Trong bài viết “Sự uyên bác với việc làm thơ”, nhà thơ Xuân Diệu có nhắc lại câu hỏi của nhà thơ Tố Hữu với Nicôla Ghiden: “Theo ý anh, nhiệm vụ của nhà thơ phải như thế nào?”. Nicôla Ghiden trả lời: “Nhiệm vụ của nhà thơ trước hết là đừng làm thơ dở” và Ghiden nói tiếp: “Kẻ nào tự nhốt mình trên Thi Sơn thì không phải là một nhà thơ thực sự, những nhà thơ chính cống phải ở với những con người”[1]. Tôi rất tâm đắc với ý “những nhà thơ chính cống phải ở với những con người”. Vì tôi vẫn hằng xác tín rằng, thơ có khả năng vĩnh cửu là thanh tẩy tâm hồn con người và thơ giúp con người trở nên người hơn.
Ví phỏng vào một buổi chiều hoang hoải, sau những chuyến ra đi và những lần trở về trong sự mỏi mệt của tâm hồn, ta hãy ngâm nga Khúc ru quan họ, hẳn sẽ tìm lại được một chút bình yên cho tâm hồn:
“Ngủ đi, ngủ đi em
Lời ru không tên tôi gửi từ Kinh Bắc
Sông Cầu nước chảy lơ thơ
Câu quan họ ngọt ngào như ướp mật
Trúc xinh trúc đứng một mình
Bèo dạt gọi mây trôi…” (Khúc ru quan họ)
Những vần thơ tươi đẹp ấy, gọi vẫy ta vào sự rộn rã của đất trời, sự rộn rã của tin yêu:
“Điên điển mở cánh vàng
Ngỡ gặp dáng em
Nhịp chèo khua huyền hoặc
Gió không đưa cây cải về trời
Cầu ván chẳng đóng đanh…
Ngủ đi, ngủ đi em
Cầu tre hôm nay không còn khấp khểnh gập ghềnh
Nghìn dặm trời Nam
Ngựa ô đã tra khớp bạc
Câu quan họ gửi lòng người từ Kinh Bắc
Giữa sông nước quanh co miệt vườn
Ru nụ em cười
Như hương sen Tháp Mười
Mê đắm đất phương Nam…” (Khúc ru quan họ)
Ngoài bài thơ Khúc ru quan họ, ở tập thơ này, Dương Trọng Dật còn có nhiều bài thơ khác mang âm hưởng dân ca Kinh Bắc, chẳng hạn: Bâng quơ Phù Cát; Bâng quơ nón ba tầm; Bây giờ em ở đâu?; Anh có về xứ Nghệ với em không?, Trên đỉnh Mã Pí Lèng, Chiếc khăn Piêu gửi lại,… Tác giả đã khéo léo làm tan loãng ca dao, dân ca vào trong câu thơ của mình, làm cho bài thơ trở nên mượt mà như một khúc dân ca:
“Anh có về Bình Định với em không?
Câu Bài chòi bâng quơ
Sao tôi nghe rối ruột
Ngọn gió Quy Nhơn bỏ bùa chân ai bước
Em ở đâu? Đập Đá, Sa Huỳnh
Hay Tuy Phước, Tây Sơn?” (Bâng quơ Phù Cát)
Có thể nói, việc vận dụng ca dao, dân ca vào thơ văn là điểm chung của những nhà thơ lớn. Nguyễn Du (1865-1820) xưa từng nhận ông học lời nói, tiếng hát từ những người trồng dâu, trồng gai trong thôn xóm (“Thôn ca sơ học tang ma ngữ”). Và ông đã thành đại thi hào dân tộc. Tất nhiên sự thành công của Nguyễn Du còn hội tụ nhiều yếu tố khác nữa như dòng tộc, tài năng thiên phú, tự học và học các danh nhân văn hóa thế giới như Đỗ Phủ: “Đêm đêm chiêm bao hồn nhập vào thơ Đỗ Phủ” (“Hồn mộng dạ nhập Thiếu Lăng thi”). Nhưng, cốt lõi sự thành công của Nguyễn Du vẫn là học tiếng nói dân tộc – “tang ma ngữ”.
Nhìn lại lịch sử văn học trung đại Việt Nam, chúng ta thấy, các nhà văn hóa lớn như Nguyễn Trãi (1380-1442), Hồ Xuân Hương (1772-1822), Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Cao Bá Quát (1808-1855),… đều chủ trương sáng tác bằng chữ Nôm và có xu hướng đưa lời ăn tiếng nói hằng ngày thơ ca. Hướng rộng hơn ra “khu vực văn hóa chữ Hán”, chúng ta thấy, nhà văn lớn thời trung đại của Hàn Quốc Kim Ma Jung (1637-1692) cũng kêu gọi văn nhân học lời ăn tiếng nói của “những người tiều phu đốn củi, những người phụ nữ trò chuyện bên giếng làng”[2]. Hay Maejima Hisoka (1835-1919) ở Nhật Bản chủ trương: “Lời nói thống nhất với câu văn” (“Ngôn văn nhất trí 言 文一致”)[3];… Ở đây, chúng tôi không dám đưa thơ Dương Trọng Dật ngang tầm với các danh nhân văn hóa mang tầm cỡ thế giới ấy, nhưng rõ ràng, nhà thơ Dương Trọng Dật đã đi đúng hướng. Ông đã “liên văn bản”, hay nói đơn giản hơn là ông đã vận dụng tài tình rất nhiều tiếng nói trong dân gian để làm giàu có cho câu thơ của mình:
“Không ngả nón trông đình
Tháng Bảy chẳng mưa ngâu
Gió đưa cây cải về trời
Gửi đắng cay cho đất” (Lời thề cỏ may)
Hay:
“Lại bất ngờ nhận nón quai thao
Sao em không tặng tôi
Dải thắt lưng xanh và chiếc khăn mỏ quạ
Chưa trèo lên núi Thiên Thai
Sao nghe bồi hồi cơn gió lạ
Nón ba tầm, ai tặng, bâng quơ
Chợt nhớ sông Cầu, nghe nước chảy lơ thơ
Tôi không hát câu: Người ơi, người ở
Câu hát bay theo em
Gửi lại lời thương nhớ
“Yêu nhau xin chớ đứng ngồi với ai”
Đêm Bến Nghé ngẩn ngơ
Con sáo đã bay rồi
“Quan họ ở lại chúng em về”
Con sáo sang sông lòng người có sóng
Đuổi theo ai, tiếng gọi đò khản giọng
Người đi rồi, sông nước cũng ngẩn ngơ
Nón Ba Tầm của em không che nắng che mưa
Sao mát cả một đời người cuối đất
Che mát cả những linh hồn phiêu bạt
Như giọt nước gửi lại miền đất khát
Bâng quơ nón ba tầm
Nghe bèo giạt mây trôi” (Bâng quơ – nón ba tầm)
Gần với thời đại chúng ta hơn, những nhà Thơ Mới như Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Xuân Sanh, Thanh Tịnh, Xuân Diệu,… cũng đều thừa nhận thơ ca của họ chịu ảnh hưởng chính từ nguồn dân tộc. Đó là những bài hát ru con, hát đố, các câu ca dao trong những sách học ở trường, câu hát của những người đưa thuyền hát đối đáp với nhau trên những chuyến đò dọc,… (Thời tập – 5 bài tự thuật của 5 nhà thơ nổi danh thời tiền chiến, số 20, phát hành tháng 3/1975). Ở Đức, Karl Marx và Friedrich Engels cũng chú ý đến việc sưu tầm dân ca, ca dao Đức (có tập Dân ca do Marx – Engels sưu tầm, do Nhà xuất bản văn học Nhân dân Bắc Kinh ấn hành năm 1962). Còn ở Trung Hoa, ngay từ thời Xuân Thu, Khổng Tử đã rất đề cao Kinh Thi – bộ tổng tập dân ca Trung Hoa cổ do chính ông san định. Khổng Tử cho rằng: “Không học Kinh Thi thì không có gì để nói” (Bất học Thi vô dĩ ngôn 不學詩無以言). Từ đó, chúng ta có thể khẳng định rằng, dù ở bất cứ nơi đâu, ở bất kỳ thời đại nào, ở bất kỳ dân tộc nào thì ca dao, dân ca, tục ngữ,… vẫn luôn là nguồn bồi dưỡng giàu có cho thơ ca. Và, chỉ có những nhà thơ tinh tường mới biết nắm bắt và tận dụng nó một cách hiệu quả nhất.
***
Khi bàn về văn học, nhất là văn học hiện đại, các nhà nghiên cứu hay đề cập đến vấn đề “văn chương dấn thân” và “văn chương viễn mơ”. Vậy thế nào là văn chương dấn thân? Thế nào là văn chương viễn mơ? Tôi cho rằng, khái niệm này mang tính chất co giãn và có tiêu chí riêng ở mỗi thời đại và bối cảnh lịch sử, xã hội cụ thể. Vậy ở thời đại chúng ta, văn chương dấn thân là những loại văn chương nào? Nói đến dấn thân, chúng ta thường hay nghĩ đến tính chiến đấu: có thể là chiến đấu cho một lý tưởng được cho là cao cả của một dân tộc; cũng có thể chiến đấu cho một đảng phái chính trị,… Với riêng mình, dù thưởng thức văn chương ở thời đại nào, thì tôi cũng vẫn tôn thờ loại văn chương dấn thân vì quyền sống của con người. Quyền sống căn bản nhất của con người là trẻ em được no ấm, được học hành; người già và phụ nữ được quan tâm, chăm sóc. Nhà thơ sẽ lên tiếng khi “Còn một em bé rét/ Lòng ta vẫn bồn chồn” (thơ Nguyễn Đình Thi). Tiếng thơ ấy, không chỉ cho thấy sự bồn chồn trong cõi lòng của nhà thơ, mà nó còn có tác dụng lan tỏa đến cõi lòng người đọc. Và như vậy, thi nhân đã chạm đến được chủ nghĩa nhân văn.
Với nhà thơ Dương Trọng Dật, xét ở riêng tập thơ này, tôi xin mạn phép nghĩ rằng, ông cũng đi theo hướng dấn thân ấy. Bài thơ Thuốc đắng bổ tim thể hiện một khía cạnh nào đó quan niệm của ông về văn chương:
“Tôi nhặt nhạnh những mảnh vụn
Vỡ ra từ cuộc sống thường ngày
Không sợ câu thơ thành tầm thường dung tục
Những câu chữ gập ghềnh lắng từ cuộc sống nhân sinh
Lắng trong hạt vàng ký ức
Cuộc đời vô cùng
Đâu chỉ có chuyện thưởng nguyệt, chơi hoa?
Bao giọt nước mắt sinh linh
Từ cuộc đời chìm nổi vắt ra?
Một bữa cơm chưa no
Những vết chém chiến tranh khắp hành tinh còn rỉ máu
Bao chính khách không óc, không tim
Đang chơi những trò chơi tàn bạo
Những quyết sách trái tự nhiên
Phản nhân văn
Đang say sưa chống lại con người
Chống thói xấu, quan tham, bạo lực cuộc đời
Khơi mạch ngầm nhân sinh
Chắt lửa thiêng truyền thống
Khơi trong tim mỗi người những hạt mầm hy vọng
Cho nhân cách hóa vàng
Cho trí tuệ thăng hoa…
Tôi viết những câu thơ
Làm lời răn mình gửi bè bạn gần xa
Thơ hay phản thơ
Không phải là chủ đích
Chỉ mong mỗi dòng chữ nhỏ nhoi
Góp vài điều có ích
Lấy lời răn của Nguyễn Đình Chiểu ‘chở đạo đâm gian’
Làm lời tự răn mình
Và nằm lòng câu di ngôn để đời:
Văn chương là những liều ‘Thuốc đắng bổ tim’”. (Thuốc đắng bổ tim)
Cùng mạch tư tưởng ấy là bài thơ Tháp ngà mơ ngủ. Nhà thơ Dương Trọng Dật cho rằng, nghệ thuật văn chương sẽ thành “tháp ngà mơ ngủ”, nếu “Xa lánh cuộc đời, xa cuộc sống nhân sinh”. Bởi vì, theo ông:
“Tài năng nghệ thuật văn chương
Hữu xạ tự nhiên hương
Tiếng hót họa mi đâu cần những lồng son
Chẳng ích gì cho dân, cho nước
Mảnh đất tốt cho những cuộc chạy đua
Hữu danh vô thực
Thứ tư duy bao cấp một thời tốn tiền thuế của dân…” (Tháp ngà mơ ngủ)
Bên cạnh những vần thơ trăn trở về sứ mệnh của người cầm bút, tập thơ Khúc ru quan họ còn có những bài thơ suy tư về hiện tình đất nước, như: Bi kịch thời bình, Hiểu thấu để sánh ngang; Nén nhang tạ tội, Giỗ bạn- nhớ về Trường Sơn,… Nhà thơ luôn ra sức bảo vệ cuộc sống tươi đẹp của con người bằng “hàng rào ngôn ngữ thơ” sắc bén với những động từ và tính từ đầy hình tượng nghệ thuật như:
“Tôi chết lặng bên hàng me già cô đơn
Đường phố nát nhàu ngổn ngang lô cốt
Khói mù mịt và bụi bay mù mịt
Những đại lộ oằn mình hổn hển bánh xe
Người muốn đi không đi
Người muốn đến không đến
Những phố dài đăm chiêu…” (Bức tranh siêu thực)
Chính việc sử dụng đắc địa các động từ, tính từ ấy, khiến người đọc liên tưởng đến cái cựa mình đau của thành phố, cũng như chính nỗi đau của kiếp nhân sinh.
Cái hay của nhà thơ Dương Trọng Dật là ông ít dùng đến “đại ngôn” mà thiên về lối viết giản dị, từ ngữ giản dị, nhưng vấn đề lại không giản đơn. Đặc biệt, những động từ, tính từ được ông ưu tiên sử dụng nhiều, giúp cho câu thơ trở nên sống động. Chẳng hạn nói về tình hình biển Đông, ông viết: “Đường lưỡi bò liếm vào trái tim” (Chưa xa). Nói về tệ nạn của thanh thiếu niên: “Tôi choáng váng vì mảng tin trên báo bất ngờ… Mới nghe sao chóng mặt/ Nỗi đau này chẳng của riêng ai” (Lỗi tại chúng tôi). Nói về chuyện vô ý thức của một số người dân thủ đô, ông viết:
“Những mẩu tin như trái pháo bắn vào tim
Bão thổi từ hội hoa
Bão nổi từ Tràng An thanh lịch
Những cây trái tả tơi
Những cánh hoa đầm đìa nước mắt
Tôi lặng người
Nghe tháp Rùa
Bật khóc giữa mưa đông” (Lời cảnh báo với tương lai).
***
Thiển nghĩ, cái làm cho nhà văn, nghệ sĩ sợ nhất không phải là sự tác động vật lý của thời gian lên hình hài thân xác, mà cái đáng sợ nhất chính là sự cằn cỗi về tâm hồn và nguồn sáng tạo bị cạn kiệt. Có một điều phải thừa nhận rằng, nhà thơ Dương Trọng Dật có hồn thơ rất trẻ, rất tươi. Bên cạnh những vần thơ chiêm nghiệm về thế sự, những vần thơ buốt nhói về những vấn đề ngổn ngang của cuộc sống thường nhật, thì tập Khúc ru quan họ còn có nhiều bài thơ mang chủ đề về tình yêu rất hay. Chính những bài thơ ấy như giọt nước trong lành, tưới mát tập thơ. Quả là như vậy! Tình yêu là vấn đề muôn thuở. Những câu chuyện lịch sử đúng sai của ngàn đời, như Dương Thận nói, “cũng chỉ rút lại vào câu chuyện phiếm bên chén rượu” (“Cổ kim đa thiểu sự,/ Đô phó tiếu đàm trung”). Cái còn đọng lại muôn đời là tình yêu: tình yêu giữa người với người và tình yêu lứa đôi.
Trong lần công tác ở vùng núi phía Bắc, gặp cảnh khốn cùng, trái tim người nghệ sĩ Dương Trọng Dật đã đau đớn, thổn thức:
“Bà mẹ trẻ Lô Lô địu con đứng ngơ ngác bên đường
Đứa trẻ tím ngắt trên lưng
Khóc thét lên nghe cháy ruột
Bó củi bán cả ngày không ai mua
Hoàng hôn tàn trong giá rét
Nụ cười người chồng héo như cây củi giữa đông
Vượt hàng chục ngàn cây số đường dốc cheo leo
Bó củi mười mấy ngàn đồng
Tôi rút vội tờ giấy bạc nhét vào tay người đàn ông
Chiếc áo lạnh trên người bỗng nặng như trái núi
Phố chợ cao nguyên
Tôi hóa đá bên ly cà phê bốc khói
Trong cái lạnh run người
Giọt cà phê nghe nghẹn đắng giữa hai môi” (Người bán củi ở Văn Chấn)
Hay:
“Vượt đèo dốc chênh vênh đoàn xe inh ỏi hú còi
Em bé người Dao trong bộ quần áo phong phanh
Toe toét vẫy tay giữa làn môi tím ngắt
Cô gái Mông Hoa giật mình
Xoay gùi củi trên lưng chất ngất
Trên đỉnh Mã Pí Lèng đá núi mọc như chông
Ai hát câu
Anh có về Mèo Vạc với em không?
Đôi chân trần em đạp đá giữa đông
Cheo leo nơi đỉnh núi
Người quét chợ tình Khâu Vai
Lặng im bên căn nhà tứ bề gió thổi
Tôi nhìn đoàn xe vút qua trong khói bụi mù trời
Hai mắt bỗng thấy cay” (Trên đỉnh Mã Pí Lèng)
Còn bây giờ, chúng ta hãy lau nước mắt và tạm quên đi tuổi của nhà thơ để cảm nhận lời thơ ngọt ngào cùng tình yêu nồng nàn, say đắm của một chàng trai đang yêu:
“Sao em không hát câu “Đừng ví em là biển”
Ta chợt mơ thành cát trắng ven bờ
Em – dịu dàng như muôn con sóng nhỏ
Ta – mơ màng nghiêng ngả một câu thơ
Em – Biển xanh xa ngút mắt bến bờ
Ta – mơ hóa cánh buồm vượt sóng
Nghe trong gió có men say
Lời em ru nóng bỏng
Trong vị mặn nao lòng
Ta – mơ về tháng bảy, mưa Ngâu…
Em – giấu mình trong lòng bão giữa biển sâu
Ta – bỗng khát khao hóa thân vào ngọn sóng
Muốn vỡ tung ra
Trong con sóng bạc đầu nơi biển rộng
Em – cơn sóng thần
Ta – dải cát trắng vô tư
Ta và em như biển với bờ
Em – dữ dội dịu êm, đắm say hồn biển cả
Ta – hạt cát giữa bến bờ hoang dã
Nghe ngọn gió biển xanh cho bến bờ nghiêng ngả
Mơ trầm mình trong sóng cả đại dương em” (Biển – Ta và Em)
Như vậy, có hai giọng thơ trong tập thơ Khúc ru quan họ của nhà thơ Dương Trọng Dật. Hai giọng thơ ngỡ có vẻ như đối lập nhưng rất thống nhất. Nhà thơ đã ru những yêu thương, ru những con người hướng về những bến bờ hạnh phúc; và chính vì nâng niu những yêu thương nên ông mạnh mẽ phê phán cái xấu để bảo vệ cái yêu thương cho tròn vẹn.
Được là một trong những người đầu tiên đọc tập thơ Khúc ru quan họ của nhà thơ Dương Trọng Dật, tôi thấy vui vì nghĩ mình có may mắn và vinh dự. Nhưng nếu được nhà thơ giao cho “trọng trách” giới thiệu tập thơ đến đông đảo bạn đọc, với tôi đó lại là một áp lực. Nhất là mỗi một tác phẩm văn chương thì có vô số người đọc, và mỗi một người đọc lại tiếp nhận tác phẩm theo một cách khác nhau, tùy thuộc vào “tầm đón đợi” của mỗi người. Cũng như Xuân Diệu nói: “Ai đem phân chất một mùi hương”. Làn hương – tác phẩm văn chương ấy không thể phân chất được mà chỉ có thể làm sao cho lan tỏa rộng khắp đến mọi người. Mỗi một tác phẩm văn chương cũng như một làn hương, không có một định lượng dở hay rạch ròi, mà chỉ có thể cảm nhận và cảm nhận. Xưa Hoàng Đức Lương soạn Trích Diễm thi tập từng nhận định: “Thơ không lưu truyền rộng rãi được ở đời là có nguyên do vậy. Gỏi và chả mùi vị ngon nhất trong thiên hạ, gấm thêu màu sắc đẹp nhất trong thiên hạ, người có mắt miệng, đều biết quý trọng. Còn như thơ, thì màu sắc ở ngoài màu sắc, mùi vị ở ngoài mùi vị, không thể lấy mắt thường mà nhìn, lấy miệng thường mà nếm…”. Như vậy, văn chương chỉ có thể là đồng cảm, là tri âm mà thôi!
Tôi mong rằng, khi cuốn thơ được phát hành rộng rãi, tác giả sẽ kết nối được nhiều tri âm thêm nữa.
Xin cảm ơn quý văn hữu đã lượng tình bao dung dành thời gian đọc đến những dòng cuối của những lời dông dài này. Xin tác giả tập thơ lượng thứ nếu có lời nào đó hàm hồ, thô vụng.
Thủ Đức, tháng 11-2022
Thac sĩ Nguyễn Thị Bích Đào