Chiếc phà chở chúng tôi qua sông cập bến Kinh Môn lúc 1 giờ. Tôi nhìn đồng hồ: vậy là đúng 10 phút. Hàng đoàn xe tải trở đầy xi măng đang nổ máy chờ qua sông. Từ ngày có nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, vùng đất này đã thay đổi chóng mặt, bến phà suốt ngày nhộn nhịp với hai chiếc phà thường xuyên túc trực, mỗi chiếc có thể trở một lần đến 4 chiếc ô tô. Con đường cấp phối và đá răm đã được thay thế bằng con đường nhựa kéo thẳng từ Phú Thái đến bến sông Kinh Thầy, dưới chân núi Kính Chủ – nơi còn ghi dấu bài thơ nổi tiếng Hành Dịch Đăng Gia Sơn của nhà thơ đời Trần Phạm Sư Mạnh.
Quê tôi đang vào mùa gặt. Khắp nơi dậy lên những sinh hoạt ngày mùa. Những cánh đồng lúa chín chạy mút tầm mắt! Con đương lên núi An Phụ như được trải một lớp thảm vàng. An Phụ không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên mà còn nổi tiếng với ngôi đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu – thân sinh của Trần Hưng Đạo. Dưới đền An Phụ Không xa là đền thờ một vị tướng đời Trần không ai rõ tên. Chuyện kể rằng vị tướng đánh nhau với quân Nguyên bị giặc chém đứt đầu. Nhưng ngài không chiệu chết. Ngài nhặt đầu đặt lên cổ. Con ngựa đưa người chiến binh dũng cảm chạy đến một vùng quê. Tại đây, ngài gặp một bà mẹ ngồi bán xôi. Ngài hỏi: – người bịi chặt đứt đầu có sống được không? Và ngài chỉ chịu ngã xuống khi bà mẹ trả lời: không. Nơi ngài ngã xuống sau này nhân dân đã dựng đền thờ.
Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Nhưng tuổi trẻ của tôi đã thâm đẫm trong không khí huỳên thoại ấy. Con người không chiệu chết dưới lưỡi gươm của kẻ thù và chỉ chịu ngã xuống trong vòng tay bà mẹ đã nuôi sống tâm hồn một lớp trẻ chúng tôi. Tình cảnh ấy ngày càng được nuôi lớn dần lên bằng những bầi học lịch sử với những địa danh quê hương đã từng thấm máu và nước mắt: Kiếp Bạc, Côn Sơn, Yên Tử, Bạch Đằng, những địa danh gắn liền với tên tuổi những con vĩ đại của dân tộc như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Ngô Văn Quyền – những di sản tinh thần đã nâng chúng tôi lên thành con người.
Nhưng quê hương tôi không chỉ có những hào quang của quá khứ! Tôi cảm nhận rất rõ điều đó qua hơi thở của đất, của trời, tiếng con có vẫy cánh, tiếng đạp lúa, tiếng xao xác của hàng tre ven làng. Giống như người tình lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách bất ngờ gặp lại, tôi bất chợt choáng ngợp trứơc một tình cảm không lý giải được. Một tình cảm tưởng như đã bị khô cằn đi, thui chụi đi do khoảng cách của thời gian và không gian và những lo toan của cuộc sống hàng ngày. Tôi cảm thấy ngây ngất trước mùi rơm tươi, mùi lúa mới và cả mùi đất ải đang cày vỡ. Cả tâm hồn như ngọn lửa vùi trong than gặp gió bỗngđậy lên.
Mới ba năm không trở lại mà tôi ngỡ như mình lạc vào một vùng đất khác. Những căn nhà xây, mái ngói cũ ba bồn năm trước đã được đập đi và thay thế vào đó là những ngôi nhà khác hiện đại hơn. Mảnh đát khoảng hơn một mẫu Bắc Bộ của ông bà tôi để lại ngà của đã ken san sát. Đi một vòng quanh xóm, tôi gần như không nhận ra phương hướng nếu không có cậu em tôi là hướng đạo viên. Hai phần ba mái nhà đều xây mái bằng, sẵn sàng ở tư thế lên lầu. Buôit tối cả xóm rực lên trong ánh điện. Tôi thật sự kinh ngạc khi chưa đến 6 giờ bà mẹ 85 tuổi của tôi đã vội vã bỏ dở bữa cơm để đi xem người giàu cũng khóc, vậy là “nước mắt Mehicô” đã chảy tới quê tôi – một vùng đất vốn được mệnh danh là khỉ ho cò gáy. Xa lắm rồi cái ngày mà cả xã chỉ có một chiếc radio chạy bằng… dầu. Cái ngày mà lũ trẻ chúng tôi phải lội bộ 2, 3 cay số vào tối thứ bảy để chờ nghe tiết mục sân khấu truyền thanh. Bây giờ người nông dân ở quê tôi không chỉ nói chuyện làm ăn, chuyện Hà Nội, Hải Phòng mà còn có thể ghé mắt vào chuyện Hoàng gia Anh, chuyện bọn phát xít mới ở Đức, chuyện bê bối quan hệ của ông B.Clintơn… Tầm nhìn của người dân không bị bó hẹp sau các luỹ tre. Người ta có thể bàn luận chuyện bốn biển nam châu như những chính trị gia thực thụ. Tôi mỉm cười trước thổ ngữ “đặc sệt” Hải Dương của ông chú tôi khi giả thích về sự vắng mặt của bà thím và mấy đứa em:
- Cháu thông cảm. Cả tháng “lay” “nàng” mình cứ sôi lên vì nước mắt của cô “ Ma- ri – a- la”. Vào giờ này, người ta bỏ cả đập lúa, bỏ cả bữa cơm. Thậm chí ngày tang lễ mẹ đám con nhà Ngói còn giám bỏ cả việc “ ninh” cữu để chạy theo “ nước mắt của người giàu”. Nhưng cháu có thể tưởng tượng được sự thay đổi này không? Mà mới chỉ có “ răm” năm chứ mấy. Ở đâu không biết chứ dân “ nàng” “ lày ” đều biết ơn đường “nối” đổi mới của Đảng.
Ông chú tôi nói đúng! Làm sao tôi có thể tưởng tượng được. Chúng tôi đã trải qua những năm tháng tuổi thơ cay cực và khắc nghiệt: một hạt gạo cõng bốn củ khoai. Một công lao động vụ chiêm có năm chỉ được trả công bằng hai trăm gam lúa. Người nông dân trở thành những “công chức” thờ ơ trên những mảnh ruộng của mình. Câu ca dao “ quê hương 3 tấn thì no, quê hương 5 tấn có lò rang ngô” không chỉ là của riêng Thái Bình mà đã trở thành biểu tượng cho căn bệnh khoa trương, hình thức. Những động lực thôi thúc người nông dân sản xuất bị triệt tiêu hết. Mảnh đất nhỏ bé 5% bỗng trở thành thu nhập chính của mỗi gia đình. Mọi nhu cầu cá nhân, mọi hoatj động bán buôn ít nhiều bị coi là có liên quan gần xa đến chủ nghĩa tư bản, đến tàn dư phong kiến. Những năm ấy ông bố tôi – một chánh án cũng nhiều phen lao đao vì chuyện “chạy chợ” của mẹ tôi. Mà có gì ghê gớm lắm đâu. chỉ là nhận bán cho bà con vài trái ớt, mấy cây rau và cung ứng ngược lại mấy cay kim sợi chỉ. Tầm nhìn tiêut nông, bệnh kiêu ngạo cộng sản và quan niệm giáo điều duy ý chí đã hoá đã nếp tư duy của chúng ta trong khuân thước khô cứng về một chủ nghĩa mà quên đi con người – nhân tố cấu thành quan trọng của chủ nghĩa ấy. Chúng ta đấu tranh chống bất công, nhưng sự công bàng đạt được thì không đáng cổ vũ: công bằng trong sự nghèo khó. Chúng ta đã “nhiệt thành” chống lại chính mình không kém gì kẻ thù chống lại chúng ta. Câu cói vĩ đại của Lênin: Không có cái gì có thể ngăn bước chân của người cộng sản trừ khi người cộng sản tự ngăn bước tiến của chính mình đã không được nhận thức một cách thấu đáo…
Vâng! Có cảm nhận mộit cách sâu sắc những tháng năm khó khăn ấy mới thấy hết tầm mức ý nghĩa của đường lối đổi mới. Con đường đi tới chân lý là một hành trình đầy chông gai có cả vị đắng cay của sự sai lầm, thất bại. Nhưng kết quả có thể sờ mó được. Đã bước đầu hình dung ra hình hài của một cuộc sống tương lai. Đường lối đổi mới cho phép người nông dân được quyền tự do thi thố tài năng trên mảnh đất của cha ông, phát huy hết phần năng lực vốn có, bước đầu làm chủ vận mệnh của mình. Người dân quê tôi đã có bát ăn bát để. Thậm chí có thể làm giàu. Những chính sách, chủ trương bắt đầu tư chân lý xanh tươi cả đời sống đã phát huy tác dụng vì nó phù hợp với lòng dân, phù hợp với quy luật. Hạt nhân nhân đạo của một chính sách là trả cho nó hơi thở sinh động của cuộc đời, giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thàh công trên cơ sở những chính sách đầy tính nhân bản như thế…
Tôi ngửa mặt đón ngọn gió mát từ phía sông kinh thầy. Nghe mơn man trên làn ra như có vị phù sa nồng nàn như mật. Tôi ngỡ ngàng đi giữa khu phố trước đây ít năm chỉ lèo tèo mấy mái lều tranh, chủ yếu bán bún riêu và bánh đúc giờ đã thành một khu phố chợ sầm uất. Cái bờ mương bên đường năm nào, nơi vào những đêm hè nóng nức, đám con trai con gái làng tôi, sau một ngày lao động mệt nhọc, kéo nhau ra trải chiếu hóng mát trò chuyện để ngắm sao đã biến mất. Thay vào đó là những dãy nhà 2, 3 tầng lầu. Bà cô tôi nhìn cái dáng đi và nét cười cuả tôi, mừng rỡ reo lên:
- Thằng Dật phải không “nụ” cười giống bố mày như đúc thế kia thì “nạc” vào đâu được. Vào đây, vào đây cô thấy hình như cháu không già đi.
Tôi nắm bàn tay của cô tôi. Cô không già đi mới đúng. Gần 80 tuổi mà cô vẫn đỏ đấn và minh mẫn. Cô tôi cười:
- Nghĩ cũng “nạ”. Bao năm bươn chải mua bán Hà “lội” Sài Gòn không giàu “nên” được. Đùng một cái ông nhà nước đổi mới. Cả quán “lước” “ lày” đã đủ đổi đời, chẳng cần đi ngược về xuôi. Cháu nhìn xem, có thứ gì Hà “lội” có mà ở đây không có không?
Tôi ngó quanh quán nước nhỏ bé của cô tôi. Câu nói đơn giản chứa đựng một chân lý: Nước nổi thì thuyền nổi. Chưa có gì là ghê gớm lắm nhưng dòng chảy đã được khơi. Tôi đã thấy sức sống của đường lối hiện rõ trên gương mặt người…Cô tôi cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:
- Cháu tính thắp hương mộ ông và mộ bố phải không? Thôi đi đi. Trung ơi! Đưa anh mày “nên” đồng Dùng.
Tôi quay ra, một cậu thanh niên đã xề chiếc xe Minxcơ trước cửa toét miệng.
- Đi thôi chú. “Nàng” “lày” bây giờ đi một cây số trở “nên” không ai đi bộ “lữa”. Cháu sắm chiếc xe để chạy xe ôm “nòng” vòng kiếm tiền chợ. Mà chú thắp hương nhanh “nên” nhá. Tối nay chúng cháu có hội karaoke…
Tôi ngỡ người. Quả là khó hình dung thật. Còn nhớ ít đây không lâu, cả làng này chỉ có một chiếc tivi national cửa lùa của anh thợ sửa xe đạp đem từ miền Nam ra. Năm ấy làng tôi chưa có điện. Mỗi năm, chiếc tivi chỉ được mang ra trưng 1 lần vào ngày đội chiếu phim huyện về xã. 2 cha con thợ sửa xe phải lễ mễ khiêng chiếc tivi, câu nhờ điện của đội chiếu phim, cái chính là để “khoe” với cả làng. Mà hình nhoè nhoẹt có coi được gì đâu. Bây giờ ngồi trên chiếc xe máy lướt êm ru trên mặt đường láng bê tông tôi có hình dung ra con đường lồi lõm ổ gà, ổ trâu 2 xe đạp đi ngược chiều tránh nhau đã khó. Tôi bỗng nhớ tới con đường đất đỏ lầy lội 4 cây số xuống Kinh Môn, 8 cây số ra Kim Thành mà chúng tôi hàng ngày phải lội bộ 2 lần hồi còn học cấp 2 và cấp 3. Trong tiếng gió ù ù bên tai, cậu lái xe quay đầu nói như hét:
- Thỉnh thoảng cháu vẫn nghe người ta đọc thơ chú trên đài. Mẹ cháu bảo ngày xưa chú “nà” chủ “nực” trong đội gánh phân của hợp tác xã. Không có chuồng phân “lào” trong “nàng” mà chú không biết. Ai có thể tưởng tượng được chú thành nhà văn. Cháu cũng thích thơ, nhưng cháu bỏ học rồi. Bọn bạn cùng tuổi cháu mấy năm nay không có đứa “lào” học hết cấp 3. Mà “nàm” ruộng, chạy xe ôm, đóng gạch, chở than mà cần gì văn hay chữ tốt hả chú!?
Giọng nói ngọc líu ngọng ló của Trung bất chợt làm thức dậy nỗi băn khoăn mà tôi mới cảm nhận được. Cái làng nhỏ bé của tôi đã làm giàu lên nhờ kinh tế thị trường cũng đang chịu tác động trái chiều của kinh tế thị trường. Cái riêng nở ra đầy sắc hương nhưng cái chung dường như đang teo tóp lại. Sân kho hợp tác xã được quốc để trồng khoai. Những bờ vùng, bờ thửa thẳng băng bị xé lẻ, chia ra manh mún chưa đủ một cái quành của con trâu.Trẻ em đua nhau bỏ học để kiếm tiền. Nhiều năm cả làng gần như không có ai vào đại học. Bọn trẻ ít ai biết Đền An Phụ Thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Hưng Đạo Vương. Nhà thơ lớn đời Trần Phạm Sư Mạnh bị bỏ quên trên chính quê hương mình. Người ta say sưa chạy theo làm giàu và sao lãng bài học lịch sử truyền thống. Tôi mang nỗi day dứt đó trao đổi với anh rể tôi, một nhầ giáo lâu năm về hưu trong bữa cơm chiều trước khi lên đường trở về Hà Nội. Anh tôi trầm tư:
- Cậu nói đúng. Mỗi lần nghĩ đến điều này, anh đau lắm. Nhưng rồi lại nghĩ: Hãy để cuộc sống tự điều chỉnh, miễn lầ chúng ta có định hướng đúng đắn. Đất mình là đất văn vật mà.
Chị tôi đang đánh nồi cơm tám thơm sực nức mùi hương, xen vào:
- Cứ để ông Nhà nước lo. Anh cậu nói đúng đấy. Những năm kinh tế khó khăn là thế, chỉ cần Nhà nước định hướng đúng, dân lập tức no ngay. Bây giờ cũng vậy, thôi nào các cậu ăn cơm đi, đây là mấy món ăn làm theo yêu cầu của cậu Dật, cậu Quang, cậu Nhân có khi không thích.
Tôi nhìn mâm cơm. Mùi hăng hăng của lá chanh rắc lên thịt gà chặt vuông quân cờ. Mùi nồng nồng của nước mắm cáy. Mùi ngai ngái của ngọn khoai. Mùi thơm của trả rươi lá lốt, tất cả quyện vào nhau tạo ra một cảm xúc không tả được. Tôi nhặt một con ốc lồi nướng giơ lên.
- sao lại không thích. Bây giờ tất cẩ những thứ này ở Hà Nội và Sài Gòn đều là đặc sản cả.
Rồi tôi quay sang mẹ tôi:
- Mẹ còn nhớ hồi chú Khải mãn kỳ đại sứ Yemen về nước không? Hôm chú về nhà, thấy con đang nướng ốc ăn, chú ấy kêu ầm lê – này chị Lý, chị xem con chị kìa, nó cú cua lùi ốc nướng thế kia làm saớcau này nên người được.Thế mà bây giờ món này trở nên quý hiếm rồi đây!
Chị tôi gật đầu:
- Quý thật chứ còn gì. Người khôn của hiếm chị ạ. Với lại , cứ phân hoá học với thuốc sâu đổ xuống, cua ốc chết hết chứ lấy đâu ra. Ngày xưa lúc các cậu cồn ở nhà, chỉ cần cua cái dậm là có cả đống! Bây giờ kiếm được một con cũng đỏ cả con mắt.
Chúng tôi quay lại Hà Nội vào lúc 6 giờ chiều. Đến phà Thái Nhân, em tôi chỉ chiếc mố cầu cuối cùng đã làm xong:
- Có lẽ chỉ cuối năm nay là cầu hoàn thành. Lúc ấy, chỉ cần một tiếng là có thể đi từ nhà về Hà Nội.
Nhưng cũng không phải đợi đến lúc ấy. Qua phà Thái xe chúng tôi chạy như bay trên con đường cao tốc hai chiều, có lẽ phải đến hơn 100 cây số/giờ. Một con đường thật đáng mơ ước. Cầu Lai Vu và Phú Lương, nỗi lo canh cánh của những người lái xekhi qua đương 5 đã không còn cảnh xếp hàng rông rắn để chờ đợi nhau. Nhìn những cánh đồng vùn vụt lui lại phía sau, tôi chợt nhớ đến cảnh xe khách chạy rì rì 5, 6 tiếng từ Hà Nội xuống Hải Phòng mà thấy như còn toát mồ hôi hột. Tôi nhoài người ra phía trước vỗ vai cậu lái xe:
- Rẽ vào Hải Dương chút đi. Chú chưa qua đây từ khi Hải Dương lên thành phố. Xem thử, có gì lạ không?
Mà không lạ sao được. Cái làng nhỏ bé của tôi cong thay đổi nhường ấy, huống hồ là Hải Dương. Qua cửa kính xe hơi tôi cảm nhận rất rõ điều đó. Chạy dọc hai bên đường là những tiệm bánh đậu xanh nối tiếp nhau – đặc sẳn của Hải Dương. Tôi mở của bước xuống khi chiếc xe tấp vào một tiệm bánh có tên Nguyên Hương. Một cô gái trắng trẻo có cái giọng ngọt như… bánh đậu xanh bước ra:
- Mời các anh vào xơi nước và mua bánh
- Nếu không mua thì sao?
- Thì coi như uống nước làm quen. Lần này không mua thì làn khác mua.
Các anh đừng ngại.
Đương nhiên là chúng tôi không ngại. Nhưng thật bất ngờ. Còn bất ngờ hơn khi cô gái đưa cho chúng tôi mỗi người một chiếc khăn lạnh lau mặt. Đã nhìn rõ dáng dấp của kinh tế thị trường. Tôi ngắm bàn tay búp măng của cô gái khéo léo pha ấm trà Thái Nguyên và bóc bánh đậu xanh, có cảm giác như mình không cần tìm hiểu gì thêm nữa. Tôi lặng im bỏ một viên bánh đậu xanh miệng, tận hưởng vị ngọt tan ra nơi đầu lưỡi. Có một cái gì đó rất lạ len vào tất cả các mao mạnh khiến tôi như say. Vì vị ngọt đậu xanh, vì nụ cười cô gái, hay vì hương vị quê hương thì tôi không rõ.
Dương Trọng Dật