mắt tôi. Thật là khó tin anh ạ. Chỉ có một ống ồ lô và một sợi dây leo. Không còn dụng cụ nào khác. Tôi đã nghe người ta lấy lửa từ đá nhưng chưa hề quen biết người ta lấy lửa từ ống lồ ô. Ống lồ ô được chẻ đôi, có đục một lỗ nhỏ. Cô đặt sợi dây vào đúng lỗ nhỏ ấy, giữ ống lồ ô bằng hai chân. Tay cô căng mạnh sợi dây leo. Lạ thay chỉ sau bảy tám động tác qua lại như thế, khúc lồ ô nháng lửa. Động tác đơn giản, cô đã hướng dẫn cho tôi nhiều lần, nhưng không lần nào tôi thành công.

Khi tôi bắt đầu đi lại được, đôi lần cô dẫn tôi đi thăm bẫy. Trong thời gian này tôi đã học được nhiều điều mà cả một đời người chưa chắc học nổi. Có hai loại bẫy sau này sau này bọn tô ưa dùng. Một là bẫy lao. Cái lao giấu kín trong bụi rậm, gắn chặt ở đầu một dây cung rất mạnh. Cây cung này được căng ra bằng một một sợi dây leo xanh rất nhỏ, dai và gắn với một lò xo dùng làm làm cò lẫy rất chắc nhưng rất nhạy. Sợi dây leo này kéo ngang qua lối đi, vừa tầm cao của con thú. Chỉ cần một con vật nào đó đụng vào dây leo ấy là sẽ nhận một mũi tên chí tử và gục ngay tại chỗ.

Một loại bẫy khác là bẫy treo. Bẫy này cũng tương tự loại trên, chỉ thiếu cái lao. Cũng với loại lò xo cùng kiểu dùng để bắt các con vật trèo bốn chân. Nó được cột ở cây ngang tầm người đứng. Một khúc gò xéo, đi từ đất đến cây dùng làm thang giả cho con vật leo. Ở đầu thang, phía gần cây có một vòng mây có thòng lọng, gắn chặt vào một nhánh của thân cây. Trên vòng mây có đặt ngang một cây thước nhỏ như đường kính chia đôi vòng trong làm hai và mang cái lò xo của bẫy. Con thú leo lên cây theo cái thân cây bắc cầu sẽ dẫm chân vào đường kính lò xo. Lúc đó đầu nó tất yếu đã chui vào trong vòng. Khúc gỗ nặng dùng làm thang xệ xuống. Con thú lập tức bị thòng lọng siết lấy cổ.

Những cái bẫy đơn giản ấy thường cho thịt ăn. Đôi khi là chồn, hoặc cheo. Sau mùa gặt các bẫy này không bẫy con mồi được nữa. Bọn tôi chuyển sang đi săn. Khẩu cạc bin của tôi phát huy tác dụng.

Mùa khô, nước cạn dần. Muốn đi săn chỉ cần tìm nguồn nước. Thú thường xuống đó để kiếm nước uống. Vì vậy cũng đỡ mất công đi tìm con mồi hơn.

Một hôm, đang đi nghe thấy tiếng một con nai. Tôi bấm cô gái dừng lại. Cô gái ra hiệu cho tôi im lặng, rồi dỏng tai, nghe ngóng. Cô kéo tôi, nói nhỏ:

  • Đi thôi, nguy hiểm lắm.

Tôi ngạc nhiên nhìn hướng đi ngược lại của cô:

  • Tôi nghe tiếng kêu ở hướng này.

Cô gái:

  • Không phải nai đâu.
  • Tôi nghe tiếng nai rõ ràng mà.

Cô gái giải thích vẻ sành sỏi:

  • Đó là con cọp giả tiếng nai. Không phải chỉ có chúng ta mới di tìm mồi. Con cọp cũng đi tìm. Nó kêu để gọi nai về phía mình. Nhưng con nai không dễ lầm.

Vừa nói cô vừa kéo tôi đi. Nửa giờ sau chúng tôi đến một vùng rừng khác. Khu rừng rất rậm. Cô gái bảo tôi chờ và đi khuất sau thân cây. Lát sau cô đem về một lá gừng rừng. Cô xếp nó thành hai chiều dài và đưa lên môi:

  • Anh nghe nhé.

Cô thổi mạnh vào lá gừng. Một tiếng kêu rung lên:

  • Anh thấy giống tiếng nai không?

Tôi gật đầu, giống thật. Lúc ấy cô mới ra lệnh:

  • Anh chuẩn bị chỗ nấp đi. Nai thường hay giấu con nó ở những khu rừng rậm thế này. Em sẽ giả tiếng kêu của nai con mắc nạn. Nếu có, chúng sẽ lập tức lao về. Tình mẫu tử nai ghê lắm.

Cô đoán không sai. Chỉ sau vài ba tiếng kêu như vậy, một con nai cái hùng hổ lao về. và tôi chỉ việc chọn một tầm bắn thích hợp: Mà này, anh có buồn ngủ khi nghe chuyện ba hoa của tôi không?

Tôi nhìn Cường quẹt diêm, đốt một điếu thuốc khác đầu:

  • Không! Chuyện thú vị lắm. Tôi không ngờ câu chuyện lại thú vị vậy đâu. Với một nhà văn có thể viết thành một pho sách.

Cường cười, tiếng cười khục khục trong cổ họng:

  • Anh nói đúng đấy! Có thể viết cả pho sách thật. Ngay cái cô gái của tôi thôi. Mỗi ngày là mỗi lần tôi ngạc nhiên về cô ấy. Anh đã đọc được những sách viết về các cuộc đấu bò tót chưa? Rồi à? Tôi đã đọc rồi. Nhưng trước khi đọc sách tôi đã chứng kiến cuộc đấu như vậy trong cuộc đời. Mà không phải ở Tây Ban Nha xa xôi đâu. Ở chính mảnh đất rừng núi Phước Long hẻo lánh này, anh ạ. Lần ấy chúng tôi gặp một con bò rừng độc đàn. Anh cũng biết bò rừng độc đàn hung dữ như thế nào rồi. Ác nỗi súng tôi hết đạn. Vũ khí duy nhất chỉ có một con rựa bén của cô gái. Tôi đang bối rối không biết sử trí ra sao thì cô đã ấn tôi nằm xuống. Còn cô băng qua cây cỏ và bụi rậm bọc về phía sau con bò. Tôi thấy cô trườn đi như một con rắn: Tôi nín thở. Thời gian trôi qua đi thật lâu. Cô gái đến gần con bò nhưng nó không hay biết gì cả. Đột nhiên tôi thấy cô vụt đứng dậy, vung dao. Đường dao vừa lia đi, ngay lập tức chiếc chân sau của con bò rừng đã rớt xuống. Con bò rừng lồng lên hung dữ. Nhưng nó chạy vô ích, nó chỉ còn ba chân. Cô gái theo sát con vật chạy trốn, như một con sư tử trong đấu trường không cho nó một phút nghỉ nghơi. Lợi dụng tư thế thích hợp, cô vung dao lần thứ hai. Thân sau con vật đổ ập xuống. Không trốn chạy được nữa, con vật chấp nhận cuộc chiến đấu. Nó chống hai chân trước, đầu ngẩng cao, dáng điệu giận dữ đầy hăm doạ, hai lỗ mũi phóng ra hai luồng khí, mắt đỏ nọc. Máu đỏ chảy ướt đẫm một khoảng đất rừng. Nhưng với hai chân còn lại làm sao thoát khỏi địch thủ. Bằng động tác dũng mãnh và khéo léo, cô đã chặt nốt hai chân cuối cùng của con bò rừng.

Tôi đứng chết trân như trời trồng, vừa sợ hãi vừa cảm phục. Trong đầu tôi dâng lên những ý nghĩ mới mẻ. Chẳng có kẻ thù nào khuất phục được những con người thông minh và dũng mãnh như vậy.

Hình như đó cũng chính là khởi đầu tình yêu của tôi.

Bây giờ, tôi quay lại câu chuyệnc chính. Với sự hoạt động tích cực của cô gái trong thời gian ngắn, tôi đã tổ chức được ở Bù Lố một chi bộ và cô được bầu làm bí thư.

Nhưng chiến tranh đã lan ra cả rừng núi. Bom đạn, thuốc độc hoá học chút xuống vùng rừng. Lữ đoàn kỵ binh bay Mỹ được điều lên Phước Long.

Kẻ thù kiểm soát gắt gao các ấp chiếm lược. Chúng tôi lâm nạn thiếu gạo và thiếu muối.

Hiêng không được phép ra rẫy lâu, chỉ một ngày một lần, có khi năm bảy ngày mới ra được một lần. Số gạo cô mang rất ít đến mức tôi chỉ có thể nấu cháo để ăn.

Mỗi lần như vậy cô chỉ được mang theo một bữa cơm, cơm đã nấu sẵn chứ không phải là gạo. Chúng sục sạo từ chiếc gùi đi rẫy cho tới áo, quần. Số gạo ít ỏi mang được cô phải dàn mỏng trong túi ni lông độn vào ngực. Muối cô phải hoà vào bầu đựng nước, mới qua nổi con mắt cú vọ của kẻ thù.

Chính trong những ngày gian nan đó chúng tôi quyết định phá ấp chiến lược.

Một đêm, hàng ngàn dân Bù Lố đã tự tay cầm đuốc đốt cháy nhà mình, phá tan kìm kẹp của địch, dựng làng chiến đấu.

Sau khi bắt liên lạc với cấp trên, chúng tôi được rút về huyện, sau đó bổ sung về đôị công tác Bà Rá.

Đó là những ngày cuối cùng tôi sống với Hiêng…

Cường dừng lại một lát như để lấy hơi. Ngoài sân tiếng con chó sủa bóng đang tru lên từng hồi dài. Dường như thấy lạnh, Cường rút tấm mền khoác len người sau đó anh tiếp tục kể:

  • Cũng vào một đêm mùa khô se lạnh như hôm nay, chúng tôi được phái đi công tác. Chúng tôi có hai người: Hiêng và tôi. Vừa tới Thác Mơ chúng tôi bị phục kích. Chúng tôi vừa đánh vừa rút để bảo toàn lực lượng. Lần này không may tôi lại bị thương vào chân, kế ngay vết thương cũ. Tôi bị rớt lại phía sau. May mà bọn địch cũng không dám đuổi theo.

Khi bốn bên đã im tiếng súng, tôi thận trọng lết dậy tìm đường đi. vết thương ra máu khá nhiều. Tôi mặc cho gai góc cào vào vết thương đau điếng. Nhưng chỉ đi được một đoạn, tôi phải dừng lại nghỉ.

Chợt tôi nghe tiếng cành cây gãy đến rắc, tôi lăn vội vào một lùm cây chĩa mũi AK ra ngoài. Tôi nhìn thấy một mái tóc bù xù sau bờ đắp lờ mờ trong đêm. Tôi vừa toan néo cò tì nghe tiếng kêu nho nhỏ:

  • Anh Cường, phải anh Cường không?
  • Hiêng hả.

Hiêng bò vội lại nắm tay tôi mừng rỡ:

  • Anh bị thương à?
  • Ừ.
  • Ở đâu.
  • Ở chân.
  • Đưa em xem.

Tôi đưa chân ra. Hiêng sờ lên vết thương. Không có gì băng bó cả. Bỗng tôi nghe cái soạt. Hiêng đã xé một tay áo băng cho tôi. Máu thôi chảy.

Tôi ráng sức đứng lên. Nhưng cái chân cứng đờ không chịu cử động. Hiêng xốc nách tôi:

  • Để em dìu anh đi.

Chúng tôi đi như vậy không biết bao lâu. Khi thấy hơi thở của Hiêng đã hơi nặng, tôi đề nghị nghỉ.

Chúng tôi ngồi xuống một bãi cỏ đẫm sương. Tôi ngắt một cọng cỏ đưa lên miệng. Vị ngọt của cỏ làm tôi tỉnh táo. Chợt Hiêng quay sang thì thầm vào tai tôi:

  • Anh có nghe nước réo không?
  • Có, Thác Mơ đấy. Sau này hoà bình ở đây mà làm một nhà máy thuỷ điện thì tuyệt.
  • Bù Lố mình liệu có điện không?
  • Có chớ sao không. Điện sẽ phát sáng toàn vung rừng núi Phước Long này nữa chứ. Chúng ta đang chiến đấu cho cái ngày mai sáng sủa ấy đấy.

Hiêng khẽ cười:

  • Anh sẽ ở lại đây luôn chứ.
  • Nhất định rồi.
  • Mãi mãi à.
  • Mãi mãi.

Hiêng không nói gì nữa. Cô nhìn lên bầu trời đầy sao, hình như đang mơ tới một điều gì. Tôi nằm xuống nhắm mắt lại và ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Gần sáng, tôi chợt tỉnh giấc vì tiếng động cơ phành phạch của chiếc trực thăng. Tiếng loa từ trên máy bay vọng xuống nghe rõ mồn một:

  • Hỡi cán binh Việt Cộng! Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi anh em hãy buôn súng, quay về chính nghĩa quốc gia, chúng tôi sẽ khoan hồng… Chúng tôi đã trông thấy các bạn…

Hiêng vồ súng lăn vào bụi. Một tràng đại liên đuổi theo. Thấy tôi giương súng , Hiêng hét lên:

  • Nó chưa thấy anh, đừng bắn.

Đột nhiên, tôi thấy cô đứng lên vụt chạy ra bãi trống. Tôi gào khản cả giọng.

  • Hiêng! Hiêng.

Và tôi nhào dậy chạy theo. Nhưng đã được ba bước tôi đã khuỵu xuống.

Chiếc trực thăng đảo một vòng đuổi theo Hiêng. Cô vừa chạy vừa bắn. Bọn giặc chừng như muốn bắt sống. Vì chỉ thấy chúng xả đạn cầm chừng.

Hiêng không chạy nữa. Khẩu súng trong tay cô rung lên. Một loạt đạn nổ như roi quất. Chiếc trực thăng khựng lại. Cùng lúc ấy một loạt đại liên vang lên chát chúa. Hiêng buông súng ngã vật giữa bãi cỏ.

Một sức mạnh vô hình thúc tôi vùng dậy. Từ khoảng cách năm trăm mét tôi xả hết băng AK vào kính chiếc trực thăng. Nó lảo đảo như người say rượu trong một thoáng rồi rú lên, chạy trốn. Nhưng nó không bay được xa. Vừa tới Thác Mơ nó rớt cái rầm xuống sông. Một cục lửa đỏ rực bốc lên.

Tôi chạy được mấy bước, té rồi vùng dậy,lại chạy. Cuối cùng tôi đến được bên Hiêng. Cô đã chết. Đôi mắt mở to thanh thản. Một bàn tay bấu chặt nắm cỏ non còn đẫm sương đêm. Cô chết không kịp một lời trối trăn vào đám cưới mà chúng tôi chuẩn bị tổ chức vào dịp Tết.

Tôi vuốt mắt cho Hiêng. Rồi tôi gạt nước mắt, khoác hai khẩu súng xốc xác Hiêng lên vai, cà nhắc tìm đường về cứ. Chân đau thốn vì mảnh đạn. Tôi nghiến răng đi như rùa bò.

Rồi tôi té sấp xuống. Không thể nào đứng dậy được nữa. Tôi đành phải để Hiêng nằm lại ở một cụm rừng nhỏ, dưới chân Thác Mơ, làm dấu rất kỹ lưỡng. Trước khi đi tôi còn hứa với Hiêng, nhưng thực ra là hứa với chính mình:- Hãy yên lòng nhắm mắt. Anh sẽ trở lại. Nhất định sẽ trở lại.

Vậy là bây giờ đã chín năm sau. Anh hỏi vì sao ư? Sau chiến tranh tôi chuyển về quân khu 7, rồi đi Campuchia. Tôi chuẩn bị giải ngũ sau khi suýt chết vì viên đạn bắn lén của một tên lính Pôn Pốt. Tôi không trở về Phan Rang vì ngoài ấy tôi chẳng còn ai thân thích. Tôi muốn sống mãi mãi với mảnh đất mà tôi và bao đồng đội đã đổ máu vì nó. Tôi muốn mãi mãi ở bên Hiêng như lời tôi đã hứa với cô.

Cường kết thúc câu chuyện ở đấy.

Trong bóng tối, tôi nhìn thấy anh cúi đầu, như một bức tượng tạc bằng đá, nổi bật trên cái nền trắng ngà của chiếc mùng tuyn. Lát sau, anh khẽ vươn vai, chui vào mùng. Nói vọng sang tôi:

  • Chuyện vậy đó. Thôi ngủ đi anh. Ngủ đi một chút. Sáng mai tôi còn đi Đắc Ơ.

Tôi cũng chui vào mùng, đồng tình:

  • Ừ, ngủ đi.

Nhưng tôi không ngủ được. Mắt tôi tỉnh như sáo. Trong óc tôi cứ lởn vởn hình ảnh của Cường, của Hiêng và bao nhiêu người khác nữa – những người đến trước ở Thác Mơ.

Phía nhà tập thể Uỷ ban, tiếng gà đã eo óc gáy.

Tháng 10 – 1984

Trích trong tập truyện ngắn” Ngày cuối cùng của chiến tranh”

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất