Qua thành phố công nghiệp Việt Trì, hiện ra trước mắt tôi là một vùng đất trung du. Con đường nhựa êm ru như đưa chúng tôi về sứ sở của những giấc mơ huyền thoại. Không còn cảnh những rừng cọ đồi chè như trong thơ của nhaf thơ Tố Hữu nhưng thiên nhiên vẫn xanh một màu xanh đến nao lòng. Trong ánh hoàng hôn màu ngọc bích, núi Nghĩa Lĩnh ẩn hiện thấp thoáng sau màn sương. Xa hơn, là một vùng sáng da cam rực lên giữa buổi chiều tà – Phong Châu – Mảnh đất từng là kinh đô huyền thoại của 18 dồi Vua Hùng Lạc Việt. Nhà thơ Nguyễn Thế Khoa, bạn tôi, khoát tay chỉ ra hai bên đường:
Trước năm 1975, nơi đây chỉ là một vùng đồi trung du đất đai khô cằn, sim mua mọc chen sỏi đá. Vậy mà giờ đây…
Tôi nhìn theo tay Khoa, trong dáng chiều nhạt nhoà tôi nhận ra một vùng đô thị sầm uất! Không còn bóng dáng cái thị trần nghèo nàn, dân cư thưa thớt với 90% nhà vách đất, lợp lá cọ của ngày hôm qua. Nguyễn Thế Khoa chỉ cho tôi căn biệt thự nằm bên khách sạn hai giao Bãi Bằng, bảo:
- Ông có thấy căn biệt thự kia không? Đó là nhà của giám đốc trung tâm Văn hóa thể thao Nguyễn Xuân Thành. Mỗi cán bộ ở đây đều có một cơ ngơi như thế. Ngày mai tôi sẽ dẫn ông tới thăm. Mấy chục năm trước đây, ở đất này có ai dám mơ một căn nhà như thế?
Vâng! Quả là không ai dám mơ. Một giấc mơ lãng mạng không tưởng. Hai người duy nhất dám dệt giấc mơ không tưởng ấy là cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố Thủ tưóng Ôlop Panme. Khởi công vào những ngày cuối năm 1974 và khánh thành vào 1982, tổ hợp giấy hiện đị đầu tiên của Việt Nam với sự giúp đỡ của nước bạn Thụy Điển đã làm nên điều kỳ diệu, biến vùng đất hoang vu thành một “tiểu thiên đường” theo cách nói của các nhà văn. Bãi bằng, nơi từng là địa điểm đổ quân của Nhật, Pháp trong các cuộc tấn công vào căn cứ địa cách mạng, đã mở ra đóa hoa của tình hữu nghị cao cả. Và, hơn cả tình hữu nghị là tầm nhìn xa của Đảng ta: Viêtn Nam muốn làm bạn với tất cả các nước. Cũng có thể coi Bãi Bằng là thử nghiệm đầu tiên trên con đường hội nhập của nền kinh tế, biểu hiện quan điểm biến ngoại lực thành năng lực nội sinh để xây dựng và phát triển đất nước…
Tôi đem quam điểm ấy trao đổi với Lê Văn Oanh, trợ lý Tổng giám đốc, nhà thơ của đất Bãi Bằng như giới thiệu cuả giáo sư tiến sĩ Hoàng Chương. Thân mật tiếp chúng tôi trông đại sảnh của khách sạn Bãi Bằng
- Oanh cười:
- Một ý nghĩ lạ, nhưng mà đúng. Chỉ có Tổng giám đốc Trần Ngọc Quế mới có thể chia sẻ quan điểm đó với anh. Ông là một trong những “khai quốc công thần” đã từng nếm mật nằm gai cùng với những trăn trở đi lên của Bãi Bằng.
- Nhưng bao giờ ổng mới về?
- 10 giờ đêm nay. Ngày hôm qua ông vào TPHCM dự lễ tang Tổng giám đốc nhà máy giấy Tân Mai. Trước đó ông mới đi Mỹ cùng với Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm. 10 giờ sáng mai, ông lại đi Hà Nội họp…
Vậy là ông chỉ có thể dành cho chúng tôi khoảng một tiếng đồng hồ. Oanh ái ngại bảo chúng tôi như thế. Lịch làm việc đã dày đặc. Mà chủ yếu lại là họp hành, đối ngoại xã giao. Vậy còn công việc sản xuất của Tổng công ty? Trả lời thắc mắc của chúng tôi, Lê Văn Oanh giải thích:
- Các phó tổng giám đốc chịu trách nhiệm điều hành dây truyền hoạt động đã được uỷ quyền. Tổng giám đốc chỉ định hướng chiến lượcchung. Sản phẩm của TGĐ là những quyết định sáng suất, kịp thời và chính xác. Tổng công ty đang thực hiện cơ chế quản lý theo phương thức Bắc Âu. Hệ thống điều hành được phân cấp cao. Mỗi công việc đều có người chịu trách nhiệm chính. Mỗi cấo chỉ có một cấp trên trực tiếp, không có cấp trung gian. Nhưng dù đã phân cấp, Tổng giám đốc vẫn rất bận. Vậy mà ai xin gặp, ông cũng tiếp. Bọn em ngăn không được.
Oanh nói đúng. Chúng tôi có dịp thử nghiệm điều đó ngay buổi sáng hôm sau. Lịch hẹn chúng tôi 8 giờ nhưng 8 giờ 20 ông vẫn còn dở tiếp một vị khách Trung Quốc. Chánh văn phòng Nguyễn Văn Hoà hết đi vào lại đi ra tỏ vẻ sốt ruột. Nhưng ông đã kịp kết thúc câu chuyện, đúng vào 8 giờ 30. Bỏ qua những lễ nghi, xã giao, Trần Ngọc Quế cười, bắt tay chúng tôi.
- Xin lỗi vì trễ giờ, tôi có vị khách ngoài kế hoạch.
- Chắc là tại ai xin gặp anh cũng tiếp? – tôi đùa.
- Không phải xin – Trần Ngọc Quế xua tay. Người ta cần mới gặp mình. Mà đừng tưởng là những cuộc gặp gỡ vô bổ. Nhiều khi, chỉ một thông rin nhỏ cũng có thể giúp mình cho ra một quyết sách đúng.
- Có phải đó là tư duy quản lý theo kiểu Bắc Âu không?
- Không chỉ quản lý theo phương thức Bắc Âu, Bãi Bằng có cả tinhy tuý quản lý của các nước Tây Âu, Nhật, Mỹ. Nhưng phương thức quản lý nào cũng phải chọn lọc và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, phải có tư duy sáng tạo độc lập. Và quan trọng là có người đủ sức đưa ra những quyết định quan trọng, nhất là trong tình huống khó khăn.
- Đã bao giờ anh phải ra những quyết định khó khăn?
Một thoáng trầm tư trên gương mặt Trần Ngọc Quế:
- Nhiều lần. Một chuyện rất nhỏ: Lúc tôi quyết định nhận đội bóng chuyền về công ty. Một tỷ đồng/năm cho đội bóng những năm kinh tế còn khó khăn là rất lớn. Ban lãnh đạo phân vân, sản xuất cần gì đội bóng chuyền? Tiền phúc lợi chia cho công nhân có tốt hơn không? Bỏ phiếu, tôi là thiểu số. Nhưng tôi phải chịu trách nhiệm của người đứng mũi chịu sào. Bây giờ thực tế đã chứng minh quyết định trên là đúng. Nhưng lúc ấy, với tôi, đó là cả một gánh nặng ngàn cân.
Đúng là một quyết định khó khăn. Xây dựng đội bóng chuyền chuyên nghiệp trong công ty nhà nước là việc làm chưa có trong tiền lệ thời ấy. Lấytiền từ quỹ phúc lợi còn mạo hiểm hơn. Ông đã giám đi trước thời cuộc. Rất may, đầu tư kinh tế không chỉ đem lại “lợi nhuận” về kinh tế. Nó cho phép nhân lên những giá trị tinh thần. Một chuyện không hề nhỏ.
- Thế, cồn những quyết định lớn hơn?
Trần Ngọc Quế lặng im một giây:
- Lớn hơn? Có lẽ đó là lúc tôi quyết định nhận nhiệm vụ Tổng giám đốc. Cơ chế cũ chưa chấm dứt còn cơ chế mới chưa đủ mạnh. Mức tiêu thụ giấy giảm sút chưa từng thấy. Giấy ngoại nhập tràn lan, giấy nội tồn đọng– vì nằm đắp chiếu hàng đống trong kho. Nhận chức Tổng giám đốc là tôi chấp nhận cuộc quyết đấu sinh tử. Nhưng tôi “liều mạng” vì tôi yêu Bãi Bằng.
Không! Trần Ngọc Quế không liều mạng. Nhưng ông rất dũng cảm. 13 năm hoạt động dưới sự trực tiếp điều hành cuae chuyên gia Thụy Điển, máy móc thiết bị còn mới, công suất thiết kế 55.000 tấn/năm nhưng chỉ sản xuất được 35.000 tấn. Nhịp độ sản xuất phát triển không đồng đều, lợi nhuận thấp nên đời sống người lao động chưa được cải thiện. Bãi Bằng đứng ở ngã ba đường: dậm chân, tụt hậu hay bứt phá để vững vàng bước vào nền kinh tế thị trườngm hội nhập cùng thế giới. Chính sách tài chính mới khiến hệ thống bảo toàn vốn tăng đột ngột, đẩy giá giấy tăng vọt không tiêu thụ được. Xí nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng phải vay ngân hàng với lãi suấy cao. Mở cửa, giấy Trung Quốc, giấy Liên Xô, giấy Indonesia… tràn vào Vịêt Nam bằng mọi đường tắt ngõ ngang, tiểu ngạch có, trốn thuế buôn lậu có. Nguyên liệu giấy cạn kiệt trong khi giá các vật tư đầu vào cao càng làm giấy đội giá thành.
- Nhưng tôi đã có cây gậy thần. – Trần Ngọc Quế khẳng định – Đường lối đổi mới của Đảng đi vào cuộc sống đã phát huy tasc dụng. Hệ thống công nghệ giấy Bãi Bằng thuộc loại hiện đại nhất Việt Nam. Tôi lại có trong tay 3.500 con người “sẵn sàng xông lên đoạt trời”. Nghĩa là có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hoà.
Vâng! Thuận lợi đủ cả. Làn gió đổi mới đã trả cho cuộc sống nhũeng quy luật vốn có của nó. Nhưng vấn đề là làm sao biến tiềm năng thành hiện thực, để những quy luật chuyển hoá thành xung lực? Phải có người nhạy cảm với cái mới, biết chớp thời cơm nhận thức đúng và thúc đẩy quy luật vận hành, không giáo điều, bảo thủ vố những tư duy kinh tế cũ. Thực tế cho thấy không hiếm cơ sở đã chết trên đống vàng tiềm năng. Bao nhiêu ẩn số đặt ra trên con đường đưa Bãi Bằng tự vượt lên chính mình. Giải bài toán thiếu nguyên liệu trầm kha như thế nào? Đâu là giải pháp để nâng cao sản lượng, chí ít chạy hết công suất thiết kế. Xa hơn, cải tiến công nghệ ra sao để vượt ra khỏi “vòng kim cô: 55.000 tấn giấy/năm, tăng chất lượng giấy, và cuối cùng, mở cánh cửa thị trường.
Không đơn giản như câu cổ tích “vừng ơi, mở cửa ra” nhưng cánh cửa đã mở. Nhưng quyết sách táo bạo và tiềm năng sáng kiến được khơi dậy, những trăn trở suy nghĩ, tìm tòi, mồ hôi và nước mắt, sự nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo và tập thể công nhân xứng đáng được đền bù. Và điều thần kỳ đã xảy ra. Lần đầu tiên 14 năm hoạt động, kể cả dưới thời quản lý của các chuyên gia nước bạn, Băi Bằng đạt công suất thiết kế 55.000 tấn/năm và tiêu thụ hết số giấy đã sản xuất.
Con số đơn giản thế đấy nhưng hành trình đi tìm những con số thật không đơn giản. Đó là cả một quá trình vật vã để lột xác. Trả lời câu hỏi của tôi, liệu Băi Bằng có bí quyết nào không? Trần Ngọc Quế có vẻ hơi đăm chiêu:
- Không! Chẳng có bí quyết nào cả. Cũng vẫn là quy luật của muôn đời. Không tiếc tiền cho đầu tư công nghệ. Không tiếc sức trong việc đào tạo để nâng cao hàm lượng chất xám và chăm lo toàn diện cho con người cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ông nói giống như sách. Nhưng ở Giấy Bãi Bằng, những quan điểm khô khốc trong các giáo trình kinh tế học bỗng ngọ nguậy như có linh hồn. Hàng trăm sáng kiến kỹ thuật được khơi dậy một cách hiệu quả: áp dụng quy trình cônh nghệ tiên tiến trong sản xuất giấy; nâng công suất máy xeo, tăng thời gian chạy máy hữu ích… Hàng ngàn người được đào tạo và đào tạo tại Trường Công nhân kỹ thuật giấy Bãi Bằng. Hàng trăm cán bộ được đưa đi học nước ngoài dài hạn và ngắn hạn, có người có 2, 3 bằng đại học. Trong cái “phố núi” theo cách nói của Phó Tổng giám đốc kiêm Bí thư Đảng uỷ Hà Thị Hịch, cán bộ công nhân viên Bãi Bằng với các căn hộ chung cư tươm tất, có một đời sống văn hoá khá lý tưởng. 17 tỷ đồng đầu tư cho các cơ sở văn hoá thể thao: một nhà thi đấu đa năng đạt tiêu chuẩn quốc gia, 3 sân tenis, bể bơi, câu lạc bộ, vũ trường, phòng karaoke, phòng thể hình nam, nữ… Sắp tới là một sân vận động 7.000 chỗ ngồi đã minh chứng cho chiến lược đầu tư đúng đắn cho con người, cho tương lai. 700 tỷ đồng doanh số và 60 tỷ đồng lợi nhuận là không lớn, nhưng ấn tượng để danh tiếng Bãi Bằng bay xa có lẽ chính là sự chăm lo cho cái gốc văn hoá. Tôi bất chợt nhớ đến lời nhận xét của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: Bãi Bằng đã kết hợp được sự năng động sáng tạo trong hoạt động kinh tế với nhãn quan văn hoá rộng rãi trong quá trình phát triển, gắn văn hoá với kinh tế… là hình ảnh của nền văn hoá Việt Nam đang đi vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Phải chăng chính tại nơi đây, các nghị quyết của Đảng về văn hoá đã được nồi da đắp thịt? Văn hóa đang thật sự trở thành nguồn năng lượng tinh thần, thành năng lực nội sinh? Và, sự thăng hoa văn hoá sẽ đưa con người đến đỉnh cao nhất của sự phát triển?
Trần Ngọc Quế cắt đứt suy nghĩ của tôi:
- Lúc nãy anh hỏi khẩu hiệu của chúng tôi phải không? Vâng, khẩu hiệu của chúng tôi là luôn tiến về phía trước, ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua.
Ông và các cộng sự đã thực hiện đúng khẩu hiệu ấy. Bãi Bằng hôm nay đang hơn ngày hôm qua. Tiếp tục vượt lên trên chính mình, sản lượng giấy hiện đã tăng đến mức kỷ lục 77.000 tấn. Sau dự án giai đoạn 1, năm 2003 công suất nhà máy sẽ tăng lên 100.000 tấn/năm. Nếu dự án giai đoạn 2 được phê duyệt, từ năm 2005 công suất sẽ tăng lên 200.000 rồi 250.000 tấn/năm. Trong sự pháy triển vũ bão của cơn lốc toàn cầu hoá, dừng lại có nghĩa chấp nhận thua cuộc, là tự sát.
Chúng tôi chia tay Tổng giám đốc, người anh hùng của thời kỳ đổi mới Trần Ngọc Quế. Ông phải chuẩn bị về Hà Nội cho kịp giờ họp buổi chiều. Trên con đường vào nhà máy, ở bất cứ góc khuất nào, trong tôi vẫn cứ lởn vởn bóng dáng tất bật, thấp đậm, chất phát của người con xứ dừa Bình Định, người đã góp phần làm nên huyền thoại trên đất trung du, ngay cả lúc đứng trên bến cảng An Đạo. Tôi lặng im đón ngọn gió mát từ cửa sông trong khi Nguyễn Hữu Hưng, Nguyễn Thế Khoa say mê chụp ảnh. Chảy trước mặt tôi là những bè gỗ trôi từ thượng nguồn Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghĩa Lộ. Những sà lan chở thantừ Cẩm Phả, Cửa Ông về và chở giấy toả đi trăm nơi. Tôi ngẩn người ngắm dòng sông Lô trước khi nó đổ ra ngã ba Bạvh Hạc và bất chợt nhắm mắt lại. Hình như đâu đó có tiếng 99 con voi quỳ trên đất tổ. Thị trấn Phong Châu chìm giữa màu xanh miên man của vùng đồi núi trung du. Không còn những cô lái đò Phù Ninh…, bờ lau trắng, những đồi sim và con đường đất đỏ trong thơ Lưu Quang Vũ. Chỉ còn duy nhất cái biểu tượng giấy Bãi Bằng như những cánh chim lạc cách điệu bay lượn giữa bầu trời Phong Châu, làm lên nét lãng mạn mới của một vùng trung du đã vĩnh viễn vượt qua cuộc sống nghèo nàn và khốn khó.
Phong Châu – TPHCM 7-2002