Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã xảy ra nhiều vụ bạo lực học đường. Điển hình như tại tỉnh Sóc Trăng, một học sinh nữ Trường THCS Châu Văn Đơ bị một bạn túm tóc, đánh liên tiếp ngay tại lớp học.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Thọ, công an đã vào cuộc điều tra vụ việc hai học sinh nữ Trường THPT Mỹ Văn (huyện Tam Nông) đánh nhau do mâu thuẫn trong chuyện yêu đương… trước sự chứng kiến của nhiều học sinh mà không được can ngăn kịp thời.
Mới đây nhất, một nữ học sinh ở trường Hoang Văn Thụ, Chương Mỹ Hà nội bị đánh,lột quần áo, sau đó bị quay Video Clip và phát tán trên mạng xã hội…
Vấn nạn trên không chỉ làm đau lòng các bậc phụ huynh mà còn là nỗi lo lắng không nguôi của những nhà quản lý giáo dục, quản lý xã hội. Trên diễn đàn Quốc hội tại nhiều kỳ họp , nhiều đại biểu đã lên tiếng cảnh báo về nạn bạo lực học đường.
Trách nhiệm ấy trước hết thuộc về nhà trường, đương nhiên. Ngành giáo dục của chúng ta trong khi mải mê chạy theo cuộc đua thành tích bất tận về kết quả học tập đã bỏ quên vai trò giáo dục đạo đức xã hội và trách nhiệm công dân.
Việc học chữ, học văn hóa vẫn được đặt lên trên nhiệm trung tâm là hình thành nhân cách và lối sống trong sáng, lành mạnh . Chúng ta giáo dục cho học sinh yêu chế độ, yêu nước nhưng lại quên không giáo dục các em tình yêu gia đình, cha mẹ, tình yêu con người…cái gốc của chủ nghĩa nhân văn.
Thiếu cái gốc cơ bản ấy, trong bụng dù một bồ chữ nghĩa, các em rất dễ rơi vào tình trạng phi chuẩn, chạy theo chủ nghĩa cá nhân bản năng, dễ lạc hướng trong hành động.
Đó là chưa kể tình trạng “thầy không ra thầy, trò không ra trò”, thầy cô giáo chưa thực sự thành tấm gương hoặc là tấm gương xấu đã tàn phá môi trường giáo dục và làm đổ vỡ niềm tin của nhiều thế hệ học trò.
Nhưng gia đình phụ huynh chúng ta không vô can. Chúng ta vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm. Việc bỏ tiền, chạy vào trường chuyên, lớp chọn ,đầu tư học thêm, quá coi trọng điểm cao văn hóa…coi nhẹ đạo đức đã ảnh hưởng xấu đến tâm hồn trong trắng của các em.
Nhiều gia đình bố mẹ chỉ lo làm ăn, khoán trắng việc giáo dục con em cho nhà trường. Những sự sụp đổ của cơ chế gia đình, những cuộc ly hôn xảy ra như cơm bữa và nạn bạo hành gia đình đang gia tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách các em.
Đó là chưa kể con đường làm giàu đầy bất chính của nhiều bậc phụ huynh, thái độ ứng xử trọc phú với phương châm “tiền có thể giải quyết tất cả”… đã nhuộm đen tâm hồn nhiều cậu ấm cô chiêu thời nay dẫn đến những định hướng méo mó trong việc hình thành nhân cách.
Vậy còn vai trò của xã hội? Có thể nói không ngoa rằng xã hội cũng có trách nhiệm không nhỏ trong vấn nạn bạo lực học đường. Cái ác, cái xấu, cái sai ,cái bất nghĩa, vô đạo đức tràn lan hàng ngày không được giải quyết hàng ngày đã ăn mòn tâm hồn trong trắng của các em.
Chuyện tham nhũng xảy ra thường xuyên của các quan chức, các bậc đức cao vọng trọng đã khiến các em rơi vào cuộc khủng hoảng lòng tin, sụp đổ thần tượng. Chuẩn mực đạo đức cũ phong kiến đã sụp đổ. Chuẩn mực đạo đức mới chưa trở thành những tiêu chí có đủ độ vững chãi.
Mà, cho dù có vững chãi đi chăng nữa thì nó cũng rất dễ bị đánh trốc gốc cùng với sự bất công về thu nhập trong xã hội, nhất là đối với người thầy – những người đang đi đầu sự nghiệp trồng người.
Một tin đáng mừng: Bộ Giáo dục – Đào tạo đã ban hành kế hoạch thực hiên công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong nhà trường. Nhưng đó chỉ là giải pháp chữa cháy. Bạo lực học đường là căn bệnh nguy hiểm đòi hỏi sự vào cuộc tổng lực của toàn xã hội.