Chủ Nhật, 20/04/2025
28.9 C
Ho Chi Minh City

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp-Tiếng hát Đỗ Quyên

Ngày 2/8/2024 , HTV ghi hình chương trình “ Trò chuyện cùng thời gian “ – về tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Dưới đây là nội dung cuộc giao lưu với nhà báo, nhà thơ Dương Trọng Dật

MC: Thưa anh, chúng ta đang nói về âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, anh có cảm nhận như thế nào về những tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, về tinh thần lạc quan cách mạng trong các tác phẩm của ông?

Nhà báo, nhà thơ Dương Trọng Dật

Tôi nghe bài hát “ bên ven bờ Hiền lương” lúc tôi là một cậu bé 10 tuổi. Lớn lên,là sinh viên đại học Văn và nhất là từ khi gác bút nghiên vuợt trường sơn đi cứu nước tôi mới hiểu và cảm nhận được hết giá trị của những bài hát “Lá đỏ”, “Trường Sơn đông Trường Sơn tây”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”…Những ca khúc ông viết trong thờ kỳ này, đã thực sự đưa ông trở thành một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng Việt nam hiện đại

Âm nhạc trong các ca khúc Hoàng Hiệp mang âm hưởng dân ca, trữ tình, vừa dịu dàng, vừa sâu lắng, da diết rất dễ nhớ và dễ truyền cảm xúc cho người nghe. Tài hoa của người nghệ sĩ đã mang đến những giai điệu vừa mượt mà,lãng mạn, vừa thể hiện hào khí dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại . Những giai điệu trong trẻo của ông và những nhạc sĩ chống Mỹ đương thời,đem đến một góc nhìn tươi sáng, Lạc quan, niềm tin vào con đường tất yếu đi đến chiến thắng , bi tráng nhưng không bi luỵ Nó thấm vào máu huyết mỗi người,chinh phục những con tim , nhân lên sức mạnh tinh thần của người lính sẵn sang hy sinh thân mình cho đất nước

Ông không phải con chim đến từ núi lạ ngửa cổ hót chơi mà là con chim đỗ quyên” kêu lên là tiếng quốc, khạc ra toàn máu quốc”

Tài hoa của Hoàng Hiệp còn đề lại trong sáng tác những tình cảm da diết dành cho đất nước mình . Với miền Bắc, nơi ông có một tình yêu rất đẹp ,có bài “Nhớ về Hà Nội”. Với miền Trung – Tây Nguyên là bài “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Lá đỏ”, và

với miền Nam quê hương của ông là bài “Trở về dòng sông tuổi thơ”, “Con đường có lá me bay”… Trong đó bài “ Viếng Lăng Bác” và “nhớ về Hà Nội” đã trở thành một trong những bài hát kinh điển về tình yêu đối với lãnh tụ và Hà nội- thủ đo của cả nước

MC -Xin anh chia xẻ với khan giả truyền hình một kỷ niêm với nhạc sĩ Hoàng Hiệp ? . Cảm nhận với vai trò một khán giả khi nghe những sáng tác của ông. Những ca khúc mang tinh thần lạc quan của ông có tác động thế nào đối với những người lính. Ở chiến trường khốc liệt có thể nói tiếng hát át tiếng bom ?

Nhà báo, nhà thơ Dương Trọng Dật –

Chúng tôi là những thế hệ nghệ sĩ khác nhau. Sau giải phóng tôi mới gặp nhạc sĩ Hoàng Hiêp ở Sài Gòn. Tuy nhiên, có một kỷ niệm chiến tranh mà tôi không thể quên

Năm 1971, trong chuyến vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, tôi có dịp được nhận một kỷ vật hơi đặc biệt. Tại một trạm giao liên, trên đường dây 559, tôi gặp một trạm trưởng giao liên người đồng hương.Trong cuộc gặp gỡ chớp nhoáng, anh cho tôi xem một chiếc thẻ quân nhân và tờ giấy chép tay một bản nhạc cháy lem nhem vì lửa đạn cùng một lời ủy thác: đây là kỷ vật duy nhất còn sót lại của một chiến sĩ lái xe bị trúng bom B52 ở đèo Lò Xo. Có thể nó sẽ giúp ích chút gì đó cho việc viết lách của các anh.

Tôi nhận kỷ vật từ tay anh bạn đồng hương và chợt thấy gai người. Đó là chiếc thẻ quân nhân cháy nham nhở chỉ còn duy nhất chữ Lê và Hải Hưng. Chắc là người lính họ Lê và quê ở Hải Hưng. Tờ giấy cháy ít hơn còn ghi gần như trọn vẹn những nốt nhạc bài hát “ Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp

Nhưng người lính không tên họ Lê ở Hải Hưng không phải là cá biệt. Nhiều thế hệ thanh niên chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” những năm chống Mỹ đều thuộc làm lòng bài hát “ Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Những nốt nhạc hùng tráng mà trữ tình của ông luôn đi cùng những người lính chúng tôi, vượt qua mưa bom bão đạn và khói lửa của cuộc chiến tranh, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại có một không hai trong lịch sử. Những ca khúc của ông “ Cô gái vót chông” “ lá đỏ,” “ngọn đèn đứng gác” “Hành khúc giải phóng”…đã vượt qua số phận của một hành khúc, trở thành âm hưởng anh hùng của một dân tộc đã dũng cảm đứng ở tuyến đầu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc thực dân vì độc lập tự do của tổ quốc. Có thể nói đó là những “ Bài ca không quên” không chỉ của mọi chúng ta mà là tài sản quý giá không thể nào quên trong cuộc trường chinh đầy máu và nước mắt của dân tộc.

MC- Thưa anh, đặc điểm nổi bật của nhạc sĩ Hoàng Hiệp – ông được mệnh danh là ông hoàng phổ thơ. Một nhà thơ mà chúng ta vừa nhắc đến là nhà thơ Phạm Tiến Duật – một nhà thơ bộ đội. “ Trường son đông.trường son Tây” có phải là cuộc gặp gỡ đồng điệu của những tâm hồn lạc quan ,trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt?

Nhà báo, nhà thơ Dương Trọng Dật

Nhạc sĩ Hoàng hiệp đúng là ông hoàng phổ thơ. Ông phổ nhạc rất nhiều thơ của các nhà thơ nổi tiếng . như Chở pháo sang sông (thơ Cao Phương), Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (thơ Phạm Tiến Duật), Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương), Con đường có lá me bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Mùa chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Thơ tình lính biển (thơ Trần Đăng Khoa), , Khi anh nhìn em (thơ Lê Thị Kim), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang)…

Một điều đặc biệt khác : Hầu hết những ca khúc phổ thơ của ông đều trở thành nhưng ca khúc nổi tiếng. Người nhạc sỹ tài hoa này được biết đến như người chắp cánh cho những vần thơ, đưa những bài thơ đến gần hơn với công chúng bằng việc thổi vào đó những giai điệu tuyệt vời. Đó là là cuộc gặp gỡ cũa nhưng tâm hồn đồng điệu giữa các nhà thơ và nhạc sĩ . Nhưng vượt lên trên sự đồng điệu của tâm hồn cá nhân: đó là cuộc hôn phối giữa nhịp đập trái tim yêu nước của người nghệ sĩ và hào khí cuả cả một dân tộc trong cuộc chiến tranh vì độc lập và tự do của tổ quốc. Chính sự thống hợp tuyệt vời ấy đã sinh hạ ra những tác phẩm Nghệ thuât bất hủ

MC: ngoài những bài hát như kể trên, trong hành trang tinh thần của người lính còn có những tác phẩm nghệ thuật nào – thưa anh ?

Nhà báo,nhà thơ Dương Trọng Dật:

Văn học nghệ thuật là gương mặt của một dân tộc, một thời đại, văn học nghệ thuật là vũ khí tinh thần trong cuộc đấu tranh của con người chinh phục thiên nhiên đăc biệt là trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm. Chúng tôi bước vào cuôc chiến tranh bên cạnh vũ khí vật chất cũng được trang bị vũ khí tinh thần như thế. Ngoài những bài hát kiểu như Trường sơn đông trường Tây , trong hành trang của chúng tôi còn nhiều bài hát chép trong sổ tay như “ Chiếc gậy trường sơn” Gặp nhau trên đỉnh trường sơn” bác vẫn cùng chúng cháu hành quân” “ Bài ca bên cánh võng” “ Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” . Rồi những bài thơ nhiều tác giả cũng là lính cùng thế hệ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Hoàng Nhuận Cầm,Nguyễn Đức Mậu ,Anh Ngọc. Những tác phẩm nghệ thuật ấy đã nâng bước tinh thần chúng tôi.

Có lẽ đó là lý do Nhà thơ nổi tiếng một thời Lê Giang khi vượt trường sơn đã viết “ Tôi đi bằng đầu không đi bằng chân”

Nhưng không chỉ ở Trường sơn đâu .Ở chiến trường miền Nam tôi cũng có một kỷ niệm thế này: Năm 1974, tôi cùng đoàn cán bộ ban tuyên huấn trung ương cục miền Nam xuống làm công tác phong trào ở Lộc Ninh và Phước Long. Tôi tham gia chi bộ đảng địa phương và bất ngờ được cử làm chủ tịch xã. ở đây tôi gặp một cô gái trẻ, con một gia đình có máu mặt ở Phước Bình. Cô thường tham gia các cuộc tập hợp thanh niên với chúng tôi. Từ chỗ ban đầu chỉ tò mò để xem “ Việt cộng giấu đuôi ở đâu” dần dà cô vào đoán thanh niên, rồi du kích, Và điều bất ngờ cô tham gia cách mạng “chỉ vì mê các bài hát giải phóng”. Cô tâm sự với tôi rằng, trước đó vốn là người yếm thế. Nhưng những bài hát giải phóng làm cô yêu đời trở lại và thấy sống có ý nghĩa hơn . Nhưng cô không đi hết được chặng đường giải phóng. Cô đã hy sinh trong một trận đột ấp phá kềm lúc tròn tuổi hai mươi. Khi tôi vuốt mắt cho cô, tôi ứa nước mắt trước nguyện vọng cuối cùng của cô xã đội trưởng du kích : được nhận nụ hôn “ từ anh con trai bắc kỳ và được nghe nghe bài hát “ Trương son đôn Trường sơn Tây “

Văn học nghệ thuật đóng vai trò to lớn trong việc khơi dậy sức mạnh trong tinh thần lạc quan và hào khí của một dân tộc. Nhưng ở chiều ngược lại, chính cuộc kháng chíến anh hùng, bi tráng cũng là nguồn chất liệu vô giá để hình thành một nền nghệ thuật chiến đấu. Đó là mối quan hệ biện chứng,cộng sinh.

Văn học nghệ thuật không thi vị hoá cuộc sống , nhất là cuộc sống trong một hoàn cảnh đặc biệt- chiến tranh. Văn học nghệ thuật chỉ khắc hoạ, khái quát vóc dáng tinh thần con người trong hoàn cảnh điển hình, trong đó , bên cạnh việc nhân lên ý chí dũng cảm,bất khuất, nghệ thuật có nhiệm vụ khơi dậy tinh thần lãng mạn, lạc quan, và tình yêu vô bờ của người lính đối với tổ quốc. Vì vậy có thể nói không ngoa rằng:Văn học nghệ thuật là một thành tố góp phần làm lên “ Bản ngã tinh thần của một dân tộc” mà không một khó khăn, kẻ thù nào có thể khuất phục

MC: Thưa nhà báo Dương Trọng Dật, có ý kiến cho rằng chỉ khi khó khăn người ta mới cần lạc quan, vậy phải chăng sức sống của những tác phẩm mà từ đầu chương trình đến giờ chúng ta thưởng thức chỉ dừng lại ở thời điểm lịch sử hoặc có chăng sẽ chỉ có giá trị với những người đã đi qua giai đoạn gian khó ngày ấy ? Hiện nay,con người có cần những tác phẩm nghệ thuật tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng như vậy không? Vì sao?

Nhà báo,nhà thơ Dương Trọng Dật

Lạc quan là một phẩm chất đặc biệt của con người . Nó đặc biệt thể hiện trong những sụ kiện bất thường của lịch sử như chiến tranh . Nhưng không phải chỉ trong chiến tranh, trong thời bình vẫn có thể thể có những hoàn cảnh nghiêt ngã ,thân phận bi kịch’. Con người vẫn luôn phải đối đầu với hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống như thiên tai, nghèo đói,bệnh tật . Mỗi người sẽ khó vượt qua thử thách nếu không có một ý chí lạc quan không cúi đầu trước nghịch cảnh.

Sức sống ,giá trị của những tác phẩm văn học nghệ thuật vì vậy, không bao giờ chỉ dừng lại ở một giai đoạn lịch sử. Nó vĩnh viễn trở thành những bài học cho nhiều thế hệ, thành giá trị văn hoá,tinh thần của một dân tộc, nhất là một dân tộc đã trải qua lịch sử hàng ngàn năm chống ngoại xâm như dân tộc ta. Và,trong tình hình thế giới như hiện nay, không một ai dám đảm bảo chiến tranh sẽ không diễn ra. Khi mà bom đạn đang đang từng giờ từng phút đang trút xuống dải gaza , ở liban, Ucraina, những cuộc nội chiến nồi da nấu thịt với ngaycả những dân tộc đã từng coi nhau như anh em ruột thịt.bạn bè

Chiến tranh đã đi qua 50 năm , Bác Hồ nói” xã hội thế nào,văn nghệ thế ấy” Thế hệ văn nghệ sĩ hiện nay sáng tác với tâm thế khác hơn thế hệ chúng tôi . Ngôn ngữ nghệ thuật đa diện đa thanh hơn.Cảm hứng nghệ thuật đa dạng,phong phú hơn ,cái tôi cá nhân được coi trọng hơn. Nhưng văn học, nghệ thuật, trong bất cứ tình huống nào nào, tác phẩm này hoặc tác phẩm khác,tác giả này tác giả khác… đều không thể rũ bỏ nhiệm vụ khắc hoạ gương mặt con người- gương mặt một thời đại.

Đất nước đang trên đường để trở thành một nước phát triển. Con đường hoá rồng còn rất cam go.Có thể coi đó là con đau đẻ kéo dài,vật vã để lột xác. Hơn lúc nào hết,bên năng lượng vật chất, chất xám khoa học để phát triển hạ tầng, ta rất cẩn năng lượng tinh thần giải phóng con người thoát những áo lực khủng khiếp của đời sống thường nhậtđể vươn khơi, mà điều đó chỉ có thể tìm thấy trong văn học nghệ thuật,không thể khác .

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất