PV:Thưa ông, ba mươi năm trước đây, ông – chàng cử nhân khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đã hăm hở lên đường vào Nam theo tiếng gọi của Tổ quốc vào một ngày tháng 4/1971. Ở lứa tuổi đôi mươi hẳn ông cũng như nhiều chàng trai khác, “ Ra đi để lại một mối tình” hay lại giống như Kinh Kha “ Ra đi đầu không ngoảnh lại”?
Nhà báo, nhà thơ Dương Trọng Dật: Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên trong những năm đất nước có chiến tranh. Có điều lạ là hình như cuộc sống càng gian khổ thì người ta càng lãng mạn. Chất lãng mạn được nhân lên vì chúng tôi là sinh viên Tổng hợp Văn. Ở lứa tuổi đẹp nhất trong đời con người, như các chàng trai khác, tôi cũng có một “ mối tình vắt vai”. Không hẳn giống người anh hùng Kinh Kha nhưng lúc ấy quả thật tôi rất thích câu thơ:
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy
Có thể nói, câu thơ ấy đã theo chúng tôi suốt những năm tháng chiến tranh. Và, cũng giống như các bậc đàn anh Thâm Tâm,. Quang Dũng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, chúng tôi ra trận, “ đầu quay đi nhưng tim ngoảnh lại”. Tình yêu, một phần tất yếu của cuộc sống tươi trẻ đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành yêu quê hương, đất nước đối với thế hệ chúng tôi.
Chúng tôi, thế hệ sau có nghe nói rằng: những ai đã đi B vào thời gian ấy, nếu có “ mối tình vắt vai” thì cũng giã biệt không lời hứa hẹn? Rồi trong chiến tranh nếu mà yêu thì sữ bị kỷ luật? Chẳng lẽ phải nghiêm túc tuân thủ triệt để như vậy sao? Có nhiều người nghe kể mà không tin đó là sự thật! Nhưng chắc trong chiếc balô của ông đâu đó vẫn ẩn giấu một vài bài thơ tình cùng ông đi dọc dãy Trường Sơn?
Khóa IV lớp viết Văn trẻ chúng tôi có hơn 70 anh chị em, trong đó không dưới 50 chàng trai coo gái ở độ tuổi 20. Chưa ở đâu và chưa bao giờ chúng tôi nghe nói yêu trong chiến tranh sẽ bị kỷ luật và không có ai bị kỷ luật vì yêu. Rất nhiều người bạn trong số chúng tôi ra đi với những mối tình công khai đẹp như trong tiểu thuyết. Nếu có người lên Ngựa, kẻ chia bào thì cũng chỉ là sự tự giác, của chúng tôi bởi cuộc chiến tranh khá khốc liệt: bước chân đi không ai nghĩ mình sẽ quay trở lại. Nhưng giã biệt mà không vĩnh biệt. Tình yêu đã cho chúng tôi sức mạnh để bước vào cuộc chiến tranh. Trong những “ gia sản” tinh thần dưới đáy balô, quả có một bài thơ đã theo tôi suốt những ngày xẻ dọc Trường Sơn. Bài thơ Bắt đầu bằng nhừng câu vụng về như thế này:
Hai đưa nhìn nhau không nói
Bầu trời, hóa đá lặng im
Hoa xoan tím chiều thương nhớ
Nghe mắt nói lời quả tim…
Trong những tháng ngày gian khổ ấy, đối diện với bom đạn khốc liệt của kẻ thù, với căn bệnh sốt rét ác tính hiểm nghèo cùng muôn vàn khó khăn khác, ông đã viết bài thơ Đi trong tiếng em cười: “ Tiếng cười bay ngang rừng; Ùa như dòng thác; Ùa ra gió mát, Xuyên qua đạn qua bom…” Lạc quan là thế! Nhưng chỉ lạc quan thôi thì chưa đủ…
Vâng! Đúng là lạc quan thôi chưa đủ. Chiến tranh là một tình huống đặc biệt. Nó đòi hỏi con người phải huy động tất cả các phẩm chất đặc biệt mới có thể vượt qua được. Nhưng nếu bi quan con người sẽ gục gã ngay khi đối mặt với những thử thách đầu tiên. Chủ nghĩa bi quan giống như những con mọi đục rỗng thân gỗ. Nó tàn phá cả thể xác và ý chí con người. Viết về con đường vượt Trường Sơn, nhà thơ Lê Giang đã có một câu thơ rất nổi tiếng mà tôi rất tâm đắc: Tôi đi bằng đầu không đi bằng chân.
Dường như ông gắn bó, duyên nợ nhiều với văn chương, thi ca. Từ tập thơ “ Khoảng trời chiến sĩ”, “ Những vần thơ trái mùa’ đến tập truyện “ Người đồng hành” rồi tiểu thuyết “ Chuyện tình sau chiến tranh” thế mà cuối cùng ông lại theo nghề báo. Hẳn có cơ duyên hay đó là chuyện tình cờ của số phận?
Cuộc đời tôi là một con đường dzíc dzắc, không phải do tình cờ mà là do sự lựa chọn cá nhân. Mê văn chương từ nhỏ nhưng vào đại học tôi lại học ngôn ngữ. Theo khóa bồi dưỡng những người viết trẻ để bổ sung cho lực lượng văn nghệ giải phóng, nhưng vào chiến trường tôi lại “nhảy” sang làm tuyên huấn, cán bộ cơ sở, phong trào, . Sau năm 1975, được chuyển về làm Biên tập viên báo Văn Nghệ Giải Phóng nhưng tôi quyết định chuyển sang giảng dậy ở trường Đại học Tổng hợp TP.HCM. Làm báo là sự lựa chọn cuối cùng của tôi. Chỉ có điều, có lẽ do “ chọn” nhiều quá, dường như tôi chỉ chọn được vài “ hạt lép”. Bây giờ phải đến tuổi “ tri thiên mệnh”, tôi mới thấm thía hết câu đúc kết của ông cha ta “ Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề”.
Xuân Sách từng nói vui; “ Văn thì viết bịa như thật, còn báo thì viết thật như bịa”. Với ông đâu là sự khác biệt giữa các loại hình này? Làm thế nào mà ông có thể làm công tác tòa soạn, vừa viết báo, lại vừa sáng tác văn, thơ? Có bao giờ, chẳng hạn, trong một đêm khuya, “ cả ba vị khách này” cùng gõ cửa tâm hồn Dương Trọng Dật. Vào lúc ấy là “vị khách đầu tiên” của ông?
Sẽ không có báo cũng chẳng có văn nếu không có sự thật. Những cảm xúc lãng mạn, những tưởng tượng bay bổng nhất cũng có cơ sở từ sự thật. Nếu có sự khác biệt giữa hai loại hình này có lẽ là thế này chăng: Báo chí phản ánh sự thật còn văn chương là sự sáng tạo trên cơ sở sự thật như nó phải có. Tôi không tán thành quan điểm cho rằng nghề báo làm hại nghề văn. Nhiều bậc tiền bối như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Lan Khai đều vừa làm báo vừa viết văn và nghề nào cũng rất thành công. Hiện nay, cũng có nhiều nhà báo viết văn và nhiều nhà văn làm báo. Đa đoan thì phải đèo bong, nhưng bí quyết không có gì bí mật; lao động khoa học và lao động không ngừng.Với riêng tôi, làm báo là nghề, làm văn là nghiệp. Làm báo là chức trách, viết văn là cảm hứng! Chức trách là bổn phận để hoàn thành. Chỉ có cảm hứng mới đến bất ngờ. Và đương nhiên, nó thường là “ vị khách đầu tiên”m vị khách không mời mà đến.
Trong bài thơ “ Một nửa sự thật” bài thơ có tình về viết báo tết, ông viết: “ Nào phải tôi mưu toan cắt xén cuộc đời em; Tôi mài mòn tròn em như hòn bi; Chỉ là để em vừa theo khuân mẫu; cái khuân thước sáo mòn mà tôi đã từng quen”. Dường như ông là người không tán đồng quan điểm làm báo “ Định khuôn, tính chữ”? Đấy là nói về độ dài ngắn của một bài báo. Còn theo ông dân là yếu tố quyết định để nhà báo có thể viết một bài báo thành công.
Thực ra ý tứ bài thơ chỉ là thế này thôi: đừng nên giáo điều mô hình hóa con người vì mỗi con người là một thực thể sinh động. Còn làm báo, nhất là làm báo hiện đại rất cần tính chữ, định khuôn. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, người đọc không có thời gian để đọc dài. Nhưng yếu tố quyết định thành công của một bài báo chủ yếu không phải ở độ dài ngắn. Nó phụ thuộc vào khả năng phát hiện sự thật và tâm huyết mỗi nhà báo gửi gắm vào đó. Nếu nói theo ngôn ngữ của văn chương thì mỗi bài báo đều cần một “ con mắt của quả tim”.
Ông có bài thơ xuân mà nhiều người yêu thích:
“ Ai đốt mùa đông trong vàng rực sắc mai
Nghe ngoài ấu đào phai trong sương giá
Phút chuyển giữa hai mùa đất trời như trở dạ
Có một nửa mùa xuân
Ai đánh đắm trước hiên nhà…”.
Đọc xong, không ít người hỏi tại sao ông lại đặt tên bài thơ hay như thế là “ Nửa khúc thơ xuân” mà không phải là “ Khúc thơ xuân”? phải chăng cảm giác mất mát dấu ấn của những năm tháng chiến tranh, luôn đeo đẳng ông!?
Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Bắc, nửa đời sống chiến đấu và làm việc ở phương Nam. Tôi yêu hoa mai những cũng rất yêu hoa đào. Không đến nỗi ngày Nam đêm Bắc nhưng ăn tết ở miền Bắc thì nhớ hoa mai ở phương Nam, còn ăn tết ở miền Nam thì nhớ hoa đào ở phương Bắc. Hương vị mùa xuân, vì vậy, bao giờ cũng chỉ là một nửa. Còn chiến tranh? Vâng! Đó là một đề tài luôn luôn ám ảnh những sáng tác của tôi. Thế hệ chúng tôi đã gửi một phần đời thanh xuân trong cuộc chiến. Nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại trên đất chiến trường, trong đó có người anh mới 26 tuổi của tôi. Cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, luôn là món nợ tinh thần mà những người cầm bút không dễ gì một sớm một chiều có thể trả hết được.
Theo ông, trong sáng tác văn thơ, báo chí, “ tựa đề” đóng vai trò thế nào trong việc chuyển tải sức mạnh của nội dung?Có bao giờ ông phải “ đánh vật” để tìm một tựa đề ưng ý?
Có người nói tên là một nửa tác phẩm. Tôi cũng nghĩ vậy. Không phải cái tên nào cũng đủ sức chuyển tải nội dung nhưng nó có tầm quan trọng đặc biệt với cả báo và văn. Chỉ có điều khác; tên tác phẩm văn học luôn có xu hướng vươn tới cái khái quát nhằm chuyển tải tư tưởng chủ đề, còn ít tác phẩm báo chí lại thường gắn với một định lượng rất cụ thể. Với ý nghĩa đó, việc ‘ vận lộn” để tìm một cái tên cho tác phẩm là chuyện thường xuyên xảy ra.
Trong “ Những ngôi sao con gái” tiểu thuyết viest về đồng đội của ông có nhiều chi tiết đắt giá, xúc động. Nhưng bạn đọc vẫn muốn biết, sau chiến tranh ông và các bạn vào ngày 15/4 hàng năm ( ngày ông và bạn bè lên đường vào Nam) có ta Hồ Hoàn Kiếm như lời ước hẹn?
“ Những ngôi sao con gái” thể hiện những năm tháng gian khổ trong cuộc đời chúng tôi, một thế hệ đã đi qua chiến tranh. Với tôi, đó là những năm tháng không bao giờ quên. 30 năm qua, dẫu không có điều kiện ra Hồ Hoàn Kiếm như lời hẹn ước nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên tổ chức kỷ niệm vào đúng ngày 15 – 4. Thắp một nén nhang cho những người bạn đã hy sinh. Ôn lại những kỷ niệm hào hùng của một thời. Nhắc nhau sống như mình đã sống. Và cũng có một tự hào nho nhỏ; Nhóm 15 -4 chúng tôi cũng có đôi người thành đạt và không ai phải xấu hổ với lương tâm.
Một câu hỏi có phần tò mò, ông quan niệm thế nào về điểm tựa và tài năng? Và với riêng ông, thì sao?
Không có một tài năng nào lại không bắt đầu từ một điểm tựa. Đó là Tổ quốc, Nhân dân, Gia đình, trong đó có một nửa thứ hai là người bạn đời của mỗi tài năng. Newton nói: Hãy cho tôi điểm tựa về tinh thần. Tôi không có tham vọng và càng không đủ sức nhấc bổng trái đất như Newton. Mỗi sự nghiệp đều đòi hỏi một tài năng tương xứng. Một chút gì đó mà tôi làm được chủ yếu cũng là do lao động và quan trọng hơn là chỗ dựa của mỗi “ hậu phương” vững chắc sau lưng mình.
Năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ III sắp qua đi. Nếu có một điều ước và một lời khuyên ( với các nhà báo trẻ) thì đó sẽ là những lời gì?
Có một câu thơ không biết anh có nhớ của ai không:
Năm tháng cứ trôi qua
Cái già xồng xộc tới.
Nhưng tôi thích nói theo kiểu Nguyễn Công Trứ: 30 năm trước, tôi 20 tuổi. Nếu có một điều ước thì tôi ước kéo lùi thời gian để có thể làm được nhiều hơn những việc mình chưa kịp làm. Tôi không dám làm các việc to tát là khuyên răn các bạn trẻ. Nhưng có điều rút ra từ thế hệ tôi may ra có ích cho các bạn trẻ chăng: Sống có lý tưởng, yêu và làm việc hết mình và cũng là con đường để trở thành những người hữu ích đối với xã hội, với cuộc sống.
Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi.
(Nghề báo Xuân 2002)