Đứng trên con phà giữa sông Tiền, cầu Mỹ Thuận hiện ra lộng lẫy đến bất ngờ. Vội vã kéo tôi ra lan can, Trần Vũ Kiên, “nhiếp ảnh gia nghiệp dư”, theo lời tự nhận của anh, giơ chiếc máy Canon lên xuống mấy lần nhưng không chụp. Lắc đầu quay sang tôi, anh phân bua:
- Xin lỗi, không thể nào lấy toàn cảnh được. Nhưng đẹp quá…
Tôi nhìn theo phía tay chỉ của Kiên. Trong ngọn gió nồng nàn của châu thổ, giữa ánh nắng sớm trong vắtnhư thuỷ tinh, cầu Mỹ Thuận ngạo nghễ vươn lên như một dáng rồng bay tạc vào nền trời màu ngọc bích. Một vẻ đẹp không sao tả được khiến một tay săn ảnh như Kiên bất lực. Tôi liếc nhìn những thông số kỹ thuật của cầu Mỹ Thuận trong tờ giấy cầm trên tay mà chợt thấy những con số ngọ nguậy sống dậy như có linh hồn. Một vẻ đẹp không chỉ cảm nhận bằng mắt mà phải cảm nhận bằng cả nhịp đập của quả tim, nhất là đối với một người trong cuộc như Trần Vũ Kiên. Chỉ cho tôi chiếc xe chuyên dùng bé tí xíu đang bò trên mặt cầu, anh bảo:
- Đó là đoạn cầu hợp long vào cuối năm con mèo.
Khởi công tháng 7 – 1997, với sự giúp đỡ của chính phủ Australia, tổng số vốn đầu tư 96 triệu đô la Úc, ngày 16 – 12 – 1999, mẻ bê tông cuối cùng 80cm3 do nhà thầu chính Baulderstone Hornibrook (Australia) và công ty Bê tông 620 ( Tổng công ty Xây Dựng công trình giao thông 6 ) đã được đổ. Chiếc cầu treo dây văng đầu tiên của Việt Nam, nối liền hai bờ sông Tiền chính thức hợp long sau chưa đầy hai năm rưỡi. Một tốc độ lao động chóng mặt. Đơn vị xây dựng chủ công – Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 với 5 công ty thường trực 61, 67, 620, 621, 623, với hàng trăm chuyên gia, kỹ sư công nhân nước ngoài và Việt Nam lao động ngày đêm trên công trường, đã vược trước thời gian, cắm cọc mốc cuối cùng của một trặng đường lịch sử vào đúng 23 giờ ngày 16 – 12 – 1999. Bây giờ…
- Chút nữa mình sẽ đi bộ lên đó – vẫn tiếng Trần Vũ Kiên – Em định liên hệ với ông Richard Magfusson, giám đốc dự án phía Australia. Nhưng ổng khó lắm. Nhất là giai đoạn chuẩn bị bàn giao cầu. Thôi, để gọi cho Hà Thanh Mẫn vậy.
Rồi anh rút điện thoại. Không rõ Hà Thanh Mẫn nói gì. Chỉ nghe tiếng Kiên rất to át cả tiếng gió đang ù ù bên tai:
- Ok, Không sao đâu, chỉ có hai nhà báo ở SGGP. Có thể lên cầu đượcchứ? Tốt rồi. Vậy ông kiếm giúp hai cái nón bảo hộ. Mình đang ở trên phà. Sắp cập bến. Thôi hẹn nửa tiếng nữa gặp.
Nhưng không cần đến nửa tiếng. Chiếc xe đưa chúng tôi chạy vòng vèo qua đoạn cầu dẫn đang làm dở và dừng lại trước chiếc container mà Kiên gọi là “n phòng” của Hà Thanh Mẫn khoảng 20 phút sau. Hiện ra trước mặt tôi là người Đội trưởng thi công, có nhiệm vụ cung cấp hơn 60 ngàn m3 bê tông tươi cho công trình cầu Mỹ Thuận và là người phụ trách đổ mẻ bê tông cuối cùng vào ngày hợp long. Trái ngược với cái “ nghiệp” bê tông mà anh theo đuổi, Hà Thanh Mẫn có dáng vẻ như một thư sinh, dù nước da đen cháy như đồng hun. Nở một nụ cười thật tươi, Mẫn nói:
- Chật quá anh ạ! Khách đông là không đủ chỗ ngồi. Nhưng bọn em chủ yếu là đi chứ đâu có cần ngồi.
Mẫn nói thật hồn nhiên. Nhưng tôi lại thấy gai gai trông người. Nắm tay Mẫn, tôi cảm nhận rất rõ những vết trai sần trên bàn tay thô ráp của người kỹ sư bê tông. Vâng! cuộc đời các anh là những chuyến đi không ngừng. Trước Mỹ Thuận là Đã Mã, Trị An, Tây Ninh… Sau Mỹ Thuận có thể là Cần Thơ, Hải Vân hay bất kỳ nơi đâu đất nước cần. Bàn chân các anh đã in dấu nhiều công trình Xây dựng của tổ quốc. Vượt lên những tấm huân chương, những tưyên dương công trạng là nước mắt, mồ hôi thậm chí cả máu của các anh. Một sự hy sinh thầm lặng mà không cần một lời ca ngợi nào có thể nói hết.
Với tay đưa cho chúng tôi hai chiếc nón bảo hộ, Mẫn đứng lên:
- Mình đi. Đi bộ thôi. Em đã báo với tên đốc công người nước ngoài. Không, chả cần giới thiệu là nhà báo. Em nói là bạn em. Chục ảnh ư, thoải mái. Các anh nhìn xem, công nhân đang trong giai đoạn hoàn thiện cầu để có thể bàn giao vào đúng ngày 30 -3.
30 -3, nghĩa là chỉ còn hơn một tháng nữa. Một khoảng thời gian rất ngắn so với toàn bộ thời gian thi công cây cầu. Đã nhìn thấy hình hài của một tuyến giao thông huyết mạnh trong tương lai. Cắt ngang lời Hà Thanh Mẫn, Kiên giới thiệu thêm:
– Anh có thấy công nhân đang trồng cỏ dưới gầm cầu không? Một trong những điều đặc biệt ở cây cầu này là việc sử lý môi trường cảnh quan thiên nhiên. Phía trên kia là các đơn vị thi công tiếp tục hoàn thiện phần trải bê tông mặt cầu, làm lan can, hệ thống đèn chiếu sáng và cầu vượt.
Tôi ngẩn người. Trong cái nắng gay gắt của đồng bằng, đứng trước khối sắt thép và bê tông khổng lồ mới thấy hết ý nghĩa của những thảm cỏ xanh đang được trồng dưới gầm cầu. Xa hơn, một toán công nhân đang treo mình giữa không gian lau chùi những tấm dầm bê tông. Một nhóm khác đang cân chỉnh các bó cáp… Khoát tay chỉ một vòng các khu vực công nhân đang làm việc, Mẫn quay sang tôi:
- Công việc không nhiều nhưng tản nạn nên khó kiểm soát. Phải làm sao vừa bảo đảm chất lượng công việc vừa đảm bảo tiến độ thi công.
- Mỗi ngày trên công trường có bao nhiêu người.
- Gần 200 người. Lúc cao nhất từ 300 đến 350. Nhưng phải đến đây vài tháng trước anh mới thấy không khí ồn ào, tất bật của một công trường. Bây giờ yên tĩnh quá.
Tôi mỉm cười. Mẫn nói có lý. Giống như người quen hoạt động, ngưng công việc bỗng thèm day dứt cái không khí ồn ã sôi động náo nhiệt, với những người hành động như Mẫn và Kiên, điều ấy chẳng có gì bất ngờ. Không có âm hưởng quyến rũ của tiếng máy trộn bê tông, tiếng xe máy, tiếng máy nghe, yiếng cần cẩu – những âm thanh quen thuộc các anh đã nghe suất 30 tháng qua. Các anh là con người của công việc.
- Nhớ! Đúng vậy! – Mẫn xác nhận – Đôi lúc ngó mông lung ra công trường, cứ như thiếu một cái gì. Có lẽ là bệnh nghề nghiệp chăng?
Tôi lặng im. Nếu thật thừa nếu tôi nói với anh rằng: Đâu đơn giản chỉ là nghề nghiệp. còn có một cái gì đó cao hơn thế. Hình như đó là tình yêu. Khái niệm đó không triều tượng, ít nhất là ở đây. Tôi đã đọc được nó trong mắt của Mẫn, của Kiên, của hàng trăm công nhân đang miệt mài làm việc trong nắng gắt của công trường. Các anh đang truyền linh hồn cho sắt thép, bê tông. Tôi cảm nhận được rất sâu sắc điều này, ngay cả khi Trần Vũ Kiên đọc như thuộc lòng những con số khô khốc:
- Cầu dài 1.535.2m, rộng 22.8m gồm 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ. Độ cao tĩnh không 37.5m , so với cos 0 của thuỷ triều sông Tiền có thể cho các tàu trọng tải 40.000 tấn đi lại. Cầu dẫn có 22 nhịp, cầu chính kết cấu dây văng. tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Tải trọng thiết kế…
- Vâng! Tôi đã nghe không biết bao nhiêu lần những thông số kỹ thuật của cầu Mỹ Thuận. Trong báo có, trong sách có. Nhưng phải đứng ở đây, ngay ở đoạn hợp long của cầu Mỹ Thuận mới thấy hết những con số ấy có giá trị như thế nào. Đó không chỉ là 96 triệu đô la Úc. Đó không chỉ là phương tiện kỹ thuật và quy trình công nghệ mới. Đó là công sức của hàng vạn lượt người trong gần 1.000 ngày lao động sáng tạo không mệt mỏi. Nhưng trí tuệ và tâm huyết của con người sẽ được đền bù. Rồi đây, được một khi được lưu thông, cầu Mỹ Thuận sẽ góp phâng đưa đồng bằng sông Cửu Long thực sự hoá rồng trên con đường công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.Các khu công nghiệp Mỹ Thuận, Cổ Chiên, Bình Minh bên bờ sông Tiền và sông Hậu chắc chắn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài tới làm ăn. Đất chín rồngg sẽ vượt qua ranh giới địa lý của vùng châu thổ, vươn tay nhanh hơn, xa hơn đến các vùng đất khác trong cả nước, nhanh chóng hội nhập cùng bạn bè quốc tế. Quýt hồng Lai Vung, dừa Vĩnh Long, bánh phồng tôm Sa Giang, lúa gạo, thuỷ sản của đồng bằng sông Cửu Long sẽ thật sưj trở thành hàng hoa, sánh vai cùng các hàng hoá đặc sản khác của mọi miền đất nước. Và xa hơn…
- Hạ tầng phải đi trước một bước – Hà Thanh Mẫn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi – Một cây cầu Mỹ Thuận rất cần nhưng chưa đủ. Sắp tới là cầu Cần Thơ. Và tương lai biết đâu chẳng là Rạch Miễu. Xa hơn nữa, có thể phải là một quốc lộ số 1 khác song songvới quốc lộ cũ cho đồng bằng sông Cửu Long.
- Nghĩa là các anh lại đi?
- Vâng! lại đi. Anh Kiên ở đây một năm. Còn em: 3 năm. Bây giờ, công việc sắp hoàn thành. chỉ tiếc là phải chia tay các chuyên gia. Không có thời gian đi học nước ngoài, một sự hợp tác trực tiếp có thể giúp mình học hỏi được rất nhiều điêuf.
- Ví dụ?
- Công nghệ mới, đương nhiên.Và một bài học nhỏ nhưng rất quan trọng: Tính nghiêm khắc và đòi hỏi cao trong kỷ luật thi công. Anh hãy nhìn công nhân đang lau dầm bê tông. Họ bắt phải lau sạch bóng mới nghiệm thu. Còn đâyn những khối bê tông, chỉ dính một chút tạp chất đều bị bắt đục ra. Những vấn đề có liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuậtthì khỏi bàn. Với họ không có chỗ đứng cho sự tuỳ tiện và ngoại lệ.
- Hoà nhập làm việc khó không?
- Rất khó. Họ là những chuyên gia hàng đầu có tác phong công nghiệp rât cao. Nói thật, đôi lúc không tránh khỏi màu sắc tư tưởng kỳ thị. Nhưng bọn em đặt mục tiêu: Phải chinh phục họ cả về trí tuệ và tình cảm. Bây giờ có thể coi nhau như bạn bè ngang hàng. Vấn đề là vừa nắm vững công nghệ, tôn trọng nguyên tắc vừa phải giữ được tư duy sáng tạo độc lập.
Hà Thanh Mẫn vẫn nói say xưa. Bài học mà anh rút ra là một chân lý, đã được kiểm nghiệm từ thực tiễn của cuộc sống. Công bằng mà nói đó không phẩi là bài học riêng của các anh. Trong tất cả các hoạt động kinh tế, không chinh phục được công nghệ và có tư duy sáng tạo độc lập sẽ cầm chắc thất bại. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta sở dĩ thành công chính là nhờ nắm vững chân lý đó. Và, cũng không quá đáng khi nói rằng, chỉ có chinh phục được lý luận, tôn rọng nguyên tắc, giữ được tư duy sáng tạo độc lập, mới có thể sớm đưa đất nước hoá thành rồng, giữ vững được chủ quyền, độc lập dân tộc cả trong kinh tế và chính trị.
Tôi chăm chú nhìn Hà Thanh Mẫn. Có một cái gì đó thật đặc biệt ở người kỹ sư trẻ mới tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM. Anh đang nói tiếng nói của thế hệ anh. Còn biết bao kỹ sư, công nhân kỹ thuật thuộc lứa tuổi anh đã khẳng định mình ở công trình cầu Mỹ Thuận này? Không dựa dẫm vào những hào quang có sẵn, các anh, bằng phẩm chất trí tuệ và tài năng đã vẽ nên gương mặt của thế hệ mình và cùng với các thế hệ đi trước góp phần làm nên diện mạo của tổ quốc.
Tiếng một cậu công nhân trẻ trong đám công nhân đang vây quanh Kiên làm tôi giận mình:
- Anh Kiên, lâu quá không gặp. Sắp hết vịêc rồi. Mai mốt, bọn em đi làm ở đâu?
Không quay lại, nhưng tôi nghe Kiên cười rất to:
- Yên tâm, thíêu gì việc làm. Các cậu cứ hoàn thành tốt công việc đi đã. Bọn mình vừa đi khảo sát dự án đường hầm ở đèo Hải Vân và đang chuẩn bị cho cầu Cần Thơ lớn gấp 3 lần cầu này đấy!
Hà Thanh Mẫn ngó tôi, cười cười:
- Hậu Mỹ Thuận anh ạ. Tổng công ty đã lo rồi. Không nặng nề như bên thủy điện. Công việc quan trọng thật nhưng quan trọng hơn là số phận của những con người. Anh thấy đúng không?
Tôi gật đầu như một cái máy. Liệu có lời bìng luận nào sâu sắc hơn? Sau Mỹ Thuận, sẽ không đơn giản chỉ là hàng triệu tấn lúa và thuỷ hải sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Còn biết bao nhiêu con người chân lấm tay bùn được đổi đời? Sẽ không còn những tiếng hát ỉ eo theo nhịp đàn cò của người hành khất trá hình. Cũng không còn những em bé gõ lốc cốc vào kính xe hơi, chìa tấm vé số và túi chôm chôm trước mặt khách qua đường – nỗi đau của một vùng đất. Những chuyến phà với đoàn xe nối đuôi xếp hàng toát mồ hôi lạnh sẽ vĩnh viễn lui vào quá khứ. Chỉ còn đó con rồng Mỹ Thuận, vươn vai nối liền hai bờ sông Tiền, nối dài thêm ước mơ ngàn đời của người dân châu thổ về một cuộc sống hạnh phúc và ấm no.
Hà Thanh Mẫn đã thôi nói. Hình như anh có vẻ đăm chiêu. Tôi giở chiếc nón bảo hộ đón ngọn gió phóng khoáng từ phía bên kia sông Tiền. Lững lờ trôi dưới chân tôi những dề lục bình hoa tím. Tự nhiên, tôi chợt thấy mình nhẹ bỗng, có cảm giác như đang bay lên. Trong cái nắng say người như mật ong của đồng bằng tôi ngỡ mình đang chui ra từ một ổ kén tằm vàng óng. Tôi lặng nhìn những công nhân đang làm việc, giống hệt những con tằm đang lặng lẽ nhả tơ. Rồi người ta sẽ quên các anh. Không ai nhắc đến kỹ sư đóng cọc móng khoan nhồi Trần Vũ Kiên, kỹ sư bê tông Mai Bá Chuyên, Hà Thanh Mẫn. Có thể cũng không ai nhắc đến hàng ngàn kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân của Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 6, những người đã trực tiếp và gián tiếp chắp cánh cho con rồng Mũ Thuận bay lên. Lặng lẽ giấu mình như những chiếc cọc móng nhồi chìm sâu trong nước; cần mẫn và khiêm tốn, các anh đã để lại trí tuệ, tim óc của mình trong các công trình thách đố với thời gian, một minh chứng cho sức sáng tạo bất diện của con người. Có cảm giác rằng ở chính tại đây, tôi mới thực sự hiểu thấu đáo hơn câu tục ngữ đã được đúc kết từ trí tuệ hàng ngàn năm của cha ông ta: Người ta là hoa đất.
02-2000
DƯƠNG TRỌNG DẬT