Đứng trên cao nhìn xuống, khu vườn đẹp lạ lùng. Nhất là vào những buổi hoàng hôn. Cả một vùng trời bao la ửng lên một màu đỏ pha lẫn màu da cam và màu ngọc bích. một vẻ đẹp thanh thoát và tao nhã chỉ có thể có được dưới bàn tay thiên tài của tạo hoá. Tôi thấy mẹ tôi lặng đi một lúc lâu. Tôi cũng lặng im. Mãi sau mới nghe bà nói.
- Con có nhìn thấy những cây cổ thụ khô đang giơ nhũng cán tay gầy guộc lên trời không. Nhà mình trước ở đấy. Cái nền cũ bây giờ là một hố bom.
Hình như tôi cũng đang mang máng nhớ, trong ký ức xa vời của tuổi thơ. Như trong một truyện cổ tích. Ở đó có những con suối nhỏ và vạt hoa dại mà tôi không biết tên, chúng tôi dắt nhau đuổi theo những cánh bướm vàng óng ả. Ở đó có chiếc cầu cây vào mỗi buổi chiều, trưa, các cô gái Stiêng, da óng như đồng hun thường kéo nhau ra tắm theo cái taaph tục rất hồn nhiên của dân tộc mình: tắm truồng. Họ đùa giỡn vui vẻ và không hề biết mắc cỡ, giống hệt như lũ trẻ chúng tôi. Những cách rừng cao su mờ trong sương mà chúng tôi thường đi lượm trái cho lũ con trai chơi trận giả…
Nhưng chiến tranh như một bàn tay mụ phù thuỷ tàn ác đã vươn đến quê tôi. Những trận bom B52 đã đổ xuống như những cơn mưa dầm nhiệt đới. Chiến tranh đã lùa nhiều người thường dân, trong đó có gia đình tôi về thành phố, cái thành phố sầm sập tiếng giày đinh, đầy bụi đường, khói xăng, bon chen và cạm bẫy. Tuổi con gái tôi lớn lên quanh quẩn những ngõ hẹp, những âm thanh cuồng loạn và gấp gáp, vội vã, tưởng như lúc nào cũng có một thứ chất nhờn đang bao kín tâm hồn mình.
Vậy mà giờ đây…
Tôi me đi khi lúc bắt gặp một khoảng trời xanh. Ký ức như một nét dao trổ, rũ bụi sống dậy. Trong gió tôi nghe thoảng có mùi hương lan, pha trộn mùi phấn hoa dại, nhựa ngỗ và cả mùi ẩm mục của lá cây, mà khi đã biết nó, cả một đời người chưa dễ quên. Chao ơi, cái mùi vị của rừng. Mùi vị ấy có thời tưởng đã bị thui chột đi bởi thuốc khai quang và khói đại bác.
Con đường đất đỏ trước chúng tôi đổ xuống một thung lũng và một khu vườn tiêu. Xa hơn nữa là chân trời, như được nối liền với đất bằng một màu xanh vô tận. Đứng đây tôi có thể nhìn bao quát cả khu vườn. Khu vườn vuông vức, xinh xắn gần như nằm ngọn trong một phần thung lũng. Những nọc tiêu trên những hàng cột thẳng tắp. Căn nhà nằm ở cuối vườn, làm toàn bằng gỗ quý, đỏ rực trông ngon mắt hệt như một miếng thịt bò bày trên một đĩa rau xanh non tươi. Phía trước căn nhà là một giàn hoa thiên lý. Phía sau đó, cạnh con suối nhỏ lượn rất đẹp quanh căn nhà là một rẫy bắp đang trổ cờ. Bây giờ thì làn khói bếp đã vươn lên từ mái tranh. Làn khói ấm áp, tản mạn cứ vươn mái lên khung trời diệu vợi của buổi chiều.
Tự dưng, tôi nghe có gì gờn gợn trên da. Một niềm vui vô hình, vô sắc từ dâng lên, hệt như cảm giác khi tôi đứng trước một bức tranh tuyệt mỹ. Tôi hít một hơi gió mát và thấy mình như đang chơi với giữa trời đất thênh thang. Cái cảm giác mong manh ấy không thể sắp xếp rõ ràng bằng ngôn ngữ, như một màn sương, làm tan biến đi những cảm giác nhớp nháp, mệt mỏi trên chuyến xe đò dơ dáy và chật đến nêm người mà chúng tôi vừa đi qua trên một chặng đường đầy khó nhọc.
- Có lẽ ông ngạc nhiên lắm – mẹ tôi phá tan sự im lặng và vuốt mấy sợi tóc đốm bạc bay loà xoà trước trán – liệu ông có nghĩ rằng mẹ con mình sẽ lên?
Tôi lắc đầu:
- Có phải là bác ấy vẫn sống một mình không?
- Sao lại một mình, ổng là giám đốc nông trường.
Tôi chăm chú nhìn mẹ:
- Không, ý con muốn hỏi…
- À. Chắc vậy. Mẹ hiểu ông ấy lắm.
Đôi mắt mẹ chợt như mơ màng. Bà hướng tia nhìn như bâng quơ sang dẫy đồi bên kia.
- Con thấy sao?
Tôi nhìn mẹ, không hiểu:
- Mẹ hỏi sao là sao?
- Thì, cái quang cảnh và không khí này này…
- Con rất thích.
Tôi nắm bàn tay gầy khô của mẹ. Tôi muốn nói nhiều hơn để mẹ hiểu nhưng không thẻ diễn đạt bằng lời những tình cảm của tôi. Đã từ lâu, từ khi gặp bác ấy, cái khoảng trời mênh mông này, với những ký ức tuổi thơ phai nhạt, đã vẽ nên ở tôi bao nhiêu tưởng tượng. Bởi trong tôi luôn có sự thôi thúc. Tuổi trẻ của chúng tôi, với những đặc trưng của lứa tuổi mình, luôn muốn được ra đi và khai phá. Tôi không muốn cùm chân trong những ô hẹp đầy ngột ngạt của thành phố. Nếu mẹ tôi quyết định trở về, tôi mong thế, chính mẹ sẽ là người mở rộng cánh cửa tâm hồn tôi.
- Đôi lúc mẹ thật khó nghĩ.
- Sao mẹ cứ hay làm phức tạp vấn đề? Con thấy thật đơn giản. Một cái gật đầu. Chắc mẹ cũng hiểu tấm lòng bác ấy.
- Mẹ hiểu chứ. Mà không chỉ hiểu bằng cái lô gích binhg thường. Nhưng sự đời đâu đơn giản có thể giải quyết bằng cái gật đầu. Vả lại, bản thân cái gật đầu cũng không bao giờ đơn giản.
Bẵng đi hơn hai chục năm, không thư từ, tin tức, mẹ tôi gặp lại ông. Miền Nam giải phóng đã được ba năm. Mẹ tôi không ngờ và cũng không tưởng tượng nổi. Trong thâm tâm, mẹ tôi nghĩ ông đã chết. Bởi vì ngay từ những ngày đầu ông đã dấn thân vào cuộc chiến đấu đầy gian lao.
Một người bạn cũ của mẹ tình cờ gặp ông trong làn sóng người xe xuôi ngược ở Sài Gòn. Ông ngỡ ngàng rồi mừng rỡ. Ông kéo bằng được người bạn về nhà ông. Họ “quay” nhau đến rã người về tin tức bè bạn. “Ảnh đặc biệt quan tâm đến đời sống của mẹ con chị”. – Người bạn nói với mẹ tôi như vậy- “ Ảnh vẫn hiền khô như ngày nào, tất nhiên là cũng già đi và mất luôn cả cái giáng học trò ngày xưa. Lon cấp tá chứ ít à. Có cái lạ là đầu ảnh đã bạc trắng”.
- Thì anh và tôi còn trẻ hay sao. Cũng gần ở cuối dốc bên kia của cuộc đời rồi – Mẹ nói mà đôi mắt như cười với cái tin của người bạn cũ- trẻ già là chuyện thường tình của một đời người nhưng có những chuyện không bao giờ già.
Bắt gặp cái nhìn xa săm của mẹ, người bạn cũ trầm ngâm. Rồi ông kể thêm:
- Ảnh đang làm việc ở thành phố. Cũng khó khăn vì đôi mắt bị thương tật do chất độc hoá học của Mỹ. Ảnh nói nhìn gần thì chưa đến nỗi nào nhưng nhìn xa thì rất khó khăn. Nhưng nom bề ngoài thì không ai biết. Bởi vậy, bữa mới gặp, thấy cặp mắt của ảnh ngó tôi vẻ lạnh lùng, tôi đã muốn bỏ đi. Ngỡ là người ta làm lớn , không muốn nhận mình. Tội nghiệp. Chị đến thăm anh ấy đi, ảnh nhắc và hỏi thăm rất nhiều về mẹ con chị đấy.
Mẹ tôi thử dài:
- Thăm thì cũng muốn thăm, nhưng chỉ ngại…
Mẹ tôi bỏ lửng câu nói. Người bạn già xua tay:
- Chị đừng nghĩ bậy như tôi mà tội nghiệp ảnh. Vả lại, ảnh sống một mình, hình như cũng không có ai thân thuộc. Mà hay là chị khỏi đi – người bạn mẹ tôi cười – tôi đã cho địa chỉ chị rồi, thế nào ảnh cũng ghé.
Nhưng không thấy ông ghé. Mẹ tôi thì chần chờ. Trước đó, tôi thấy mẹ tôi hình như thay đổi. Lúc bà thật vui, lúc lại thật buồn. Dường như mẹ tôi còn đang cân nhắn, đắn đo. Tôi thì háo hức muốn gặp ông. Lý do thật đơn giản: ông là bạn ba tôi. Tôi muốn được nghe thật nhiều chuyện về ba. Ba tôi mất tích lúc tôi còn quá nhỏ. Những kỷ niệm của tôi về ba thật nhạt nhoà, ít ỏi.
Mẹ quyết định đi thăm ông vào khoảng một nửa tháng sau. Tôi được chọn đi cùng với mẹ. Tôi đã phải bần thần đứng trước gương soi. Tôi mượn chiếc áo bà ba của mẹ. Mẹ tôi ngạc nhiên:
- Sao lại mang áo mẹ? Con mặc áo dài có đựp hơn không?
Tôi cười:
- Con thấy mấy bà cách mạng ở phố mình hay mặc áo bà ba đen. Bác Tám là người cách mạng, lại giản dị. Mình mặc đepj coi sao tiện.
Mẹ tôi không nói gì. Bà hiểu tôi e dè. Mà bà cũng vậy thôi. Đến chuyện đi thăm bác Tám mà mẹ cũng phải cân nhắc mất nửa tháng. Ngọn gió cách mạng mới thổi về thành phố được hai năm. Tất cả vẫn còn mới mẻ và lạ lẫm. Nể phục cách mạng nhưng lòng tô vẫn còi nghi ngại, thấy nó có cái gì vừa như gần, lại như xa. Lần đầu tiên gặp một người thân của mẹ tôi, nhưng lại là một người lớn của cách mạng, tôi háo hức nhưng vẫn ngại bị dày la. Vậy mà vẫn kông tránh khỏi. Như nhìn thấu ý nghĩ tôi, giọng ông hiền từ bao dung:
- Bộ cháu tưởng cách mạng sẽ biến thành phố này thành xấu xí và rách rưới sao? Cháu đã hiểu sai mục đích cao quý của cách mạng. Tất nhiên đấy không phải là lỗi của cháu mà là của cả một bộ máy lừa bịp, tuyên truyền. Nhưng bác nói cho cháu hay: cách mạng không chỉ là áo bà ba, dép vỏ xe, và tất nhiên không cứ mực bà ba, đi dép vỏ xe là hoà đồng với cách mạng.
Cái giọng nói của một người cha khiến tôi xúc động. Tôi nhw thấy cái thiếu thốn của mình vơi đi. Mẹ tôi còn xúc động hơn. Bàn tay mẹ nắm tay tôi cứ rung lên từng chập. Nhất là khi mẹ cất tiếng hỏi thăm ngoài ngõ và có tiếng trong nhà vọng ra: “ có phải Phượng đến đó không?”. Ông xuất hiện trước cửa với bước chân vấp váp, vội vàng. Mẹ tôi giọng như ngẹn đi:
- Sao anh biết là tôi.
- Ông cười, mắt lấp lánh tia sáng:
- Làm sao tôi quên giọng nói của Phượng được.
Mồ hôi mẹ tươm ra tay tôi. Hai mươi mấy năm không quên một giọng nói. Tôi nghe đâu đó nhịp đập mãnh liệt của quả tim đang rộn lên trong lòng đôi bạn già.
Bác Tám tiếp mẹ con tôi trong một phòng khách đơn sơ. Sự ân cần của bác khiến tôi nghe âm ấm trong lòng như gặp một người ruột thịt . Bác Tám nhắc lại những câu chuyện về ba tôi và xúc động khi biết mẹ tôi vẫn sống một mình nuôi chị em tôi từ khi ba tôi mất. Mười mấy năm trời đằng đẵng đôi tay đơn độc của mẹ với bao nhiêu cực khổ, gian nan đã nuôi nấng chúng tôi nên người. Bác Tám kể rằng ba tôi là một chiến sĩ biệt động. Đến bây giờ tôi mới biết được điều đó. Ông đã từng đánh dư trăm trận, xuất quỷ nhập thần. Nhưng rốt cuộc lại bị bắt vì ngón chỉ điểm đê hèn của một tên phản bội. Ông bị chuyển qua hàng chục nhà lao, bị đánh bại hoại cả thân thể. Căn bệnh phổi và chứng thổ huyết do tra tấn quá cỡ đã đeo đẳng giết dần giết mòn ông. Cuối cùng, không đủ sức chống đỡ nữa ông chết trong nhà lao Côn Đảo.
Nét thương xót hiện ra trên gương mặt bác Tám. Tôi thấy mắt mình cay cay. Mẹ tôi thì sững sờ. Ra ba tôi cũng là Việt Cộng. Tôi chỉ nghe mẹ tôi kể ba tôi bị bắt vì nghi là sách động mất vụ đấu tranh ở sở cao su, rồi bị mang đi mất tích luôn. Ai dè…
- Thôi cũng đừng buồn – bác Tám an ủi – tôi hiểu cuộc sống của mẹ con Phượng. Mấy hôm trước tôi mang địa chỉ tìm nhưng không ra nhà. Mấy cái số nhà chồng lên nhau nên đành chịu thua. Với lại, trí nhớ bây giờ cũng kém. Bao nhiêu năm nếm đủ mùi cay đắng gian nan rồi. Ác nhất là đôi mắt bị mờ. May là không bị rằng buộc bởi chuyện vợ con nên cũng không làm ai khổ…
Sau đó bác Tám thường xuyên ddeens thăm mẹ con tôi. Bác nhìn cảnh nhà chúng tôi trìu mến có pha một chút gì ái ngại. Chị Hai tôi lấy chồng. Thằng em út của tôi đang đi học. Gánh nặng gia đình dồn lên nồi cháo lòng của mẹ và gánh xôi sáng của tôi. Bác Tám cũng không có dư thừa tiền bạc để giúp mẹ con tôi. Mà giả sử có, mẹ tôi cũng không nhận. Nhưng để bù lại, bác mang đến cho chúng tôi tấm lòng của một người cha. Bác muốn tôi tiếp tục học, hay có thể kiếm một nghề gì đó cho ra nghề. Bác không muốn tương lai của tôi phải gắn liền với gánh xôi. Nhưng làm cách nào hình như bác đang tính. Có lần, bác ướm hỏi thử mẹ:
- Phượng nhắn về xem xin hồi hương được không. Đất đai còn, bây giờ ở trển người ta xây dựng lại coi cũng đỡ lắm.
Về quê thì chắc mẹ tôi bằng lòng. Mẹ đã quá mệt mỏi với cuộc sống luôn lo âu để kiếm cho được ra tiền. Quanh năm ngày tháng tối mắt chạy quanh những nhu cầu, để rồi đôi lúc nhìn lại mới thấy cuộc đời quá ư vô nghĩa. Mẹ tôi là người quen biết hy sinh. Việc đồng ruộng đối với mẹ không phải là công việc xa lạ. Nhưng tôi biết, mẹ thương chị em tôi, có thể đã quá quen với cuộc sống ở đây, với những ánh đèn màu và tiện nghi nơi đô thành. Có lẽ đó chính là điều mẹ thấy băn khoăn nhất.
Nhưng khi mẹ tôi còn đang toan tính thì bác Tám rời Sài Gòn. Khi thì đi biên giới, khi thì đi Tây Nguyên. Cuộc đời người chiến sĩ là như vậy. Trong khi ấy, mẹ tôi vẫn tiếp tục sống cuộc sống nhàm chán và đơn điệu cũ. Nhịp thời gian cứ đều đều gõ trong tâm hồn tôi những âm thanh buồn tẻ. Bác Tám vẫn gởi thư. Có lẽ đấy là những niềm vui duy nhất của tôi. Những lời khuyên đầy tình thương yêu ngày càng thức trong tôi những hy vọng. Rồi bác Tám về Sài Gòn đúng lúc thằng em tôi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự. Tôi thấy mẹ tôi suy nghĩ. Tôi thăm dò:
- Hay mẹ nhờ bác Tám can thiệp, thằng Vinh có khẳ năng vô đại học.
Mẹ tôi lắc đầu:
- Mẹ ước ao nó vào đại học. Nhưng đây nghĩa vụ, lẽ nào lại diễn ra cái trò trốn lính ngày xưa, thôi thì, cũng để cho nó khôn nết, khôn người trong quân ngũ. Mọi người ai cũng vậy. Đừng theo thói cũ. Đừng làm cho ổng ấy buồn.
Đôi mắt bác Tám có đỡ đi phần nào sau những lần đi chữa trị, nhưng cũng không hoàn toàn được phục hồi. Chính vì vậy mà mặc dù rất yêu quân đội, bác cũng buộc phải xin giải ngũ. Bác nhận nhiệm vụ ở nông trường miền đông. Nhiều người bảo sao bác lại chọn lựa miền đất ấy. Bác bảo miền đất ấy có nhiều kỷ niệm với bác. Vả lại bác thích gần thiên nhiên. Và nói đùa là ở đây bác có thể đi dưỡng tuổi già và kéo dài cuộc sống thêm vài năm nữa.
Tôi tán thành ý bác Tám. Đất trời và thiên nhiên bao giờ cũng hấp dẫn tôi. Mẹ bảo tôi tuổi dê, lại sinh vào giờ xuất chuồng ưa chạy rông. Con gái không lo chuyện chồng con mà cứ lo chuyện bao đồng. Chồng con thì rồi ai chẳng có. Nhưng không lẽ chỉ lấy chồng rồi sinh con. Tôi không muốn đời tôi chỉ được tính bằng một khoảng từ ngưỡng cửa căn nhà ra đến nấm mộ. Có bao nhiêu thứ hạnh phúc mà ta bỏ quên, hoặc chỉ biết đi theo những lối mòn khuôn sáo cũ. Lấy chồng sinh con, rồi suốt đời cứ cúi mặt xuống gánh xôi? Tôi không muốn thế.
Nhận việc rồi, bác Tám vẫn thư về cho mẹ con tôi. Đôi lúc có dịp về Sài Gòn, ông đến cho mẹ con tôi vài thứ quả và sản vật tự tay ông gieo cấy. Ông mong chúng tôi sớm quyết định. Ông nói ông đã nhận được khu vườn tiêu, đang phục hồi và trong tương lai có thể thu hoạch tốt. Ông chờ hai mẹ con. Ông nói ông muốn hai mẹ con sớm chui ra cái vỏ ốc, để nhìn xa hơn, để nhìn thấy sức sống và niềm vui đang dậy.
Không hiểu sao, mẹ tôi vẫn suy nghĩ, mặc dù càng ngày tôi càng nóng ruột thúc giục. Tôi nói với mej về những suy nghĩ và những ước mơ của tôi. thangwg em tôi cũng viết thư về. Tôi biết mẹ đắn đo vì lo chuyện chồng con cho tôi. Mẹ lo đời con gái của tôi bị bỏ quên. Tôi nói với mẹ:
- Thà bị bỏ quên còn hơn được người ta nhớ tới cái gánh xôi. Con đã quá chán cái cảnh sáng bán xôi, trưa chợ búa và cả ba cái chuyện ngồi chờ người ta coi mắt coi mũi nữa. Con muốn sống cho tâm hồn tươi khoẻ và không phải sống bên lề cuộc sống này.
Mẹ tôi có vẻ xiêu lòng:
- Thôi được, mẹ chiều theo ý con. Chúng ta về thăm một lần cho biết. Sẽ quyết định sau.
Nhưng trước hôm đi, mẹ vẫn trầm ngâm. Hình như có một lý do khiến mẹ chần chừ mà tôi không được biết.
Bữa cơm chẳng có cao lương mỹ vị nhưng tôi cảm thấy ngon miệng. Một dĩa thịt gà chặt vuông quân cờ có rắc lá chanh, món ăn “ xứ Bắc thích nhất”. Như lời bác Tám nói. Ngoài tôi, mẹ tôi, bác Tám còn hai thanh niên nữa. Bác Tám gắp thịt gà vào chén tôi:
- Trời ơi, sao con ăn như con gái mới về nhà mẹ chồng vầy nè. Ở đây không có thói quên khách sáo đâu nhé.
Tôi đỏ mặt, nhìn hai thanh niên đang tủm tỉm cười. Bác tám tợp nốt chỗ rược còn lại trong ly. Mắt bác lấp loá. Bác nói giọng rất vui.
- Người ta nói sống nhiều hơn sống lâu. Tôi đồng ý chuyện đó. Nhưng bây giờ tôi lại muốn sống nhiều và được sống lâu càng tốt hơn.
Bác lấy bình rượu có ngâm mấy con tắc kè, rót thêm một ly, rồi quay sang phía mẹ:
- Mỗi tối tôi thường làm một ly để lưu thông khí huyết. Nhưng chỉ một ly thôi. Hôm nay tôi xin phá lệ. Vì hôm nay tôi rất vui.
Tôi húp chén cháo béo ngậy đầy váng mỡ của con gà mái dầu và liếc qua mẹ tôi. Tôi thấy mắt mẹ long lanh và gương mặt mẹ ửng hồng. Không biết có phải do ly rượu mà bác Tám ép mẹ uống, do ánh lửa trong đêm lạnh vùng cao hay có ngọn lửa nào, từ rất xa vụt loé lên trong lòng mẹ?
Năm người xoay tròn trên giường tre. Ánh lửa từ bếp hắt lên soi tỏ một phần căn nhà. Bếp nằm giữa phòng, trên một thân gỗ lớn đang ngún. Những ngọn lửa bùng cao đang liếm tròn quanh đáy nồi chè, chiếu lên hàng bắp giống treo trên giàn lấp loá một màu sáng như ngọc trai. Đêm ở đây lạnh. Nhưng cái bếp như vậy sẽ sưởi ấm cho ngôi nhà. Bác Tám chỉ hai thanh niên ngồi gần mẹ tôi gật gù:
- Đây là thằng Nghĩa, còn đây là thằng Dũng. Cả hai đều là bộ đội phục viên, cũng về đây với tôi ngay từ buổi đầu.
Bên hai anh con trai hiền lành, bác Tám càng trở thành người hay chuyện. Giọng bác vẫn đầy sức sống. Nụ cười cởi mở khiến gương mặt khắc khổ và nghiêm nghị của bác trẻ ra đến mấy tuổi. Bác khoát tay chỉ mâm cơm:
- Bà thấy tụi tôi có sang không ( không biết vì sao bác không gọi tên mẹ nữa mà lại gọi bằng bà). Cơm thịt gà, chè đậu xanh. Bọn tôi đâu có kham khổ. Còn có thể nói là rất giàu. Những thứ như trà, cà phê, thuốc lá, đường đậu… Ở Sài Gòn mắc thấu trời thì chúng tôi làm ra được hết.
Rồi bác phác ra một cử chỉ:
- Cứ ở đây vài ngày là bà thấy tôi không nói ngoa.
Như để chứng minh lời bác Tám, anh Dũng chỉ tay lên xàn nhà. Một dãy ống lồ ồ sạm màu khói bếp nói nhau:
- Dì và cô biết cái gì không? Thuốc đấy. Thuốc đó bọn tôi giao cho thương nghiệp thì khỏi chê. Phẩm chất được đánh giá là tốt rất tốt.
Mắt mẹ tôi thoáng xa xăm. Bà quay sang phía bác Tám:
- Thứ thuốc này, ngày xưa… ông ngoại con Hà ưa hút lắm.
Bác Tám lặng im. Ông với cái lon đựng thuốc, khẽ gật đầu:
- Bà nhớ lâu thiệt đó.
Mẹ ngồi một lúc. Bà buông chén cháo xuống mâm. Đôi mắt mẹ như ươn ướt trong tia sáng trao động từ bếp. Mẹ thở dài:
- Có những điều người ta phải biết quên để sông. Nhưng cũng có những thứ buộc phait nhớ hoài
Hình như có một cái gì mà tôi không hiểu trọn giữa mẹ tôi và bác Tám. Đôi lúc tôi lơ mơ nghĩ về một câu chuyện xa xưa nào đó giữa hai người. Nhưng mẹ tôi và bác Tám cũng chưa bao giờ nói ra. Phải chăng đó là những xó kẹt của những kỷ niệm mà hai người đều không muốn nhắn đến.
Nghĩa cho thêm củi vào bếp. Ngoài kia trời đã đen đặc. Hình như có tiếng mển tắc từ đâu đó, xa lắm. Gió hơi lạnh, mẹ tôi hỏi giọng e dè:
- Đôi mắt anh giờ sao?
Bác Tám bập bập điếu thuốc trên môi, rồi thở một hơi dài lên trên trần nhà, giọng trần hẳn:
- Cũng đỡ hơn. Nhưng là hiện thời thôi. Bác sĩ không dám bảo đảm nế tôi vẫn tiếp tục công việc như thế này. Bà biết không, có lúc tôi đã sợ hãi. Sống chết là chuyện thường tình đâu có ăn nhằm gì tới tôi. Nhưng đôi mắt? Biết nó tắt lúc nào. Tôi yêu đôi mắt hơn cả bản thân mình. Làm sao tôi có thể chịu được khi cái ước mơ tràn ngập trong lòng mà bệnh tận lại rằng buộc chân tay. Đấu tranh với ý nghĩ ấy của mình cũng thật khó khăn.
Tôi nghe nao nao trong lòng. Mẹ tôi cứ cúi xuống tránh cái nhìn của bác Tám như cảm thấy mình là người có lỗi. Bác Tám tiếp tục câu chuyện, những vẫn ý nghĩ ấy nhưng đã hướng nó ra một hướng khác:
- Tôi đã đi thăm nhiều nơi. Lòng dạ tôi khi ấy cứ sôi lên. Bao nhiêu dự đoán và ấp ủ. Bao nhiêu thôi thúc trong lòng. Chúng ta chiến đấu bao nhiêu năm để có được ước mơ như ngày hôm nay. Tôi lấy làm lạ tại sao có người lại không muốn nắm lấy nó để biến nó thanh hiện thực.
Mẹ tôi trầm ngâm nhìn bác Tám búng búng mẩu thuốc. Mẹ nói, nhẹ trong hơi thở:
- Anh chẳng có gì khác xưa. Nhưng tôi sợ cái áo của tuổi 50 hơi chật.
Bác Tám cười cười:
- Quả là hơi chật thật. Tôi cần một cơ thể của tuổi hai mươi. Nhưng thà chật còn hơn chết hẳn những ước mơ. Cuộc đời lúc đó thật vô vị.
Bác Tám chỉ sang anh Dũng, anh Nghĩa và tôi:
- Nhưng đúng ra cũng không hẳn vậy. Sức lực thực sự của tôi đây này. Vấn đề là truyền được ngọn lửa sang chúng nó muốn thế phải có một tấm long. Thế hệ của tụi mình, của chúng nó và của mai sau nữa gắn bó với nhau căn bản cũng là cái chất keo của lòng người nhân hậu, của tình yêu bao la…
Giọng bác Tám trầm ngâm. Mọi người lặng im. Những lời nói chẳng có gì cao siêu mà sao lại thấm vào lòng tôi đến thế. Tôi nghe nóng dần trong người. Ba tôi mất sớm. Mẹ tôi tối mắt tối mũi kiếm tiền nuôi con. Xã hội cũ không dậy tôi được gì ngoài một mớ công dung ngôn hạnh của phận con gái. Những lý tưởng và mơ ước, mới gần đây tôi mới được hiểu biết ấy, đến với tôi như những công thức khô cứng. Vậy mà bây giờ, qua lời nói giản dị của bác Tám tôi lại thấm thía hơn biết bao những sách vở mà tôi đã xem.
Bác Tám nhìn Nghĩa đang dợm bước xuống khỏi giường:
- Trời ơi Nghĩa, mày tính thôi sao. Còn mê man cháo và thịt vầy nè. cả thằng Dũng nữa. Sao bữa nay yếu vậy, tụi bay?
Nghĩa bưng lên một dĩa đầy tú hụ thịt nai nướng, cười hiền lành:
- Dạ, con chưa thôi đâu. Còn dành bụng cho món này nữa chớ.
Bác Tám:
- Trời đất, vậy mà suýt quên. Hại nhau chưa. Món này quà bên uỷ ban xã.
Mẹ hạ chén xuống mâm:
- Tôi đủ rồi
Bác Tám giành lấy chén mẹ, lựa một miếng thịt ít ra:
- Thôi, bà làm thêm một miếng cho biết vậy. Thứ này ở Sài Gòn thuộc một món ăn cao cấp đấy. Tôi nói tụi tôi sang lắm mà bà và con Hà không chịu.
- Anh Dũng cũng gắp vào chén tôi một miếng thịt nai vàng cháy, thơm lựng. Anh nói con nai này người ta mới săn được. Ở đây người ta sống như một gia đình, có thói quen cái gì cũng chia phần cho nhau.
Bác tám vớt chiếc ly, rót thêm một ly rượu tắc kè nữa:
- Tôi đành phá lệ lần thứ hai. Thịt nai nướng mà ăn không lạnh bụng lắm – Bác Tám ngó miệng mẹ cười cười – ở đây chúng tôi sống với nhau bằng tình làng nghĩa xóm, chứ không dành nhau từng miếng ăn như ở Sài Gòn đâu. Bỏ cái cảnh sống chụp giựt để sống cuộc đời bao dung thoải mái hơn, tại sao không muốn? đó là lý do khi ra bộ đội tôi không xin công tác ở Sài Gòn. Tôi, và tụi nhỏ đã don xong đám đất gần suối. bà và con Hà nếu muốn thì ra ở đó. Bằng không tôi sẽ nới rộng căn nhà này. Gỗ ở đây không hiếm đâu. Mẹ nhìn bác Tám rồi lại nhìn tôi, vẻ xúc động. Tôi thấy vậy là phải lắm rồi, nhưng mẹ lại nói:
- Anh lo lắng cho mẹ con tôi quá nhiều. Còn mẹ con tôi lại chẳng giúp gì chi anh. Như vậy có hợp lý không?
Bác Tám cau mày:
- Cái lý nào phải hợp hơn? Ông nhìn mẹ đăm đăm, tay vân mê vấn một điếu thuốc mới – cả một đời tôi chiến đấu cho cái chung. Đến giờ này tôi muốn có một chút lo riêng, một niềm vui riêng. Đây sẽ là niềm an ủi và sức sống của tôi trong những năm cuối đời. Bà hiểu tôi chớ.
Không đợi mẹ tôi trả lời, bác Tám nói tiếp, giọng nhỏ hẳn xuống:
- Tôi không bao giờ bỏ những ước muốn chung, trách nhiệm chung. Một đời tôi gắn bó, hy sinh vì sự nghiệp lớn. Nhưng đến tuổi này, tôi muốn tìm lấy một chút lo lắng gia đình. Một chút chăm sóc nho nhỏ, thật sự nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Bởi bà cũng biết tôi đâu còn có ai thân thích ruột thịt nữa.
Bác Tám nói chậm rãi như nhấm từng tiếng một. Qua ánh lửa tôi thấy mấy sợi gân hằn lên trên thái dương ông. Một giọt lệ hiếm hoi lăn trên khoé mắt mẹ. Tôi cũng thấy rưng rưng. Những mơ ước nho nhoi ấy của người ấy càng khiến tôi yêu quý hơn những người cách mạng như ba tôi, như bác Tams và thêm hiểu mức độ lớn lao của sự hy sinh, những hy sinh không hề lớn tiếng. Tự nhiên tôi muốn gục đầu vào vai ông và thèm thốt lên một tiếng “ba ơi”…
Có tiếng gọi của ai đó cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi. Bác Tám tợp nốt nốt hớp rượu rồi đặt cái ly xuống mâm. Dũng bước ra mở cửa. Lát sau , anh quay vào:
- Bên Lộc Hưng có người trở bệnh.
Bác Tám nhỏm người lên:
- Nặng không?
- Dạ, nghe nói nặng, bệnh nhân sốt rất cao. Chưa rõ nguyên nhân. Bác Tám gài chiếc khuy áo ngực, hấp tấp bước xuống giường. Ông với tay lấy tuid thuốc treo trên vách:
- Tôi đi một lát. Mẹ con ăn xong nếu có mẹt thì cứ nghỉ,đừng đợi tôi.
Nghĩa đã đốt một bó lồ ô. Hai người quày bước ra bóng đêm. Chúng tôi nhìn theo ngọn đuốc mờ gần bên kia suối. Mẹ tôi quay sang anh Dũng:
- Ở đây không có bệnh viện sao?
- Daj có. Trạm y tế ở bên kia xã. Nhưng dân ở đây mê ổng. Ông ấy trị bệnh mát tay lắm. Mà không biết từ chối ai bao giờ.
Bữa ăn đã xong. Tôi dọn mớ chén đũa ngâm vào trong thau. Anh Dũng loay hoay với món đồ ăn cũ. Mẹ tôi kéo ghế ra ngồi trước hiên nhà, bên một gốc bạch mai. Ngoài trời sương, trắng ngần như sữa. Hương bạch mai thơm nhè nhẹ. Tôi ngồi xuống bên mẹ, tay vuốt vuốt gốc bạch mai, nhìn ra khoảng sân mờ sương, nghe lâng lâng một niềm vui không duyên cớ, nhẹ nhàng và bình dị.
Mẹ đặt tay lên vai tôi. Vẻ chiều mến và tin cẩn:
- Con thấy bác Tám sao?
Tôi cau nhàu cắt ngang lời mẹ:
- Mẹ có nhớ là mẹ hỏi con câu đó bao nhiêu lần rồi không?
Mẹ cười hiền lành:
- Thì mẹ hỏi một lần nữa thôi.
Tôi xoay qua phía mẹ:
Con kính phục bác Tám. Con thương bác. Con thấy không có lý do gì ngăn trở mẹ con mình sống cuộc sống như bác đã vạch ra. Việc ấy tốt cho bác, cho con cho cả mẹ nữa, có điều…
Me ngắt lời tôi:
- Mẹ hiểu con. Có lẽ hôm nay con sẽ chọn quyền quyết định. Mẹ sẽ theo ý con. Nhân đây mẹ cũng muốn nói với con một chuyện. Con lớn rồi. Mẹ cũng không giấu làm gì. Đáng lẽ mẹ đã nói từ lâu. Mẹ nghĩ con đã mường tượng ra một điều gì. Chỉ sợ con hiểu sai…
Tôi nắm bàn tay của mẹ:
- Mẹ nói đi, con nghe đây.
Mẹ tôi ngập ngừng tay mân mê cành bạch mai:
- Buổi sớm con sẽ thấy bạch mai thật đẹp, trong cái vóc u hoài cổ kính…
- Mẹ nói gì con không hiểu.
Mẹ tôi chậm rãi:
- Mẹ không biết bắt đầu từ đâu. Chuyện xảy ra từ xa lắm.
Tôi im lặng và vuốt nhẹ bàn tay già nua. Tôi nghe tiếng thở dài nho nhỏ của mẹ. Mẹ sẽ kể với tôi điều gì nhỉ? Có thể những điều lâu nay gây ngờ ngợ trong tôi.
- Ngày trước ở nhà ngoại con cũng trồng hơn cả chục cây bạch mai. Mỗi sớm mẹ có nhiệm vụ múc nước về tưới cây. Đêm và sáng mai hương bạch mai toả rực nức trước sân.
Mẹ tôi ngừng nói. Đền tối khiến tôi nhìn không rõ mặt mẹ. Nhưng tôi đoán người đang trầm ngâm. Tôi im lặng và chờ. Tôi e tiếng nói của mình sẽ làm loãng ra những kỷ niệm thiêng liêng của mẹ.
Mẹ nói tiếp, lần này thì không rào đón:
- Nếu con biết bác Tám là người đến với mẹ trước ba con.
Tôi giật mình. Quả là hơi đột ngột. Mẹ vẫn nói, giọng đều đều:
- Câu chuyện là như vậy đó. Nó chính là nguyên do lâu nay mẹ cứ đắn đo với những gì bác Tám tốt với nhà mình. Mẹ không có gì hổ thẹn với ba con. Nhưng tấm lòng trong sáng và bao dung của bác Tám khiến mẹ…
Tôi nhìn mẹ tôi. Mặt mẹ bừng lên như chiếc gương cũ mờ bụi vừa được lau chùi, trong suốt và sáng láng. Tôi khẽ nắm tay mẹ:
- Mẹ kể tiếp đi.
Giọng mẹ thấp xuống như bắt đầu một câu chuyện cổ tích:
- Ngày xưa…
Tôi ngồi lặng im. Tôi chợt nhớ đến câu hỏi của bác Tám hôm đầu mẹ con đến gặp. Hèn nào, bao nhiêu năm giọng nói không quên. Cái sợi chỉ xanh lóng lánh ấy. Tôi nhớ đến những câu nói lấp lửng của mẹ . Tiếng của mẹ như chợt xa, chợt gần. Ngày xưa…
Tôi lắng nghe những âm thanh đều đều lọc trong ký ức của mẹ. Câu chuyện cổ tích không bắt đầu từ nàng công chúa ngu trong rừng và một hoàng tử tài hoa. Chỉ có một cô gái nửa quê, nửa tỉnh học cùng trường với một anh con trai tên Tám nơi phố huyện. Không ai biết tình yêu đến như thế nào, chỉ biết vào một bữa bãi trường, cô nhận được một lá thư giấu bên gốc bạch mai. Một mối tình nhẹ nhàng và say đắm đã đến. Nhưng mối tình kết thúc không có hậu. Anh Tám trốn nhà ra đi vào cái năm máu loang đỏ trên các đồn điền cao su, không kịp nói một lời tiễn biệt.
Và, như một lẽ thường tình, cô gái lấy chồng sau đó vài năm. Không ai nghĩ đến một ngày gặp mặt…
Tôi như chìm trong cái cảm giác hư hư thực thực. Sương vẫn bay mờ ảo một góc trời. Trong cái vóc giáng u hoài cổ kính, tôi lấy làm lạ là tại sao hương bạch mai lại thật thuần khiết, trẻ trung. Hương thơm ấy phải chăng cũng mãnh liệt như những gì đang ẩn sâu trong lòng đôi bạn già mà bây giờ tôi mới khám phá ra được.
Tôi nhìn sang phía mẹ tôi và giật mình. Trong cái giáng mẹ ngồi, sao mà giống cái giáng cây bạch mai của bác Tám đến vậy.
Năm 1985
Rút trong tập truyện ngắn” Ngày cuối cùng của chiến tranh”