Kính thưa thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Văn Khải ,phu nhân và các vị khách quý. Máy bay của chúng ta đang hạ thấp độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay quốc tế Tokyo…
Giọng nói thánh thót của cô tiếp viên hàng không làm tôi giật mình choàng tỉnh. Ghé mắt qua cửa kính, đất nước phù tang, nơi cách đây 90 năm nhà chiến sĩ yêu nước Phan Bội Châu bắt đầu cuộc Đông du đã hiện ra dưới cánh máy bay. Chỉ có núi và biển. Những rặng núi hiểm trở nối tiếp nhau. Xen kẽ những dải đất bằng khô cằn đến nhức mắt và những bờ biển dài gồ ghề. Ấn tưọng ấy còn nặng nề hơn khi chúng ta đặt chân xuống Tokyo. Những hàng cây giơ những cánh tay khô gầy guộc sau một mùa đông lạnh giá. Những con đường cao tốc vắt ngang dọc trên không, những toà nhà chọc trời cao ngất…
Nhưng bước chân vào khách sạn Neu Otani, nơi đoàn đại biểu chính phủ ta dừng chân, tôi cảm giác như mình lạc vào một thế giới khác. Những siêu thị, công viên, hội trưòng, khu hoà nhạc với những con đường dọc ngang trong ánh sáng rực rỡ, với lối kiến trúc hiện đại, đa dạng… làm tôi choáng ngợp. Mới chợt nhận ra sức sáng tạo vĩ đại của con người. Bất ngờ Nhận Bản, phải chăng chính là bất ngờ trong việc khai thác tối đa tài nguyên trí tuệ, ở một đất nước vốn rất nghèo nàn tài nguyên thiên nhiên? Và, có phải như vậy chăng mà lịch trình làm việc của Thủ tưóng Chính phủ Phan Văn Khải, được bắt đầu bằng việc thăm đền minh trị nơi thờ Nhật Hoàng Mutsuhito, người có công lớn trong cuộc cách mạng Minh trị duy tân, khởi đầu vào năm 1868, làm thay đổi tận gốc nước Nhật phong kiến, đặt nền móng cho nước Nhật ngày hôm nay. Tại đây, Thủ tướng Phan Văn Khải và phu nhân đã tưởng niệm Vua Minh Trị theo phong tục truyền thống của Nhận Bản. Giản dị và trang nghiêm, các cô gái Nhật bản trong bộ đồ Kimôtô truyền thống cũng xếp hàng trật tự trước của đền chờ đến lượt mình. Thêm một khía cạnh trong bất ngờ Nhật Bản: Ý thức về cội nguần, về truyền thống dường như thấm sâu vào trong máu huyết người dân, ý thức đó đã được Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh trong buổi tiếp kiến Nhật hoàng Akihitô và Hàng hậu: Nhận Bản là đất nước nổi tiếng về sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc dân tộc. Một yếu tố căn bản cho sự phát triển bền vững đất nước…
Chưa kịp cảm nhận nét thi vị của ngôi đền nằm giữa vườn cây xanh rộng 70 ha, gồm 170 ngàn cây xanh với 360 loại cây quý, chúng tôi đã vội vàng lên xe, sau khi đã chụp vội vài kiểu ảnh. Ở Hoàng cung cũng như vậy. Gần 3 ngày ở Nhật Bản là gần 3 ngày chân không chạm đất là theo cách nói của Thứ trưởng ngoại giaoVũ Khoan. Lịch trình hoạt động của Thủ tướng là lịch trình hoạt động đến chóng mặt: Thăm đền Minh Trị, Đến chào Nhật hoàng. Hội đàm với Thủ tướng Obuchi. Gặp gỡ chủ tịch Hạ viện Sôichirô Itô. Gặp Chủ tịnh Thượng viện Giudo Saitô. Dự chiêu đãi của Thủ tướng Nhật. Tham gia kỳ họp Uỷ ban kinh tế Việt – Nhật. Gặp Bộ trưởng tài chính Miyadaoa, Bộ trưởng công thương Kaoru Yosano, tiếp chủ tịch các công ty Tosiba, Nippan Koei.Gặp 2 cựu Thủ tướng Hasimoto và Murayama… 26 cuộc gặp trong khoảng thời gian gắn như vậy quả là một mật độ khủng khiếp. Nhưng kết quả đạt được đã không làm uổng phí sự nỗ lực của cả 2 bên. Đó không chỉ là sự viện trợ ODA trị giá 88 tỷ yên trong năm tài chính 1998 cho việc phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam, là khoản vay đặc biệt về đồng yên cho dự án xây dựng cầu Bích và cải tạo cảng Hải Phòng giai đoạn 2. Đó cũng không chỉ là việc Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện cho Việt Nam sử dụng một phần quỹ Miyadaoa, thoả thuận áp dụng quy chế tối huệ quốc, tăng số lượng sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực pháp lý, văn hoá, môi trường, chuyển giao công nghệ…Hơn thế, hai nước thoả thuận sẽ duy trì truyền thống tiến hành các cuộc tiếp xúc cấp cao trên cơ sở song phương cũng như tại các diễn đàn quốc tế, tiếp tục hợp tác nhiều mặt trong tương lai. Có lẽ đó cũng là lý do Thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan cho rằng kết quả chuyến thăm lần này: tăng lên cao hơn và sâu thêm. Kết quả ấy đã được Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định rất sảng khoái và đày tự tin khi trả lời câu hỏi của các nhà báo nước ngoài tại Câu lạc bộ của các nhà báo Nhật Bản: Cuộc gặp cấp cao Việt Nam – Nhật Bản vào mùa hoa anh đào nở năm 1999 tại Tokyo đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hai nước, đặt một viên đá mới vào nền tảng quan hệ hợp tác và hữu nghị vì hoà bình và phát triển hướng tới thế kỷ 21 giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đó cũng là một đóng góp đáng kể vào sự nghiệp hoà bình ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới.
Vâng! Thủ tướng của chúng ta nhắc đến mùa hoa anh đào với sự nhạy cảm đặc biệt làm bất ngờ nhiều nhà báo nước ngoài. Trong buổi tiếp Thủ tướng. Chủ tịch Hạ viện Nhật Sôichirô Itô cũng chào trong mừng đoàn đến Tokyo đúng lúc mùa hoa anh đào nở và cho đó là một điềm lành. Hoàn toàn không phải là théư lễ nghi ngoại giao. Giữa mùa hoa anh đào trắng Tokyo, trong màu cờ đỏ sao vàng treo cạnh cờ mặt trời khắp các đường phố, chúng tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của nhân dân Nhật đối với Việt Nam. Tình cảm ấy còn hàm chứa trong phát biểu của các vị đứng đầu Nhà nước và Quốc hội Nhật Bản, của Nhật hoàng. Đứng giữa Tokyo nghe hai tiếng Việt Nam vang lên từ ngôn từ của người Nhật mới thêm hiểu thấu một điều: Đằng sau những quan hệ tình cảm ngoại giao, những văn kiện thoả thuận hợp tác là sự khẳng định, thừa nhận, tin cậy của bạn bè đối với đường lối đổi mới kinh tế, đa dạng, đa phương hoá các quan hệ đối ngoại của đảng ta. Lịch sử đã sang trang. Khác hẳn chuyến đi tìm trường của cụ Phan, chuyến Đông du lần này của Thủ tướng khẳng định thế đứng của một dân tộc, khẳng định xu thế hoà bình, đối thoại, hợp tác của thời đại.
Ba ngày quả thật quá ngắn ngủi. Đêm cuối cùng của Nhật Bản, chúng tôi có vài tiếng đồng hồ thả bộ ngắm Tôkyo. Trong cái lạnh dưới 60c, thành phố hiện ra huyền ảo trong ánh đèn màu. Trôi qua thấp thoáng trước mắt chúng tôi là những gương mặt bạn bè không quen biết. Có một Tokyo khác không phải của sắt thép, bê tông, những ngôi nhà cao tầng: Một Tokyo của những gương mặt rực rỡ màu hoa anh đào. Trong cái hợp âm choáng ngợp của một thành phố hiện đại vẫn hiển hiện đến mức có thể sờ mó được bản sắc văn hóa Nhật Bản. Mặc dù chúng tôi không được dự lễ hội ngắm hoa anh đào, không được thưởng thức trà đạo, không được thăm những mái đền cổ kính của cố đô Tokyo và chiêm ngưỡng tận mắt vẻ đẹp núi Phú sĩ – một tượng đài so thiên nhiên ban tặng đất nước mặt trời mọc. Câu cửa miệng Vietnam good ở những người không quen mà chúng tôi tiếp xúc như kéo gần lại khoảng cách địa lý giữa 2 dân tộc, 2 quốc gia. Không chỉ là 2 nước có những nét tương đồng về văn hoá.Cái chính là, theo cách nói của một người bạn Nhật Bản vì các bạn là người Việt Nam. Chân lý đơn giản thế đấy. Phát triển mà không đánh mất bản sắc, không biến thành người khác, bài học ấy cuả Nhật Bản vẫn còn rất ý nghĩa đối với chúng ta hôm nay.
Chia tay Tokyo, tôi chợt nhớ câu chuyện thú vị của một đồng nghiệp chúng tôi. Anh cho biết, khi được hỏi nghĩ gì về Việt Nam, một người Nhật Bản trả lời: Các bạn không bắt người Nhật Bản phải xin lỗi. Lại thêm một bất ngờ khác. Mỗi dân tộc nhìn về quá khứ theo cái lý của dân tộc mình. Có cái lý của bộ óc. Có cái lý của qủa tim. Cái lý nào cũng đúng. Nhưng chúng ta chọn cái lý của quả tim, của chủ nghĩa Việt Nam, không thể trộn lẫm vào ai khác. Và, có phải nghịch lý không, khi giữa Tokyo, tôi như càng thấm thêm quan điểm hoà nhập nhưng không hoà tan – một quy luật của sụ phát triển bền vững.
Tokyo – TPHCM
Dương Trọng Dật