Thứ Hai, 21/04/2025
27.8 C
Ho Chi Minh City

Huyền Thoại Côn Sơn

Chưa kịp hoàn hồn khi bước khỏi chiếc Boeing 747 vừa đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, tôi đã nghe tiếng điện thoại di động reo. Đầu bên kia, tiếng Hà Cừ, Tổng biên tập báo Hải Dương vang lên:

  • Nghe nói ông ra Hà Nội phải không? Bây giờ đang ở đâu?

Tôi cười:

  • Ông thiêng thế! Tôi vừa xuống máy bay và mở điện thoại xong. Khoảng 3 giờ sẽ về đến Hà Nội.

Hà Cừ rối rít:

  • May quá! Vậy ông đi thẳng Hải Dương đi. Có nhớ ngày hôm nay là ngày gì không?

Tôi ngơ ngác:

  • Ngày gì?
  • 16 tháng 8.

Tôi ngẩn người. 16 tháng 8, làm sao tôi lại quên được nhỉ? Ngày diễn ra vụ án thảm khốc Lệ Chi Viên. Ngày giỗ vủa ức Trai tiên sinh, người anh hùng, nhà văn hoá, mgôi sao Khuê lấp lánh mà Lê Thánh Tôn đã ca ngợi “ức Trai Tâm Thượng Quang Khuê Tảo” và cũng là nỗi đau của một thời – sự mù loà đáng xấu hổ của lịch sử?

Tiếng Hà Cừ rất vui:

  • Ông về đi. Đêm nay có thể ngủ ở Côn Sơn. Ngày mai tỉnh sẽ tổ chức trọng thể khánh thành đền thờ Nguyễn Trãi đúng vào ngày giỗ lần thứ 560 của ông. Tổng Bí thư về rồi. Với lại, ông sẽ có dịp kiến nữ Bí thư Tỉnh uỷ. Đây là lần đầu tiên tỉnh Hải Dương có nữ Bí thư.

Tôi nhận lời:

  • Rồi, rồi! Tôi sẽ về. Nhưng ngay chiều nay thì chưa biết có được không. Thôi, thế này vậy, để sáng mai tôi đi sớm.

Nhưng tôi không đi sớm được. Ngồi trên xe, lúc xuất phát, nhà báo Nguyễn Cao Minh, bạn đồng hành với tôi, giơ tay xem đồng hồ:

  • Đúng 6 giờ, còn kịp chán. Chỉ khoảng 7 giờ là sẽ đến Hải Dương. Sang Côn Sơn mất thêm 30 phút nữa.

Cậu lái xe hoạ thêm:

  • Chú yên tâm. Giờ này vắng và chưa kẹt xe. Mà, đường 5 và đường 18 bây giờ không thua gì các xa lộ ở nước ngoài. Bảo đảm chỉ hơn 1 tiếng là đến Côn Sơn.

Cậu lái xe nói có lý. Qua cầu Chương Dương, xe chúng tôi chạy bon bon trên con đường cao tốc êm ru, có cảm giác như không có một ổ gà nào. Nhìn những ngôi nhà hai bên đường lao vùn vụt về phía sau, Cao Minh quay sang tôi cười:

  • Anh còn nhớ năm anh em mình đi Đồ Sơn dự hội chọi trâu không? Xuất phát cũng gần giờ này nhưng đến quá nửa đêm xe chưa tới Hải Phòng. Đường 5 lúc ấy được mệnh danh là con đường khủng khiếp.

Vâng! Con đường khủng khiếp thật. Chính tại con đường này, bên dốc cầu Phú Lương tai nạn đã cướp đi của chúng ta hai nhà thơ tài năng: Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Mới đó mà đã 9, 10 năm. Bây giờ, con đường kinh hoàng đối với người lưu thông đã trở thành con đường mơ ước của cánh lái xe. Tôi ghé nhìn đồng hồ tốc độ: 100 km/giờ. Vượt qua Phú Thuỵ, Như Quỳnh, Bần Yên Nhân, Phố Nối, Cẩm Giàng… đúng 7 giờ 5 phút xe đã tới trước cửa toà soạn báo Hải Dương. Hà Cừ đang đứng chờ. Anh vui vẻ bắt tay chúng tôi:

  • Thôi, đi. Giờ mình ghé sang đón Nguyễn Văn Tâm. Từ sáng sớm hôm nay, trời lắc rắc mưa. Năm nào cũng vậy, đúng vào ngày này trời lại mưa. Các cụ bảo, đó là mưa rửa đền.

Tôi lặng đi. Mư rửa đền. Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ, không lú giải được. Phải chăng trời đất cũng muốn tăn gội tinh khôi để tẩy sạch bụi trần trước ngày lễ giỗ của ông? Hay khí thiêng của núi sông giàu lòng bao dung muốn dành nguồn nước thanh thiên rửa sạch nỗi oan khuất của người anh hùng bạc mệnh?

Cái vỗ vai của Hà Cừ làm tôi giật mình:

  • Qua nhà Tâm phải vòng lại một chút, nhưng không sao. Khoảng 8 giờ mình sẽ tới Côn Sơn. Giờ này Tổng Bí thư còn đi trồng cây bên đền thờ Trần Hưng Đạo. Khai mạc, có sớm cũng phải 8 giờ 30.

Nhưng 8 giờ 30 lễ giỗ vẫn chưa bắt đầu, dù tất cả đã sẵn sàng. Bước ra khỏi xe, nhìn lên núi Ngũ Nhạc, tôi choáng ngợp trước dáng vẻ uy nghi của ngôi đền mái đỏ cong vút ẩn hiện sau rừng cây. Trong màn mưa bụi bay mờ ảo, tôi như mê đi trước mắt những rừng thông reo bạt ngàn. Hình như, khí thiêng của trời đất hôm nay đều hội tụ về đây, trong cái thế “rồng cuận hổ ngồi”. Phía bên kia là Côn Sơn – ngọn núi hình con kỳ lân nằm phủ phục và chùa Hun gắn với những tên tuổi Huyền Quang, Nguyễn Bặc, Trâng Nguyên Đán. Sát Côn Sơn là núi Rùa, nơi có đền thở Nguyễn Thái Học, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Xa hơn nữa là đền Kiếp Bạc, nằm trong thung lũng núi Rồng, bên bờ sông thương, thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn! Phía Nam núi Ngũ Nhạc là dãy núi Phượng Hoàng trông như có hình đôi chim đang múa – nơi dựng đền thờ Chu Văn An, người dâng “thất trảm sớ” đòi chém 7 tên nịnh thần nhưng không được chấp nhận đã trao ấn từ quan về ở ẩn sống cuộc đời thanh bạch.

Tiếng giới thiệu của Hà Cừ cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:

  • Khu đền thờ này được xây dựng trên diện tích 10.000m2, gần mười lăm hạng mục. Đây là cầu đã trắng – được mang về từ núi Nhời, Thanh Hóa, 1 trong 9 hạng mục làm thành trong giai đoạn 1, cùng với đền thờ chính, hai nhà tả, hữu vu, Tam quan. Năm 2003 dự kiến sẽ hoàn thành thêm 6 hạ mục: nhà bia, am Thanh Hư, nhà Nguyễn Trãi, cầu Thống Ngọc… Tổng dự toán công trình là 19 tỷ đồng. Khởi công chính thức từ 14 -12 – 2000, nhưng ý tưởng về ngôi đền đã được nung nấu từ trước đó rất lâu.

Phải, rất lâu. Một ý tưởng bắt đầu từ nỗi đau đáu của Đảng bộ Hải Dương đối với nơi thờ phục bậc hiền tài. Nhưng xa hơn, nó bắt đầu từ nỗi khát khao cháy bỏng của nhân dân. Câu hỏi: “Vì sao một víx nhân tài đức công lao to lớn phi thường như Nguyễn Trãi lại chưa có một đền thờ riêng trong khi cả nước đâu đâu cũng có đền thờ những người có công với nước” đã day dứt khách hành hương về Côn Sơn suổt gần 600 năm chưa lúc nào nguôi. Câu hỏi ấy chỉ có lời đáp trong vận hội mới của đất nước, của lịch sử khi mà “quốc đã thái, dân đã an” – Cái lý tưởng suốt đời Nguyễn Trãi đã dấn thân. Vượt qua cái bãi lầy mênh mông của tư tưởng nho giáo, ông bước vào đại lộ của nhân dân. Nhưng chỉ cho đến bây giờ, nỗi đau của ông mới được rửa sạch bằng chính chân lý nhân dân trong tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân là gốc nước”.

Kéo tay tôi qua chiếc cầu đá cong vắt ngang suối Côn Sơn, khoát tay chỉ toàn cảnh khu đền – Nguyễn Văn Tâm gật gù:

  • Ý Đảng hợp với lòng dân nên quyết tâm nhanh chóng trở thành hành động. Ngày 30 – 8 – 2000, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Văn Điềm ký quyết định đồng ý chủ trương xây dựng đền Nguyễn Trãi tại Côn Sơn. 9 – 11 – 2000, UBND tỉnh Hải Dương phê chuẩn đề án nghiên cứu khả thi, thành lập ban chỉ đạo xây dựng đền thờ. Và sau đó là cả một quá trình tìm kiếm công phu, khoa học để lựa chọn địa điểm.

Đến lượt các nhà khoa học vào cuộc. Nhiều cuộc thực địa, tìm kiếm, trao đổi phân tích, chỉ để tìm ra một vị trí “đắc địa”. Tôi được biết bên cạnh Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Chiền, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Trọng Nhưng, Côn Sơn còn ghi nhận tâm huyết của Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Nguyễn Khoa Điềm, cục trưởng cục Bảo tồn – bảo tàng Đặng Văn Bài, Trưởng phòng Di tích Nguyễn Thế Hùng, Uỷ viên Hội đồng Khoa học bảo tồn – bảo tàng nhà nước Trần Lâm Biền, Tổng Thư ký Hội sử học Việt Nam Dương Trung Quốc. Bắt đầu từ nền nhà cũ Nguyễn Trãi, gần Thạnh Bàn Lớn, nơi Nguyễn Trãi từng dựng một ngôi nhà lá đơn sơ, “múc nước sôi nấu trà và gối đầu lên đá mà ngủ”, một khoảnh đất hẹp ở lưng chừng núi, không phù hợp với việc dựng đền, đến khu nhà của Trần Nguyên Đán ở động Thanh Hư, nơi Nguyễn Trãi sống những ngày hạnh phúc cùng ông ngoại và thân mẫu là Trần Thị Thái. Và cuối cùng, sau nhiều tháng khảo sát, đã tìm ra vị trí lý tưởng có thể coi là “thiên thời, địa lợi” dưới chân núi Ngũ Nhạc thuộc Thanh Hư Động, nhìn thẳng ra hồ Côn Sơn, nằm giữa núi Phượng Hoàng và núi Trúc Thôn. Một sự trùng hợp lý thú: Lúc khởi công xây dựng đền, nhóm thi công đã phát hiện ra nền móng kiến trúc cổ đúng vị trí của công trình chính và tìm được một số hiện vật có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15. Theo dự đoán của các nhà khoa học, có thể đây chính là dấu tích đền thờ bà Trần Thị Thái, được xây dựng theo ước nguyện của Ức trai tiên sinh: Khi nào hết nạn binh đao sẽ về Côn Sơn dựng đền thờ cho thân mẫu ông.

  • Từ khởi nghĩa công đến khánh thành giai đoạn 1, thời gian chưa đầy hai năm. Với một công trình tầm cỡ như thế này, liệu có quá nhanh không? – Tôi giật mình khi nghe tiếng hỏi của Cao Minh.

– Nhanh – Hà Cừ gật đầu xác nhận – Các đơn vị thi công đã phải nỗ lực vượt qua những khó khăn về thời tiểt, địa hình phức tạp, khối lượng công việc lớn – nhưng đúng kế hoạch tiến độ và đảm bảo chất lượng. Tư tưởng chỉ đạo được đặt ra là: Công trình kiến trúc và thiết bị nội thất phải vừa là tác phẩm kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu theo phong cách truyền thống dân tộc, vừa phù hợp với cảnh quan Côn Sơn, vừa làm tăng giá trị văn hóa, tâm linh cho khu di tích vừa thể hiện được tâm hồn gắn bó hài hoà với con người, với thiên nhiên của Ức Trai. Cái khó của công trình là không thể quá nhỏ nhưnưg cũng không lớn đến mức lấn át cảnh quan xung quanh và trái với nếp sống thanh bạch, gần gũi nhân dân của ông.

Tư tưởng ấy đã được quán triệt đến từng cơ sở. Lại những cuộc hội thảo để tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà kiến trúc. Nhiều cuộc tham quan, học hỏi tại một số công trình kiến trúc cổ như chùa Tây Phương, chùa Kim Liên, Văn Miếu Quốc Tử Giám, đình Nhân Lý. Những cuộc tham khảo ý kiến của các chuyên gia nghiên cứu mỹ thuật, tôn giáo, văn hóa, và sau đó là sức mạnh của nhiều thứ quân. Nhiều đơn vị chuyên ngành về tu bổ xây dựng các di tích và công trình văn hóa. Hàng ngàn nghệ nhân tay nghề cao của các làng nghề truyền thống từ Hải Dương, Hà Tây, Nam Định. Nhưng cao hơn cả là sức mạnh tâm linh của những con người đã biến giấc mơ thành hiện thực. Để bây giờ đến đây, ngắm mái ngói móng rồng, phục chế theo mẫu ngói lam kinh thời Hậu Lê; trong những chi tiết chạm khắc tứ linh, tứ quý theo phong cách Lê Nguyễn; đặc biệt là trong bức tượng đồng Nguyễn Trãi, tôi có cảm giác như sờ mó được cái thần thái của một bậc đại nhân, đại nghĩa, một trí thức uyên bác, một nhà nho có khí phách và tiết tháo thanh cao, phong thái ung dung như tiên ông trong toà ngọc theo cách nói của Nguyễn Mộng Tuân. Và sau ông là cái cốt cách cao vọi của cả một dân tộc.

Tôi ngồi lặmg im, cả rừng người cũng lặng im. Lễ giỗ bắt đầu sau tiếng chiêng trống âm vang và khói hương ngào ngạt. Tất cả như chìm đi trong không khí thành kính, nghiêm trang. Tôi nhìn xung quanh. Có một cái gì đó nhói lên khi bài văn tế của Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Oanh nhắc đến vụ huyết án Lệ Chi Viên, nỗi đau đớn nhất trong lịch sử đất nước. Các giả thuyết nghi án chỉ nói đến nguyên nhân trực tiếp, còn nguyên nhân sâu xa? Bệnh đố kỵ, kiêu ngạo nông dân của triều thần? Thói bội bạc với quá khứ của người đã bước lên nấc thang cao nhất của danh vọng hay sự tha hóa của một giai cấp khi cầm quyền? Bất giác, tôi ngửa mặt nhìn lên bầu trời. Trong ánh sáng tinh khôi của trời đất sau cơn mưa, mỗi gương mặt người quanh tôi bừng sáng như những ngôi sao. Và trong bầu trời sao muôn sắc ấy rực lên ánh sáng rực lên của ngôi sao khuê. Dường như ở đâu đó thấp thoáng bóng dáng các bập tiền nhân, những tao nhân mặc khách: Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tôn, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Phạm Ngũ Lão và cái thế đến “ hành sáo giang sơn cáp kỷ thu” được đo bằng kích thước của đất trời, an nhiên bước vào lịch sử và trở thành nhân loại. Tự nhiên tôi thấy có gì gờn gợn trên da. Phía trên kia, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng văn – Thông tin Phạm Quang Nghị, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thị Kim Ngân đã bước lên bục cắt bang khánh thành. Trong giờ phút có một không hai ấy, tôi bỗng thấy lát kéo của Tổng bí thư run lên, vì xúc động hay vì cái gì đó nữa thì tôi không rõ.

Tiếng chiêng trống đã ngừng lại. Chẳng hiểu sao lúc này trước mắt tôi chỉ còn bóng chiếc áo đỏ dài duy nhất của nữ bí thư tỉnh uỷ – người phụ nữ xinh đẹp của xứ dừa Bến Tre trên đất tỉnh đông, niềm kỳ vọng một cuộc “Đồng khởi kinh tế” của Hải Dương. Tôi lắng nghe những âm thanh đều đều lọc từ trong đất câu chuyện về một tình yêu đẹp như huyền thoại. Một nho sinh nghèo dậy học yêu cô học trò vốn là tiểu thư đài cát một gia đình danh gia vọng tộc. Kết quả của tình yêu là cô gái mang thai. Chàng trai hoảng sợ bỏ trốn nhưng cha cô gái đã không chối bỏ tình yêu của anh. Vượt lên trên những luật lệ nghiêm ngặt của Hoàng tộc và những giáo điều hà khắc của nho gia, ông đã tác hợp nhân duyên cho đôi trai tà , gái sắc. Quan niệm mới mẻ về tình yêu đi trước thời đại của ông không chỉ sản sinh cho cuộc đời một vĩ nhân kiệt xuất mà còn mở ra một trong những trang rực rỡ nhất trong hành trình đầy trông gai của nhân dândi tới tự do và độc lập.

Tôi như chìm trong cái cảm giác hư hư thực thực. Mây vẫn mờ ảo một góc trời. Chảy qua trước mặt tôi là những bông hoa – mặt người – cái sức mạnh có thể “chở thuyền và lật thuyền” theo cách nói của Ức Trai tiên sinh – những người lúc nào cũng mang trong mình “đức hiếu trung cuồn cuộn nước triều đông” như tấm long son sắc của ông. Tôi bỗng chợt hiểu ra một chân lý thật giản đơn: Lịch sử luôn là một dòng chảy không ngừng. Dòng chảy ấy thấm đẫm trong máu thịt của mỗi cá nhân , những hạt cát mang trong mình cảm giác của đại dương, chảy liên tục từ quá khứ tới tương lai, làm nên sức sống bất diệt của mỗi dân tộc.

 

 

 

 

 

Xem thêm những bài khác:

Chính khách-đời thường

Xem bức ảnh của Giản Thanh Sơn Chụp cuộc gặp...

Kỷ niệm không quên

Khi đăng bài về Tổng bí thư Lê Duẩn...

Trang Thế Hy- Ngòi bút quả tim

Nhân 100 năm ngày sinh nhà văn Nam bộ...

Thất trận trên sân nhà ?

Truyền thông đưa tin : Trong 9 tháng đầu...

Nguyễn Khắc Trường-lưỡi dao mổ nhân văn

Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khắc Trường   Từ giã “...

Đốt lửa tìm trầm

Lúc mang ngành “ Quan hệ công chúng “...

Trang sử không tim

      Em lặn lội trên trang sách của cha ông Tìm...

Ngồi mát ăn bát vàng

Vậy là cái kim trong bọc đã lòi ra. Câu...

Mới nhất