Cách trung tâm Sài Gòn không xa, nằm giữa vùng đất đang đô thị hóa, Ấp 3 chẳng còn bóng dáng gì của một cái làng và Xuân Thới Sơn cũng không còn vẻ gì là một xã thuần nông. Chở tôi đi loanh quanh theo mấy con đường nhà cửa san sát như một khu phố chợ, người lái xe bất ngờ dừng trước một khu vườn và cười: anh thấy đô thị hóa Sài Gòn khốc liệt chưa? Ấp 3 chỉ còn mỗi vùng lõm này thôi. Có thể coi đây là ốc đảo của Xuân Thới Sơn- vườn lan của tỷ phú Trần Văn Xê
Tôi xuống xe. Vườn lan của ông tỷ phú hoa lan nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh hiện ra trước mắt tôi. Không đến mức choáng ngợp nhưng tôi thực sự ngỡ ngàng trước vương quốc hoa lan giữa lòng thành phố này. Đập vào mắt tôi là những đóa hoa đủ màu đang khoe sắc tầm cỡ không kém một vườn lan giữa trung tâm thành phố hoa Đà Lạt. Trong vẻ đẹp rực rỡ của những giỏ lan Hồ Điệp màu tím thủy chung, màu xanh đài các, màu trắng pha tím mơ màng, tôi ngơ ngẩn với vẻ đẹp kiêu sa muôn màu muôn sắc của lan vũ nữ, lan tua, lan tai trâu, lan thiết mộc, lan nam dương. Để lại sau lưng những con đường đầy cát bụi,vẻ đẹp bất ngờ của một vườn lan, được coi là chúa tể của các loài hoa đã mang lại cho tôi cảm giác nhẹ nhõm, thư thái, như đi vào một thế giới khác
Nhưng để có một thế giới mơ mộng như vậy, tỷ phú Trần văn Xê lại trải qua một con đướng hết sức gập ghềnh.Rời vị trí một cán bộ xã, nông dân Trần Văn Xê đón nhận những vận rủi triền miên trong làm ăn. 10 năm lăn lộn với nghề nông, nhưng trời không chiều người. Quay vòng chóng mặt từ nuôi bò sữa, đến nuôi heo, trồng hoa màu, nuôi cá tai tượng, rồi ba ba. Nhưng kết quả vẫn từ lỗ đến lỗ. Một cơ may đã xoay chuyển cuộc đời anh. Đang lúc bức bách, thành phố bất ngờ mở chương trình phát triển hoa lan, cây kiểng. Anh đăng ký tham gia các lớp tập huấn với hy vọng mong manh: thử vượt qua cái vận đen cố hữu của mình. Các cuộc tham quan những mô hình trồng lan thu hoạch mỗi năm hàng trăm triệu đồng đã hấp dẫn anh. Năm 2003, với số vốn 20 triệu đồng,anh quyết định mua 500 gốc lan về thử nghiệm và nếm quả đắng đầu tiên. Do thiếu kinh nghiệm, chỉ lo bón phân tưới nước mà không xịt thuốc. Báo hại cả 500 gốc lan đều bị thối rễ. Ám ảnh thất bại một lần nữa hiển hiện trước mắt người nông dân Trần Văn Xê
Cũng may, trời không tuyệt đường người . Nhờ kiên trì, chăm sóc đúng lúc và đúng cách, 3 tháng sau, 500 gốc lan xanh tươi trở lại và trổ bông đúng một năm sau đó. Nhưng “ phúc bất trùng lai,họa vô đơn chí” . Gần đến ngày thu hoạch, 100 cành lan đầu tiên bị đạo chích khoắng một cú sạch trơn. Buồn vì bị mất trộm nhưng lại vui vì lan trổ hoa. Nghĩa là vẫn có cơ.Lại bắt đầu lại từ đầu. Đêm ngày ăn với lan, ngủ với lan. Đáp lại sự kiên nhẫn của anh, các cây lan tiếp tục ra hoa. “Vụ đầu tiên tôi bán được 400.000 đồng.Số tiền không lớn nhưng tôi mừng lắm. Bước đầu như vậy là thành công” Trần Văn Xê bảo vậy.
Từ những thu hoạch ít ỏi đầu tiên Trần Văn Xê nhận ra tiềm năng của việc nuôi trồng hoa lan. Anh quyết chí chơi ván bài kinh doanh mới với hy vọng trận đánh này sẽ thắng. Đó là lý do khiến quyết định nhân rộng diện tích trồng lan trên phần đất còn lại. Cuối năm 2004 vợ chồng anh bán 20 con bò sữa thu được 150 triệu đồng, một số tiền không nhỏ với một nông dân lúc bấy giờ – đầu tư 1000 m2 gốc lan Mokara và Denzo. Kết quả đạt được vượt toan tính của anh. Với diện tích vườn lan khiêm tốn, anh thu hoạch 20 triệu đồng mỗi tháng.
Từ ao làng Xuân Thới Sơn, nông dân trồng lan Trần Văn Xê có dịp bước vào biển lớn hội nhập. Anh có cơ may được chọn trong đoàn nông dân thành phố Hồ Chí Minh đi học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Thái Lan,một nước có nghề trồng lan và xuất khẩu lan hàng đầu Đông Nam Á. Đúng là đi một đàng học một sàng khôn. Chuyến đi Thái lan đã khiến anh mở rộng tầm mắt. Anh bất ngờ vì việc nông dân Thái áp dụng khoa học kỹ thuật và trồng lan, về quy mô sản xuất lan và cách mà bạn tổ chức tiêu thụ hoa lan. Nhưng điều khiến anh tâm đắc là “ Họ có cả một hiệp hội của người trồng lan. Hiệp hội có quyền ra giá bán chung cho các thành viên. Các thành viên đều tuân thủ giá bán do hiệp hội đưa ra, không có ai bán phá giá. Vì thế thương lái không thể nào ép giá được các nhà vườn. Nhờ đó họ luôn ổn định được thị trường,giá cả và nhất là tổ chức xuất khẩu rất bài bản với số lượng lớn sang rất nhiều nước”- Trần Văn Xê khảng định
Chuyến đi Thái và sau này là đi Đài Loan càng khiến Trần Văn Xê kiên quyết dấn thân để trở thành người trồng lan chuyên nghiệp. Anh dốc túi cho một cuộc chơi lớn hơn: bỏ ra 400 triệu đồng và vay vốn ngân hàng 500 triệu đồng để cải tạo 2000 m2 đất và mua thêm cây giống, nâng diện tích vườn lan lên 3.500 m2. Với vườn lan này khi còn tập trung trồng lan cắt cành, mỗi tuần anh thu hoạch không dưới vài chục triệu đồng. Khi lan được giá, có tháng thậm chí, anh thu được hàng trăm triệu đồng.
Và không chỉ sản xuất hoa lan, sau chuyến đi học học kinh nghiệm nước ngoài, khi đã có nguồn vốn kha khá, năm 2008 anh bỏ ra 500 triệu đồng để xây dựng phóng cấy mô, bắt đầu cuộc chiến mới chiếm lĩnh tri thức. Anh cắp sách theo các lớp học của các chuyên gia cấy mô. Anh mày mò nghiên cứu trong sách vở để tìm hiểu kỹ thuật. Anh nhờ cậy cả sự hỗ trợ hướng dẫn của các chuyên gia từ trung tâm công nghệ sinh học thành phố. Cuối cùng Trần Văn Xê đã thành công trong việc tạo ra những cây lan giống từ phương pháp cấy mô. Lứa đầu tiên 50 ngàn cành lan giống bán hết veo. Đến nay, Trần Văn Xê đã xây dựng được 2 tủ cấy mô. Phòng cấy mô giúp anh chủ động nguồn lan trồng trong vườn nhà, vừa giúp cung cấp lan giống cho thị trường vừa giúp bảo tồn những giống lan quý mà anh tìm được. Thay trồng lan cấy mô bằng trồng lan cắt cành cũng giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn
Thơ thẩn đi dạo trong vường lan của Trần Văn Xê, tôi bất chợt nhớ đến doanh nhân trẻ Nguyễn Hoàng Hòa.Cũng được mệnh danh là vua phong lan nhưng con đường của Nguyễn Hoàng Hòa lại hoàn toàn khác.Không phải bắt đầu từ những thất bại trong kinh doanh như kiểu Trần Văn Xê mà chính từ niềm say mê giải trí. Anh bắt đầu khởi nghiệp từ thú săn tìm, sưu tầm lan. 17 tuổi, chàng trai Nguyễn Hoàng Hòa đã có sở thích khác người: len lỏi vào rừng sâu để kiếm các dò phong lan về trồng ở mảnh vườn nhỏ trước nhà ở Ninh Bình. Anh tâm sự: “lúc ấy tôi chỉ làm theo sở thích, nhưng mỗi ngày nhìn mỗi giàn lan lớn và nở hoa, tôi bị cuốn hút thật sự”. Chính đam mê hoa lan đã khiến anh dồn hết thời gian và tâm huyết với loài hoa này và không ít lần lặn lội vào tận núi rừng Tây Nguyên xa xôi để săn lùng các loài hoa phong lan quý. 20 tuổi với cuộc sưu tầm không mệt mỏi, anh đã có một gia tài nho nhỏ: sở hữu một vườn lan khiêm tốn ở Ninh Bình. Đó chính là lúc anh nhận thức ra rằng hoa lan là loài hoa rất được ưa chuộng và có một thị trường rộng lớn. Ý tưởng kinh doanh nảy ra từ đó. Bắt đầu từ việc làm ăn nhỏ kiểu cây nhà lá vườn, anh mở rộng thị trường ra Hà Nội. Thú chơi tao nhã đã hóa thành cơ hội làm giàu. Anh trở thành tỷ phú hoa lan ở độ tuổi 30,cái tuổi quá trẻ so với những người kinh doanh hoa lan trước đó
Nhưng tất cả mới là sự khởi đầu. Nhãn qua của người làm ăn mách bảo rằng muốn kinh doanh hoa lan theo mô hình lớn và chuyên nghiệp thì phía Nam mới là nơi lý tưởng cả về khí hậu,cơ sở vật chất và thị trường. Năm 2002, anh thực hiện một bước nhảy mà không phải người kinh doanh nào cũng dám làm: bỏ thị trường Hà Nội sau 9 năm làm ăn và chuyển vào lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh, chấp nhận bắt đầu lại từ đầu. Anh đã tính không sai. Thị trường phía Nam và thành phố Hồ Chí Minh trở thành đường băng cất cánh của Hoàng Hòa. Và từ đường băng này anh anh đã tiến ra thị trường quốc tế. Hiện nay anh đang sở hữu 2 vườn lan lớn tại Củ Chi và Tây Ninh với tổng diện tích khoảng 3 hec ta. Công ty hoa lan Hoàng Hòa không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có uy tín với các đối tác nước ngoài. Hoàng Hòa vừa là nơi bán các loại hoa đồng thời cung cấp các giống hoa lan có chất lượng, có giá trị kinh tế cao và cả các dụng cụ, nguyên vật liệu, lưới che, làm giàn, tư vấn kỹ thuật trồng lan cho khách hàng theo một quy trình chất lượng khép kín, được thị trường tín nhiệm.
Cứ làm việc say mê và đi đúng hướng rồi thành công sẽ đến với mình. Có thể coi đó là triết lý kinh doanh của doanh nhân trẻ Nguyễn Hoàng hòa. Với anh, kinh doanh hoa lan không chỉ là nghề mà cón là nghiệp. Có lẽ , đó là lý do khiến cho niềm đam mê hoa lan của vị giám đốc trẻ không hề giảm theo thời gian. Tình yêu ấy thấm vào trong máu khiến cho hoa lan không đơn thuần là mặt hàng để kinh doanh mà là một người bạn tri kỷ không thể thiếu trong cuộc đời. “ mỗi ngày tôi làm việc từ 12 đến 16 tiếng, phần lớn thời gian là gặp gỡ, tư vấn cho khách hàng tại vườn lan. Tuy nhiên tôi chưa khi nào nhàm chán hay chai lý với chúng cả. Công việc chăm sóc lan giờ đã có máy móc và nhân viên đảm nhiệm. Tuy nhiên những lúc rảnh rỗi tôi vẫn thích thú đi chỉnh từng giỏ lan, ngắt bỏ từng lá bị sâu hay chụp hình những giỏ lan đẹp để lưu lại làm kỷ niệm” Nguyễn Hoàng Hòa tâm sự như vậy.
Say mê và khát khao chính phục đã cho anh nghị lực làm việc và ý thức học hỏi không mệt mỏi. Không được đào tạo về kỹ thuật trồng lan và kỹ năng kinh doanh, đó không phải là rào cản. Vượt qua những hạn chế của bản thân, anh tự mày mò tìm hiểu qua sách vở, qua kinh nghiệm của người đi trước. Thời điểm anh bắt đầu kinh doanh gần như không có nơi nào hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc loại hoa này. Tất cả đều là mò mẫm qua những kinh nghiệm và kiểm định thực tế. Không học tập được nhiều điều ở trong nước, anh tìm đường ra nước ngoài mà gẩn hơn cả là Thái Lan và Đài Loan. Câu chuyện “ điếc không sợ súng” của anh khiến nhiều người cười vỡ bụng những cũng thầm phục kiểu làm ăn “ thí mạng cùi” của anh. Lần đầu tiên một mình lần mò qua tận Thái Lan là kỷ niệm không thể nào quên. Với vốn liếng tiếng Anh bằng không và số từ Thái ít ỏi học trong một tuần anh lần mò đến một chủ nhà vườn nhưng chủ vườn chẳng hiểu anh muốn gì. Bất lực, anh trở về khách sạn,ôm cuốn từ điển thức suốt đêm và làm cái việc “ không giống ai” : viết ra một bài văn bằng tiếng Thái. Bài diễn văn thất bại vì không ai hiểu gì. Nhưng ông chủ vườn cảm nhận được tấm lòng của anh. Chuyến mang chuông đi đấm nước người cuối cùng cũng thành công. Anh bắt đầu học được những kinh nhiệm trồng lan của các nhà vườn Thái Lan. Một kế hoạch hợp tác quốc tế lâ dài đã mang lại những kết quả kinh doanh mỹ mãn cho ông chủ trẻ.
Rời vườn lan của tỷ phú Trần Văn Xê và vườn lan của Nguyễn hoàng Hòa mà tôi có dịp ghé qua,tôi cứ nghĩ mãi về một mô hình cho hoa lan thành phố Hồ Chí Minh. Bây giờ, kinh doanh hoa lan đã trở thành một ngành kinh tế phổ biến và phát triển và đang được nhân rộng ở thành phố nhưng vẫn còn nhỏ lẻ và khiêm tốn. Trong tương lai, ngành sản xuất và xuất khẩu hoa lan phải trở thành ngành sản xuất chủ lực của nông nghiệp mang lại nhiều ngoại tệ. Sẽ xuất hiện nhiều tỷ phú hoa lan mà Nguyễn hoàng Hòa và Trần Văn Xê chỉ là những nhân vật mở đường. Tôi hiểu những ước mơ đau đáu của các anh: ước mơ Việt Nam trong đó có thành phố Hồ Chí Mnh trở thành một cường quốc hoa lan như kiểu Thái Lan. Nghĩa là quy mô trồng sẽ phải lớn hơn, áp dụng những công nghệ hiện đại hơn, có một Hiệp hội thống nhất để điều khiển giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi của người trồng lan. Chỉ có như vậy, nghề trồng lan mới thực sự cất cánh, góp phần làm giàu cho đất nước.