Thứ Sáu, 04/04/2025
31.7 C
Ho Chi Minh City

LINH ỨNG KHÔNG CHỈ CHUYỆN TÂM LINH … PGS.TS Tôn Phương Lan

Từng làm dậy sóng văn đàn những năm đầu thập kỷ 80 với ba tiểu thuyết: Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển Cù lao Tràm – những tiểu thuyết luận đề đặt ra một cách quyết liệt các vấn đề rất nóng của đời sống sau khi đất nước thống nhất (cải tạo tư sản và quản lý kinh tế) Nguyễn Mạnh Tuấn nhanh chóng trở thành một trong số những tác giả tiêu biểu của thời kỳ tiền đổi mới. Anh là nhà văn lao động một cách cần cù có hiệu quả trên cánh đồng chữ nghĩa. Cũng như không nhiều nhà văn khác, anh sống được (và có thể làm giàu) bằng nghề khi cùng với ngót chục cuốn tiểu thuyết và sáu tập truyện ngắn, anh còn là tác giả của hàng chục các loại kịch bản điện ảnh, phim truyền hình nhiều tập, phim truyện nhựa đã được trình chiếu, phát sóng trên các đài trung ương và địa phương. Vốn là một thanh niên Hà Nội, học hết phổ thông, đi Thanh niên xung phong ở Quảng Ninh, làm thợ cơ khí sửa chữa ô tô trong một cơ quan lâm nghiệp, vì yêu thích và có năng khiếu văn chương, anh khởi đầu nghiệp văn bằng các truyện ngắn viết về cuộc sống xung quanh mình trong hai tập Người bạn tôi yêu (1976) Tôi vẫn về nhà máy cũ (1978).

Nhưng trong tập truyện ngắn gần đây Nỗi sợ hãi màu nhiệm (2014) Nguyễn Mạnh Tuấn quay trở về khai thác những vấn đề của thế hệ anh đã trải, cho thấy lại một thời Hà Nội, thời mà những người thanh niên say mê lý tưởng sẵn sàng tình nguyện lên các vùng núi xa để tham gia vào công cuộc phát triển và xây dựng đất nước với thời hạn 3 năm nhưng rồi lời hứa đó đã không được thực hiện. Cái đích mà mỗi người đều hướng tới là sự tốt đẹp cho bản thân và xã hội nhưng làm thế nào để dung hòa mối quan hệ giữa lợi ích của đất nước và của mỗi cá nhân? Sau một thời gian có vẻ như lắng lại để tập trung chữa trọng bệnh cho vợ – nhà thơ nhà báo Hà Phương – Linh ứng, với 730 tr, ra đời vào dịp đón xuân Nhâm Dần quả là niềm vui ngỡ ngàng vì sự trở lại tiếp tục những vấn đề anh từng trăn trở trong tập truyện ngắn nói trên lại vừa đặt ra những vấn đề mới mẻ hơn về chiến tranh và hòa hợp dân tộc.

Thông qua việc đi tìm mộ của người anh ruột hy sinh từ năm 1970 mà như anh tâm sự: “nỗi đau mất anh trai là vết thương mãi mãi không lành trong trái tim tôi và trong mỗi thành viên gia đình”, “trong hành trình và trải nghiệm làm người”, Nguyễn Mạnh Tuấn đã dẫn chúng ta thâm nhập dần vào thế giới tâm linh khi mà khởi đầu là sự hy vọng trong vô vọng của một người vô thần lại gặp phải sự trí trá của những người lợi dụng tâm thành và nguyện vọng đối với người đã mất để trục lợi; khi mà phải tốn rất nhiều thời gian, sức lực, tiền bạc để tất tả ngược xuôi nhiều lần từ Nam ra Bắc và ngược lại, phải cân nhắc đặt ra muôn vàn giả thiết, xâu chuỗi, chắp nối, phân tích các sự kiện khác nhau lại cho bước thực hiện tiếp theo; khi mà nếu không có tình yêu thương thẳm sâu đối với người đã khuất, không có lòng kiên nhẫn thì rất sẵn lòng bỏ cuộc… Ly kì và có phần bí hiểm trong cuộc phiêu lưu vào thế giới nửa thực nửa hư, nửa tin nửa ngờ bởi lâu nay, những người sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nhất là những người cách mạng, mấy ai tin là có thế giới tâm linh, thậm chí coi đó là biểu hiện của mê tín dị đoan. Chính Nguyễn Mạnh Tuấn cũng tự nhận mình là “kẻ siêu vô thần” và cuộc đi tìm mộ người anh là hành trình của sự khám phá, sự thức tỉnh; một số vấn đề trong nhận thức về tâm linh, về con người vỡ ra và được điều chỉnh lại.

Là một tác phẩm phi hư cấu, yếu tố tự truyện rất đậm, Nguyễn Mạnh Tuấn đã đan xen quá trình đi tìm mộ với việc đưa độc giả lội ngược về một quá khứ chưa xa cho thấy truyền thống, nếp nhà trong một số gia đình bậc trung Hà Nội trước những thay đổi của nếp sống cũng như đời sống Thủ đô những năm sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc. Đó là những năm tháng thật sự là một cuộc cách mạng: ở nông thôn là cải cách ruộng đất, ở thành phố là cải tạo công thương nghiệp; là chuẩn bị nhân tài vật lực cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Hòa bình lập lại, một số đi kháng chiến về mà kèm theo là gia đình họ từ nông thôn ra, một lớp người từ các vùng lân cận về Hà Nội tìm việc làm, tìm nơi ở mới và một lớp người không nhỏ di cư vào Nam: Hà Nội đã dần mang khuôn mặt khác trước.

Linh ứng hấp dẫn người đọc ngay từ phần mở đầu bằng câu chuyện tâm linh nhưng dần sâu vào tác phẩm người đọc hiểu đây là phần nổi của tảng băng chìm. Hai câu chuyện – quá khứ và hiện tại cùng đan xen, cùng hấp dẫn người đọc ở những mảng sống khác biệt nhau dù là kỳ bí trong quá trình đi tìm mộ hay sống động tươi rói trong sự nhọc nhằn câu chuyện của mấy gia đình, của mấy cô cậu học trò, Nguyễn Mạnh Tuấn đã làm hiện ra cuộc sống một thời những năm đầu giải phóng đến giữa những năm sáu mươi với những con người “Hà Nội phố”. Sinh ra trong một gia đình có người cha vừa nghiêm khắc, vừa nhân hậu mang nét văn hóa của Hà Nội xưa, Nguyễn Minh Khôi, nhân vật chính của tác phẩm từ nhỏ đã mang phẩm chất của một học sinh học giỏi và được di truyền tính cách và phẩm chất từ người cha của mình qua những việc làm nhỏ đối với bè bạn, khu phố…,lớn lên chịu ảnh hưởng của lý tưởng cộng sản từ các nhân vật trong các tác phẩm văn học thời thượng như Pa ven Coorsaghin, Lôi Phong, Ruồi Trâu, anh, cũng như một bộ phận lớn trong thế hệ thanh niên thời ấy, đã chọn cho mình cách sống hết lòng, hết sức vì việc chung, không nề hà trước mọi khó khăn gian khổ. Sẵn sàng coi mình là một thứ thép cần được tôi luyện như nhân vật Paven Coosaghin “Thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép sẽ trở nên cứng rắn và không hề biết sợ…”, Nguyễn Minh Khôi từ chối việc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài cũng như mọi thứ ưu tiên có thể, anh tình nguyện lên mở đường trên Tây Bắc bấy giờ cực kỳ khó khăn, heo hút…Chính trực, công tâm ngay từ những việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày, mọi việc với anh là sự dấn thân của tín niệm. Đương nhiên, nhận thức có chín hơn và vỡ dần qua thời gian và trải nghiệm, cho đến năm 1967, khi vào chiến trường anh mang theo ước vọng trở thành nhà văn mà trong số di vật còn lại là một cuốn nhật ký và ba bản thảo tiểu thuyết… Năm 1970 Minh Khôi đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu khi đang điều trị trong một bệnh viện dã chiến ở sát biên giới Việt – Miên, trên đường ra Bắc… Mỗi cột mốc thời gian là một chương đoạn, ghi dấu một sự kiện để tác giả hoàn chỉnh dần chân dung tiêu biểu cho những chàng trai Hà Nội hào hoa say mê lý tưởng cộng sản một thời.

Bộ ba Khôi, Danh Hùng, Huy Lạc vốn là những người bạn thân thiết với nhau từ thuở mài đũng quần trên ghế của một trường tiểu học nhỏ với rất nhiều kỷ niệm của lứa tuổi học trò. Bên một gia đình Nguyễn Danh Khôi có bố Nguyễn Hữu Lược là gia đình Danh Hùng có bố Danh Quỳnh: hai ông bố như một bổ sung cho nhau để làm rõ hơn tính cách những người con và cũng cho thấy rõ hơn gương mặt văn hóa Hà Nội từ một góc nhìn cụ thể trong cách ứng xử, phân tích, nhìn nhận các sự kiện xã hội cũng như với các con, bạn hữu. Danh Hùng đã sớm có phong thái của người lớn, học giỏi, có năng khiếu thể thao, tài tử trong hình dáng và cách nói chuyện có duyên nên có lực hút bạn bè. Gia đình ấy đang yên phận với những đổi thay do tác động của xã hội thì bỗng nhiên có tin ông Danh Quỳnh là gián điệp, phải tìm cách trốn vào Nam mang theo Danh Hùng. Cuộc chia ly trong bất ngờ, lặng lẽ. Vợ ông là giáo viên mất việc làm, con trai lớn là bác sỹ ở bệnh viện Bạch Mai bị chuyển lên Lào Cai, con gái Danh Huyền vốn là một cá tính từ nhỏ, nổi nênh thân phận của một người suốt đời sống trong lằn ranh giữa tình yêu và trách nhiệm… Chia tay Khôi, về sau cô lấy họa sỹ Bá Vân, người đồng nghiệp rất yêu cô nhưng rồi họ cũng chia tay nhau vì Danh Huyền sống với chồng nhưng đồng sàng dị mộng, đến nỗi con chồng nhưng hình thức lại giống hệt Khôi! Chỉ sau khi thống nhất đất nước, gần 20 năm sau, mọi người mới biết Danh Quỳnh được gửi vào Nam là để hoạt động tình báo: việc ấy, chỉ có tổ chức và riêng ông biết; và để hợp pháp hóa, ông lấy vợ mới, sinh con. Còn Danh Hùng, được sang Mỹ học ngành Ngân hàng nhưng ông Danh Quỳnh bắt con chuyển sang học quân sự như một bảo đảm thêm cái vỏ bề ngoài của một điệp viên. Năm 1970, trong trận đánh ở Căm pu chia, sát biên giới Việt Nam, máy bay trực thăng của Danh Hùng bị bắn rơi khi tham gia vào trận tập kích bệnh viện dã chiến.

Hai người bạn thân, hai chàng trai Hà Nội tài hoa ở hai chiến tuyến, cùng hy sinh một ngày, tại một nơi, liệu điều lo sợ nhất mà Khôi nghĩ đến:“tôi không sợ chết, chỉ sợ bắn nhầm vào bạn của mình” đã xảy ra? Giấc mơ của “tôi” khi nằm cấp cứu trong bệnh viện sau khi tìm được mộ anh thật ra cũng là một giải pháp tình thế mang tính an ủi bởi nguyên việc hai người bạn thân quý ở hai chiến tuyến khác nhau cùng tham chiến trong một trận đánh khốc liệt, thật sự đã là một cú sốc quá lớn rồi.

Người còn lại trong bộ ba ấy là Huy Lạc. Sau hòa bình, có ông bố từ chiến khu về, con đường tương lai của Huy Lạc rộng mở khi tốt nghiệp Đại học, anh được đi học Nghiên cứu sinh ở Trung Quốc, bỏ người yêu, lấy vợ cũng là tiến sỹ, con gái ông thứ trưởng. Huy Lạc là một mẫu nhân vật thức thời, “đi trước” bạn bè, luôn đặt mục tiêu được việc là cao nhất và sau này trở thành một đại gia. Nguyễn Mạnh Tuấn đã tỏ ra chắc tay khi phác thảo sự linh hoạt trong việc bắt mạch và ứng xử công việc của nhân vật này trong chương Chim ưng trên đỉnh núi cao, để rồi tiếp tục khắc đậm hơn tính cách đó trong lộ trình tìm mộ Danh Hùng và câu chuyện về sau.

Những nỗi đau mà sau chiến tranh gia đình ông Danh Quỳnh phải chịu không đơn thuần là “triệu người khóc triệu người cười” như nhiều gia đình có thân nhân ở hai chiến tuyến. Ông Danh Quỳnh mang nỗi cô đơn của một nhà tình báo: hai mươi năm tuyệt giao với vợ con là để thực hiện nhiệm vụ tuyệt mật, mà để có độ an toàn cao nhất, ông đã nên duyên với con gái một vị tướng và chuyển Danh Hùng sang học quân sự. Ông đâu có biết được hậu quả mà vợ con ở miền Bắc phải gánh chịu khi có một người chồng, người cha hoạt đông gián điệp trốn vào Nam; cho Danh Hùng đăng lính ông đâu có nghĩ đến khả năng đấy là một cách đẩy con vào chỗ chết. Sau chiến tranh, ông vẫn đi trình diện và ở trại cải tạo gần một năm như những viên chức khác của chính quyền Sài Gòn. Em ruột người vợ sau của ông là trung tá cũng tử trận khi đi ứng cứu Buôn Mê Thuột; bố vợ ông cũng tự sát sau khi Sài Gòn thất thủ mà không hề biết con rể mình là một Việt Cộng nằm vùng. Gia đình các em vợ vượt biên, gặp cướp biển, không một ai sống sót. Nhân vật Danh Quỳnh là tiêu biểu cho bi kịch chiến tranh khi đặt ông trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình dù ông hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính, của người công dân đối với sự nghiệp thống nhất đất nước. Mỗi nhân vật của Nguyễn Mạnh Tuấn trong Linh Ứng đều mang nỗi đau chia ly, nỗi đau chiến tranh; hoặc là nỗi đau của sự ấu trĩ, hồn nhiên, tin yêu, của sự vênh lệch giữa lý thuyết, nhận thức và thực tiễn. Viết về chiến tranh nhưng không viết trực diện về những trận đánh, không có tiếng đạn nổ, bom rơi, vậy mà chiếc bóng của chiến tranh lại trùm phủ lên từng số phận với sức ám ảnh dai dẳng, chứa đầy nỗi đau và nước mắt: người chết thì mãi ra đi mang theo tuổi trẻ với bao ước mơ, dự định chưa thành mà người ở lại thì vết thương tinh thần thật khó kín miệng dù đã nửa thế kỷ đằng đẵng trôi qua. Sử dụng thuật tả viết về cái hiện tại đầy ma mị trong hành trình gọi hồn người chết, Nguyễn Mạnh Tuấn đã dẫn dắt người đọc song hành với lộ trình ngược về quá khứ trong một bức tranh tổng thể và thuật kể đã được ông sử dụng như một thủ pháp đắc địa để Linh ứng lại ma mị người đọc qua những trò đùa của các số phận khác nhau. Dấu ấn sâu đậm nhất là câu chuyện tự thuật của ông Danh Quỳnh về những cuộc chia ly vĩnh viễn trước và sau ngày giang sơn quy về một mối. Chiến tranh, ai bảo không có gương mặt đàn bà? Hai người vợ của ông Danh Quỳnh là bà Bình Giao và Hoàn Trân: một người mang án chồng gián điệp, đang là giáo viên sinh ngữ phải vất vả lắm mới tìm được việc rửa bát thuê cho một cửa hàng để mưu sinh; một người sống với chồng, ăn ngủ và có chung hai đứa con mà cho đến khi biết thực chất công việc của chồng, đã đau đớn tột cùng và thật sự hoang mang nghi ngờ liệu mình có nhầm khi trao thân trao đời cho một người đến với mình chỉ vì để ngụy trang cho công việc? Và liệu ông Danh Quỳnh có tình yêu thật với bà? Cả cô thôn nữ Sính và cuộc cưỡng hôn khi buộc phải thôi Minh Khôi để lấy một thương binh mù mắt, như một chính sách với người trở về? Khi người thương binh kia biết sự thực về cuộc hủy hôn trước đó đã phản ứng kịch liệt, chính quyền đã tạo ra hồ sơ giả, đổi tên và đưa cô vào thanh niên xung phong, học y tá rồi vào chiến trường và cô đã hy sinh khi bệnh viện dã chiến bị ném bom! Nguyễn Mạnh Tuấn đã khâu vết thương lòng cho những nhân vật bị hệ lụy do tác động của chiến tranh bằng một kết thúc có hậu: một cuộc “đoàn viên” khi khép lại trang sách cuối cùng cũng là mong ước bỏ lại quá khứ có thù hận, đau thương.

Cuộc đi tìm phần mộ của Nguyễn Minh Khôi đầy yếu tố tưởng là ngẫu nhiên nhưng thực sự đó là mách bảo của tâm linh một khi người đã mất và người sống có chung tần số giao cảm qua cầu nối của nhà ngoại cảm. Làm sao thân nhân của Khôi có thể tin khi thầy Lư nói về người vợ của anh mà cả nhà biết anh chưa một lần cưới vợ; rồi điều đó chỉ được giải mã khi trở về câu chuyện cưỡng hôn và ép hôn của hơn bốn mươi năm về trước với những cuộc hôn nhân thời chiến. Làm sao có thể tin được khi nhà ngoại cảm báo cho biết ở nghĩa trang, Khôi còn có một người bạn thân nữa tên Hùng, vì mối quan hệ giữa hai người đã không còn trong bộ nhớ của các thành viên trong gia đình sau khi Danh Hùng vào Nam, hai người lại thuộc về hai chiến tuyến và Danh Huyền đi lấy chồng. Chỉ đến khi biết rằng trong quá trình quy tập hài cốt liệt sỹ ở Căm pu chia, bộ đội ta đã mang luôn cả hài cốt những người lính đối phương về cùng thì điều không hiểu đã thành dễ hiểu: đồng cảm với nỗi đau của thân nhân khi còn chưa tìm ra hài cốt của con em mình là biểu hiện của “bầu ơi thương lấy bí cùng” là ý thức hòa hợp dân tộc khi cuộc giao tranh giữa các bên đã ngừng trong tình cảm của những người từng tham chiến. Bao nhiêu năm qua, với Danh Quỳnh, bên nỗi đau mất con, nỗi đau chưa tìm được hài cốt Danh Hùng thực sự đã đè nặng lên đôi vai gầy của người điệp viên nên tìm được hài cốt của con, vợ chồng ông quyết định sẽ trở về Việt Nam sống nốt phần đời còn lại. Cũng như thân nhân của những người khác thuộc bên đối phương, sau khi tận mắt chứng kiến điều kỳ diệu của tâm linh và tiếp xúc với những người cùng đi tìm mộ, họ đã có một cách nhìn khác về chúng ta. Trong thẳm sâu, với thế hệ sinh ra sau chiến tranh sự “khép lại quá khứ để vươn tới tương lai” như lời của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã như một tất yếu. Nhiều ý kiến gặp nhau trong ý đồ mua lại khu đất vốn là nghĩa trang xưa để thành khu lưu niệm cho thấy sự cần thiết phải lưu giữ quá khứ, nhưng nói như Danh Quỳnh “quyền nhìn nhận về lịch sử và quá khứ chưa chắc đã thuộc về những người làm nên lịch sử”. Đồng nhất với quan điểm này, Nguyễn Mạnh Tuấn đã để cho một thể hệ sinh ra sau chiến tranh, sẽ là tác giả kịch bản của bộ phim về câu chuyện của chiến tranh trong phần cuối sách. Anh cho rằng những người đó nhìn nhận chiến tranh và lịch sử ra sao là việc cần thiết vì “người xem từ nay trở đi chính là những người đồng hành với họ” và “loại đề tài chiến tranh và lịch sử, muốn giữ cách nào, vẫn thuộc về các tác giả hậu sinh” (tr 725). Có lẽ đó là bài học thực tế của một người viết văn, viết kịch bản lâu năm rút ra từ thực tế đời sống.

Chiến tranh là đề tài trước đây vốn là chủ lưu trong nền văn học cách mạng nhưng sau này, nó không còn giữ vai trò đó cũng là một tất yếu bởi lịch sử bước sang một giai đoạn mới và văn hóa đọc cạnh tranh khốc liệt với văn hóa nghe nhìn mà môi trường, đối tượng của văn học cũng lại khác xưa. Cách tiếp cận đề tài của Nguyễn mạnh Tuấn, tôi cho là một hướng tìm tòi. Vả chăng, với Linh Ứng, ngoài viết về chiến tranh thông qua câu chuyện của gia đình mình, Nguyễn Mạnh Tuấn muốn đưa lại cho hậu thế một góc nhìn khác về Hà Nội như một bổ sung tiếp nối sau Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng rồi Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà cùng một số nhà văn khác. Tuy nhiên, nếu xét về cấu trúc chung, tác giả hơi ôm đồm, có phần dàn trải. Chương cuối chuyên chở tư tưởng hòa hợp dân tộc và quan điểm viết về chiến tranh, một vấn đề hay và cần, nhưng lại chưa được đầu tư thỏa đáng nếu đặt vấn đề này trong toàn bộ cấu trúc tác phẩm.

Là một trong số những cây bút viết tiểu thuyết theo trường phái “cổ điển”, không làm mới mình bằng những cách viết đang thịnh hành trong lớp trẻ, Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn không ngừng nỗ lực tìm tòi để đưa ra một hấp lực đối với bạn đọc. Với hơn bảy trăm trang sách về đề tài chiến tranh và Hà Nội của thời trước Quán Thanh Xuân (một chương trình của VTV ), Linh ứng là một cuốn tiểu thuyết chắc sẽ được nhiều người tìm đọc và tác phẩm cũng thể hiện sự trường sức của một cây bút không già dù bước chân thời gian đã đưa anh ngấp nghé tuổi bát tuần..

 

PGS.TS Tôn Phương Lan

Hà Nội, cận Tết Giáp Dần 2022

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất