Trong đêm kỷ niệm ở khu nghỉ dưỡng Yên Bài ngoại thành Hà Nội, lớp sinh viên khóa 12 (1967 – 1971) khoa Văn trường Đại học Tổng hợp chúng tôi vừa bồi hồi xúc động, vừa bất ngờ, khi Dương Trọng Dật đọc bài thơ Quả tim không có tuổi:
Hơn mấy mươi năm lưu lạc xứ người
Phút hội ngộ bên nhau
Những mái tóc bạc như sương
Quả tim không có tuổi
Vẫn nụ cười sinh viên ngây thơ
Dẫu tháng năm chìm nổi
Cái nắm tay không vương tục lụy đời thường
Sao yêu thế bạn bè ơi!
Thời gian như chậm lại, chùng xuống, lắng im, mọi người như đắm chìm trong dòng xúc cảm nghẹn ngào.
Nơi ta gửi lại cho nhau
Những rung động đầu đời
Chẳng dám nắm tay
Tình yêu thánh thiện giấu vào trong đôi mắt
Một tứ thơ khác lạ, giọng thơ hồn hậu, trong trẻo thoáng chút tượng trưng ghim lại trong chúng tôi những kỷ niệm như thực như mơ.
Những ước mơ cháy lên
Bắt đầu từ những chuyến luồn rừng vượt dốc
Gái Hà Nội nhìn con vắt to phát khóc
Dốc” tắt thở” chồn chân ai bước
Những Lục Ba, Ký Phú, Tràng Dương
Núi Võ, núi Văn
Thành một phần máu thịt mỗi người
Mỗi cái tên một số phận con người
Những hạt cát
Mang trong mình giác cảm đại dương
Một hạt cát đầu đời sinh viên từ kỷ niệm chuyến tàu bị bom Mỹ thời chiến tranh phá hoại miền Bắc, đi vào thơ anh, giữ trọn cả một đời người.
Lầm lũi trong giá rét mưa đông
Chúng tôi lội bộ từ Phổ Yên đến Đông Anh
Ôm nhau rét run chờ trời sáng
Nhìn dáng bạch diện thư sinh của anh
Liêu xiêu trong đêm vắng
Tôi ứa nước mắt quay đi
Con đường lội bộ về Hải Dương của tôi
Còn xa ngái mịt mờ
(…) Một thế hệ qua khói lửa chiến tranh
Thành nhà báo,nhà văn, giáo sư, tiến sĩ
Đầu bạc tuổi cao vẫn xông pha không nghỉ
Dòng máu chiến binh còn chảy với cuộc đời
(Dòng máu chiến binh)
—
Lời thơ như là lời tâm sự bình dị, chân thành, không một trau chuốt ngôn từ, mà làm ta xúc động. Cái khó nhất của thơ cũng như các nghệ thuật nói chung, là làm xúc động, là gây ra niềm xúc động thiêng liêng trong tâm hồn con người, dấy lên trong con người mối quan tâm, lo lắng.
Có xúc động thì ý phải sâu và tình phải đậm, như lời người xưa từng nói, ý có sâu xa. thơ mới hay, thơ là tiếng nói của tình cảm, thơ là tình dồng điệu. Thơ là nguồn năng lượng diệu kỳ gây ra những “chuyến xe bão táp” để nối liền những tâm hồn, để lấp đầy những khoảng cách như J.W.Goethe từng nói.
Thơ Dương Trọng Dật là tâm hồn rộng mở, thiết tha như thế. Anh là nhà thơ của những kỷ niệm, không phải thoáng qua, mà khắc sâu trong ký ức qua “những tháng năm chìm nổi”. Kỷ niệm bạn bè thời sinh viên ngây thơ, bạn bè đông đội trên đường chiến trận, kỷ niệm thầy trò thời sơ tán trong chiến tranh, gặp em gái miền Trung “xa mặt không cách lòng”, lần đầu nghe tiếng “dạ” nhỏ nhẹ, mến thương ở Sài Gòn … Những kỷ niệm nuôi dưỡng cuộc đời, nhắc ta không có ký ức con người sẽ ra sao, sẽ ra sao dân tộc ?
Những kỷ niệm đầy máu và nước mắt
Ôn lại ký ức còn tươi nguyên
Nuôi niềm tin không tắt
(Trường Sơn – tôi và em)
Dương Trọng Dật từng là người chiến sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến tranh giành thống nhất đất nước, từng nghiên cứu và giảng dạy văn học ở trường đại học. Có chuyện rằng, hồi đất nước còn chồng chất những khó khăn, thiếu thốn do hậu quả chiến tranh và cấm vận, anh được cử đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài, đã thi đỗ xuất sắc và được sắp xếp theo học ở một nước châu Âu.
Hồi ấy được đi nghiên cứu sinh ở châu Âu là một ân huệ vô song. Nhưng rồi anh đã không đi, kiên quyết ở lại trong nước chọn con đường tự học, dứt khoát chọn nghiệp làm báo, viết văn để đóng góp vào sự nghiệp của đất nước mình.
Văn chương, báo chí trở thành lẽ sống của anh từ đó và cũng từ đó anh trở thành nhà báo chuyên nghiệp, từng nhiều năm là Tổng biên tập một tờ báo lớn tầm cả nước. Trong văn chương, anh viết nhiều thể loại, truyện ngắn, ký, tiểu thuyết, tiểu luận phê bình và thơ. Ở thể loại nào cũng để lại dấu ấn riêng, khắc khoải về những vấn đề của cuộc sống và nghệ thuật.
Một lần tình cờ đọc bài báo anh viết về Paris, một bài ký ngắn thôi, tôi thực bất ngờ về cái nhìn văn hóa lịch sử làm toát lên một Paris thủ đô ánh sáng, quý phái, hoa lệ, khác hẳn những bài viết về Paris tôi đã được đọc.
Và điều lạ là bài báo làm dấy lên trong tôi cảm xúc về truyền thống đài nghiên tháp bút của đất nước mình, “Đài nghiên tháp bút chưa mòn /Hỏi ai gây dựng nên non nước này”. Ý nghĩ ấy cứ lan tỏa mãi trong tôi. Nghệ thuật là thế và thành công của người nghệ sĩ cũng là ở đó.
Nhưng dường như với thơ, Dương Trọng Dật mới nói được nhiều hơn cả những tình cảm và nỗi lòng mình. Không chỉ viết về những kỷ niệm, thơ anh là thế giới cực kỳ phong phú, có tầm bao quát không gian và thời gian sâu rộng.
Anh viết về cảnh và người ở mọi miền đất nước, nơi anh đã từng qua và gắn bó suốt một thời tuổi trẻ; về quê hương đất nước trong những năm tháng gian lao của chiến tranh, trong xây dựng và cả những lận đận thời hòa bình, đổi mới; về người mẹ, người chiến sĩ, người dân lao động nghèo khó; về truyền thống văn hóa nghìn năm của dân tộc; về tình yêu, lẽ sống, những lo toan trăn trở vượt cả biên giới quốc gia … Nghĩa là tất cả những gì thuộc về con người, nói như F. Hegel – tất cả những gì gợi lên cái hứng thú tinh thần đều trở thành đối tượng của thơ anh.
Thơ Dương Trọng Dật nhắc nhiều đến nhân dân, đến tư tưởng vì dân, lấy dân làm gốc, nhân dân trở đi trở lại trong thơ anh.”Dòng thác nhân dân”, “Chắt từ chân lý nhân dân”, “Mọi lý thuyết đi lên đều thấm máu và nước mắt cuộc đời / Hạt ngọc nhân sinh / Nuôi nguồn mạch trường tồn thời đại”.
Nhân dân trở thành điểm tựa cơ bản của cảm hứng sáng tạo, thành lẽ sống, “Nói tiếng nói nhân dân bằng trái tim trung thực / Vẽ chân dung nước mắt và nụ cười / Bằng ngòi bút nhân văn”.
Cùng với đó là những nhân vật văn hóa lịch sử lớn như Nguyễn Trãi” Từ mạch sống nhân dân”, “Nguyễn Trãi nhắc chúng ta khôn ngay mạnh gắng”, Nguyễn Đình Chiểu “Triết lý cụ Đồ triết lý nhân văn cao cả”, rồi Lê Lợi,Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Cao Bá Quát, rồi gác Khuê văn, Quán Thánh, Tây hồ …
Như có một dòng văn hóa, một truyền thống văn hóa dân tộc tuôn chảy trong thơ , một cái nhìn văn hóa bao quát làm nên chiều sâu của tác phẩm. Cái nhìn văn hóa lấy con người làm trung tâm, con người là mục tiêu thánh thiện.
Cho nên đọc thơ Dương Trọng Dật, ta không cảm thấy truyền thống là xưa cũ, mà ở ngay trong hiện tại, trở thành mạch sống của đời sống hôm nay, mạch sống trong tâm hồn mỗi người, chất chứa và đầy nhiệt huyết.
Cháy tận lửa quả tim yêu trong ngực
Gửi nỗi niềm cá nhân
Vào những trăn trở nhân sinh, đất nước
(Lỗi tại trái tim)
Cũng với cái nhìn văn hóa ấy, thơ Dương Trọng Dật viết nhiều về quê hương đất nước. Tình yêu đối với đất nước quê hương là một truyền thống cổ xưa của thơ ca dân tộc, phát triển trong thời hiện đại và có thêm nét mới với cái nhìn sử thi rất đáng tự hào.
Quê hương đất nước trong thơ Dương Trọng Dật hiện lên không phải với những chi tiết ngoại hình và có thêm nét mới găn với ký ức văn hóa của cá nhân tác giả, như là cuộc đời, như là số phận.
Tất cả, từ sự việc nhỏ đến lớn lao, vĩ đại đều lặng đi trước suy tư của nhà thơ, cháy lên những tia lửa thi ca. Nhân vật trữ tình và tác giả thường không thể phân biệt. “Năm tôi sinh ra bom đạn ngập trời /Mẹ gánh tôi trên đôi thúng tản cư”, “Vùng trắng ngập bót Tây / Đồng cỏ dại tràn bờ”, “Chúng tôi lớn lên trong bão lụt trắng đồng / Hạt phù sa gầy / Không cứu nổi mỗi bữa cơm”, “Tôi lớn lên / Đất nước chưa thoát khỏi kiếp nghèo”, “Mẹ gửi những núm ruột của mình cho phương Nam ruột thịt”. Quê hương đất nước trong thơ anh hiện lên với tình cảm thiết tha, sâu lắng, với những biểu tượng đầy ám ảnh.
Hàng cau khóm chuối
Mẹ già
Đơn côi
Vị quê mắm cáy chả rươi
Men xuân nếp cái
Say người tám thơm
Trai Châu Xá gái chợ Đồn
Trống chèo đêm vắng
Bồn chồn khói sương
( Nhớ quê)
Quê hương đất nước thiết tha không chỉ với quá khứ xót xa, cay đắng mà còn rất đỗi tự hào “Trải nghìn năm phong ba dâu bể trầm luân / Những mầm cây trong gió dông/ Vẫn mọc lên từ đất”. Tự hào những người con của đất nước thương đau mà khí phách “Như cây tre cây đước cây tràm / Giữa gió dông trụ vững”.
Những người con từ mảnh đất còn hằn nỗi đau, vượt lên vọng mãi khúc ca của lịch sử dựng nước và giữ nước từ thời Văn Lang, Nghĩa Lĩnh, Lạc Hồng. Những bài thơ Tổ quốc, Từ mach nguồn dân tộc, Cởi trói tư duy có thể coi như những khúc tráng ca tuyệt đẹp, giàu ý nghĩa khái quát về đất nước và nhân dân trong kho tàng thơ ca dân tộc.
Lớn dần trong tim
Cốt cách những con người
Thượng hoàng Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại vương
Phạm Sư Mạnh, Chu Văn An, Nguyễn Trãi
Từ nhân dân sinh ra, vì nhân dân vĩ đại
Nếm mật nằm gai cùng dân tộc mình
Linh hiển giữa lòng dân
Nhà thơ trải lòng khắp mọi miền đất nước, xót thương mảnh đất miền Trung “Thương em cây xương rồng mảnh mai / Giữa tứ bề bão tố / Vẫn trổ lộc đâm hoa”, chan hòa với U Minh Nam bộ, với cây tràm cây đước thân thương, với mảnh đất chín rồng phù sa châu thổ.” Bướm vàng bay đi đâu / Ngơ ngác gốc mù u / Hàng dừa nước rửa gươm trong dòng lũ / Bông điên điển mở cánh vàng như lửa / Nghe bồn chồn hoa tím lục bình trôi”.
Đặc biệt là Hà Nội, Sài Gòn thành phố Hồ Chí Minh trong thơ Dương Trọng Dật thật thổn thức, đầy mến thương. Những sự việc gần gũi đời thường bỗng chốc qua thơ tự nhiên có hồn, gợi cảm, đắm say. Là Hà Nội:
Đêm quấn quýt sương mờ Quán Thánh
Hồn trăm năm thơ thẩn gác Khuê văn
(Ký ức mưa đông)
Chợ hoa Ngọc Hà nghiêng ngả cả câu thơ
Hàng Đào Hàng Ngang bồi hồi tơ lụa
Trưa phố nhỏ cồn cào như có lửa
Lúng liếng bước chân ai trong len dạ bồn chồn
(Lãng đãng xuân Hà Nội)
Và Sài Gòn, “Sài Gòn như thiếu nữ thanh tân”, Sài Gòn đẹp long lanh nghĩa hiệp giữa những ngày giãn cách vì đại dịch thế kỷ, làm cho nhà thơ ở giữa Sài Gòn vẫn nhớ Sài Gòn. “Nghe tiếng lá me bay cứa vào nỗi nhớ”, “Yêu lắm một Sài Gòn / Trượng nghĩa, bao dung”. Một Sài Gòn tinh tế men say, đậm màu siêu thực.
Nghe ngọn gió non tơ thổi từ bến Sài Gòn
Trưa chếnh choáng
Hàng me già bổi hổi
Tôi lạc giữa câu ca dao huyền thoại
Nhà Bè nước chảy chia hai
(Siêu thực)
Cho dù ở đâu thơ Dương Trọng Dật cũng nồng nàn sự sống, chan chứa yêu thương. “Thương cuộc đời lắm nỗi bể dâu / Bao phận người mỏng manh như chiếc lá / Bao giờ cuộc đời hết gió lừng sóng cả / Cho mọi sinh linh cõi người hạnh phúc bình yên”. Nhà thơ như hòa mình với thiên nhiên tạo vật và nhận ra những quy luật tế vi của cuộc đời.
“Màu đỏ lá bàng rơi sao đốt lòng như lửa / Trong sắc thắm nhuộm lề đường hè phố / Nghe tiếng lá chuyển màu / Say đắm cuộc sinh sôi”. Viết về quê hương đất nước, anh nhấn mạnh truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, trong lao động, sáng tạo và phát triển.
Trong nhận thức xã hội, anh đặc biệt nhạy cảm với những vấn đề thuộc đạo lý và chú trọng khía cạnh đạo đức, nhân cách của con người. Dù trong hoàn cảnh nào thì con người vẫn phải giữ được phẩm chất trong sáng, tốt đẹp làm nên cái bản chất người.
Càng thể hiện tình yêu và sự gắn bó với quê hương đất nước bao nhiêu, thơ Dương Trọng Dật càng hiện rõ những suy tư, trăn trở trước những tồn đọng trong xã hội, sự xuống cấp của đạo đức, sự xâm phạm thô bạo đến thiên nhiên xứ sở …
Giọng thơ anh mang tính chính luận sắc nét, làm ta nhớ đến truyền thống chính luận trong thơ ca dân tộc khởi đầu từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến Chế Lan Viên trong thời hiện đại.
Đó không phải là ngôn ngữ lý luận thuyết lý chung chung mà ngập tràn tình cảm. Những bài thơ như Cởi trói tư duy, Những lát cắt cuộc đời, Về đâu quê ơi, Lạnh giá nhân sinh, Lời khẩn cầu của đất … thể hiện rõ trách nhiệm và sự gắn bó thiết tha của nhà thơ với cuộc đời.
Đọc những bài thơ này của anh, tôi nhớ đến một ý của nhà thơ Tố Hữu khi nói chuyện với sinh viên khoa Báo chí, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Nhà thơ tự nhận ông“ là nhà thơ thời cuộc, nhà thơ làm báo, làm báo bằng thơ”.
Thơ Dương Trọng Dật chất chứa biết bao nhiêu vấn đề của thời cuộc không thể không quan tâm. “Tôi viết những câu thơ / Gập ghềnh như đời sống nhân sinh” và đau đớn “Tôi cũng muốn câu thơ mình đẹp đẽ kiêu sa / Nhưng những mảnh vỡ cuộc sống như bom bi”.Tiếng nói nhà thơ tha thiết biết bao nhiêu trước cuộc đời.
Những câu thơ không ngọt ngào
Và có thừa cay đắng
Chẳng biết dã tật không
Nhưng gửi thêm giọt nước vào biển mặn
Chia sẻ chút cực nhọc lẽ đời
Giữa thế sự ngổn ngang
( Nghiệp báo – đời văn)
Thơ Dương Trọng Dật nhiều cảm nghĩ, tâm tình và thực sự cũng không dễ gì có thể hiểu hết tâm trạng của tác giả. Nhiều bài thơ anh viết về mẹ, về tình yêu, về những khoảnh khắc thiên nhiên dậy lên cảm xúc tinh tế, giọng thơ man mác, vấn vương, gợi nhiều suy tưởng, như người xưa nói, như mơ ở trong thực, là mờ nhưng lại rõ, cái chính xác của sự mơ hồ, bảng lảng.
Như Phải lòng hương hoa, Rét nàng Bân, Ký ức ngọt ngào, Khúc hát tháng ba, Nha Trang – biển- mùa thu chẳng hạn. Thơ anh vẫn cất lên từ cuộc đời, từ một hiện thực còn ngổn ngang, bề bộn, rất hiện thực và cũng rất ấn tượng, siêu thực.
Nghe eo óc một tiếng gà
Chân trần lội giữa phù sa
Ngấn phèn
Vượt sông cắt cỏ tàn đêm
Áo tơi, thương mẹ
Gót sen sục bùn
Lũ dâng khô hạn trắng đồng
Thân cò
Lặn lội bờ sông
Quặn chiều
(Đêm mất ngủ nhớ mẹ)
Thơ Dương Trọng Dật là tâm tình thiết tha trân trọng những kỷ niệm của quá khứ, là tấm lòng rộng mở và ý thức trách nhiệm lớn lao trước cuộc sống và sự nghiệp chung. Cùng với những ký ức và biểu tượng thơ ca ám ảnh, giọng điệu thơ anh có lúc vọng lên như là tiếng nấc của lòng yêu thương vô hạn, có lúc hào sảng, tự hào như truyền thống bất khuất nghìn đời của dân tộc.
Dù viết về kỷ niệm, về quê hương đất nước hay những đa đoan của cuộc đời, thơ anh vẫn cháy lên niềm tin và ước vọng trong trẻo của con người trước thời đại mình, trước dân tộc và đất nước mình. Những vần thơ như thế cần thiết với chúng ta biết bao nhiêu./.
Hà Công Tài, PGS, TS Viện Văn học
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam