Biết chúng tôi chuẩn bị kỷ niệm 15- 4, anh bạn tôi, trưởng phòng biên tập của một tờ báo cứ nằng nặc đòi tham dự. Anh bảo:
– Các cậu có mời hay không thì tuỳ. Nhưng thế nào mình cũng đến.
Và anh đến thật. Đúng vào lúc 3 giờ chiều ngày 15, ở một địa điểm mà chúng tôi không hề thông báo cho anh. Chẳng phải chúng tôi hẹp hòi cục bộ gì đâu nhưng quả thực chúng tôi không muốn mời ai ngoài những anh em đã từng cùng vượt Trường Sơn năm ấy. Biết vậy, anh bạn tôi đã xách theo một chai đế chánh hiệu Gò Đen và một bọc đồ ăn gói trong giấy báo. Anh cười hề hề”
– Lễ ra mắt để nhập hội đây. Các cậu muốn độc quyền cũng chẳng được đâu. Mấy hôm nay người ta đang rần rần đi xem triển lãm mang tên Bác đấy. Nhưng mình muốn gặp những con người bằng xương bằng thịt. Cũng là một cách đi thực tế.
Thực ra là tôi biết rõ thâm ý của anh. Anh đi tìm cảm xúc hơn là anh đi tìm thực tế. Anh đang chuẩn bị viết bài cho kỷ niệm Trường Sơn. Tài liệu khá đủ rồi. Nhưng mấy tiếng đồng hồ ngồi với chúng tôi dường như đã làm thay đổi ý định của anh. Có lẽ anh thấy những điều hiểu biết của anh còn ít ỏi quá. Bởi vậy, lúc tan cuộc, anh túm lấy tôi yêu cầu:
– Này cậu viết cho mình một bài đi. Không đòi hỏi gì lớn lắm đâu. Cậu cứ kể kỷ niệm như cậu vừa kể là ăn khách rồi. Nếu được ngày mai cậu tới toà soạn, mình sẽ ứng trước cho cậu năm trăm.
Tôi ngẫm nghĩ một giây. Không hẳn là vì số nhuận bút mà anh đã hứa, mặc dù nó cũng cần. Điều quan trọng là đầu tôi đang sôi những hào quang của kỷ niệm. Trong lúc cao hứng, tôi nhận lời.
Bạn tôi nắm chặt tay tôi:
– Thoả thuận rôi nghen . Còn điều này nữa. Chậm nhất là thứ bảy cậu phải nộp bài. Hôm nay là thứ hai. Kịp chớ?
Tôi nhẩm tính rồi gật đầu:
– Chắc là kịp.
Nhưng tôi đã hối hận vì cái “chắc là” của tôi. Ba bốn ngày đêm tôi không viết được lấy một chữ gọi là có. Bao ý nghĩ hay ho trong đầu cứ chờ tôi đặt bút xuống là vụt biến mất. Những kỷ niệm kể ra thì dí dỏm là thế mà khi đưa vào trong giấy đột nhiên trở thành những bộ xương khô, không còn một chút sức sống nào. Thấy tôi vò một lúc hàng chục trang giấy, vợ tôi cằn nhằn:
– Khi không lại mua cái cực vào người. Thôi, anh mang trả lại tiền cho họ đi.
Đúng là tôi cũng đã nghĩ đến chuyện rút dù. Nhưng khi điện thoại lại cho anh bạn, anh kiên quyết không cho tôi rút. Anh nói là số chủ nhật đã chừa chỗ cho bài báo rồi và động viên tôi đôi ba câu. Anh bảo đó là bìa “ chốt” của số kỷ niệm đường mang tên Bác.
Nghĩa là tôi đã cưỡi lên lưng hổ. Không còn cách nào khác. Tôi lại vùi đầu vào bàn. Rồi sau hàng xấp giấy bị xé nát thì ngọn bút bất kham tỏ ra biết điều hơn. Người ta bảo không thể trông chờ vào cảm hứng mà phải làm việc. Lao động là sẽ tạo ra cảm hứng. Có lẽ đó cũng là trường hợp của tôi. Trong giây phút trăn trở như thế tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm. Đấy là một câu chuyện nhỏ mà tôi đã gặp ở dọc đường Trường Sơn. Chuyện một con người và một chiếc xe. Một người trong vô số người. Một xe trong vô số xe. Những hạt cát vô danh âm thầm góp gió vào biển cả để tạo nên chiến thắng cuối cùng. Và tôi bắt tay vào viết.
*
* *
Khi đám mây màu tro dài lê thê trôi qua, bầu trời bừng sáng lên vằng vặc. Ánh trăng Trường Sơn lạ lắm, nhất là vào những lúc lặng bom. Bầu trời xanh ngắt, xanh như đang lên da non, cao lồng lộng. Ở khoảng khắc yên tĩnh hiếm hoi đó, tôi ngửi thấy đâu đó phảng phất có mùi hoa lan rừng. Trong ánh trăng xanh diệu vợi hương thơm của hoa như thanh khiết hơn, những chiếc lá rừng tươi thắm hơn, còn kính xe trước mặt tôi cứ sáng lêm lấp loá như dát bằng bạc.
Đấy là xe chúng tôi chuẩn bị vượt qua “cua chữ A”.
Lái xe đã từng qua Trường Sơn không có ai có thể quên được cua chữ A. Chung quanh cái trọng điểm nổi tiếng là đường hẹp lắm cua nhiều dốc này, đường nham nhở, cái chỉ còn là bộ sườn gỉ nát, bánh bẹp gí hay bị tháo gỡ hết.
Xe chúng tôi đi ở cuối đoàn. Qua tiếng máy cậu lái xe trẻ đang say sưa huýt sáo bài “ Tiểu đội xe không kính”. Tôi ghé mắt nhìn ra ngoài. Chiếc xe leo lên một quả đồi trần trụi trọc lóc như cái đầu của một ông sư.
Trước kia ở đây có lẽ cũng nhiều cây xanh. Nhưng bây giờ trước mặt tôi chỉ còn trơ lại những khoảng đất cháy, những thân cây cháy đen còn bốc mùi khói bom khét lẹt. Phía bên trái đường là một bờ vực dốc đứng, phía dưới lấp lánh một con suối nhỏ.
Cậu lái xe trẻ chợt ngừng huýt sáo, nghiêng tai, rồi đột ngột thắng xe lại.
Tôi giật mình:
– Máy bay hả?
Cậu lái xe lắc đầu:
– Không, nhưng… Cậu lái xe đưa tay chỉ về phía trước – Tôi nghe hình như có tiếng người khóc.
Tiếng máy xe ngừng bặt . Chúng tôi cũng giỏng tai lên. Đúng là có tiếng khóc thật. Tiếng nức nở theo gió đưa tới làm người tôi gai lên. Không xa chúng tôi, trên đỉnh dốc, có một cô gái đang ngồi cạnh chiếc xe tải.
Chúng tôi bước ra khỏi xe. Ý nghĩ của tôi đầu tiên là chiếc xe vừa bị chúng đạn. Đó là chiếc xe zin ba cầu nước sơn còn mới, tuy thành xe bê bết bùi đất. Bạt phủ trên mui xe vẫn còn nguyên vẹn và lành lặn. Đầu máy hình như vẫn còn nóng bốc lên sực nức mùi xăng.
Tôi lặng im. Không, chiếc xe không trúng bom, bằng chứng là nó vẫn đậu rất nghiêm chỉnh bên lè đường bên phải. Vòng là nguỵ trang che kín cả xe bằng một bàn tay cẩn thận và đầy tinh thần trách nhiệm. Qua những kẻ hở của tấm bạt tôi còn thấy những thùng các tông nguyên vẹn không hiểu bên trong đựng gì, xếp đầy lên tận nóc. Hoàn toàn không có một dấu bẹp nào trên thân xe. Chỉ có biển xe là không còn. Có lẽ nó đã bị bom bứt mất.
Bây giờ tôi mới chợt để ý đến người khóc. Đây là một trong vô số những thanh niên xung phong bình thường mà ta có thể gặp bất cứ một cây số nào trên đường Trường Sơn. Cô khoảng hai mươi, hai mốt tuổi, tóc dài, đen nhánh. Cô mặc chiếc áo bộ đội rộng thùng thình, dáng mảnh khảnh và khuôn mặt còn non tơ như học trò, đến nỗi tôi không hiểu vì sao cô gái này lại có mặt và có thể trụ lại ở Trường Sơn. Dưới chân cô, nằm lăn lóc cái mũ cối bạc phếch, xẻng và chiếc bi đông nước.
Thấy phải an ủi cô bé này đôi điều, tôi bước lại đặt tay lên vai cô:
– Cô bé, sao cô khóc?
Cô gái ngẩng mặt lên, đưa ống tay áo chùi nước mắt, rồi chỉ tay vào ca bin xe:
– Cái eng trong nớ…
Tôi nhíu mày
– Eng nào?
– Eng lái…
– Eng lái làm sao?
Cô gái buông tiếng nấc:
– Eng…eng chết rồi.
Tôi sững lại trong khi cậu lái xe đã lanh lẹ mở cửa xe. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi một người lính trẻ đang nằm úp lên vành lái, đầu nghẹo sang một bên. Mái tóc xoà ra như đang ngủ. Một tay anh vẫn khuỳnh ra nắm thành vô lăng, còn tay kia buông thõng ở cần thắng.
Ngay phía trước anh, mặt kính chắn bị một lỗ thủng nhỏ, có lẽ do một mảnh bom xuyên qua. Xung quanh chỗ thủng, mặt kính bị rạn nứt hết. Từ ngực người lính, dòng máu còn đang ri rỉ chảy ra, loang đỏ dưới sàn xe. Phía sau thành buồng lái treo toòng teng một cái võng dù, một cái mũ tai bèo và một khẩu AK báng gập còn xanh màu thép.
Tôi tần ngần nhìn cô gái:
– Anh ấy là người yêu của cô phải không?
Cô gái đã thôi khóc. Nhưng mắt vẫn còn đỏ hoe. Cô lắc đầu lia lịa, giọng nói chưa hết xúc động:
– Không phải. Lần đầu tiên em gặp anh ấy. Hình như eng ấy mới chạy trên đường này lần đầu. Tội nghiệp eng, eng còn trẻ quá.
Đúng là người lái xe còn trẻ thật. Anh khoảng độ hai mươi lăm. Không, có lẽ 22 hay 23 tuổi. Khuôn mặt anh dễ thương, đôi má bầu bĩnh còn vương những sợi lông tơ thật mịn. Đôi môi hình trái tim, hơi hé ra phảng phất một nét cười. Dưới hàng lông mày cong như hai cánh chim, đôi mắt khép lại trong hàng mi con gái.
Chúng tôi thận trọng dựng người lái xe thẳng dậy và xem xét vết máu nơi túi áo trái. Một mảnh bom rất nhỏ đã xuyên qua lớp kính chắn cắm vào vùng tim thanh xuân của anh. Anh đã hy sinh trong khoảnh khắc, như bắt đầu một giấc ngủ dài, thanh thản. Ở Trường sơn người ta luôn chuẩn bị trước cho một cái chết bất ngờ…
Cô thanh niên xung phong nghẹn ngào kể với chúng tôi:
– Lúc chiếc F.105 ấy nhào xuống, em ngồi ở hố bom tê. Trong tiếng bom nổ, chớp loè lên, em nghe thấy tiếng rì rì của zin ba cầu. Em bò ra khỏi hầm, vừa lúc cái xe ni leo dốc, chạy tới. Em hơi ngạc niên. Sao chiếc xe chạy chậm rứa và hai bánh xe lại chệnh choạng như người say rượu.
Cô gái đưa tay vuốt mấy sợi tóc loà xoà trước trán. Trong ánh trăng, khuôn mặt của cô trông trắng xanh như một khuôn mặt của một người thiếu máu. Cô kể tiếp:
– Em linh cảm có điều gì xảy ra. Em chạy tới đón đầu chiếc xe vừa lúc nó tấp vô lề đường. Em leo lên bậc, ngó vô ca bin thấy người eng gập mạnh xuống vô lăng nghe cái phập. Em hoảng hốt giật mạnh cửa nhảy vào bên eng. Tội eng quá. Mắt thì mở trừng trừng nhưng tim đã hết đập rồi. Em vuốt mắt cho eng. Eng chết mà còn cười cười như đang mơ ngủ.
Cô gái ngưng nói. Cô bưng mặt. Không nghe thấy tiếng khóc. Chỉ thấy hai bờ vai mảnh của cô rung lên.
Chúng tôi lặng im. Còn biết nói gì nữa với cô gái ấy. Một tiếng khóc giữa rừng Trường Sơn của một người lính đối với một người lính khác không quen biết. Và nếu không có trái tim dễ xúc động của cô thanh niên xung phong thì chúng tôi đã thản nhiên đi qua, như bao chiếc xe trước tôi đã đi qua. Chúng tôi không có lỗi. Bởi vì trên con đường Trường Sơn này, một chiếc xe nằm lại dọc đường cho dù bên trong có một người chết chăng nữa là chuyện xảy ra thường xuyên, đến độ làm người ta thản nhiên. Ở đây con người đã quá quen với lửa, máu, tàn phá và chết chóc rồi.
Chúng tôi dựa lưng người lính trẻ vào thành ghế phía sau. Người bạn cùng đi với tôi khẽ nâng bàn tay buông thõng ở cần thắng lên, bắt mạch. Anh bỏ mũ, cúi đầu, nói vể bùi ngùi:
– Có lẽ vết thương đã trúng tim. Chết hẳn rồi.
– Có giấy tờ gì không?
– Để xem đã.
Bạn tôi nghiêng đầu xem xét. Ánh đèn pin của anh lướt trên túi áo đẫm máu của người lính. Anh thò tay vào đó nhẹ nhàng rút ra một mẩu giấy cháy dở, sau đó là một cái thẻ bìa cứng. Ánh đèn pin của anh dừng lại tấm thẻ.
– Gì vậy anh?
– Thẻ quân nhân.
Tôi hỏi ngay:
– Thế tên anh ấy là gì, quê ở đâu?
Tôi hỏi câu đó vì bỗng nhiên thấy trách nhiệm của mình trước sự hy sinh thầm lặng của người lính đang nằm đây. Tôi hy vọng sẽ có dịp kể cho gia đình và người thân về cái chết của anh. Những người thân bao giờ cũng khắc khoải muốn biết con em mình dã chết ở đâu và chết như thế nào nhưng những dòng báo tử thường bao giờ cũng rất công thức và ngắn ngủi.
Bạn tôi cầm tờ giấy hồi lâu rồi lắc đầu, trao cho tôi:
– Tiếc quá, không đọc được.
Tôi đón mảnh giấy từ tay bạn tôi. Cả hai đều loang vết máu. Trên tấm thẻ, vết thủng do bị mảnh bom xuyên qua nuốt hết tất cả. Dưới khoảng sáng của đèn pin đơn độc, tôi chỉ đọc được chữ “ Lê”… Hải Hưng. Tất cả những gì chúng tôi được biết chỉ có vậy. Người lính ấy họ Lê và quê Ở Hải Hưng.
Tôi đưa đèn pin rọi sang mẩu giấy thứ hai. Đó là một phần còn lại của một bài hát được nắn nót chép tay trên một tờ giấy pơ- luya. Mảnh giấy cháy nham nhở, chỉ còn sót lại vài nốt nhạc và một câu hát mà tôi không nhớ rõ lắm là của nhạc sĩ nào:
“ Những đêm Trường Sơn ta đã đi qua bao chặng đường vất vả. Đạn réo bom rơi mưa rừng xối xả…”
Cậu lái xe trẻ mau miệng, nãy giờ trầm tư không nói gì, chợt quay sang tôi:
– Chúng ta chôn anh ấy chứ?
Không đợi tôi kịp trả lời, cô thanh niên xung phong xua tay, giọng đã rắn rỏi trở lại:
– Không cần, các eng cứ đi cho kịp đoàn. Đây là việc của bọn em. Bọn em sẽ khâm liệm eng và báo cho đơn vị của eng biết.
Chúng tôi ngã mũ vĩnh biệt người lính trẻ và từ giã cô gái. Còn bao nhiêu quãng đường ác liệt nữa. Phía trước đang chờ chúng tôi. Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn của cô thanh niên xung phong và như chợt hiểu ra sức mạnh tiềm tàng trong cơ thể mảnh mai của cô gái bé nhỏ này.
Và, tôi cứ ân hận mãi là mình quên không hỏi tên cô gái.
*
* *
Tôi đã viết trong một đêm, thậm chí chẳng cần suy nghĩ. Những dòng chữ cứ như tự nó chạy trên trang giấy, và tôi chỉ là người sắp xếp, không cần một cố gắng nào. Tôi nộp bài cho anh bạn tôi.
Bạn tôi vồ lấy đọc. Tôi nghĩ là mình đã thoát nợ. Nhưng anh bạn tôi có vẻ chưa vừa lòng. Anh hỏi.
– Chuyện thật đấy chứ?
Tôi gật đầu xác nhận:
– Hoàn toàn thật.
Bạn tôi im lặng vài giây:
– Truyện xúc động. Đúng là không trải qua thì khó viết được. Nhưng…
Tôi sốt ruột:
– Nhưng sao, không in được phải không?
Bạn tôi cười:
– Sao lại không in chứ. Chỗ đã chờ rồi. Nhưng giá mà cậu viết thêm được cho một đoạn.
Tôi giãy nảy:
– Thôi thôi, cho tôi xin. Tôi đã hết sức rồi. Không viết được nữa đâu. Không được.
Bạn tôi vẫn kiên nhẫn thuyết phục:
– Tôi cam đoan là ông viết được. nó sẽ nổi chủ đề hơn cho ông xem. Không cần nhiều, chỉ độ 500 chữ thôi. Ông cố dựng lại cho tôi giây phút cuối cùng của người lính trẻ.
Tôi thở dài. Đã đâm lao thì phải theo lao thôi. Vả lại hình như bạn tôi có lý. Và tôi nhận lời.
Vậy là sau phần chép lại câu chuyện có thật một trăm phần trăm, tôi bắt tay vào một công việc có vẻ văn trương hơn: hư cấu. Nếu như nó không đạt yêu cầu thì bạn đọc rộng lượng cứ coi như câu chuyện của tôi đã kết thúc ở phần đầu.
*
* *
Người lính nhấn ga lao đi. Chiếc F105 bổ nhào xuống như một tia chớp.
Một cột khói dựng lên ở mép đường bên phải. Chiếc xe sựng lại như chạm phải bức tường. Mặt đất rung lên bần bật.
Sau tiếng bom thứ hai người lính nghe có gì nhói lên ơ vùng ngực. “ Vậy là mình bị thương vào chỗ hiểm rồi” – Anh nghĩ thầm khi thấy cái cảm giác buồn buồn, lành lạnh lan ra dưới da. Anh bất giác sờ tay lên. Máu đã ra ướt đẫm ngực áo quân phục. Người lính bỗng thấy con đường trước mặt mình nhoà đi, chân tay nặng như đeo đá, tựa như có một màn thuốc mê đang úp chụp xuống mặt.
Nhưng trong cái ý nghĩ nửa mê nửa tỉnh nhưng anh vẫn nhớ là mình đang leo giữa một triền dốc. Phía bên kia là vực thẳm. Chỉ cần một giây dời tay lái thôi là chiếc sẽ lao xuống biển cả lẫn hàng thành đống sắt vụn.
Mắt người lính vẫn hoa lên. Một cảm giác mệt mỏi loang dần khắp cơ thể. Rồi ngay sau đó, cơn đau bật dậy. Anh nghiến chặt hai hàm răng để cố ghìm một tiếng rên. Đôi mắt đã rối loạn của anh vẫn cố gắng hướng tia nhìn về phía trước. Hai bàn tay rã rời vẫn ráng sức giữ chặt tay lái.
Dưới những ngón tay đang cứng lại dần, không còn tuân theo sự điều khiển của ý chí, chiếc xe vẫn chệnh choạng lao đi. Sau cùng nó đã tới đỉnh rốc.
Người lính sắp gục xuống chợt chồm dậy lần cuối cùng. Trong cái ý thức sắp tắt của anh, một tia sáng chợt loé lên: “Không được, cần đưa xe sang phải. Dừng ở đây thì đường sẽ tắc.” Và, bằng tất cả sức tàn của mình, anh nghiến răng tập trung toàn bộ cân não thực hiện cho được cái cố gắng cuối cùng phi thường ấy.
Sau đó, anh kéo tay thắng cho xe rừng lại và gục đầu xuống vô lăng. Gương mặt động lại một nụ cười mơ hồ, mãn nguyện. Như không kịp suy nghĩ rằng mình sẽ hy sinh. Trong cái khoảnh khắc ngắn ngủi giữa cái sống và cái chết con người trẻ tuổi ấy đã bộc lộ toàn bộ nhân cách của mình như một hệ quả tất yếu của người lính.
Những người không quen trong đó có cô thanh niên xung phong mau nước mắt sẽ chôn cất anh, ở cái nơi mà chiếc xe không biển số dừng lại. Một mảnh đất hoang vu ầm ào bom đạn khác hẳn cái làng nhỏ sầm uất của anh ven bờ sông Kinh Thầy.
Không có cánh đồng xanh mướt và những đàn cò trắng lả cánh bay trong chiều hoàng hôn rực lửa. Không có cả đôi mắt chờ đợi của bà mẹ. Người ta sẽ huy động chiếc xe còn nguyên vẹn kia vào cuộc chiến đấu chung. Đồng đội sẽ thay anh tiến về phía trước. Sẽ không ai biết tên anh. Sẽ không ai biết hành động tuyệt vời thầm lặng cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi của anh. Sẽ không có một tấm huy chương, một dòng chữ nào trên mặt báo. Nhưng tất cả những điều đó, đối với người lính trẻ, đâu có nghĩa gì. Anh không rõ cuộc đời sẽ ra sao, nhưng lúc ấy anh biết mình đã chết vì cái gì và cho cái gì.
Có thể trên nấm mộ của anh cũng chỉ có một cái bia gỗ ghi vỏn vẹn dòng chữ: “ Nơi đây đã yên nghĩ một trong những anh hùng vô danh”. Mưa gió thời gian sẽ làm cho bia gỗ phai màu. nhưng có một điều không bao giờ phai màu: đó là nụ cười vĩnh cửu của người lính trẻ, lúc anh gục xuống bên vô lăng, giản dị và lặng thầm như đất.
Tháng 5 – 1985
Trích từ tập truyện ngắn “Ngày cuối cùng của chiến tranh“